Tháng 08, thế giới phải hứng chịu nhiều hình thái thời tiết cực đoan trong một bức tranh tương phản về nhiệt độ và thời tiết ở nhiều vùng đất. Biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm vĩ mô trên bàn giấy nhưng đang tác động mạnh mẽ trên toàn thế giới. Quả thật, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết, biến đổi khí hậu là “một trong những thách đố nghiêm trọng đối diện với nhân loại ngày nay.” Những “món nợ môi sinh” đang thật sự phơi bày ra, đặc biệt ở Bắc và Nam bán cầu, liên quan tới “việc sử dụng bất cân đối các nguồn tài nguyên thiên nhiên” (Laudatosi số 51). Đã đến lúc chúng ta phải trả “món nợ môi sinh”, cũng chính là trả món nợ cho những người nghèo, sức khỏe và sinh kế của họ.
Từ lũ lụt tới nắng nóng…
Ngày 8/8, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) và các khu kề cận đã phải chứng kiến và hứng chịu mưa lớn, được cho là lớn nhất trong 80 năm qua, nhấn chìm nhiều khu vực phố xá, ga tàu điện ngầm và khu dân cư. Ngay cả những khu nhà giàu như Gangnam (tương tự như khu Thảo Điền – Tp. HCM) cũng ngập nặng, đường biến thành sông, thác nước cuồn cuộn, hàng trăm xe con chìm trong biển nước. Thêm nữa, thảm họa lũ lụt ở Pakistan cuối tháng 8 đã nhanh chóng cướp đi sinh mạng của hơn 1000 người, khiến gần 1 triệu ngôi nhà bị hư hại, cuốn trôi các ngôi làng, mùa màng, nhưng tình hình có thể xấu hơn bất cứ lúc nào vì lũ lụt vẫn chưa đạt tới đỉnh điểm. Nhiều người liên tưởng đến một cảnh trong bộ phim “Titanic” năm 1997, khi phải tiếp tục trèo lên cao hơn vì các tòa nhà đang ngập nước với tốc độ nhanh.
Trong khi đó, ở nhiều nơi trên khắp Châu Âu đang phải trải qua một trong những mùa hè khô hạn nhất, với cảnh báo “nguy cơ đặc biệt” về cháy rừng do nhiệt độ cao kết hợp lượng mưa thấp. Người dân không dám ra đường phố vì cái nắng chói chang gay gắt khiến nhiệt độ lên tới hơn 43 độ C. Những đám cháy lớn đã bùng lên ở phía tây nam nước Pháp, trong khi cá chết hàng loạt dạt vào sông Oder chảy qua Đức và Ba Lan, và mực nước các con sông lớn như sông Rhine của Đức xuống thấp kỷ lục. Thêm nữa, làn sóng nhiệt gay gắt trong mùa hè năm nay cũng làm gia tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sản xuất điện khiến mục tiêu giảm lượng khí thải Carbon trở nên xa vời. Các nhà khoa học cảnh báo về vòng lặp tai hại khi nhiệt độ tăng cao sẽ thúc đẩy lượng khí thải lớn, dẫn đến vấn đề biến đổi khí hậu thêm trầm trọng. Một chuyên gia nhận định rằng đợt nắng nóng ở Châu Âu đã khiến “tình hình hơi tồi tệ trở nên tồi tệ một cách bất thường”.
Tuy nhiên, nắng nóng kỷ lục vào mùa hè này là vấn đề không của riêng Châu Âu. Nhiều bang tại Mỹ và nhiều tỉnh của Trung Quốc đã và đang phải hứng chịu những ngày nắng nóng gay gắt và sự suy giảm nghiêm trọng nguồn nước tại các dòng sông, hồ chứa khiến tình hình thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất thêm trầm trọng.
Lời mời gọi khẩn thiết hoán cải môi sinh toàn cầu
Chính phủ các nước đang tìm mọi biện pháp tiết kiệm năng lượng, từ tắt bớt đèn trang trí, giới hạn nhiệt độ điều hoà không khí, giảm nhiệt độ bể bơi đến khuyến khích rút ngắn thời gian tắm trước nguy cơ đối mặt khủng hoảng năng lượng. Những biện pháp khác, như giảm ánh sáng đèn, chỉ tiết kiệm được phần rất nhỏ, nhưng lại là tín hiệu cho người dân thấy đây là vấn đề nghiêm trọng và đã đến lúc họ cũng phải hành động vì nhận thức được lượng điện mà chúng ta đã lãng phí và tiêu thụ thì chưa đủ. Đứng trước những hậu quả ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu vốn đã tích luỹ từ nhiều thập kỷ qua, các kế hoạch dự phòng của các quốc gia đã nhanh chóng trở nên lỗi thời, và các giải pháp được đưa ra vẫn chỉ ở dạng “chữa cháy”.
Nhiều năm qua, người ta nhắc đến chiến dịch “chống biến đổi khí hậu, kiềm chế sự nóng lên toàn cầu”, nhưng có lẽ đúng hơn là chúng ta cần phải nỗ lực hoà giải và chữa lành với thiên nhiên, vì chúng ta đang mang những “món nợ môi sinh” từ chủ nghĩa tiêu thụ quá mức vốn đặt con người làm trung tâm trong một thời gian dài. Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta thực hiện “cuộc hoán cải môi sinh toàn cầu” thật sự: “chúng ta chỉ cần nhìn thực tại cách chân thật để thấy ngôi nhà chung của chúng ta đang bị hủy hoại. Hy vọng mời gọi chúng ta nhận ra, vẫn còn lối thoát, vẫn luôn có khả năng xác nhận hướng đi mới mẽ, vẫn có khả năng làm một điều gì đó để giải quyết vấn đề của chúng ta.” (Laudatosi số 61).
Lưu tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất
Sau những cơn mưa lớn đầu tháng 8, những căn nhà bán hầm (banjiha) ở Hàn Quốc đã gây ra cái chết của ít nhất 8 người vì họ không kịp sơ tán khi nước tràn vào quá nhanh. Những banjiha vốn được xây dựng lần đầu vào những năm 1970 để làm hầm trú ẩn không kích, nay lại là nơi ở của người nhập cư từ các vùng nông thôn vì mức giá thấp. Những cư dân banjiha đang phải đối mặt với nguy cơ kép – lũ lụt và sóng nhiệt vì nhiều hạn chế của banjiha như hệ thống thông gió và thoát nước kém, rò rỉ nước, thiếu lối thoát hiểm, nhiều côn trùng và dễ tiếp xúc với vi khuẩn. Thêm nữa, sau khi bộ phim Parasite đoạt giải Oscar 2019 và gây tiếng vang lớn, những căn nhà bán hầm trở thành biểu tượng cho sự bất bình đẳng ở một trong những thành phố giàu nhất thế giới.
Do đó, những người có cuộc sống khó khăn hoặc thể chất ốm yếu sẽ dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai, dù là nắng nóng hay lũ lụt, vì nơi ở của họ không đủ điều kiện ứng phó. Những thay đổi do khủng hoảng khí hậu mang lại gần như thảm khốc, và thông thường, những người nghèo nhất sẽ nằm trong số bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì thế, lắng nghe những tiếng rên xiết của thiên nhiên, cũng chính là những tiếng kêu gào thảm thiết của người nghèo. Chúng ta được mời gọi, như lời của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thật lòng “hoán cải môi sinh”. Sự đáp trả của chúng ta với những tiếng kêu gào thảm thiết của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu phải là tin vui và sự liên đới của chúng ta với những người nghèo, những người bị bỏ rơi và với trái đất đang bị khai thác.
Gió Biển