9 tân linh mục dâng Thánh Lễ tạ ơn với Tỉnh Dòng

IMG_1688

10 giờ sáng ngày 22.08.2014, 9 tân linh mục Dòng Tên vừa được Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn truyền chức linh mục ngày 21.08.2014 tại Học Viện Dòng Tên Thủ Đức, đã cử hành Thánh Lễ tạ ơn với quý cha, quý thầy trong Tỉnh Dòng. Thánh Lễ do tân linh mục Martinô Nguyễn Đình Khải, S.J. chủ tế.

IMG_1720

Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, cha Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J., Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam đã đại diện gia đình Tỉnh Dòng gửi lời chúc mừng đến các tân linh mục. Đồng thời, cha Giám tỉnh cũng giới thiệu những vị khách đặc biệt đã đến hiệp thông với Tỉnh Dòng, trong đó có cha Giám tỉnh Dòng Tên Pháp, cha Thụ ủy Huấn luyện thuộc Tỉnh Dòng Tên Anh Quốc, cha Đặc trách chương trình Đức ngữ – Đài Phát thanh Vatican, cha Đại diện Tỉnh Dòng Úc, quý cha giáo sư Dòng Tên đến từ Đài Loan và Ailen.

IMG_1705

Trong bài giảng Lễ, từ câu châm ngôn của Lễ Truyền chức linh mục 2014: “Trong mọi sự yêu thương và phục vụ,”  Lời Chúa trong sách tiên tri Samuel và thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô,  cha Giuse Maria Cao Gia An, S.J. đã chia sẻ về chân dung linh mục trong tư cách là người phục vụ, phục vụ Chúa và phục vụ con người trong mọi sự, phục vụ trong yêu thương. Dưới đây là nguyên văn bài giảng của cha Giuse Maria.

IMG_1752

————-

BÀI ĐỌC I: 1Sm 3, 1-10

BÀI ĐỌC II: 1Cr 1, 26-31

Halleluia: Xin Thiên Chúa cho chúng ta có được cảm nghiệm thâm sâu về Chúa Giêsu, Đấng đã làm người vì yêu chúng ta, để ta thêm yêu Chúa hơn và theo Chúa hơn.

TIN MỪNG: Mt 14, 13-22 (Chúa Nhật XVIII – Thường Niên A)

Kính thưa quý Cha và quý Thầy

Kính thưa quý ông bà cố và quý khách

Kính thưa cộng đoàn

Câu châm ngôn mà anh em chúng con chọn chung cho lễ thụ phong linh mục là “Trong mọi sự yêu thương và phục vụ”, trích từ sách Linh Thao của Thánh Tổ Phụ Inhaxio. Với câu châm ngôn này, chúng con ước mong rằng việc trở thành những linh mục của Chúa cũng đồng nghĩa với việc chúng con có thể trở thành những người phục vụ, phục vụ Chúa và phục vụ con người trong mọi sự, phục vụ trong yêu thương.

Ba bài đọc Sách Thánh mà chúng ta vừa nghe đều xoay quanh một điểm chính là vẽ lên chân dung của một người phục vụ. Đó là điểm mà con muốn được chia sẻ với cộng đoàn trong Thánh Lễ tạ ơn hôm nay.

Bài đọc I, trích từ sách Samuel, kể cho chúng ta nghe về giây phút khởi đầu ơn gọi của ngôn sứ Samuel. Chúng ta biết rằng Samuel là một ngôn sứ rất quan trọng, đánh dấu một bước ngoặc trong của lịch sử dân Thiên Chúa: chuyển từ thời các thủ lãnh sang thời kỳ quân chủ. Thời các thủ lãnh là thời mà dân Thiên Chúa như một đống cát rời, “ai muốn làm gì thì làm”; còn thời quân chủ là lúc dân Thiên Chúa có một Vua, thành một vương quốc, thời mà Thiên Chúa kiện toàn lời hứa với dân Người. Như vậy, Samuel là chiếc cầu nối để lịch sử dân Thiên Chúa chuyển bước từ một thế giới cũ sang một thế giới mới; trong đó ông đóng vai trò vừa là thủ lãnh, là ngôn sứ, là sứ giả của Thiên Chúa để xức dầu phong vương… Vì thế, có thể nói, ông là một gương mẫu của người biết yêu thương và phục vụ dân Chúa trong mọi sự.

IMG_1758

Biết ơn gọi và sứ mạng của Samuel quan trọng như thế, chúng ta thường hay đọc câu chuyện về ơn gọi của ông theo một hướng rất tích cực, theo nghĩa là chúng ta thấy câu chuyện ấy kể về một cậu bé được ở trong Đền Thiên Chúa, với tất cả sự tỉnh thức và nhiệt thành: ba lần Chúa gọi là ba lần Samuel đều đáp lời cách mau mắn v.v…

Thế nhưng đọc kỹ đoạn văn này hơn, con thấy tác giả Sách Thánh muốn giới thiệu với chúng ta một sứ điệp khác, một khởi đầu rất kỳ lạ trong ơn gọi của Samuel. Để ý hơn, chúng ta sẽ thấy rằng câu chuyện của Samuel được khởi đầu bằng một khung cảnh có thể nói là ảm đạm. Ba nhân vật chính của câu chuyện là Thầy Cả Eli, cậu bé Samuel, và Thiên Chúa. Nhân vật thứ nhất, Thầy Eli, là một ông lão đã già, mắt không còn thấy rõ, chân không còn đi được phải nằm tại chỗ của mình; nhân vật thứ hai, Samuel, là một cậu bé ăn còn chưa no lo còn chưa tới, được ở trong Đền Thiên Chúa gần bên Hòm Bia Giao Ước, nhưng đó lại là hình ảnh của một cậu bé đang thiếp ngủ, chưa có khả năng nghe được tiếng Chúa và chưa biết Thiên Chúa; nhân vật thứ ba, là Thiên Chúa, thì gần như vắng bóng, một Thiên Chúa thinh lặng, như mô tả ở đầu câu chuyện: “Thời ấy, Lời của Đức Chúa thì hiếm hoi, và thị kiến thì không hay xảy ra”.

Một ông lão đã già, một cậu bé còn quá nhỏ, một Thiên Chúa im lặng, trong ngôi đền của Thiên Chúa vào ban đêm: khung cảnh ấy quả thực không có gì hấp dẫn, chẳng có chi sáng sủa cho lắm. Thế nhưng đó lại là khung cảnh khởi đầu của một thế giới mới. Nếu phải thể hiện cái khung cảnh ấy bằng một bức tranh sơn dầu, đó sẽ là một bức tranh với cái phông nền màu tối. Thế nhưng trên cái nền tối ấy, tác giả Sách Thánh vẫn để lại cho chúng ta một dấu chỉ hy vọng, đó là “ngọn đèn của Thiên Chúa vẫn còn chưa tắt”. Khi mà tất cả tưởng như đã lụi tàn và đang thiếp ngủ trong ảm đạm, thì ngọn đèn của Thiên Chúa, tức là dấu chỉ về sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa, vẫn cháy sáng bền bỉ trong tĩnh lặng. Chính sự quan phòng bền bỉ ấy là khởi đầu cho tất cả. Chính sự trung tín của Thiên Chúa là nền tảng cho tất cả. Đó mới chính là là khởi đầu của tất cả mọi ơn gọi, mọi sứ mạng và mọi cuộc sai đi. Thiên Chúa luôn là Đấng khởi đầu mọi sự, và luôn là Đấng sắt son trung tín trong những gì Người đã khởi sự.

Kính thưa cộng đoàn,

Là những người được chọn, được sai đi cho sứ mạng phục vụ dân Thiên Chúa, chúng con đã từng là những cậu bé Samuel, từ những ngày đầu tiên chập chững bước vào Dòng. Lời của Thánh Phaolo trong khởi đầu của bài đọc II diễn tả chính xác chúng con trong khởi đầu ơn gọi của mình: “khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái” (1Cr 1, 26). Một trong những đề tài gây cười dễ nhất khi anh em chúng con ngồi lại với nhau, đó là chuyện về những cái sự ngơ ngơ của những ngày đầu anh em chúng con vào nhà ứng sinh. Chỉ có sự trung tín của Thiên Chúa, chỉ nhờ sự đồng hành và hướng dẫn âm thầm và bền bỉ của Thiên Chúa mà chúng con mới có được ngày hôm nay. Thiên Chúa luôn là Đấng trung tín, Ngài không để cho ngọn đèn ơn gọi mà Ngài đã thắp lên trong tâm hồn chúng con phải lịm tắt, mặc dù luôn có rất nhiều những sóng gió và những bóng tối của cuộc đời thường xuyên vây bọc chúng con.

DSC_0024

Sự trung tín và tình yêu của Thiên Chúa còn thể hiện cách hữu hình với anh em chúng con, đặc biệt ngang qua nhà Dòng. Chúng con là những cậu bé Samuel, nhờ sự hướng dẫn của những vị thầy cả Eli để có thể đọc ra Thánh Ý của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Chúng con là những chú bé, nhưng càng ngày càng có thể nhìn thấy những chân trời xa hơn, đó là vì trong suốt hành trình huấn luyện chúng con đã liên tục được mang đi trên đôi vai của những người khổng lồ, là thế hệ của các cha các anh đi trước, những người đã yêu thương và đã tận tâm tận lực huấn luyện chúng con. Những người đã dạy chúng con thế nào là yêu thương, thế nào là phục vụ. Chắc chắn những bài học ấy sẽ còn theo mãi trong suốt hành trình ơn gọi và cuộc đời của chúng con.

Bài học yêu thương và phục vụ này càng nổi bật hơn trong Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Thánh Matthêu khởi đầu trình thuật của mình bằng cách kể lại rằng Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương (Mt 14, 2). DSC_0062

Một đoàn người đông đảo thì chắc là ai cũng thấy. Đức Giêsu thấy, các môn đệ thấy, nhiều người khác cũng thấy; nhưng chỉ có Đức Giêsu chạnh lòng thương. Từ chạnh lòng thương, Đức Giêsu muốn làm một cái gì đó cho những con người này. Phản ứng của các môn đệ thì khác: e ngại và muốn tránh né. Với con tim của một người tín hữu, thật ra không khó để chúng ta có thể nhìn ra những nhu cầu của con người ngày nay. Thế nhưng rất giống như các môn đệ, nhiều khi mối quan tâm của chúng ta chỉ có thể dừng lại ở mức độ nửa vời. Khi nhìn lại mình, chúng ta thấy mình chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, thấy khả năng của mình quá sức giới hạn trước nhu cầu quá đỗi lớn lao của con người ngày nay. Nếu có mặt trong đám đông dân chúng thời Chúa Giêsu, có lẽ chúng ta cũng sẽ nói như các môn đệ: “Thưa Thầy chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá” và biết đâu trong lòng mình, chúng ta còn nghĩ thêm “…và chúng con muốn giữ lại riêng cho mình cơ!” Chúng con muốn lo cho an toàn của mình trước, rồi mới nghĩ đế người khác sau. Nhìn vào đôi bàn tay bé nhỏ của mình, chúng ta cảm thấy bất lực, thấy bế tắc, thấy khó có thể có nhiều hy vọng, thấy cho dù có bỏ hết công hết sức mình để yêu thương để phục vụ, thì tất cả những nổ lực và khả năng của chúng ta cũng chỉ như muối bỏ biển. Chừng như có một khoảng cách vô cùng lớn lao giữa một bên là những khả năng giới hạn của con người và một bên kia là những nhu cầu và những mời gọi của sứ mạng phục vụ.

Bất chấp cái khoảng cách ấy, Đức Giêsu vẫn truyền cho các môn đệ mình không được chạy chối khỏi cái trách nhiệm của người được sai đi: “chính anh em hãy cho họ ăn”, Làm thế nào để cho họ ăn? “Đem lại đây cho Thầy”.

Vâng, thưa cộng đoàn, phép lạ hóa bánh ra nhiều không gì khác hơn chính là phép lạ của những điều nhỏ bé tầm thường được đem đặt vào bàn tay của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay dạy cho chúng con một bài học đắt giá: để làm một người phục vụ của Chúa, điều quan trọng không phải chúng con là ai, chúng con có khả năng bao nhiêu, chúng con làm được gì… Điều quan trọng là chúng con có dám hoàn toàn đặt mình vào bàn tay của Thiên Chúa hay không. Trong bàn tay của Thiên Chúa, rất nhiều điều tưởng như là nhỏ bé và vô dụng sẽ luôn có thể làm nên những công trình kỳ diệu.

IMG_1811

Phép lạ hóa bánh ra nhiều dạy chúng con về cái logic của phép Thánh Thể: càng chia ra thì càng được nhiều, càng trao ban chia sẻ thì càng được nhân lên. Một trong những hình ảnh đẹp nhất mà con được sống trong giai đoạn gần 1 năm rưỡi làm Phó Tế đó là những thời khắc con được phục vụ Bàn Thờ, trong lúc linh mục bẻ bánh. Trên tấm bánh tròn có hình Chúa Giêsu trên Thập Giá, khi vị linh mục bẻ tấm bánh ra, thân mình của Đức Giêsu và thập giá cũng được bẻ ra, chi đôi, rồi chia làm tư… Hình ảnh ấy giúp con cảm nghiệm rất rõ hình ảnh của một Thiên Chúa bẻ mình ra vì tình yêu nhân loại, bẻ mình ra để cho con người được sống. Hình ảnh tấm bánh bẻ ra ấy cũng dạy con suy niệm rất nhiều về điều mà con xin gọi là “Phép Thánh Thể trong đời sống thường ngày”, về những con người đã bẻ đời mình ra để nhiều người khác được sống. Qua báo chí mỗi ngày, chúng con nghe biết nhiều về câu chuyện của những người cha ngày ngày bẻ đời mình ra trên chiếc xe xích lô để nuôi con mình vào đại học, câu chuyện của những người mẹ ngày ngày bẻ đời quanh trong những bãi rác để kiếm tiền nuôi sống đàn con của mình… Những tấm gương bẻ đời mình như thế không xa lạ gì với chúng con, vì chính cuộc sống của chúng con hôm nay có được là nhờ cha mẹ đã bẻ đời mình với mưa với nắng bên những gánh hàng rong, bên những quầy tạp hóa, trên rẫy trên truộng… để chúng con được sống, được lớn lên, được yên lòng theo đuổi ơn gọi của mình.

Thế nên nếu có ai đó trong cộng đoàn hỏi con: điều con sợ nhất khi làm linh mục là gì? Con sẽ trả thế này: Cuộc đời và ơn gọi của con lúc này là kết tinh từ bao nhiêu hy sinh, bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, để con được tôi luyện từng ngày để trở thành một tấm bánh. Điều con sợ nhất đó là tấm bánh cuộc đời của chúng con càng ngày càng trở nên mịn màng, đẹp đẽ, tròn trịa, nhưng mà vô dụng. Vô dụng bởi vì những tấm bánh có tròn trịa đến đâu thì cũng chỉ để làm kiểng, nếu nó không bẻ mình ra hay để cho mình được bẻ ra để nuôi sống nhiều người khác. Xin không ngừng cầu nguyện cho chúng con, để là những người được sai đi cho sứ mạng phục vụ, chúng con dám không ngừng bẻ đời mình ra phục vụ cho con người, như Đức Giêsu đã không ngừng bẻ đời mình ra cho nhân loại, như biết bao nhiêu người đã hy sinh để chúng con có được ngày hôm nay; xin cho phép Thánh Thể được tiếp diễn liên tục trong thiên chức linh mục của chúng con, không chỉ trong thánh lễ mà chúng con dâng trên bàn thờ, nhưng còn qua cuộc sống yêu thương và phục vụ của chúng con trong đời sống thường ngày.

Cuối cùng, để kết con xin dừng lại ở một suy niệm rất nhỏ về hình ảnh của người được sai đi, ở câu kết của bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe “Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia”(Mt 14, 22). Con đặc biệt được đánh động bởi hình ảnh “bờ bên kia”. Theo khung cảnh của bài Tin Mừng, chúng ta có thể hình dung thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa “bờ bên này” và “bờ bên kia”. Ở “bờ bên này” Đức Giêsu vừa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, được dân chúng tán dương và tung hô, đến độ tin mừng Gioan còn kể rằng họ muốn bắt Đức Giêsu đem đi mà tôn lên làm vua (x. Ga 6, 15). Đức Giêsu mà làm vua thì hẳn nhiên các môn đệ của Đức Giêsu sẽ được làm tướng, sẽ chẳng thiếu gì vinh hoa và phú quý. Đang giây phúc vui vẻ hồ hởi như thế thì Đức Giêsu lập tức bắt các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia. Bên kia thì khác với bên này, bên này là hồ hởi những niềm vui vẻ hào nhoáng, bên kia chắc hẳn sẽ là một khoảng lặng thinh thanh vắng; bên này là khung cảnh thân quen, với rất nhiều những người quen biết với bà con họ hàng, bên kia hẳn sẽ là một sự thiếu vắng, một khoảng lặng, một khung trời cô đơn. Thế nhưng chỉ trong khoảng thanh vắng và tĩnh lặng như thế, người môn đệ mới được sống với Chúa, được tự do để lại tiếp tục được sai đi làm người phục vụ mọi người. Có thể nói, hành trình của chúng con, những người môn đệ của Đức Giêsu, sẽ liên tục là hành trình được sai đi sang “bờ bên kia”; phải bỏ lại ở bờ bên này tất cả những gì cần phải bỏ lại, phải can đảm hướng đến những chân trời mới của bờ bên kia, theo tiếng gọi của sứ mạng của nhà Dòng, của Giáo Hội.

Xin mọi người thêm lời cầu nguyện cho anh em chúng con, để chúng con luôn ý thức rằng: làm linh mục không phải là điểm đến, cũng không phải là thành tựu mà chúng con đạt được sau một chặng hành trình vất vả; linh mục là điểm khởi đầu cho một chặng hành trình mới, còn rất xa và rất dài. Xin cho chúng con luôn can đảm lên đường sang bờ bên kia, để chúng con tiếp tục được sai đi cho ơn gọi luôn sống yêu thương và phục vụ, yêu thương và phục vụ Chúa phục vụ mọi người trong mọi sự. Amen.

HÌNH ẢNH

IMG_1682 IMG_1690 IMG_1694

IMG_1696 IMG_1700 IMG_1719 IMG_1721 IMG_1750 IMG_1753 IMG_1761 IMG_1776 IMG_1778

DSC_0046 IMG_1782 IMG_1785 IMG_1791 IMG_1794 IMG_1804 IMG_1805 IMG_1814 IMG_1825 IMG_1839

Bạch Thuấn, S.J.

Chỉnh Trần, S.J.

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *