Cuộc sống và cái chết của chân phước Đa-minh OColan (gọi theo tiếng Anh là Collins) gắn liền với đất nước và Hội Thánh Ai-len trong những năm cuối thế kỷ XVII. Từ thế kỷ V, do Thánh Patrixiô đến truyền giáo, toàn thể dân Ai-len đã gia nhập Hội Thánh Công giáo. Đến thế kỷ XII, Ai-len nhỏ bé bị nước Anh láng giềng lớn hơn đô hộ. Vào thế kỷ XVI, khi nước Anh tách khỏi Hội Thánh Công giáo, người Ai-len bị cưỡng bách theo Anh giáo. Dân Ai-len vốn thích độc lập nên cương quyết kháng cự. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ bị người Anh giết hại, nhiều nhà thờ và nhà dòng bị người Anh phá hủy.
Chân phước Đaminh OColan ra đời vào năm 1566 trong một gia đình thế giá và có truyền thống ở thành phố cảng Youghal, miền Cork, Ai-len. Khi lên 11, ngài được học Latin tại một trường Dòng Tên tại Youghal. Tuy nhiên, hai năm sau, trường này đã bị chính phủ buộc đóng cửa và không bao giờ được mở lại. Vì lẽ đó, Đaminh OColan được học rất ít. Không chỉ vậy, ngài lớn lên trong sự áp bức của người Anh cả về kinh tế lẫn tôn giáo – ngài cũng như nhiều thanh niên công giáo khác không thể kiếm được việc làm.
Năm 20 tuổi, vì muốn được tự do giữ đức tin cũng như muốn tiến thân, chân phước OColan bỏ quê hương sang Pháp. Ít lâu sau, ngài gia nhập quân đội Pháp. Nhờ can đảm và tài ba, ngài được thăng cấp khá nhanh. Năm 32 tuổi, ngài trở thành một sĩ quan nổi tiếng. Sau một thời gian, vì ước mong được trở về quê hương cứu giúp đồng bào, ngài xin gia nhập quân đội Tây Ban Nha, bởi lúc ấy Tây Ban Nha đang giúp Ai-len chống lại người Anh. Tuy nhiên, ngài đã không có được một niềm vui thích hay bình an nào trong đời sống của một sĩ quan, dù ngài rất tốt lành. Ngài thấy mình hướng chiều nhiều hơn đến việc cầu nguyện và đọc các sách thiêng liêng.
Tại thời điểm đó, năm 1598, ngài gặp cha White, một Giêsu hữu gốc Ai-len. Cuộc đời của ngài bước sang một khúc ngoặt mới nhờ những hướng dẫn cũng như cách sống của cha White. Ngài cho biết từ lâu đã được Chúa thôi thúc đi tu, và quyết định vào Dòng Tên vì thấy các cha tuyên úy Dòng Tên không chửi tục hoặc đánh bài! Ngài đã xin vào Dòng Tên và chỉ xin làm tu huynh. Tất cả những người quen biết ngài cũng như các bạn của ngài trong quân đội đều vô cùng ngạc nhiên trước quyết định rời bỏ đời sống của một sĩ quan cao cấp cũng như những trợ cấp từ Hoàng Gia Tây Ban Nha dành cho ngài.
Ngài được nhận vào nhà tập ở Tây Ban Nha và trở thành một con người hoàn toàn mới: thay vì xông pha chỉ huy ngoài trận mạc, ngài thích thú với những công việc phục vụ nhỏ bé trong nhà. Sau khi khấn, tháng 2 năm 1601, ngài được chỉ định theo một cha Dòng Tên người Ai-len về quê hương giúp đồng bào, đúng như lòng ngài hằng ước nguyện.
Tại quê nhà, trong khi ngài đang ở giúp binh sĩ trong pháo đài Dunboy, quân Anh đến bao vây pháo đài. Vì biết toán quân Ai-len không đủ sức kháng cự, ngài tình nguyện ra gặp quân Anh thương thuyết, hi vọng những binh sĩ bị bao vây thoát chết. Trái với điều ngài mong đợi, quân Anh tàn sát hết, và bắt ngài, dụ dỗ ngài bỏ Hội Thánh Công giáo để theo Anh giáo và làm sĩ quan trong quân đội Anh. Ngài kiên quyết tuyên xưng đức tin của Hội Thánh Công giáo và từ chối mọi dụ dỗ mà khẳng định rằng: “Tôi về Ai-len rao giảng đức tin Công giáo, và tôi rất sung sướng được chết ngàn lần vì đức tin.”
Ngài bị đưa về sinh quán gần thị xã Cork để chịu án treo cổ. Tại giá treo cổ, sự bình an và niềm vui hiện lên trên khuôn mặt ngài đến nỗi viên sĩ quan người Anh phải thốt lên rằng: “Anh này sắp đi đến giờ chết mà lại háo hức như thể sắp đi ăn tiệc”. Chân phước Đaminh OColan đáp lại rằng: “Vì lý do này, tôi sẵn sàng chịu chết không phải một nhưng cả ngàn lần.” Lời của ngài cũng như niềm vui hiện lên trên khuôn mặt của ngài đã chạm đến con tim của người treo cổ đến nỗi anh ta từ chối thi hành phận vụ của mình. Tuy nhiên, vì sự ép buộc của quân đội, người này đã phải thi hành phận vụ của mình; trước khi thi hành, anh ta xin chân phước Đaminh OColan tha thứ, và ngài đã đáp lại bằng một nụ cười trìu mến và lời chúc lành. Trong những phút cuối cùng, ngài đã cầu nguyện và thưa lên: “Lạy Chúa, trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con.”
Ngài được hưởng phúc tử đạo ngày 30.10.1602 khi mới 36 tuổi. ĐGH Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài lên hàng chân phước ngày 27.9.1992. Ngài là một chứng nhân về lòng trung thành với Hội Thánh Công giáo và về lòng quảng đại hiến dâng chính sự sống của mình để bảo vệ Đức Tin. Ngày nay, đời sống của vị anh hùng trẻ tuổi này trở nên gương mẫu cho giới trẻ trong việc loan báo Đức Tin của mình trong một xã hội đang chịu ảnh hưởng của sự hưởng thụ, ích kỷ, mất dần những giá trị đạo đức và thiêng liêng nền tảng của con người.
***
AMDG
ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA HƠN