Tình yêu sẽ lớn mạnh nhờ tình yêu

Chúa Nhật Tuần XXXI – Mùa Thường Niên

“Tình yêu sẽ lớn mạnh nhờ tình yêu”

 

 

Các bạn thân mến!

Trong Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có viết:

 

“Đức tin phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi chúng ta và mặc khải cho chúng ta tình yêu của Ngài, một tình yêu đi trước chúng ta và trên đó chúng ta có thể dựa vào để được an toàn và để xây dựng cuộc đời mình.” [1]

 

Như thế nhờ cuộc gặp với Thiên Chúa mà đức tin của chúng ta được phát sinh và nhờ việc đón nhận tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa mà chúng ta xây dựng cuộc đời mình. Phải chăng đây là những nét căn bản của đời sống Ki-tô hữu để giúp bạn và tôi xây dựng niềm tin và sự gắn bó với Thiên Chúa. 

 

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc một kinh sư đến hỏi Chúa về điều răn quan trọng nhất, Ngài trở lời: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó.” [2] Đây là điều cốt lõi của lề luật và của Đạo Công Giáo. Điều răn này mang hai chiều kích chiều kích siêu việt và chiều kích nhân bản – xã hội. Chiều kích siêu việt mở ra cho con người đi vào tương quan với Thiên Chúa. Còn chiều kích nhân bản – xã hội được kiện toàn nhờ việc đi vào tương quan với Thiên Chúa.

 

Tình yêu mang tính cá vị

Khi chiêm ngắm những sự vật hiện tượng và ngay cả bản thân tôi, tôi khám phá ra rằng phải có một điều gì đó vượt lên trên tôi, đang bao phủ lấy tôi và duy trì sự sống trong tôi. Tôi sống và hiện hữu nhờ việc duy trì mối tương quan với Đấng ấy. Điều này dẫn tôi đi vào kinh nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương, không ngừng chăm sóc và duy trì sự sống cho tôi và cho vạn vật. 

 

Khi chúng ta nói đến tình yêu, chúng ta không muốn nói đến một thứ tình yêu chung chung trừu tượng nhưng là một tình yêu cụ thể và cá vị. Dân Israel được Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ. Chính kinh nghiệm này dẫn họ đến việc ký kết giao ước với Thiên Chúa. Đây là điều mà chúng ta gọi là tình yêu đi trước hiện hữu. Nơi đời sống gia đình, chúng ta cảm nhận rằng tình yêu cha mẹ đã ban cho tôi trước khi tôi hiện hữu và cảm nhận về sự hiện hữu của tôi. Nơi đời sống của đôi bạn trẻ, quá trình tìm hiểu nhau là quá trình đọc lại lịch sử tình yêu của mình để khám ra một tình yêu cá vị mà tôi cảm nghiệm và xác tín cách thực sự vào tình yêu để rồi dần dần tôi đi đến việc thiết lập một giao ước vĩnh viễn và không thể đảo ngược với người bạn của mình. Người tu sĩ đọc lại lịch sử ơn gọi đời mình và nhất là những biến cố vui buồn mà mình đã trải qua để khám phá ra cách Thiên Chúa đã yêu thương tôi và tôi muốn đáp lại tình yêu đó bằng việc đi vào một giao ước với Ngài.

 

Kinh nghiệm cá vị về tình yêu và lòng biết ơn của tôi đối với Đức Ki-tô khi chiêm ngưỡng thập giá mời gọi tôi một tình yêu đáp đền.

 

Giáo Hội qua hơn hai ngàn năm lịch sử cũng không ngừng chiêm niệm về tình yêu của vị hôn phu là Đức Giê-su Ki-tô nhất là trong Lời của Ngài và trong Bí Tích Thánh Thể. “Trong Phụng Vụ, trong cầu nguyện của Hội thánh cũng như trong cộng đoàn sinh động các tín hữu. Ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và nhận ra sự hiện diện của Ngài, ta học nhận ra Ngài hiện diện trong đời thường của ta. Ngài yêu ta trước, và tiếp tục yêu như thế; để rồi ta cũng đáp lại bằng mến thương. Thiên Chúa không đòi nơi ta một tình cảm mà ta không có khả năng có. Ngài yêu thương ta, Ngài làm cho ta thấy và cảm nghiệm được tình yêu của Ngài, và vì Ngài đã ‘yêu ta trước’, nên tình yêu đáp trả cũng có thể nở rộ trong ta.” [3]

 

Kinh nghiệm về đức tin là kinh nghiệm về việc cảm thấy và cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi. Tôi có thể biết rất nhiều về Thiên Chúa qua sách vở, qua tri thức nhưng tôi có thực sự đụng chạm, kinh nghiệm và cảm nghiệm cách cá vị về Thiên Chúa hay không lại là điều khác. Điều quan trọng là chính tôi phải là người đụng chạm chính Ngôi Vị ấy, chính Con Người ấy và cảm nghiệm tình yêu của Ngài cho tôi. Tình yêu của Ngài đi bước trước để rồi khi tôi cảm nhận được tình yêu ấy, tôi muốn đáp lại tình yêu ấy bằng việc sống giao ước, “tôn kính, ngợi khen, và phụng sự Ngài.” Có như thế, đời sống tôn giáo không phải là một gánh nặng nhưng là cánh cửa để tôi đi vào một cuộc gặp gỡ với Đấng đã yêu mến tôi. Như thế giao ước giả định tình yêu và củng cố tình yêu của tôi với Chúa. Khi chúng ta nói đến điều răn chúng ta hay nói đến yếu tố lề luật. Chúng ta cần hiểu điều này trong tương quan của tình yêu và lòng biết ơn.

 

Tình yêu toàn thể

Khi nói đến tình yêu Thiên Chúa, chúng ta muốn nói đến tình yêu toàn thể. Tình yêu này được thể hiện ở 2 khía cạnh. Tình yêu Thiên Chúa thể hiện một cách phổ quát, liên tục, không đứt đoạn và tình yêu đó bao trùm lên mọi vạn vật. Không một tạo vật nào hiện hữu mà không nhờ tình yêu của Ngài. Đồng thời tình yêu đó cuốn hút toàn thể con người tôi và mời gọi tôi đáp lại tình yêu của Ngài cách hoàn toàn. Tình yêu toàn thể mời gọi tôi sống trọn vẹn với Thiên Chúa. Điều răn mà Chúa Giê-su đề cập nói đến tính trọn vẹn đó. Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng và ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình. Tính toàn thể của tình yêu thể hiện ở ba khía cạnh. Thứ nhất, vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa bao trùm lên mọi vật không phân biệt tốt xấu, công chính hay bất chính. Ngài trao ban tất cả cho tôi. Cho nên tình yêu đó mời gọi tôi hãy sống một tình yêu phổ quát như Ngài. Thứ hai, tính toàn thể của tình yêu do chính bản chất nội tại của tình yêu. Người ta không thể có hạnh phúc nếu chỉ yêu mến và dấn thân cách nửa vời. Thứ ba, tự bản chất của tình yêu mời gọi một sự đáp trả cách trọn vẹn và hướng đến Toàn Thể. Khi tôi cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa, tôi muốn đáp lại tình yêu ấy với toàn thể con người của tôi. Trong thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI có viết:

 

“Tình yêu trưởng thành có đặc điểm là đòi con người phải vận dụng hết mọi năng lực mình. Ta có thể nói: nó đòi sự tham gia của toàn thể con người. Và một khi chạm tới được các biểu hiện minh nhiên của tình yêu Thiên Chúa, ta sẽ thấy rộn ràng nơi mình một niềm vui sướng vì biết rằng: tôi được yêu. Nhưng cuộc gặp gỡ này cũng đòi cả trí khôn và ý chí cùng tham gia. Một khi nhìn nhận rằng, Thiên Chúa hằng sống là con đường dẫn tới tình yêu, thì tiếng ‘xin vâng’ của ý chí ta đáp lại ý muốn của Ngài, sẽ liên kết trí khôn, ý chí và tình cảm ta lại trong một hành động yêu mến gồm tóm tất cả. [4]

 

Phải nói rằng lời mời gọi sống giới răn của Chúa là một lời mời gọi rất đẹp nhưng không phải dễ dàng thực hiện trong đời sống. Bởi vì nơi bản tính chúng và kinh nghiệm sống hằng ngày, chúng ta luôn phải vật lộn với con người thế gian trong chúng ta. Chỉ khi chúng ta dám buông mình cho Chúa và để cho tình yêu của Đức Ki-tô bao phủ đời ta, ta mới có thể sống con đường và lời mời gọi của Chúa dành cho ta.

 

Niềm tin tôn giáo mời gọi tôi cần phải có sự thống nhất giữa yếu tố siêu nhiên và nhân bản. “Mến Chúa và yêu người” luôn đi đôi với nhau. Thiếu một trong hai yếu tố thì niềm tin của chúng ta sẽ bị thiên lệch. Niềm tin của tôi có thể có 3 nguy cơ. Thứ nhất, niềm tin bị co cụm. Tôi quá tập trung vào những bận tâm của mình mà thiếu đi việc quan tâm đến nhu cầu của anh chị em mình. Tôi đánh mất đi chiều kích siêu nhiên nơi cuộc gặp gỡ với anh chị em tôi. Xã hội hiện đại mở ra cho tôi nhiều cánh cửa cho sự phát triển nhưng nó cũng đóng lại nhiều cánh mở ra cho sự liên đới. Người ta quan tâm đến cái “tôi muốn” hơn là “cái chúng ta.” Thứ hai, tôn giáo có nguy cơ bị tri thức hóa, người ta có nguy cơ gặp gỡ Thiên Chúa qua tri thức, khái niệm, lề luật, thói quen hơn là gặp gỡ Thiên Chúa cách đích thực. Chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa qua những khái niệm về Chúa hơn là chính Chúa. Thứ ba, tôn giáo trở thành một hình thức nhân bản hóa. Tôi chỉ cần sống tốt mà không cần liên hệ đến yếu tố siêu nhiên và thánh thiêng. Điều này cũng có thể dẫn đến nguy cơ nhân bản hóa tôn giáo và nhân bản hóa đời tu. Điều cần thiết để sống niềm tin đúng đắn là đi vào mối dây hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân.     

   

Tình yêu thông hiệp

Tình yêu là yếu tố thuộc bình diện sâu thẳm nhất của một nhân vị. Nó là yếu tố cấu thành nên hiện hữu của tôi. Hiện hữu của tôi sẽ trở nên khiếm khuyết nếu tôi thiếu đi thứ tình yêu này. Hiện hữu của tôi sẽ tròn đầy nếu tôi sống tròn đầy thứ tình yêu này. Nơi tình yêu tôi đi vào một sự nối kết và sự thông hiệp với Thiên Chúa. Đồng thời cũng nơi tình yêu tôi đi vào một sự thông hiệp trọn vẹn với tha nhân. Chính việc đi vào sự thông hiệp này đụng chạm đến chiều sâu của hiện hữu trong tôi và thay đổi chính tôi. Tình yêu dẫn đến một sự thông hiệp ở mức độ sâu nhất của hai ngôi vị và làm phát sinh sự sống mới. Sự sống mà chúng ta muốn nói theo nghĩa nhân bản và theo nghĩa siêu nhiên.

 

Tự bản chất tình yêu là sự nên một, cuốn hút và sáng tạo. Đức Giê-su muốn nên một với tôi. “Để Thầy ở đâu anh em cũng được ở đó với Thầy.” [5]Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” [6] Tình yêu cuốn hút đôi bạn hướng đến nhau và mở ngỏ cho sự sống. Tình yêu nơi người tu sĩ cuốn hút họ đi vào trong mối hiệp thông với Thiên Chúa trong cầu nguyện và trong sứ mạng. Sức mạnh thiêng liêng từ cuộc gặp với Thầy tạo nên sức bật cho đời sống sứ mạng. Ngược lại, những yếu tố tạo nên sự tách lìa sẽ phá đổ tính bền vững của tình yêu.

 

Trong bài Chiêm Niệm Để Được Tình Yêu [7], Thánh I-nhã có đề cập đến 2 yếu tố của tình yêu.

 

Tình yêu hệ tại ở hành động hơn là lời nói và tình yêu được thể hiện bằng sự trao đổi của hai ngôi vị.

 

Thiên Chúa diễn tả tình yêu của Ngài qua việc Ngài trao ban chính con của Ngài cho tôi. Trong sự nên một với Ngài, Ngài trao ban sự sống và tình yêu của Ngài cho tôi. Tình yêu nên một với Đức Ki-tô mời tôi làm điều gì đó cho Ngài và cho anh chị em của Ngài. Nhờ đi vào tình yêu với Chúa mà tôi có thể sống điều mà Chúa mời gọi tôi. “Nếu Tình yêu sẽ lớn mạnh nhờ tình yêu. Tình yêu là ‘linh thánh’ vì nó xuất phát từ Thiên Chúa và kết hiệp ta với Ngài. Qua tiến trình kết hợp này, nó làm ta trở thành một ‘chúng ta’, vượt lên trên mọi chia rẽ, và làm ta trở nên một, để rồi cuối cùng Thiên Chúa trở nên ‘mọi sự cho mọi người.’”(1 Cr 15,28) [8]

 

Lm. Gioan Phạm Duy Anh, S.J.

 

[1] ĐTC Phanxicô, Ánh Sáng Đức Tin, Số 4

[2] Mc 12, 29-31

[3] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, Số. 17

[4] Ibidem

[5] Ga 14, 3

[6] Ga 15, 9

[7] Linh Thao, 230-237

[8] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, Số. 18

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …