ĐỌC
Chương 2, phần 7: Cái nhìn của Chúa Giê-su
Phần kết của chương 2 trình bày tấm gương của Chúa Giêsu và cách thức “mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động một cách thầm kín trong toàn thể thế giới tự nhiên” (99). Đức Thánh Cha Phanxico diễn tả Chúa Giêsu theo cách thế này: “Chúa có thể thu hút sự chú ý của những người khác đến cái đẹp hiện hữu trên thế giới bởi vì chính Ngài đã liên tục tác động tới thiên nhiên, đặt để nơi nó một sự chú ý đầy thích thú và ngạc nhiên” (97).
Thêm vào đó, Đức Thánh Cha còn viết: “Tân Ước không chỉ cho chúng ta biết về Chúa Giêsu ở trần gian với tương quan hữu hình và yêu thương của Người đối với thế giới mà còn cho chúng ta thấy Người đã sống lại và vinh hiển, hiện diện nơi khắp tạo vật bởi quyền năng phổ quát của Người: ‘Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời’ (Cl 1,19-20). Điều này khiến chúng ta phải hướng cái nhìn của mình đến thời cánh chung, khi Người Con sẽ chuyển trao mọi sự vào tay Chúa Cha, để rồi ‘Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài’ (1 Cr 15,28). Như vậy, mọi tạo vật trên thế gian này không còn xuất hiện trước mắt chúng ta một cách đơn thuần tự nhiên nữa, bởi vì một cách mầu nhiệm, Đấng Phục Sinh đang nắm giữ chúng trong Người và hướng chúng đến sự viên mãn xét như cùng đích của chúng. Chính những bông hoa ngoài đồng và những loài chim mà mắt Người chiêm ngắm và say mê nay đã thấm nhuần sự hiện diện rạng ngời của Người” (100).
PHẢN TỈNH
Đức Thánh Cha đang nói đến cái nhìn của Chúa Giêsu đang tràn ngập ở thế giới xung quanh chúng ta. Bài đăng của tôi ngày 25 tháng 5 đã đề cập tới việc tội lỗi của con người đã gây ra sự rạn nứt với Ba Ngôi Chí Thánh dưới hình thức những mối tương quan rạn vỡ với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính trái đất của chúng ta. Cũng tương tự như vậy, nếu Chúa Giê-su ở trong mọi tạo vật sống, và chúng ta lại đối xử không tốt với người khác, với các loài sinh vật khác và với môi trường, vậy điều đó nói lên điều gì về tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu?
HÀNH ĐỘNG
Hãy coi việc quan tâm người nghèo và bảo vệ hành tinh này như một cách để tôn vinh Chúa Giê-su và những công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Hãy cùng cầu nguyện với lời nguyện sau đây:
Lạy Chúa,
Xin chúc phúc cho quả địa cầu xanh
Và những vệt sáng lấp lánh trên mặt nước.
Xin hãy làm sạch mặt đất
Và chữa lành khí quyển,
Xin cứu chúng hết thảy khỏi tay chúng con.
Và xin tha thứ cho chúng con
Những lầm lỗi chúng con mắc phạm.
Xin đừng để trái đất xâm hại chúng con
như chúng con đã xâm hại trái đất
Xin hãy thương xót chúng con
và thương xót trái đất này,
và chữa lành tương quan rạn vỡ của chúng con.
AMEN.
Trích từ cuốn sách Illuminated Prayers (1997) của chị Marianne Williamson (trang 48-49)
Nguồn: https://www.ncronline.org/news/earthbeat/true-ecological-approach-always-becomes-social-approach
Tác giả: Samantha Panchèvre
Chuyển ngữ: Linh Linh Phan
Hiệu đính: Minh Vương