(3) Muốn giỏi cần phân biệt các lĩnh vực khác nhau?
Cân nhắc hay lượng định, cần tùy lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học, tôn giáo, y học… Nếu mọi lĩnh vực đều đặt trong tầm nhìn của chính trị, thì thật là hạn hẹp. Nếu mọi lĩnh vực đều nhắm đến mục đích kinh tế, thì thật là tầm thường.
Trong tương quan với thế giới tự nhiên, con người khám phá, nghiên cứu, phát minh. Có lúc, con người ước mơ ngay cả làm chủ thiên nhiên. Đây là những hoạt động của các khoa học tự nhiên. Khi ấy, con người tạo ra các công cụ khác nhau. Điều quan trọng của con người là đạt được mục đích của mình. Các thành tựu khoa học công nghệ có thể được sử dụng để phục vụ đời sống mà cũng có thể được sử dụng cho các cuộc chiến xâm lược. Thành tựu khoa học vừa biểu dương cho trí tuệ loài người, lại vừa có thể củng cố sức mạnh cho những kẻ độc tài.
Khi tương quan với nhau trong xã hội, con người tương tác và kết nối. Một mặt, con người thân thiện nhau, tìm cách hiểu nhau, cảm thông giúp đỡ nhau trong gia đình, làng xóm, quê hương. Mặt khác, con người làm việc trong các tổ chức chính trị, kinh tế… Tùy mục tiêu của tổ chức, mà người ta định hình những kiểu cuộc sống, những phong cách sống khác nhau. Chiến tranh và hòa bình, bất công và công bằng, nô lệ và tự do cứ thế nối đuôi nhau trong lịch sử của cõi nhân sinh.
Đối diện với chính mình trong cõi thâm tâm, con người kết nối với đời sống tâm linh, với các lĩnh vực của tâm lý, với ý nghĩa cuộc đời, với sự sống và cái chết, với những lẽ đời lẽ người lẽ trời, với những thăng trầm khác nhau trong đời người. Có người thành công trong liên hệ với tự nhiên và với xã hội, mà thất bại khi đối diện với chính mình, thì họ hoặc là sống trong buồn thảm hoặc là tự tin quá mức mà thành công trong phá hoại thiên nhiên và xã hội.
Phác họa như thế, thầy trò thấy rằng, người ta có những quan niệm rất hẹp về giáo dục.
Một thời, người ta chỉ nhấn mạnh tới học để làm quan, để có danh thơm, để cả họ được nhờ. Nếu thế, giáo dục chỉ thuộc về một nhóm người, và chỉ cho lợi ích của một nhóm người. Khi ấy, thay vì phục vụ, người ta sẽ thống trị nhau.
Một thời, người ta chỉ nhấn mạnh tới học là để sản xuất. Nếu thế, giáo dục chỉ là nô lệ của sản phẩm vật chất, và ‘những người chỉ biết sản xuất’ vô tình trở thành dụng cụ sản xuất, và ‘những người thiếu khả năng sản xuất’ đương nhiên bị coi là không giá trị. Khi ấy, thay vì lao động giải phóng con người, thì con người ngày càng bị nô lệ hơn.
Một thời, người ta chỉ nhấn mạnh tới khoa học công nghệ. Nếu thế, giáo dục chỉ tạo ra được những cái máy thông minh, chứ không phải những con người. Khi ấy, con người xử lý vấn đề còn thua các phần mềm máy tính, và con người mất đi khả năng sáng tạo.
Một thời, khoa học xã hội và nhân văn chỉ là việc nhẩm đi nhắc lại các lý thuyết được tóm lược theo định hướng có sẵn. Nếu thế, giáo dục chỉ cho ra được những người giống như cái máy ghi âm chất lượng kém. Khi ấy, con người mất đi sức sống của tình yêu và tự do.
Một thời, khi tôn giáo được đẩy lên vị trí tuyệt đối, người ta sẽ áp đặt nhau; khi tôn giáo bị đẩy vào quên lãng, người ta sẽ tự gãy đổ và tạo nên các cuộc khủng hoảng bằng các lý thuyết tự tạo để thay thế tôn giáo. Khi ấy, con người mất đi cội nguồn và sức mạnh của mình.
Trở lại giáo dục, thầy trò nhìn nhau cười trong ngượng ngùng: cảnh “râu ông này cắm cằm bà kia” hoặc “dùng sai phầm mềm” để sử lý “lộn lĩnh vực” không phải là điều ít xảy ra. Tiếc rằng, còn thiếu những luận bàn thuộc tầm mức bận tâm của cả cuộc đời; còn đó vô số luận bàn với sự nghe ngóng tình hình về lợi ích thế nào giữa các bên. Thế mới thấy được sự vĩ đại hy sinh thầm lặng của các bậc thầy cô, để gìn giữ và phát triển các giá trị ngàn đời của dân tộc, để mong sao có thể vươn tầm thế giới. Cầu chúc các thầy cô luôn sẵn lòng tận lực với nghề và tận tâm với trò!
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Kỳ trước:
(1) Muốn giỏi cần học nhiều dạy nhiều?
(2) Muốn giỏi cần biết sửa sai?