Xin cho con biết thưởng thức cuộc đời dù còn nhiều gian nan

Đứa con ra khỏi phòng thi, bà mẹ nhào tới hỏi han: Con làm bài được không? Đứa con xị mặt xuống: Cô giáo coi thi khó lắm! Bà mẹ buột miệng: Cái con… nó không để cho con của bà làm bài.

Người ta cũng nhớ cảnh thi tốt nghiệp của học sinh các cấp. Chẳng cần phải nói tên cụ thể ở đâu và khi nào, người ta cũng dễ hình dung cảnh phao được ném tới tấp, cảnh chép bài được thực hiện lia lịa, cảnh các giám thị nửa thật nửa giả khi coi thi, cảnh các phụ huynh tiếp cận tứ phía để cứu trợ cho con cái mình… Cứ thế, người ta cũng thấy khá vui. Khi có kết quả, người ta đọ nhau hơn kém. Dù biết kết quả là giả, người ta vẫn hào hứng thích thú. Những cái giả như thế có lẽ luôn có sức hấp dẫn. Có những thầy cô giữ lương tâm nghề giáo, thì lại bị coi là khó khăn, lại bị xịt lốp xe.

Người ta cứ nghĩ có tiền là mua được kiến thức. Người ta cứ nghĩ có cái bằng giả là có được năng lực làm việc. Người ta cứ nghĩ có được một chỗ đứng do mua bán đổi chác, là có thể giúp được cuộc đời. Có lẽ người ta nhầm. Có lẽ người ta không nhầm mà lại vui vẻ và thích thú với những cái giả ấy. Hình như ngu ngu thì có vẻ vui thích.

Lại nhớ đến chuyện môi trường, đến thực phẩm rau cỏ thịt cá. Bao nhiêu loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, mà phần đa là đến từ Trung Quốc, đã tuồn vào đời sống của người dân, đã đi vào thân thể của người dân, đã nằm trong xương thịt của con người, và chỉ cần chờ ngày là phát bệnh. Cái đau xót nhất là chính mình hại mình. Ví như khi người ta trồng rau. Người ta dành một khoảng vườn riêng để trồng rau ăn cho gia đình, còn khu vườn rộng lớn kia để bán. Người ta phân biệt giữa để ăn và để bán. Để ăn có nghĩa là mình ăn, để bán có nghĩa là người khác ăn. Phân biệt như thế, vì người ta dùng đủ loại thuốc hóa chất chỉ vì lợi nhuận mà không đoái hoài đến an toàn. Không chỉ người trồng rau, đến người nuôi heo nuôi gà, người làm ruốc, người nấu rượu… cũng làm như thế, cũng phân biệt giữa để ăn và để bán.

Cuối cùng, làm như thế là chính mình đang giết hại mình, vì mình đang ăn đồ được bán. Gậy ông đập lưng ông là thế. Lời Chúa vẫn văng vẳng: nếu anh muốn người ta làm gì cho mình, thì hãy làm cho người ta như vậy. Ai cũng nghĩ vì lợi nhuận, mà mình thu được một ít tiền, mà không nghĩ rằng, số tiền ấy không đủ một phần nhỏ để chữa những căn bệnh phát sinh do thực phẩm đểu gây ra. Đó là chưa nói đến chuyện, số tiền ấy chẳng bao giờ mua lại được sức khỏe. Nguy hiểm hơn nữa, được một ít tiền, mà người ta bán đi lòng tin tưởng nơi nhau.

Sự kiện đáng chú ý về môi trường biển của miền Trung vẫn tiếp tục được người dân hết sức quan tâm. Vì người dân chưa nhận được giải đáp thỏa đáng. Rằng trong một thời đại mà cả thế giới báo động về sự xâm hại trầm trọng đối với môi trường thiên nhiên, mà tại đất nước mình lại xảy ra một vụ nghiêm trọng như thế, ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng ngay lập tức đến đời sống của biết bao người dân, và ảnh hưởng lâu dài đến cả tương lai của các thế hệ tiếp nối.

Có lẽ “ý nghĩa” và “thú vị” là hai điều rất quan trọng trong cuộc sống. Lạy Chúa, thật đáng tiếc nếu con sống vô nghĩa và vô vị! Vì “Cuộc sống” khác với “sinh tồn”.

Nếu đời con ý nghĩa mà thiếu thú vị, thì con bận bịu trăm công nghìn việc, nhưng lại buồn chán. Nếu đời con thú vị mà thiếu ý nghĩa, thì con đang sống kiểu “giải trí”, trống rỗng!

Sống thú vị là sống ý nghĩa, là sống biết thưởng thức. Biết sống không phải chỉ là kiến thức. Hiểu biết là hòa hợp. Kiến thức của con có thể rộng lớn về đủ loại phạm vi, nhưng con lại chưa biết thưởng thức chúng. Có thể con ngày càng am tường một lĩnh vực chuyên sâu, để rồi tự biến mình trở thành một “tên ngốc tài năng”.

Nhịp sống ngày nay cũng có thể làm cho cuộc sống trở nên vô vị. Có thể do con quá ham thích đồ vật và quá ham thích quen biết nhiều người. Ham thích đồ vật, bị cuốn vào vòng xoáy tiêu thụ, mà thực ra con đang sống kiểu văn hóa “vứt đồ”, vì con không còn thì giờ để yêu thích. Đồ của con cần luôn là mới nhất, hợp thời nhất, đắt tiền nhất…

Con như người lính chuyên đi chiếm đóng lãnh thổ, mà quên đi vai trò chăm sóc ruộng đồng của người nông dân. Thay vì làm chủ thế giới, con tự trở thành kẻ làm thuê chỉ biết làm theo những mệnh lệnh vô hình vô hồn. Nhà của con có thể nhiều đồ đạc quá đến nỗi con không còn đủ chỗ để ở. Con quen biết bao nhiêu là người, mà không biết thực sự bạn thân có nổi một người hay không. Khi ấy, con dễ bị cuốn vào vòng xoáy của “văn hóa thời thượng” là “vứt đồ” và “vứt người”.

Thách đố rất lớn là làm thế nào để hòa hợp, hòa hợp giữa hiểu biết và tình cảm, giữa cái đầu và con tim. Trong đầu con có danh mục dài về giá tiền của các loại hàng hóa, nhưng lại thiếu danh mục về giá trị thật mà từng loại hàng hóa ấy mang lại. Trong tâm con có danh mục hàng loạt bạn bè được phân chia phức tạp đủ loại lãnh vực, nhưng lại thiếu đi danh mục thực sự tình bạn con có với từng người bạn là gì.

Những suy nghĩ giản đơn này có thể giúp đời bớt vô nghĩa, bớt vô vị. Bởi lẽ, nếu không nghĩ một chút, con rất dễ bị khủng hoảng bị sụp đổ, khi một ngày chợt nhận ra: con bị mất hết tài sản, con bị bạn bè quên lãng; chứ thực ra, từ lâu con đã không có gì, từ lâu con đã không có bạn.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Xin cho con sớm “phủi bụi” những giấc mộng chơi vơi, để đầu có thể đội ánh bình minh, để chân thật sự đi trên đất, để tay nắm chặt những bàn tay bằng xương bằng thịt của bạn bè, để từng nhịp con thở trong bầu không khí chung của mọi người, để con xác định được chỗ đứng tuy tí hon nhưng vững chắc trong vũ trụ bao la. Thú vị thay khi cười vui với bạn. Ý nghĩa thay khi nhìn nhau vui cười!

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *