Tôi biết rằng, có những người Việt Nam đã đau khổ nhiều trong đất nước của họ. Họ đau khổ vì gia đình, vì chính phủ, vì chia ly, và vì chiến tranh. Họ ghét mọi thứ được gọi là Việt Nam. Họ ghét gia đình, tổ tiên, xã hội, chính phủ, và văn hóa của họ, bởi vì họ đau khổ quá nhiều. Khi họ đến châu Âu hoặc châu Mỹ, họ muốn hoàn toàn trở thành một người châu Âu, một người châu Mỹ, họ muốn để lại đằng sau tất cả những gì được gọi là Việt Nam. Họ kiên quyết không là người Việt Nam một chút nào nữa, để hoàn toàn quên đi cội rễ của mình. Bạn có thể hỏi rằng, họ làm điều ấy thành công hay không. Có thể quên đi tất cả cội rễ của mình để trở thành một ai đó hoàn toàn khác biệt? Câu trả lời là không. Tôi đã thấy và gặp nhiều người trong họ sau nhiều năm cố gắng trở thành ai khác hơn là chính họ. Họ không thành công, và tôi khuyến khích họ trở về cội rễ của họ.
Ba mươi năm chia sẻ Phật Pháp ở phương Tây đã đem lại cho tôi nhiều dịp, để gặp gỡ những người châu Âu và châu Mỹ, họ mang nơi mình cùng những loại tổn thương và khát vọng trên đây. Vì họ đau khổ quá nhiều, nên họ không muốn làm gì với gia đình, với giáo hội của họ, với xã hội, với văn hóa của họ. Họ cũng muốn trở thành ai đó, họ muốn là người Ấn Độ hoặc Trung Quốc, hoặc trở thành người Việt Nam. Họ muốn trở thành một phật tử, vì họ ghét tất cả những gì liên hệ với cội rễ của họ. Họ có thành công trong việc để lại đằng sau tất cả, để trở thành ai đó hoàn toàn mới không? Câu trả lời là không.
…Tôi nhận thấy họ như những tâm hồn lang thang hay đang đói. Vâng, họ đang rất đói. Họ đói một thứ gì đó đẹp (mỹ) để có thể tin, một thứ gì đó tốt (thiện) để có thể tin. Họ đói một thứ gì đó thật (chân) để có thể tin. Họ muốn bỏ lại đằng sau tất cả những gì thuộc xã hội của họ, văn hóa của họ.
Tình yêu chân thật cần kiên nhẫn. Nếu bạn thực sự muốn giúp đỡ họ, bạn phải kiên nhẫn. Tôi biết, để giúp đỡ những người này, chúng ta phải rất kiên nhẫn. Tôi có xu hướng muốn nói với họ rằng, một người mà không có cội rễ, không thể là người hạnh phúc. Bạn phải trở về với cội rễ của bạn. Bạn phải trở về với gia đình bạn. Bạn phải trở về với văn hóa của bạn. Bạn phải trở về với giáo hội của bạn. Tuy nhiên, đó chính xác là điều mà họ không muốn làm, và họ thường trở nên giận dữ khi chúng ta cố gắng nói với họ như thế.
Cây mà không có rễ, không thể tồn tại. Một người không có cội rễ, cũng không thể tồn tại. Thế nên, tôi phải rất kiên nhẫn… Chúng tôi cố gắng bao bọc họ bằng việc thực hành tâm nguyện của chúng tôi, giống như đất ẩm bao bọc cây bị cắt, cho cây đó cơ hội đủ sức mọc lên những cái rễ nhỏ xíu. Dần dần, từ từ, họ lấy lại một chút sự tự tin của họ, đức tin của họ, và khả năng của họ để chấp nhận tình yêu.
Để có thể giúp đỡ một tâm hồn đang đói, trước tiên bạn phải tìm được niềm tin tưởng nơi họ, vì những tâm hồn đang đói nghi ngờ mọi sự. Họ đang không thấy bất cứ điều gì là thực sự mỹ, thiện, hay chân. Họ nghi ngờ bạn và điều mà bạn muốn giúp. Họ đói, nhưng họ không có khả năng để nhận và để ăn, thậm chí nếu bạn có thức ăn phù hợp cho họ, thậm chí nếu bạn có điều gì đó là mỹ, chân, và thiện cho họ.
… Khả năng họ nhận thức ăn cũng như nhận sự giúp đỡ là rất giới hạn. Thậm chí nếu người ta thực sự thấu hiểu và yêu thương khi phục vụ, thì những tâm hồn đang đói vẫn nghi ngờ. Đó là lý do mà bạn phải kiên nhẫn…
… Khi thời điểm đến, khi họ có khả năng mỉm cười và tha thứ, chúng tôi nói với họ, “Hãy trở về với chính văn hóa của bạn, trở về với chính gia đình của bạn, trở về với chính giáo hội của bạn. Họ cần bạn…”
Vũ Tứ Quyết, S.J.
Chuyển ngữ từ cuốn sách tiếng Anh của thiền sư Thích Nhất Hạnh: Thich Nhat Hanh, Going Home: Jesus and Buddha as Brothers, (Riverhead Books, A member of Penguin Putnam Inc., 1999), trang 181-185.