Xét mình dưới ánh sáng của Lòng Thương Xót Chúa

self-reflection

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành. 

Chuyện kể rằng, một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào tật đó, ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh. Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha!”. Thật lạ lùng ! Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”. 

Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.

Hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá đang ban phép lành và ơn tha thứ cho tội nhân như một biểu tượng về lòng thương xót của Chúa. Đồng thời, chúng gợi nhớ trong ký ức chúng ta về một câu nói của Đức Phanxicô: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt mỏi khi tha thứ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 3). Quả thật, lòng thương xót của Người lớn hơn mọi tội lỗi thế gian cộng lại. Thế mà đôi khi chúng ta đã thất vọng vì lòng thương xót ấy. Nếu Chúa sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi, chúng ta cứ việc phạm tội vì lòng thương xót của Người thật vô bờ sao ?

Chuyện kể rằng có một bé gái chừng 12 tuổi đến tòa cáo giải để xưng thú tội với một linh mục. Em xưng: con đã hái trộm 2 quả ổi ở nhà hàng xóm. Sau khi khuyên bảo hối nhân, vị linh mục ra việc đền tội: “Con đọc hai kinh Kính Mừng”. Nghe xong, em nói với cha giải tội: “Xin cha cho con  được phép đọc 3 kinh luôn, vì nhà ấy còn một quả ổi nữa, ngon lắm !”…

Chúng ta cũng thường hay vướng vào lỗi này như em bé kia. Chúng ta vẫn chưa chừa tội cho đủ và còn dính bén dịp tội. Đôi khi, những yếu tố này khiến ta trì trệ trong đời sống tâm linh. Vấn nạn này sẽ được hướng dẫn từ thánh Inhaxiô, Tổ Phụ dòng Tên, khả dĩ giúp chúng ta vượt qua phần nào.

Có 3 yếu tố cần xét đến trong một lần kiểm điểm hằng ngày: đối tượng, không gian thời gian. Chúng ta sẽ phân tích từ ví dụ vừa nêu:

-Đối tượng: trái ổi.

-Không gian: tại nhà hàng xóm.

-Thời gian: sau khi đi học về.

Một khi đã xác định rõ các giới hạn trên, chúng ta cần đưa ra một quyết tâm hầu tránh tái phạm việc hái trộm ổi này.

Những lập luận cần phải có khi chúng ta xét đến vấn đề dựa trên luật luân lý. Hái ổi trộm của người khác là phạm đến đức công bằng; điều này không được phép. Từ đó, nó giúp chúng ta ý thức việc tôn trọng của cải người khác, và tôi chỉ được hưởng dùng những gì của mình. Thế nên, sau khi đi học về, tôi phải ý thức rằng mình đã phạm lỗi lần trước vào thời điểm này, và cần tránh xa dịp tội. Mà dịp tội tôi cần tránh đó là cây ổi nhà người hàng xóm. Vậy khi đi ngang qua nhà hàng xóm, tôi phải thận trọng về việc bản thân có nguy cơ hái trộm ổi… Nhờ đó, chúng ta sẽ sáng suốt và ý thức hơn khi đối diện trước một cám dỗ.

Sau khi đã cố gắng suy xét mọi góc cạnh của vấn đề mà vẫn còn sa sẩy, đó là phần yếu đuối của con người. Điều quan trọng là Chúa không nhìn đến kết quả của chúng ta mà Ngài đón nhận và chúc lành những cố gắng bản thân. Biết đâu qua chiến thắng, chúng ta hóa ra kẻ kiêu ngạo, lại vướng mình vào một thứ tội khác nguy hiểm hơn. Còn nếu khiêm tốn chấp nhận thân phận mỏng giòn của mình và phó thác cho lòng thương xót của Chúa, chúng ta lại tìm được sự bình an trong tâm hồn.

Thực tế cho thấy tôi cứ tái phạm và xưng thú cùng một tội ấy từ khi mới lớn cho đến tuổi già. Chính việc xưng đi thú lại cùng một tội này đã khiến tôi mất kiên nhẫn và mệt mỏi khi kêu xin lòng thương xót Chúa. Việc xưng thú ấy có ích gì ?

Trong tác phẩm Tiếp xúc với Thiên Chúa, cha Anthony de Mello đã trả lời vấn nạn này như sau: Mục đích chủ yếu của nhiệm tích hòa giải không phải là để tẩy trừ tội lỗi và khuyết điểm. Mục đích chủ yếu là để hòa giải tội nhân với Chúa, là để vươn đến một sự kết hợp sâu xa hơn nữa với Chúa, là để nhận lãnh dồi dào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Và do đó, những tâm tình mà chúng ta mang theo khi đến lãnh nhận bí tích này còn quan trọng hơn những tội lỗi chúng ta xưng thú, và những ơn sủng mà chúng ta lãnh nhận còn quan trọng hơn việc tẩy trừ các khuyết điểm (x. tr.228). Như thế, chúng ta đã rõ: việc nối kết lại tình thân với Chúa mới là động lực chính thúc đẩy chúng ta chạy đến tòa cáo giải. Điều sai lầm của con người thời đại là quá chú trọng đến những lỗi phạm và mang mặc cảm tội lỗi, trái lại, cần hướng về Chúa, Đấng như người cha nhân lành trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã kể, không ngừng đưa mắt dõi theo từng bước đường lầm lạc của chúng ta, ghi nhận từng nỗ lực cố gắng của chúng ta và sẵn sàng tha thứ trước khi chúng ta kêu xin lòng thương xót của Ngài.

Thiết tưởng, hình ảnh Chúa Giêsu giang tay trên thánh giá để chúc lành và tha thứ cho tội nhân là biểu tượng đẹp nhất về lòng thương xót Chúa cho con người thời đại hôm nay, vốn mất dần cảm thức tội lỗi.

Nơi đâu tội lỗi muôn ngàn

Lòng thương xót Chúa muôn vàn chứa chan.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.    

Kiểm tra tương tự

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *