“Đức Tin Ki-tô giáo có liên hệ hữu cơ với đời sống cụ thể của người Ki-tô hữu…Tin nơi Chúa sẽ làm toàn bộ cuộc sống chúng ta biến đổi”
Trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, ngày 17 tháng 10 năm 2012, tại Quảng trường thánh Phê-rô, có sự hiện diện của lối 40 ngàn tín hữu hành hương đến từ nhiều nước khác nhau. Như thường lệ, sau phần diễu hành giữa đám đông tín hữu để vẫy chào họ, ĐTC trở lại lễ đài. Ngài làm dấu thánh giá, chúc lành cho các tín hữu, và bắt đầu bài giáo lý của mình.
Phần Diễn Từ
Anh chị em thân mến,
“Hôm nay tôi muốn giới thiệu một chu kỳ mới các bài huấn giáo sẽ được khai triển suốt trong Năm Đức Tin (vừa được khai mạc hôm thứ Năm tuần trước). Thế nên trong thời gian này, tôi tạm ngưng loạt bài giáo lý về trường cầu nguyện. Với Tông Thư ”Cửa Đức Tin” tôi đã ấn định Năm đặc biệt này, để Giáo Hội canh tân niềm hăng say tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Thế duy nhất, để khơi dậy niềm vui tiến bước trên con đường Chúa đã chỉ cho chúng ta và làm chứng một cách cụ thể về sức mạnh biến đổi của đức tin.
Kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 là một cơ hội quan trọng để trở về cùng Thiên Chúa, để đào sâu và sống niềm tin của mình một cách can đảm hơn, để củng cố sự thuộc về Giáo Hội, “là thầy dạy của nhân loại”, qua việc loan báo Lời Chúa, cử hành các bí tích và các hoạt động bác ái, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta gặp gỡ và nhận biết Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đây là cuộc gặp gỡ không phải với một ý tưởng hay một dự phóng cuộc đời, nhưng với một Nhân Vị sống động. Cuộc gặp gỡ ấy biến đổi chúng ta một cách sâu xa, tỏ cho chúng ta thấy căn tính đích thực của chúng ta là con cái Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô đổi mới những mối tương quan nhân sinh, hướng những mối tương quan ấy tới chỗ liên đới hơn và huynh đệ hơn, theo lô-gíc của tình yêu. Tin nơi Chúa không phải là một điều chỉ liên hệ đơn thuần tới trí tuệ của chúng ta, thuộc lãnh địa tri thức mà thôi, nhưng còn là một cuộc đổi thay liên hệ đến cuộc sống, biến đổi trọn cả con người chúng ta nữa: tình cảm, lòng, trí, ý chí, thể xác, cảm xúc, mọitương quan nhân sinh. Với đức tin, tất cả đều được biến đổi trong chúng ta và cho chúng ta, và nó cũng vén mở rõ ràng cho chúng ta thấy định mệnh tương lai của chúng ta, sự thật về ơn gọi của chúng ta ẩn trong lịch sử, ý nghĩa cuộc đời, sự thích thú khi được làm người lữ hành tiến về quê trời.
Nhưng chúng ta tự hỏi: đức tin có thực sự là sức mạnh biến đổi cuộc sống chúng ta hay không? Hay nó chỉ là một trong những yếu tố làm nên một phần của hiện hiện hữu, chứ không phải là yếu tố có tính quyết định toàn bộ cuộc sống? Với những bài giáo lý Năm Đức Tin này, chúng ta muốn làm một cuộc hành trình để củng cố hoặc tìm lại niềm vui đức tin, hiểu rằng đức tin không phải là một cái gì xa lạ, tách rời khỏi đời sống cụ thể, nhưng chính nguyên lý linh hoạt cuộc sống ấy. Niềm tin nơi một Thiên Chúa: là Tình Thương, và là Đấng đã trở nên gần gũi với con người; Một Thiên Chúa đã nhập thể và hiến mình trên thập giá để cứu vớt chúng ta và tái mở cửa trời cho chúng ta, chỉ cho chúng ta thấy một con đường rạng ngời rằng sự sung mãn của con người chỉ hệ tại nơi tình yêu mà thôi.
Ngày nay cần phải lập lại điều đó một cách rõ ràng, giữa lúc những biến đổi văn hóa hiện nay thường cho thấy bao nhiêu hình thức man rợ, dưới chiêu bài gọi là “những chinh phục của nền văn minh”: đức tin khẳng định rằng chỉ có nhân đạo chân chính khi tại những chốn, nơi các cử chỉ, trong thời gian và trong những hình thức, mà qua đó con người được được linh hoạt bởi một tình thương đến từ Thiên Chúa, được diễn tả như một hồng ân, được biểu lộ trong những tương quan đầy yêu thương, từ bi, quan tâm và phục vụ vô vị lợi đối với người khác. Nơi nào có sự thống trị, chiếm hữu, bóc lột, biến tha nhân thành món hàng để mưu lợi cho cá nhân mình, nơi nào có sự kiêu hãnh của cái tôi khép kín nơi chính mình, thì nơi đó con người trở nên nghèo nàn, bị hạ cấp và biến dạng. Đức tin Ki-tô giáo hoạt động trong bác ái và vững mạnh trong niềm hy vọng, không giới hạn nhưng nhân bản hóa cuộc sống, hay đúng hơn, đức tin làm cho cuộc sống trọn vẹn là người.
ĐTC giải thích thêm rằng:
“Đức tin là đón nhận sứ điệp có sức biến đổi ấy trong đời sống chúng ta, là đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Mặc Khải vén mở cho chúng ta biết Ngài là ai, hành động như thế nào và đâu là những dự phóng của Ngài dành cho chúng ta. Dĩ nhiên, mầu nhiệm Thiên Chúa vẫn luôn vượt trên những ý niệm và lý trí của chúng ta, vượt trên các nghi lễ và kinh nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, với Mặc Khải, chính Thiên Chúa tự thông truyền cho chúng ta, tự nói với chúng ta và làm cho chúng ta có thể đến được với Ngài. Và chúng ta nhận được khả năng lắng nghe Lời Thiên Chúa, đón nhận sự thật của Ngài. Và đây chính là điều tuyệt vời của đức tin: trong tình yêu của Ngài, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh, Thiên Chúa đã tác tạo trong chúng ta những điều kiện thích hợp để chúng ta có thể lĩnh hội được Lời của Ngài. Với ý muốn tự tỏ lộ mình, chính Thiên Chúa bước vào cuộc tiếp xúc với chúng ta, tự phơi mình ra trong lịch sử nhân loại. Ngài đã làm cho chúng ta có khả năng lắng nghe Ngài và đón nhận Ngài. Thánh Phaolô đã vui mừng diễn tả điều đó với lòng biết ơn: “Chúng ta không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, vì sau khi đã đón nhận từ chúng tôi lời Thiên Chúa qua việc rao giảng, anh chị em đã đón nhận lời ấy không phải như lời người phàm, nhưng thực sự như Lời Thiên Chúa Đấng hoạt động trong anh em là những người tin” (1 Ts 2,13).
Thiên Chúa tự biểu lộ mình qua lời nói và việc làm trong suốt chiều dài lịch sử tình bạn hữu với con người, mà đỉnh điểm là nơi cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa và trong mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Thiên Chúa không chỉ tự biểu lộ cho chúng ta trong lịch sử của một dân tộc, không chỉ nói qua các ngôn sứ, nhưng Ngài còn giã từ cõi trời để đi vào thế giới con người như một người giữa chúng ta, để chúng ta có thể gặp gỡ và lắng nghe Ngài. Và rồi từ Jerusalem việc loan báo Tin Mừng cứu độ được loan truyền cho đến tận bờ cõi trái đất.
Giáo Hội, được khai sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô, trở thành người mang niềm hy vọng mới mẻ và vững chắc rằng, Đức Giêsu thành Nazareth, bị đóng đanh và chịu chết, đang ngự bên hữu Chúa Cha, và là vị xét xử người sống và kẻ chết. Đó là huấn giáo, là lời loan báo nòng cốt và mạnh mẽ của đức tin. Ngay từ đầu người ta đã đặt vấn đề ”qui luật đức tin”, nghĩa là lòng trung thành của các tín hữu đối với chân lý Tin Mừng, trong đó cần phải kiên vững, trung thành với chân lý cứu độ về Thiên Chúa và về con người, cần phải bảo tồn và thông truyền. Thánh Phaolô đã viết: “Anh em lãnh nhận ơn cứu độ, nếu anh em giữ đúng định thức như tôi đã loan báo cho anh em, bằng không anh em có tin cũng vô ích” (1 Cr 15,2).
ĐTC đặt câu hỏi: “Nhưng chúng ta biết tìm đâu ra định thức thiết yếu của đức tin? Chúng ta phải tìm đâu ra cái chân lý được trung thành truyền lại cho chúng ta và để tạo nên ánh sáng cho đời sống thường nhật của chúng ta? Câu trả lời thật là đơn giản: thưa ở trong kinh Tin Kính, trong bản tuyên xưng đức tin, qua đó chúng ta gắn bó với biến cố nguyên thủy của Con Người Giê-su, và của lịch sử về Đức Giêsu thành Nazareth; nhờ đó người ta cụ thể hóa điều mà thánh Tông Đồ dân ngoại đã nói với các tín hữu thành Cô-rin-tô: “Vì thế tôi truyền lại cho anh em trước tiên điều mà chính tôi cũng đã lãnh nhận, đó là: Chúa Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng theo Kinh Thánh, ngài được an táng và ngày thứ ba Ngài sống lại” (1 Cr 15,3).
“Ngày nay chúng ta cũng cần làm sao để Kinh Tin Kính được biết rõ, được lĩnh hội và và được khẩn cầu. Trên hết, điều quan trọng là làm sao để kinh Tin Kính được “tin nhận”. Thực vậy, trong khi việc “biết” chỉ có thể là một hoạt động thuần túy trí thức, thì việc “tin nhận” muốn ám chỉ đến sự cần thiết phải khám phá mối liên hệ sâu xa giữa những chân lý mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính với cuộc sống hằng ngày của chúng ta, để mà các chân lý ấy là thực và cụ thể, là ánh sáng soi dẫn mọi nẻo đường cuộc sống chúng ta, là nước tưới gội nơi nóng cháy trên hành trình của chúng ta, trở nên sức sống vượt thắng những sa mạc cuộc sống ngày nay. Trong Kinh Tin Kính, các chân lý đức tin gắn liền với cuộc sống luân lý của Ki-tô hữu, trong đó họ tìm được nền tảng và cả lý do chứng minh đời sống luân lý ấy.
ĐTC cũng nhận xét thêm rằng: ngày nay chúng ta sống trong một xã hội đột biến sâu xa so với quá khứ gần đây, và liên tục biến chuyển. Tiến trình thế tục hóa và sự lan tràn não trạng hư vô, trong đó mọi sự chỉ là tương đối, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức chung. Thế nên, cuộc đời được sống cách “vô tư, dễ daixr”, chẳng có lý tưởng rõ ràng, chẳng có niềm hy vọng vững chắc, giữa những mối ràng buộc xã hội và gia đình ngày càng lỏng lẻo, tạm bợ. Nhất là các thế hệ mới bây giờ không được giáo dục về sự kiếm tìm chân lý và ý nghĩa sâu xa của cuộc đời, là những thứ vượt lên trên những điều tạm thời chóng qua, họ không được giáo dục về tính vững bền của tình cảm, về lòng tín nhiệm. Trái lại, chủ thuyết duy tương đối làm cho người ta không có những điểm tựa vững chắc, nên dễ sinh ngờ vực, và dễ ham muốn, tạo ra sự tan vỡ trong tương quan giữa con người với nhau, trong khi cuộc sống bị giới hạn vào những kinh nghiệm chóng vánh, mà chẳng có lãnh nhận trách nhiệm. Trong khi cá nhân chủ nghĩa và duy tương đối dường như thống trị tâm hồn của nhiều người ngày nay, ta không thể nói rằng các tín hữu hoàn toàn được miễn nhiễm khỏi những nguy hiểm mà chúng ta gặp phải trong việc thông truyền đức tin. Cuộc điều tra được thực hiện tại tất cả các đại lục để làm việc tại Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giảng Tin Mừng, cho thấy một số nguy hại, đó là đức tin được sống một cách thụ động và tùy cá nhân, sự từ khước giáo dục đức tin, sự cách biệt giữa đức tin và cuộc sống.
Các tín hữu Kitô thường không thấy được hạt nhân nòng cốt của đức tin Công Giáo, của Kinh Tin Kính, thế là tạo ra khoảng không để mặt cho một thứ tôn giáo pha trộn và duy tương đối tôn giáo, họ chẳng rõ về các chân lý cần phải tin và về tính đơn nhất cứu độ của Ki-tô giáo. Thế nên ngày nay, người ta có nguy cơ sa vào thứ tôn giáo tự chế, có thể nói là một tôn giáo “bạn hãy làm vì bạn”, ví tựa cái slogan “hãy tự cứu lấy mình”. Trước thái độ đó, chúng ta phải trở về cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải tái khám phá sứ điệp Tin Mừng, đưa sứ điệp ấy vào sâu trong ý thức và trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.
Và để đúc kết bài giáo huấn, ĐTC chia sẻ: trong các giáo huấn của năm đức tin này tôi muốn trao tặng một sự nâng đỡ để thực hiện cuộc hành trình này, để hàn gắn lại và đào sâu chân lý đức tin về Thiên Chúa, về con người, về Giáo Hội, về tất cả mọi thực tại xã hội và vũ hoàn, suy gẫm và phản tỉnh các tín điều trong Kinh Tin Kính. Và tôi muốn một sự minh chứng rõ ràng rằng các nội dung này, nghĩa là các chân lý đức tin có liên hệ trực tiếp với đời sống chúng ta. Chúng đòi chúng ta phải làm một cuộc phải hoán cải cuộc sống, chúng mang lại cho chúng ta một cách thức mới để tin vào Chúa. Biết Chúa, gặp gỡ Ngài, đào sâu các đặc nét trên dung mạo của Ngài, đưa vào đặt đời sống của chúng ta, để Thiên Chúa bước vào nơi các động lực thẩm sâu của hiện hữu con người.
Nguyện cho cuộc hành trình mà chúng ta thực hiện năm nay sẽ làm cho mọi người chúng ta trưởng thành trong đức tin và trong tình yêu của Chúa Ki-tô, để chúng ta biết học để sống, trong chọn lựa lẫn trong hành động thường ngày, một cuộc sống tốt lành và đẹp đẽ của Tin Mừng.
Cám anh anh chị em.
Phần Chào Thăm
Sau bài huấn giáo dài bằng tiếng Ý, như thường lệ ĐTC đã tóm tắt bằng các sinh ngữ chính và chào thăm phái đoàn các tín hữu được giới thiệu lên ngài. Trong lời chào thăm bằng tiếng Anh, ĐTC nói:
Anh chị em thân mến!
Việc giới thiệu loạt bài huấn giáo mới trong suốt Năm Đức Tin này, cũng có nghĩa là để đồng hành cùng những cử hành Năm Đức Tin của Giáo Hội, đánh dấu 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Chung Vaticano II. Năm Đức Tin mời gọi chúng ta hãy làm mới lại lòng hăng say vì món quà đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, trưng ra cho chúng ta thấy ý nghĩa đích thực và tối hậu của hiện hữu con người. Đức Tin biến đổi cuộc sống chúng ta, làm cho chúng ta có thể hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa là Đấng đã tác tạo nên chúng ta, để chúng ta sống tự do theo thánh Ý của Ngài, và để chúng ta biết hợp tác trong việc dựng xây một xã hội nhân văn và huynh đệ thực sự. Thế nên, loạt bài giáo lý của chúng ta sẽ bàn về những chân lý trọng tâm về đức tin được diễn tả trong những lời Kinh Tin Kính các Tông Đồ. Nguyện cho Năm Đức Tin sẽ dẫn dắt hết thảy các tín hữu tới chỗ hiểu biết tròn đầy hơn về mầu nhiệm Chúa Ki-tô và đạt tới sự thông dự sâu xa hơn vào đời sống của Thân Thể Ngài, chính là Giáo Hội.
Trước khi kết thúc, ĐTC cũng không quên chào thăm và chúc lành cho các đoàn, nhóm, hội hiện diện cách đặc biệt trong buổi tiếp kiến hôm nay. Ngài nói: “tôi xin chào mừng nhóm nghiên cứu về Công Giáo và Hồi Giáo đến từ Giáo Phận Broken Bay ở Úc. Tôi cũng xin chào mừng các vị đại diện của Liên Hiệp Do Thái Bắc Mỹ, cùng các tham dự viên trong Hội Đồng Âu Châu thuộc Viện Nghiên Cứu Phá Sản Mỹ. Tôi xin cám ơn các thành viên trong ca đoàn đến từ Oslo, và xin cám ơn các vũ công Haiwaii vì màn biểu diễn vừa rồi. Với hết thẩy các anh chị em nói tiếng Anh đang hiện hiện nơi đây, gồm những anh chị em đến từ: Scotland, Ireland, Jersy, Na-Uy, Áo, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Canada và Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tôi nài xin Phúc Lành Thiên Chúa ở cùng anh chị em.
Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J.
chuyển ngữ và giới thiệu.