Cầu nguyện Mùa Chay có gì khác?

Câu hỏi: Con biết Mùa Chay là Mùa của cầu nguyện. Con nghĩ mùa nào cũng cần cầu nguyện mà. Vậy ý nghĩa cầu nguyện trong mùa này là gì ạ?

Trả lời:

Bạn hỏi ý nghĩa cầu nguyện trong Mùa Chay. Trong câu hỏi, bạn hàm ý hỏi về mục đích và những điểm nhấn cầu nguyện trong mùa Chay.

Bước vào mùa Chay, bạn và tôi được mời gọi: hãy cầu nguyện, ăn chay hãm mình và làm việc bố thí. Có thể nói, cầu nguyện là một trong ba trụ cột thực hành thiêng liêng được nhấn mạnh cách đặc biệt trong mùa Chay. Tại sao thế?

Chúng ta biết mùa Chay là thời gian chúng ta chuẩn bị đón mừng đại lễ Chúa Phục Sinh. Đây là dịp thuận lợi để mỗi người tín hữu đổi mới và đào sâu đức tin của mình. Qua đời sống cầu nguyện, chúng ta có thể đi sâu vào trong mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa hơn.

Chắc chắn trong cuộc sống, bạn và tôi sẽ không tránh khỏi những đau khổ, những thập giá của riêng mình. Mùa Chay mời gọi chúng ta chiêm ngắm cuộc thương khó của Đức Giê-su, và bắt chước lối hành xử của Ngài, để chúng ta biết sống, biết “phản ứng” thế nào trong cuộc thương khó của đời mình.

Cầu nguyện là nguồn hy vọng. Cầu nguyện là cuộc trò chuyện ‘giao tiếp trực tiếp’ với Thiên Chúa. Trong cuộc gặp gỡ thiêng liêng ấy, chúng ta dần dần được biến đổi. Bên cạnh đó, một trong những mục đích của mùa Chay là tập phân định thiêng liêng. Tức là tập nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa, giữa muôn vàn tiếng ồn ào của cuộc sống. Trong hành trình nhận định thiêng liêng, đời sống cầu nguyện và gắn kết mật thiết với Thiên Chúa đóng vai trò quyết định. Bên cạnh đó, đời sống cầu nguyện giúp ta sẵn sàng sống theo thánh ý Chúa hơn.

Trong tiến trình linh thao, thánh I-nhã lấy chủ đề cầu nguyện cho tuần thứ ba: suy ngẫm về cuộc thương khó của Đức Giê-su. Ơn xin của tuần này là trở nên đồng hình đồng dạng cùng Chúa Giê-su trên con đường thương khó. Nếu bạn chưa sẵn sàng xin ơn này, thì ít ra cầu xin cho có được khao khát ơn xin này! Ơn xin này đóng một vai trò rất quan trọng. Nó sẽ đem đến nhiều hoa trái thiêng liêng và làm cho mùa Chay trở nên phong phú hơn. Nếu bạn càng đi theo sát, càng chịu đau khổ với Chúa trong cuộc thương khó, thì bạn càng nhận được niềm vui, bình an và hy vọng của ơn phúc Phục Sinh bấy nhiêu.

Một vài gợi ý về những điểm nhấn cầu nguyện trong mùa Chay. Hy vọng những gợi ý này có thể giúp bạn cầu nguyện trong mùa Chay, và đào sâu mối tương quan cá vị hơn với Thiên Chúa. Gồm hai giai đoạn:

  1. Giai đoạn I: Từ thứ tư lễ tro cho đến Chúa Nhật lễ Lá.

Mục đích của giai đoạn này là để nhận biết rõ về chính mình hơn; hiểu biết về Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và sẵn sàng sống theo điều Ngài mời gọi hơn.

Mùa Chay là thời gian chúng ta suy ngẫm về cuộc sống của mình và thực hiện những thay đổi để trưởng thành về mặt thiêng liêng.

– Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa và hỏi: Tâm hồn con cần gì? Chỉ cần hỏi và im lặng lắng nghe. Tập sống trong kiên nhẫn và chờ đợi. Đôi khi chúng ta không biết chính xác linh hồn mình cần gì. Cho nên, có thể dành nhiều thời gian để lắng nghe, để nhận ra tâm hồn tôi đang khao khát gì?

– Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa và hỏi: Trong cuộc sống hiện tại của con, điều gì làm Chúa vui? Có phải tất cả những điều khiến con vui và hạnh phúc, thì Chúa cũng vui không? Sau đó, bạn chân thành hỏi Chúa xem: “Chúa muốn con làm gì?”

– Chân thành nói với Chúa và với chính mình: Con muốn mở lòng ra hơn, để đón nhận những ân sủng của Chúa trong Mùa Chay này. Có thể, hiện tại bạn chưa mở lòng hoặc chưa sẵn lòng như bạn mong muốn, hoặc nghĩ rằng mình nên mở rộng lòng hơn với Chúa và với người xung quanh. Xin ơn Chúa giúp, để con quảng đại hơn, dám từ bỏ, và biết lắng nghe hơn.

  1. Giai đoạn II: Từ khi bước vào tuần thánh và suy ngẫm trong suốt tuần thánh. Trong giai đoạn này, chúng ta cố gắng hiểu Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và bước theo Ngài sát hơn.
  • Chiêm ngắm và suy ngẫm về việc Đức Giê-su đối diện với cuộc khổ nạn. Ngài cũng run sợ như chúng ta, nhưng Ngài sẵn sàng vâng theo thánh Ý Chúa Cha. Xin ơn bắt chước lối sống khiêm hạ vâng lời của Đức Giê-su.
  • Xin ơn hiểu nỗi đau buồn tận trong đáy lòng của Chúa. Cảm nếm tình yêu hy sinh, mà Chúa dành cho tôi – Ngài yêu tôi đến dường nào!
  • Ngắm nhìn Chúa chết treo trên thập giá và tự hỏi: Tại sao Ngài lại chết vì con? Tại sao Ngài lại yêu con đến thế? Con sẽ làm gì đây để đáp lại tình yêu ấy?

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Hành trình Đức tin của ngôi sao bóng rổ Gordon Hayward

Ngôi sao NBA* gia nhập đạo Công giáo vài tháng sau khi giải nghệ. Để …