Tựa nương Trái Tim Mẹ Maria

“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng…”

 

Mỗi lần nghe đoạn mô tả này về tình yêu của Mẹ Maria, tôi lại cảm thấy buồn. Không phải là tôi không mong mình có khả năng giữ những tâm sự thầm kín, thậm chí là những điều ngặt nghèo trong lòng mình với tình yêu thương, nhưng vấn đề là tôi không biết làm điều đó như thế nào. Những tổn thương cá nhân của tôi khiến trái tim tôi yếu đuối và luôn trong trạng thái phòng thủ. 

 

Mẹ Maria suy đi nghĩ lại mọi sự trong lòng. Ảnh: Pinterest.com

 

Lớn lên trong một gia đình Công giáo đạo đức, đúng ra tôi phải học cách đón nhận tình yêu của Mẹ Maria. Thế nhưng tôi đã không làm được như thế. Gia đình tôi vẫn giữ nếp sốt sắng tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày Lễ buộc, cầu nguyện trước bữa ăn, và bố mẹ tôi còn chúc lành cho anh em tôi mỗi đêm. Tôi có chuỗi Mân Côi nhưng hiếm khi lần hạt.

 

Mẹ Maria đã là một hình mẫu lý tưởng nhưng xa vời với tôi, một người nữ mà mầu nhiệm của đời Mẹ khiến tôi bối rối. Làm sao mà một người phụ nữ có thể thinh lặng kìm giữ ngần ấy thứ trong tim mình? Và vì lẽ gì mà Mẹ làm điều ấy? Với tính cách bộc trực và sôi nổi của mình, tôi không thể hiểu được điều đó, đặc biệt là khi những cơn bột phát ý kiến và nổi nóng của tôi thường khiến bố mẹ ôm đầu ngao ngán.

 

Tuy vậy, tôi vẫn thường nâng niu tấm ảnh ép nhựa láng bóng in hình Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và khẽ cầu xin Mẹ: “Mẹ Maria ơi, xin hãy giúp con được trở nên như Mẹ.” Mối quan hệ mật thiết với Mẹ gần như là điều không thể, vì Mẹ thì hoàn hảo, và tôi biết mình bất toàn.

 

Khi đã làm mẹ ở độ tuổi ngoài ba mươi, tôi nhìn nhận lại việc trò chuyện với Đức Maria. Trong Mùa Vọng đầu tiên ấy, tôi chẳng thực hành bất kì hình thức cầu nguyện hàng ngày nào, cũng chẳng màng thắp nến trên những vòng hoa Mùa Vọng. Bỏ qua những nghi thức này khiến tôi thấy mình như đã thất bại hoàn toàn. Nhưng mẹ tôi đã nói với tôi một điều mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên: “Con đang sống Mùa Vọng của chính con.”

 

Tôi đã khắc sâu lời dặn này của mẹ trong suốt các mùa phụng vụ sau đó: Giáng Sinh, Mùa Chay, Phục Sinh. Dần dần, tôi bắt đầu học cách hướng về Đức Maria và xin Mẹ dạy dỗ tôi cách làm một người mẹ, vì mọi thứ xoay quanh thiên chức này đều khiến tôi lo lắng. Tôi nhận ra mình biết rất ít về việc chăm sóc trẻ sơ sinh, và điều đó khiến tôi sợ hãi. 

 

Lời cầu nguyện sau đây của thánh Têrêsa Calcutta thường dẫn đưa tôi qua những đêm dài mất ngủ và những giai đoạn tăm tối của hoài nghi: “Mẹ Maria ơi, xin hãy là mẹ của con ngay lúc này.”

 

 

Nhiều năm sau, tôi đã hiểu thế nào là “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng…” Nó nghĩa là luôn dành chỗ cho Chúa Thánh Thần ngự trị, là lắng nghe những thì thầm và tác động âm thầm của Thiên Chúa, và là phân định đâu là khi Chúa đang nói với tôi, nghỉ ngơi với tôi, hay đang mời gọi tôi kiên nhẫn chờ đợi sự quan phòng theo ý Ngài.

 

Khi suy ngẫm, tôi cảm nhận được sự hiện diện của Mẹ Maria rõ rệt hơn cả, như thể Mẹ đang dẫn dắt tôi đến một tình yêu sâu sắc hơn với Thiên Chúa. Rồi tôi chợt nhận ra: thái độ của Mẹ vừa là tiếp nhận thụ động vừa là chủ động đón lấy. Vì Mẹ là hiện thân viên mãn của mọi nhân đức; việc suy ngẫm vừa là việc chủ động trong tỉnh thức, vừa là việc thụ động tiếp nhận. Cả hai yếu tố này đều cần thiết trong mối tương quan với Thiên Chúa.

 

Khi suy ngẫm về thái độ đón nhận chủ động này, tôi lại nhớ đến dụ ngôn mười cô trinh nữ. Một nửa thì khôn ngoan, nửa còn lại thì dại khờ. Những trinh nữ khôn ngoan thì tỉnh thức chờ đợi cho tới khi vị tân lang đến, đảm bảo đèn của mình luôn cháy sáng và không khi nào cạn dầu. Những trinh nữ khờ dại cũng mong ngóng tân lang, nhưng lại ngủ quên vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc.

 

Sự tỉnh thức là cốt yếu của đời sống thiêng liêng. Hầu hết những gì xảy đến đều nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Trên thực tế, phần lớn thời gian của chúng ta dành cho việc chờ đợi. Đôi khi, chúng ta chờ đợi lời cầu nguyện của mình được hồi đáp. Thường thì chúng ta tự hỏi tại sao mình phải chờ đợi, hay đang chờ đợi ai. Chúng ta biết Đức Kitô sẽ quang lâm, nhưng không ai biết chính xác ngày nào giờ nào. Ngược lại, chúng ta rất dễ trở nên lơ là, rơi vào cái bẫy chểnh mảng trong đức tin, và cho rằng ngày ấy sẽ không đến với chúng ta khi ta còn ở đời này.

 

Giữ mình tỉnh thức nghĩa là hướng trọn vẹn trái tim mình, cùng với Mẹ Maria, đến với Trái Tim Thiên Chúa. Điều đó bao gồm việc nhận thức rõ về bản chất con người mình, về những gì mình có thể làm (cả tốt lẫn xấu), và tin tưởng phó thác cho Chúa những gì vượt quá tầm hiểu biết hoặc khả năng thay đổi của chúng ta trong mỗi ngày sống.

 

Để đón nhận trong chủ động đòi hỏi sự lắng nghe. Một trái tim giống Mẹ Maria là một trái tim biết lắng nghe. Đó là trái tim nhận ra được mọi thứ, kể cả những điều nhỏ nhặt, như biểu cảm trên gương mặt một người đang buồn sầu hay cô đơn, kể cả khi họ lẩn khuất trong một đám đông. Khi trái tim chúng ta rộng mở, chúng ta nhận ra những điều nhỏ bé, tầm thường trong môi trường xung quanh và các cuộc trò chuyện trở nên những cử chỉ cao đẹp hay lời mời gọi sự chữa lành và động viên. Bằng cách nào đó, sự đón nhận làm giàu thêm khả năng yêu thương của chúng ta.

 

Giờ đây, khi đã thành một bà mẹ 5 con, tôi nhận thấy rõ điều này. Và tôi vẫn nương nhờ vào Đức Maria như Người Mẹ của mình, nhưng niềm tin của tôi nơi Mẹ giờ đây còn lan tràn sang tình yêu và sự chăm sóc của tình mẹ mà tôi đoan chắc là Mẹ Maria đang dành cho các con tôi, nhất là trong những lúc tôi không thể kề cận con mình để chăm sóc và nuôi dạy chúng.

 

Món quà tuyệt vời nhất của thiên chức làm mẹ là biết học cách yêu thương, một tình yêu không thể tìm thấy ở bất kì công việc nào khác. Khi tôi để trái tim tôi nên giống trái tim Mẹ Maria, tôi nhận ra mình có thể yêu vô điều kiện, dốc cạn bản thân cho đến khi Thiên Chúa lấp đầy tâm hồn tôi một lần nữa.

 

Tác giả: Jeannie Ewing
Chuyển ngữ: Nam Anh
Nguồn: Catholic Exchange

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …