Cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô trên thập giá

Karl Rahner, S.J.

Bài suy niệm này trích trong tuần Linh Thao mà Cha Rahner giảng cho các sinh viên thần học tại Berchmanskolleg, Pullach gần Munich và Học viện Đức Quốc, Roma (1964). Dịch từ bản tiếng Đức trong Rahner, Karl: Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel-Verlag, München, 1965, 235-244.

Tuần thứ ba của Linh Thao dẫn chúng ta đến việc chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa chết trên thập giá. Để chiêm ngắm cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô trên thập giá, chỉ cần nhắc lại những gì ta đã suy tư về Ngài khi chấp nhận khổ hình. Tất cả đều có thể được tóm gọn trong câu thường được trích từ thư Thánh Phao-lô: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1 Co 1, 18) Chúng ta còn có một câu khác trong cùng chương nhất của thư ấy: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1 Co 1,23 tt) Chúng ta sẽ sử dụng hai câu này như điệp khúc cho bài suy niệm của chúng ta. Theo thánh Phao-lô, triết lý chân thật hiểu như là philo-sophia chính là tình yêu đối với sự khôn ngoan của Thiên Chúa khi Ngài tự trao hiến cho nhân loại nhờ Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Thập giá là và mãi là giao điểm của lịch sử thế giới: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…” (Lc 2, 34).

1. Ô nhục đối với người Do Thái, điên rồ đối với dân ngoại

Khi thánh Phao-lô nói về vị Thiên Chúa bị đóng đinh, là ô nhục đối với người Do Thái, trước tiên thánh nhân nghĩ đến ô nhục đối với đồng bào của ngài, những người vì sự thù ghét cuồng tín đã chống đối Đức Giê-su. Nhưng nhờ chính cách nói như vậy mà thánh Phao-lô đã cảnh báo một cung cách hành xử, theo đó nó đã vượt qua biên giới của dân tộc Do Thái và có thể thấy được ở mọi thời. Có những người cư xử hoàn toàn theo lối những người Do Thái xưa chối bỏ Đức Ki-tô. Họ là những người tự tạo cho mình một vị Thiên Chúa theo những phạm trù riêng; những điều làm cho họ tin là Thiên Chúa thực ra chỉ là những hình ảnh do họ tính toán và xác lập; hình ảnh một vị Thiên Chúa thống trị và đắc thắng, vị Thiên Chúa mà trong nhãn quan của họ không thể đi đến kết thúc bằng thập giá.

Xét trên bình diện rộng, cũng có thể có một chút đúng đắn về khái niệm Thiên Chúa như thế, dù cực kỳ ít. Rồi suy cho cùng, những người ấy đã làm sai lạc chính khái niệm về Thiên Chúa bằng chi tiết cuối cùng mà họ gán cho Thiên Chúa, bao lâu họ chưa sẵn sàng chấp nhận phó mình cho Thiên Chúa; một vị Thiên Chúa không chỉ tự thân mà còn trong tương quan với tất cả chúng ta, luôn luôn lớn hơn những gì chúng ta có thể tưởng nghĩ về, thậm chí cả sau khi chính Ngài tự bày tỏ cho chúng ta. Một cá nhân mang đặc trưng của sự lây nhiễm chính tinh thần mà Phao-lô gán cho là Do Thái là một người ra sức bảo vệ Thiên Chúa của anh ta và chống lại tất cả những khuynh hướng bất hòa hợp với quan niệm thần học của cá nhân anh. Những điều gì khác so với hình ảnh được phép có trong Thiên Chúa của riêng anh sẽ gây sốc cho anh, đến nỗi anh ta sẽ kháng cự bằng tất cả sự kinh hãi những gì đến từ một quan niệm tôn giáo ngoại tại. Anh ta tự rèn đúc cho riêng mình một vị Thiên Chúa bằng sự thông thái về thần học chủ quan của mình, (và dù cho chúng có là hoa trái của những suy tư trung thực) để triệt hạ hình ảnh vị Thiên Chúa phạm thượng và đã gây sốc cho anh ta.

Sự “trái khuấy” của việc chống lại Thiên Chúa nhân danh chính tình yêu dành cho Ngài có thể xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Dù sống trong tư cách là tư tế trong thời Giao Ước mới trong Hội Thánh, nơi mà Thiên Chúa thực sự hiện diện và dẫn dắt Giáo Hội về với Ngài một cách bất khả kháng, nhưng chúng ta luôn chịu những cơn cám dỗ như thế. Cơn cám dỗ ấy chính là thái độ để cho cung cách hành xử theo kiểu người Do Thái như là kẻ thù của Đức Ki-tô lớn lên trong họ, và nhân danh Thiên Chúa và Đức Ki-tô, họ chống lại những gì Thiên Chúa muốn họ vươn tới, những điều mà Thiên Chúa muốn, phát xuất từ chính sự tự do tối thượng và tình yêu vô lượng của Ngài.

Còn thái độ mà thánh Phao-lô chỉ ra như là của người Hy Lạp thể hiện ở thái độ tập trung vào kinh nghiệm sống, dù hạnh phúc hay bất hạnh, chỉ tồn tại trong “kiếp này”. Đối với những người bị lây nhiễm tinh thần như thế, Thiên Chúa tựu trung chỉ là sự phản chiếu của cái toàn hảo và tính chất tuyệt đối của trần gian mà thôi. Dù có tin rằng thế giới này là nơi gửi đến cho họ hoặc hạnh phúc hoặc tai họa, bằng cách này hay cách khác, họ vẫn không thực sự cảm thấy sẵn sàng để mình được thu hút về điều gì khác ngoài những gì họ có thể với tới trong thế giới này. Họ tự khép đời mình hoặc là vào một sự hữu hạn bi thảm hoặc là tinh thần thế tục mà bề ngoài trông có vẻ hạnh phúc. Một Thiên Chúa bị đóng đinh, Đấng có thể là Thiên Chúa thật và Đấng chấp nhận sụp đổ trên thập giá, đối với những người này sẽ trở nên một sự tưởng tượng quá sức, thậm chí một sự điên rồ (1 Co 1,18) mà người ta phải quên đi mà không cần bàn cãi gì, để còn lo chuyện riêng, vì nếu không, họ sẽ mất giờ và hao lực cho những việc không đáng như thế.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy cách nào đó thái độ này nơi chúng ta! Để có được niềm tin vào Thiên Chúa bị đóng đinh, chúng ta phải không ngừng canh tân niềm tin ấy bằng kinh nguyện, chiến đấu và chấp nhận đau khổ. Chỉ người nào được ân sủng khôn dò của Thiên Chúa thực sự mời gọi (1 Co 1,24) thì họ mới có thể hiểu được chân lý của đức tin. Thật vậy, chúng ta cần tự do cộng tác với ân sủng và có can đảm vượt ra khỏi chính mình, phó thác vào một Thiên Chúa hoàn toàn bất khả tri. Tuy nhiên, đối với người biết phó thác vào Thiên Chúa như vậy, thì Đức Ki-tô chịu đóng đinh sẽ là sức mạnh thần thiêng. Suy cho cùng, chính sự yếu đuối của Thiên Chúa trong thế giới, trong sự phù hoa của nhân loại chúng ta và thậm chí cả trong Giáo Hội mới là sự tỏ lộ của sức mạnh Thiên Chúa, đến độ mà mọi miệng lưỡi sẽ phải thinh lặng và tôn vinh chỉ mình Thiên Chúa. Thập giá của Thiên Chúa là sự khôn ngoan của ngài và philo-sophia – yêu mến sự khôn ngoan – không gì khác hơn là lòng trung tín dành cho tình yêu đến mức điên rồ mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Nếu một ngày nào đó chúng ta nhận ra đặc tính bất khả tri của sức mạnh Thiên Chúa, dấu kín trong sự yếu đuối và mầu nhiệm khôn ngoan, mà vì yêu ta, Ngài đã chấp nhận hóa điên rồ, thì lúc ấy ta mới có thể nói rằng những điều khác sẽ được ban cho chúng ta gấp bội.

2.  Thập giá trong cuộc đời trần thế của Đức Giê-su

Trên thập giá, Con Người đã đạt đến đỉnh cao của sứ vụ. Vì “giờ” ấy mà Người đến trong trần gian. Hành trình đi vào vinh quang mà Người đã xin với Cha trong lời nguyện của vị Tư Tế, “Lạy Cha, giờ đã đến, xin làm vinh danh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha…” (Ga 17,1) không gì khác hơn là ý muốn của Thiên Chúa: Ngôi Lời làm người phải tự hạ, bằng tất cả tình yêu, đi đến tận cùng đặc tính bất khả tri của sự chết. Hành trình vinh quang của Người được khai mở vào chính lúc Người được treo trên thập giá, lơ lửng giữa vực thẳm và chiều cao, bị đất và trời ruồng bỏ, đoạn tuyệt. Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, Đấng đã vâng lời không hé môi phản ứng, Đấng đã đi vào và phục vụ thế giới, để trao ban sự sống làm giá chuộc muôn người. Người phải chịu đau khổ (Lc 24,26); nơi thập giá, Lời của Người đã ứng nghiệm. Sự bắt buộc “phải chịu” ấy theo Kinh Thánh, nặng nề một cách khó hiểu và đầy bí ẩn, không ngừng loan báo mối dây liên kết không thể nào chia cắt được giữa sự quan phòng toàn quyền của Thiên Chúa và tự do của con người, giữa tình yêu Thiên Chúa và lỗi lầm của nhân loại, và đồng thời loan báo điều mà ta có thể gọi là „tiến trình trở nên tuyệt đối“ (tiếng Đức: das Absolut-Werden) của lịch sử còn bất tất của nhân loại. Cái chết của Đức Giê-su trên thập giá, chuyện “đã phải” xảy ra, về những gì còn lại, không chỉ cuộc đời và công trình của Người, lời Người đã nói mà còn là những gì được gọi là thực tại trần thế, những điều ấy cần phải được quan sát đúng đắn từ góc độ thập giá.

Chắc chắn, đỉnh cao của sứ mạng mà Chúa Giê-su đã thực hiện cũng chính là một thảm họa không thể nào vượt qua được trong đời Người. Đến độ mà chính sứ mạng ấy có vẻ như bị kết liễu trong sự im lặng của cái chết. Vị Thiên Chúa trên thập giá bị bạn hữu phản bội và bỏ rơi, bị dân tộc của Người kết án, bị cộng đồng tôn giáo của Giao Ước cũ loại trừ. Vào chính khoảnh khắc mà Người phải đón nhận cái chết thảm khốc, Người cũng bị Thiên Chúa bỏ rơi. Người, Đấng vô tội, giờ đây trở thành hiện thân của tội lỗi (2 Co 5,21), ô nhục đến nỗi sự sống nơi Người cũng bị trao nộp cho sự chết.

Dầu vậy, thảm họa trong cuộc đời của Người lại chính là hành động mang lại sự sống sâu xa nhất. Nhờ sự vâng phục, Người đã có thể đảm nhận cách thành toàn sự tha hóa tuyệt đối mà mình Ngài phải loại trừ nó bằng cách đón nhận nó, và chuyển hóa tác động triệt tiêu của sự chết trở thành sự thân mật tuyệt đối và sức mạnh vô cùng của giải thoát. Trong cuộc sống của chúng ta, tinh thần vâng phục là tinh thần có nhiều chức năng phong phú nhất. Ví dụ như sự vâng phục là điều bắt buộc để đảm bảo sự liên tục trong đời sống chung, ngõ hầu các thành viên có thể học được điều này: là chỉ có người nào biết tin tưởng vào một người khác, không chỉ trên lý thuyết mà còn trong những quyết định mang tính thực hành và biết đặt đời mình thể theo sự hướng dẫn của một người khác, thì người ấy sẽ có thể tự vượt qua chính mình để không còn luống cuống, quay cuồng, ly tán đến nỗi không còn hiểu được chính mình nữa.

Sự vâng phục của Chúa Giê-su, hay ý hướng trở thành sự vâng phục (Phil 2,8), sự phó mình theo Ý Cha là những điều không thể nào mô tả được cách chính xác bằng phương tiện trần gian là ngôn ngữ phạm trù; bởi vì sự vâng phục ấy có bản chất gần như thần bí, và ý nghĩa ấy chỉ có thể đi vào kinh nghiệm của chúng ta từ phía Đức Ki-tô mà thôi, và chúng ta chỉ có thể hiểu sự vâng phục ấy chỉ khi chúng ta thực sự bước theo Người. Đức Giê-su đã rất có thể diệt trừ kẻ thù của Người, những kẻ manh động và thô bạo, bằng mười đạo binh Người sai khiến nếu như Ý muốn của Thiên Chúa Cha đã khác đi. Từ giả thiết trên, chúng ta sẽ tìm thấy trong sự vâng phục của Người lời xin vâng lặng thầm mà không ai hiểu được, lời xin vâng trước cái chết, trước sự gục ngã và bi thương, trước điều mà không ai ao ước hay tranh giành. Nhưng trong vị thế ấy, chúng ta đã được mang lại gần với Thiên Chúa Cha rồi. Nếu chúng ta ý thức được dù một chút điều ấy, thì chúng ta sẽ bắt đầu hiểu ra: làm thế nào các thánh, là những con người đã có thể sống sự vâng phục đến cùng mà trong lòng không nổi loạn hay cay đắng, là những con người ngu dại dám đặt cược cuộc đời mình bằng việc sống những điều suốt đời họ bị đòi hỏi phải sống, đến độ có thể buông tay để thả mình vào cuộc sống thánh thiện của Thiên Chúa, bằng chính thái độ vâng phục thinh lặng mà Con Thiên Chúa làm người đã khai mở nơi trần gian.

Hành vi tối cao trong cuộc đời Đức Giê-su, tức là trên thập giá, không chỉ là sự ưng thuận đối với việc bị bỏ rơi và đau khổ tột bực, mà còn chính là lời xin vâng trước mầu nhiệm không thể hiểu hết của Thiên Chúa. Cái chết của Chúa Giê-su là khoảnh khắc mà Người thả mình vào ngọn lửa phát xét của Thiên Chúa. Nhưng Đức Giê-su chỉ làm được như vậy nhờ hành vi yêu thương hoàn toàn vô điều kiện mà Người dành cho Cha. Bởi vì sự thông ban tự do toàn quyền từ Thiên Chúa, dù có thể nghiệm thấy nó trong chính bản chất thánh thiện, công chính và tốt lành tuyệt đối của Người, chỉ có thể được đón nhận và hậu thuẫn bởi một tâm hồn dám yêu mến và dám mất mạng sống mình vì tình yêu. Bởi vì chỉ có người đang yêu mới có thể đi vào đặc tính không thể hiểu thấu mà người ta thấy nơi mọi tình yêu, nếu thực sự tình cảm ấy dám tự coi là tình yêu. Bởi vì tình yêu là hành động duy nhất, một đàng được hình thành trên cơ sở bản chất của con người, trong đó con người phải từ bỏ chính mình, để ngay sau đó được lại chính mình. Tình yêu, chính tình yêu, mới là điều được thiết lập tự khởi nguyên. Không gì khác ngoài hành động của trái tim mới diễn tả được chính đặc tính riêng của con người. Dĩ nhiên là con người phải bảo vệ cuộc sống của mình, con người phải biết chăm sóc mình cũng như run rẩy bồn chồn khi nghĩ về ơn cứu độ của mình. Bởi vì con người thiết yếu phải có lòng ái kỷ. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta chỉ có thể yêu nổi mình khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa chứ không phải chúng ta, khi chúng ta bỏ lối riêng và bước theo Người, – một vị Thiên Chúa mà tự nền tảng không phải là một sự trừu xuất siêu hình về một ý niệm thiện hảo vô biên nào đó, nhưng là một Thiên Chúa sống động, Đấng đã chấp nhận thập giá và cái chết cùng tất cả mọi thứ mà con người chúng ta không hề muốn. Còn những ai không yêu, những người chỉ muốn biết theo cái đầu, và từ thực tế đó, chỉ chấp nhận một Thiên Chúa theo những suy tính của mình, thì hình ảnh một Thiên Chúa như là hợp đề của mọi sự khó hiểu sẽ thực sự gây sốc và trở thành điều ô nhục khủng khiếp nhất đối với họ. Sự kiên trung của Chúa Giê-su trước kết hoạch khôn dò của Thiên Cha đã đạt tới đỉnh cao nơi thập giá. Sự kiên trung ấy gắn chặt với hữu thể Đức Giê-su đến nỗi bật ra tiếng kêu của một người đang chết: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Đức Giê-su trải qua cái chết không chỉ như là một tai biến sinh học, nhưng còn như là bóng đêm tuyệt đối của địa ngục. Thậm chí ta có thể nói Người đã bị đồng hóa thành bóng đêm, dù quan điểm này không thể biện minh rằng Đức Giê-su có thể đón nhận sự trừng phạt trong địa ngục. Bởi vì bóng đêm ấy trong cuộc đời hư hoại của Người chưa phải là thực tại cuối cùng của mầu nhiệm Con Thiên Chúa. Cần phải nói thêm một lần nữa là thực tại tối thượng của Người là tình yêu trọn vẹn, mà giữa bóng đêm dày đặc ấy, tình yêu đã khiến Người nói với kẻ cùng chịu đóng đinh: “Ngày hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,43) và nhất là lời phó thác cuối cùng: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Những lời này đã triệt tiêu địa ngục. Người ta rất có thể nói rằng Chúa Giê-su thậm chí đã không ở trong địa ngục chỉ vì lý do duy nhất là Người đã mang vào đấy sức mạnh khôn dò và tuyệt đối của tình yêu. Thả mình vào vòng tay của Thiên Chúa hằng sống là một điều kinh khủng. Trên thập giá, Chúa Giê-su đã hiến mình cho sự kinh khủng ấy bằng sự vâng phục triệt để của tình yêu, chính vì thế cho nên thập giá không biến thành nỗi kinh hoàng không hồi kết, nhưng là ngõ vào bình an và ân phúc của tình yêu, một tình yêu lớn hơn mãi và đến từ vị Thiên Chúa không ngừng thi ân.

Hy tế của Chúa Giê-su trên thập giá không vì thế mà mang một tầm vóc luân lý lớn đến độ mà không ai có thể vượt qua được, bởi vì, nói theo cách hiểu đại khái của quan niệm thần học về cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá như là để làm thỏa cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, hy tế ấy gắn liền với Ngôi Lời và vì thế hy tế ấy đạt đến một “phẩm vị” vô biên. Đúng hơn, hy tế của Đức Giê-su là hành vi cá vị và nền tảng nhất của Ngôi Lời. Tuy nhiên, những gì Ngôi Lời đã làm trong thân phận con người không có nghĩa là Người không làm bằng tất cả tự do. Bởi vì một thụ tạo càng gần với Thiên Chúa, thì thụ tạo ấy càng tự lập, tự chủ và tự do. Vì thế, Ngôi Lời làm người có thể đụng chạm đến mọi chiều kích của nhân sinh, và chúng được coi như là những chiều kích thuộc riêng và nguyên thủy nhất của Người. Đó là sự cao cả của sứ mạng, vực thẳm của sự hư mất, của ngọn lửa vâng phục và chiều sâu của tình yêu trong trái tim hoàn toàn vắt kiệt và trở nên bất lực trước mặt Thiên Chúa. Nhờ đó, Người có thể kêu lên với vị Thiên Chúa của ngọn lửa tinh tuyền trong khi xét xử: lời “Cha ơi” và phó thác kiếp nhân sinh cùng quẫn trong tay Ngài.

Kiểm tra tương tự

Các Thiên thần Hộ Thủ – Người Bảo vệ và Đồng hành

Ý nghĩa của việc mừng lễ   + Tin rằng Chúa Quan Phòng đã giao …

Sự ra đi của Mẹ Maria: Niềm tin thời Giáo phụ và Trung cổ

Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *