Tại sao Thiên Chúa cho phép đại dịch xảy ra?

Thời nay, dường như một số tín hữu vẫn giữ những hình ảnh rất sai lệch về Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha trên trời hay giận dữ, còn Chúa Giêsu dễ mến, đầy yêu thương…! Trong khi các tín điều dạy rằng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị; Ba ngôi ấy là Một trong công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Theo Tin mừng của thánh Gioan, Đức Giêsu đã nói rằng, Người không làm việc một mình (5,30); ‘Tôi và Chúa Cha là một’ (10,30); và ‘ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha’ (14,9). Các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu xuống thế để ứng nghiệm Kinh Thánh Cựu ước; họ cũng tin rằng nên giải thích mọi điều trong Kinh Thánh Cựu ước dưới lăng kính mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Điều này rất quan trọng khi ta muốn hiểu ý nghĩa của dịch bệnh và các thảm họa thiên nhiên khác. Đối với các dân tộc cổ đại, nếu có lũ lụt, dịch bệnh, thì Thiên Chúa như muốn nói điều gì đó ngang qua những sự kiện ấy. Nhưng trong các Tin mừng, Chúa Giêsu không bao giờ tạo ra một bệnh dịch, một thảm họa thiên nhiên hay biến ai đó thành cột muối như bà vợ ông Lót xưa. Nếu Đức Giê su không đi vào cuộc khổ nạn, hay, nếu ta không đón nhận lời tiên báo của Người về cái chết ấy, thì Thiên Chúa thật sự là Cha ư? Đức Giêsu xuống thế để uốn nắn những quan niệm sai lầm về cách thức Thiên Chúa hoạt động trong thế giới này.

Thế nên, cho dù nguồn gốc của Covid-19 vẫn chưa được xác định, nhưng đại dịch này cho ta một lời giải thích tự nhiên, và cách thức vi-rút lây lan khủng khiếp đến giờ là hệ quả của những quyết định yếu kém của con người. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không hề đưa đại dịch đến với nhân loại.

Bất cứ khi nào có một thảm họa, dù lớn hay nhỏ, dù là trận hỏa hoạn thiêu rụi mái nhà thờ Đức Bà Paris, hay sự lây lan của đại dịch AIDS, thì sẽ luôn có một số tín hữu cho rằng những điều ấy là do Thiên Chúa trừng phạt vì tội lỗi của con người thời nay. Có lẽ điều này cho thấy niềm tin vào Thiên Chúa như một nhân vật “siêu quyền lực” cai quản vũ hoàn, “một giám đốc điều hành” có thể chịu đựng những hành vi xấu xa ở một mức độ nào đó. Nhưng khi mất kiên nhẫn, ông ấy chấm dứt những điều vô nghĩa, và gởi một trận sóng thần hay một trận đại dịch đến để nhắc nhở ta rằng ai mới là ông chủ thực sự. Trong vai một tên bạo chúa, Người quả là lời lý giải đáng sợ cho những nỗi đau đớn khôn nguôi trong cuộc đời này: những đau khổ của ta phải đến từ một nơi nào đó, và dường như một số người rất dễ dàng tìm thấy lời giải thích trực tiếp từ Thiên Chúa.

Nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa việc Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra trong thế giới này và chuyện Người gây ra những sự ấy. Giáo Hội dạy rằng, điều đầu tiên là chính xác, nhưng điều thứ hai thực sự sai lầm mặc dù khi nghe một số tín hữu nói về đại dịch Covid-19, ta dễ dàng bỏ qua vì nghĩ rằng nó đúng. Bởi Thiên Chúa muốn ta được hoàn toàn tự do, ta có khả năng chọn điều dữ; nếu ngược lại, ta cũng chỉ như những con rối. Đây chính là một thế giới khác xa với việc Thiên Chúa trực tiếp gây ra đau khổ và hủy diệt.

Ta hiểu rằng con người trưởng thành hơn qua những khó khăn, đau khổ nhưng điều này không có nghĩa là Thiên Chúa đã gởi những điều ấy đến như một thử thách. Đúng hơn, sự trưởng thành minh chứng cho ta rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với ta qua từng giây phút. Người thôi thúc ta liên đới với anh chị em của cùng một Cha trên trời. Thế nên, ta cùng nhau đưa ra quyết định tốt nhất trong bóng tối của sự chết và thũng lũng của nước mắt, khổ sầu.

“Thiên Chúa không gửi bệnh dịch đến

để dạy ta về điều gì đó

cho dù chúng cho ta nhiều bài học.

Thiên Chúa không gửi bệnh dịch đến để dạy ta về điều gì đó cho dù chúng cho ta nhiều bài học. Ta đang học được rất nhiều về mối tương quan mong manh của ta với trật tự tạo dựng và hệ lụy từ những lựa chọn sai lầm ở nơi này có thể gây ra những hậu quả tai hại cho những nơi khác. Ta cũng học được rằng cách ứng phó tốt nhất với những thiên tai, với những tình trạng khẩn cấp về sức khỏe là tính minh bạch, một nhà nước vì dân, những báo cáo trung thực, sự khéo léo của con người, trách nhiệm của công dân, và sự quý trọng lợi ích chung… Ta cũng học được sự phi thường nơi những con người bình thường khi đối diện với bị kịch, khổ đau.

Làm sao tôi có thể tin chắc rằng Thiên Chúa hằng sống? Người không bao giờ chết? Bởi vì Thiên Chúa được tỏ bày trong Đức Giê su Ki tô không phải như một tên bạo chúa, mà là một Đấng đầy tình yêu. Đó là một Thiên Chúa đã sẵn sàng dấn thân vào bất cứ con đường nào kể cả từ bỏ mạng sống mình trên Thập Giá. Đoạn thư của thánh Gioan Tông đồ chép rằng, “Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.” (1 Ga 1,5) Nếu đó là sự thật, thì bệnh dịch hay đại dịch không thể là bản án của một Thiên Chúa đầy giận dữ vì tính ích kỉ và thói tham lam của ta được.

Sự tỉnh thức thiêng liêng trong những ngày khó khăn của đại dịch hệ tại ở điều này: trong mọi phút giây của ngày sống Thiên Chúa thực hiện những gì Người đã làm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh –  Người không can thiệp để ngăn người ta giết Chúa Giêsu, nhưng không để sự dữ và tuyệt vọng có tiếng nói cuối cùng. Sức mạnh tuyệt vời của ân sủng cho phép ta tận dụng cơ hội, ngay cả trong những tình cảnh tồi tệ nhất, để giúp đỡ nhau bằng mọi cách có thể, và để cho ánh sáng và cuộc sống có tiếng nói cuối cùng. Chúa Nhật Phục sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa dành cho Thứ Sáu Tuần Thánh: sự sống thoát ách sự chết.

Cha Richard Leonard S.J.

Lyeur Nguyễn lược dịch

Nguồn: https://jesuit.org.au/why-does-god-allow-pandemics/

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *