Ngôi Lời đã làm người: Một khái quát về đức tin Công Giáo – Phần III(tt)

 

Chương 3: Tội Lỗi Và Ơn Cứu Độ

4. TỘI: NGUYÊN TỔ, CÁ NHÂN, TRỌNG, NHẸ, XÃ HỘI

Nếu Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta, thì chính xác chúng ta được cứu khỏi điều gì? Chúng ta được cứu để đưa vào cái gì? Chúng ta sẽ khác biệt như thế nào? Theo Kinh Thánh chúng ta được cứu khỏi “tội và sự chết.” Tội và sự chết được xem là quyền lực tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Tội là sự cự tuyệt và khước từ của một trái tim chai đá để yêu mến và tín thác nơi Thiên Chúa. Chính sự chai đá này tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Chết không chỉ là sự chấm dứt tồn tại nơi trần thế. Chết còn là kết thúc niềm hy vọng. Chính tuyệt vọng làm cho đời sống không có ý nghĩa và mục đích.
Chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ hơn về ý nghĩa của tội lỗi bằng cách xem xét một vài mô tả truyền thống về tội:

Tội Nguyên Tổ. Một trong những giáo huấn khó hiểu nhất của Giáo Hội là tín điều về tội nguyên tổ. Dường như lúc nào cũng vậy, khi sinh viên được yêu cầu trình bày tội nguyên tổ, họ trả lời, “Nó là tội do Adam và Eva phạm.” Nhưng điều đó có nghĩa gì? Nếu chúng ta khám phá ra rằng Adam và Eva không phải là những nhân vật lịch sử, thì rõ rằng không thể có chuyện con rắn đưa trái cây cho họ. Vậy, tội nguyên tổ là gì? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy để Kinh Thánh và những lý thuyết này nọ sang một bên và đơn giản chỉ nhìn vào chính chúng ta và thế giới chúng ta đang sống. Trên khắp các mặt báo hôm nay, chúng ta đọc thấy ngập tràn những tội ác đang xảy ra trên khắp thế giới. Một thế giới đầy dẫy bạo lực, phân biệt chủng tộc, thiếu trung thực, cẩu thả, vô liêm sỉ, và tức giận. Một thế giới sặc mùi chiến tranh, nghèo đói, vô gia cư, lạm dụng, tham lam và nghiện ngập. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại, chúng ta cũng có thể thấy tình yêu, tha thứ, phục vụ, can đảm, quan tâm, giáo dục, chữa lành, làm việc chăm chỉ, và hy vọng. Đây là một hành tinh hết sức kỳ cục. Nó bao gồm cả cái tốt lẫn cái xấu. Nếu chúng ta nhìn vào chính chúng ta, chúng ta cũng có thể thấy một bức tranh tương tự. Chúng ta cũng có thể có tình yêu tinh tuyền và lòng tha thứ, nhưng chúng ta cũng có thể phản bội chính những người thân nhất của chúng ta. Chúng ta hướng đến sự tốt lành, nhưng chúng ta cũng bị hướng chiều qui về bản thân mình.
Tình trạng đổ vỡ của xã hội và của cá nhân là điều được gọi là tội nguyên tổ. Tội nguyên tổ có ý diễn tả một cái gì đó rất thực: kinh nghiệm về sự dữ và sự thiếu hài hòa nơi thế giới và nơi chính bản thân chúng ta. Nhiều người nghĩ tội nguyên tổ như là một tội mà em bé khi được sinh ra đã phải mang và cần rửa tội để được sạch. Nhưng thật ra nó thực tế và phức tạp hơn nhiều. Tất cả chúng ta bị tác động bởi hoàn cảnh, bởi mạng lưới tội lỗi này. Nó là thành phần của bầu không khí chúng ta đang hít thở. Tình trạng tội lỗi này thét gào tự do, giải phóng và ơn cứu độ. Đối với Đức Giêsu, thực tại này dường như là đương nhiên. Ngài tuyên bố rằng Ngài đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối. Ngài nhấn mạnh vào việc thay đổi con tim. Ngài đến để ban cho chúng ta một con đường giải thoát khỏi mạng lưới tội lỗi. Người Kitô hữu tin rằng ơn cứu độ đã được ban cho thế giới nơi Đức Giêsu. Tội nguyên tổ vẫn còn đó, nhưng nó không phải là điều duy nhất. Đức Kitô đã thay đổi thế giới mãi mãi. Nếu chúng ta sống trong Đức Kitô và Thần Khí của Ngài, chúng ta được tự do thoát khỏi sự ràng buộc của sự dữ trong thế giới này, và chúng ta tự do để giúp mang Triều Đại của Thiên Chúa đến trên mặt đất này.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Bạn có cần ơn cứu độ không? Tại sao có và tại sao không?

Tội cá nhân. Tội nguyên tổ là một tình trạng, không phải do một quyết định. Tội cá nhân xảy ra khi chúng ta quyết định phạm tội, khi chúng ta cộng tác với sự dữ trong thế giới và trong chính chúng ta. Tội luôn là sự thiếu vắng tình yêu theo một cách thức nào đó. Tội phá hủy chính chúng ta và những tương quan của chúng ta. Tội cá nhân là những tội chúng ta cố tình phạm, nên chúng ta phải chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên, có tội nặng và tội nhẹ. Giáo Hội Công Giáo từ xa xưa đã phân biệt tội trọng và tội nhẹ. Tội trọng là những tội rất nghiêm trọng, cắt đứt chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Một số nhà thần học mô tả tội trọng như là đường hướng chung cho đời sống: một lựa chọn nền tảng sống một cách ích kỷ. Một số thần học gia khác nhấn mạnh đến những hành động mang tính cá nhân vốn gây hại một cách nghiêm trọng và phản ánh một trái tim quy kỷ và chai đá. Tội nhẹ được xem là “ít nghiệm trọng”. Những tội này phá vỡ và làm tổn thương tương quan của chúng ta với người khác và với Thiên Chúa, nhưng nó không phá hủy đến nỗi hủy diệt những mối tương quan đó. Tuy nhiên, nên nói thêm rằng, mọi tội lỗi đều nghiệm trọng theo cách này hay cách khác, theo đó chúng làm tổn thương tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với người khác và với chính chúng ta.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Đâu là những tội nghiêm trọng nhất đang đe dọa giới trẻ ngày hôm nay? Những tội nào phá hủy không chỉ người khác nhưng còn phá hủy chính chúng ta?

Tội Thiếu sót. Tội căn bản là thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa, người khác hoặc chính mình. Một trong những tội tồi tệ nhất chúng ta thường mắc phải được gọi là những tội thiếu sót. Có thể chúng ta không làm gì sai trái, nhưng chúng ta vẫn có thể đang phạm một điều gì đó rất nghiêm trọng. Sự vô cảm, không quan tâm là một trong trong tội nặng nề nhất. Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, những người đã phớt lờ người đàn ông bị đánh nhừ tử không làm gì sai, nhưng họ cũng không làm gì đúng.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Bạn có thể nghĩ về một thời gian mà bạn đã không làm điều gì đó trong khi lẽ ra bạn nên làm?

Tội xã hội. Thông thường tội được áp dụng cho những lựa chọn cá nhân. Tuy nhiên, ngày hôm nay, nhiều nhà thần học và Đức Giáo hoàng Hoàng Gioan Phao lô II nói về tội dưới dạng: “những cấu trúc của tội.” Có những yếu tố “tội lỗi” trong lòng xã hội đang phá hủy nhân phẩm của con người. Vì vậy, bất kỳ trường hợp nào khuyến khích bạo lực, tham lam, nghèo đói, phân biệt chủng tộc v.v., có thể được xem như những ví dụ của tội xã hội hoặc tội có tính cơ cấu. Đơn cử như hiện nay tại Mỹ, phụ nữ chỉ được trả bảy mươi phần trăm lương của nam giới trong khi họ cáng đáng cùng một công việc. Tương tự như vậy, khi ly dị, phụ nữ hầu như luôn luôn phải chịu những gánh nặng về tài chính, trong khi đó lối sống của nam giới hiếm khi bị ảnh hưởng. Một ví dụ khác về tội lỗi có tính cấu trúc là tương quan giữa những quốc gia phát triển và những quốc gia chưa hoặc đang phát triển. Thật bất thường khi những nước phát triển thu lợi ích kinh tế từ nguồn tài nguyên của những nước nghèo khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thuê mướn nhân công giá rẻ của những nước nghèo ấy.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Đâu là những ví dụ khác bạn có thể nghĩ ra liên quan đến “tội lỗi có tính xã hội”?

Kiểm tra tương tự

Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội – Ý nghĩa và tầm quan trọng

Dưới đây là hướng dẫn ngắn gọn về một mầu nhiệm lớn trong đức tin …

Cách tiếp cận đặc biệt của nền giáo dục Công giáo

  Mô hình giáo dục Công giáo rất độc đáo trong hướng tiếp cận tổng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *