Cứ vào mỗi dịp hè, dòng Tên lại tổ chức các khóa linh thao tại các giáo phận trên khắp cả nước. Và cũng như thường lệ, năm nay giáo phận Bùi Chu lại được các cha dòng Tên ưu ái chọn làm điểm linh thao cho các bạn sinh viên, giới trẻ trong các tuổi từ 17-40.
Trong dịp vừa qua, tôi cũng có may mắn được tham dự một khóa linh thao tại Giáo phận nhà, cụ thể là tại giáo xứ Phong Lộc – Giáo phận Bùi Chu. Mặc dù địa điểm linh thao không được lý tưởng như dự kiến ban đầu tại Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu, nhưng với ơn Chúa thì mọi khó khăn đều sinh ích cho chúng ta. Tại sao tôi lại nói là may mắn khi tôi được tham dự khóa linh thao, bởi vì tôi nhận thấy mình có nhiều may mắn hơn mọi người, hơn những người có ước muốn tham dự linh thao mà không có điều kiện để tham dự, hơn những người đang phải bân bịu với biết bao công việc để mưu sinh cuộc sống, hơn biết bao nhiêu người có điều kiện nhưng vì mải mê tham gia lễ hội, du lịch vv…mà không đến tham dự. Tại sao tôi lại nghĩ mình may mắn hơn mọi người? Phải chăng chúng tôi là những con người đầu óc có vấn đề? Các bạn thấy đấy, giữa một thế giới mà người ta đang phải gồng mình chạy đua với sự phát triển chóng mặt của xã hội thì việc ngừng nghỉ sẽ làm cho con người bị thụt lùi hay nói cách khác là chậm tiến so với xã hội. Điều đó càng làm cho người ta phải phấn đấu và làm việc nhiều hơn nữa. Trong một bức thư mà ĐHY Tagle viết cho Caritas nói về Tông Thư Laudato Si của ĐTC Phanxico, ngài nói “Cuộc sống đang chuyển động quá nhanh đến nỗi nhiều người bị lạc hướng. Cuộc sống càng chuyển động nhanh, thì chúng ta càng tiêu thụ nhiều hơn, chúng ta càng thải ra nhiều hơn thì chúng ta càng xa Thiên Chúa và chúng ta càng đi đến chỗ nghèo nàn. Với tình trạng tiêu thụ quá đáng trở thành một gánh nặng này – không chỉ về mặt thể lý mà còn cả về mặt tinh thần. Chúng ta đang thu thập quá nhiều điều vào trong đầu và cuộc sống của chúng ta đến nỗi nhiều hơn một tư tưởng hoăc dữ kiện hoặc trách nhiệm đang làm cho chúng ta choáng ngợp rơi vào trong tình trạng hôn mê”. Chính sự phát triển chóng mặt của xã hội đã lôi cuốn con người rơi vào tình trạng không còn thời gian để quan tâm đến người khác, quan tâm đến chính mình và thờ phượng Thiên Chúa, Đấng dựng lên trời đất và làm chủ vũ trụ này. Linh thao là dịp để cho chúng tôi có những khoảng lặng hay điểm dừng chân để nhìn lại mình, nhìn lại các mối tương quan của mình với người khác cũng như tương quan với Chúa để từ đó có những định hướng và bước đi trong cuộc đời. Chính vì những điều đó mà được tham dự linh thao tôi thấy mình có rất nhiều may mắn hơn người khác.
Khi nói đến Linh thao thì đối với rất nhiều người đó là một từ ngữ khá mới mẻ, vì chưa nghe thấy bao giờ, và chưa được tiếp xúc bao giờ nên không hiểu. Nhưng thực ra, linh thao được hiểu đơn giản là một cách cầu nguyện của thánh I – Nhã, tổ phụ dòng Tên. Cũng như con người cần có sức khỏe thì phải tập thể dục, rèn luyện cơ thể và linh hồn hay đời sống thiên liêng của ta cũng thế, cũng cần được rèn luyện để có một đời sống thiêng liêng sâu sắc, đời sống đạo vững vàng.
Đây là lần thứ hai mà tôi được tham dự linh thao, nhưng mỗi lần tham dự đểu để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Chính vì tôi đã từng tham dự linh thao một lần nên tôi hiểu thế nào là linh thao, còn đại đa số thì đây là lần đầu tiên. Đến với kỳ linh thao, mỗi người trong chúng tôi đều mang một tâm trạng và một mục đích khác nhau. Có người ban đầu nghĩ rằng đi linh thao để quen được nhiều bạn bè, được vui chơi và nghỉ ngơi, có người đi linh thao vì chán nản cuộc sống, khi gặp khó khăn nào đó hay chưa tìm được hướng đi cho cuộc đời. Có những người ban đầu không muốn đi nhưng được bàn bè mời mọc nên cũng đi cho vui còn thực ra cũng không biết đến để làm gì. Khóa linh thao của chúng tôi bắt đầu từ chiều ngày 12 – 18 tháng Bảy. Cho dù mỗi người chúng tôi đến với dịp linh thao lần này với nhiều mục đích khác nhau nhưng cuối cùng thì với sự tác động của Chúa Thánh Thần và sự hướng dẫn của quý thầy dòng Tên, quý Sơ dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Tu hội Thánh Tâm Chúa, Tu hội Mẹ Maria Thăm Viếng chúng tôi đã gặp được Chúa và gặp được chính mình.
Khi đi linh thao, chúng tôi không làm gì khác ngoài việc ĂN – NGỦ – CẦU NGUYỆN và sống trong một kỷ luật rất nghiêm ngặt, đặc biệt là sự thinh lặng. Vì sự thinh lặng là cần thiết để cho chúng tôi có thể lắng lặng lại lòng mình để tìm về chính mình và sự gặp gỡ Thiên Chúa, vì chính Chúa Giê-su thường ra nơi thanh vắng, cô tịnh để cầu nguyện với Thiên Chúa Cha thế nào thì chúng tôi được mời gọi sống lại với Chúa Giê-su những giây phút đó. Lắng và lặng là hai từ được mời gọi trong suốt quá trình huấn luyện mỗi thao viên sống tâm tình cầu nguyện. Sau mỗi lần lấy ĐIỂM ( một bài Tin Mừng được chọn để cầu nguyện) từ các Thầy, các Sơ, chúng tôi mỗi người tự tìm cho mình một nơi để cầu nguyện, người thì ngồi trên đám cỏ non, người thì ngồi dưới gốc cây, người thì vào nhà nguyện, người thì lên nhà thờ hay ra ghế đá, mỗi người tìm cho mình một nơi để cầu nguyện, và mỗi nơi đó chúng tôi ý thức rằng đó chính và vùng đất mà Thiên Chúa đã chỉ cho chúng tôi cũng như xưa Abraham được Thiên Chúa dẫn đến một vùng đất gọi là đất Hứa. Với mỗi ĐIỂM chúng tôi được mời gọi ở lại với Chúa ít nhất là một giờ. Chúng tôi ngồi lại suy gầm lời Chúa, mỗi bài tim mừng, tùy theo đó mà chúng tôi lựa chọn phương pháp cầu nguyện như là suy niệm, chiêm niệm hay là suy chiêm và đó là chìa khóa để chúng tôi có thể hiểu được ý định của Thiên Chúa và mời gọi bước vào hiệp thông, sống lại giây phút đó với Chúa. Ban đầu, với cách cầu nguyện và thời gian cầu nguyện như vậy thì mọi người cảm thấy gò bó, chán nản vì chẳng hiểu gì, chẳng cảm nghiệm được gì. Nhưng với sự tác động của Chúa Thánh Thần cùng lòng khát khao gặp Chúa, mọi người quen dần. Bước sang ngày thứ 2, thứ 3 là hầu như mọi người ai nấy đều có thể cầu nguyện được. Mọi người không còn cảm thấy khó khăn nữa, nhưng ngày một yêu mến cầu nguyện hơn. Có nhiều bạn được những ơn an ủi về thiên liêng, linh hồn phát khởi những thúc đẩy nội tâm và khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, có những bạn khóc nức khi cầu nguyện vì họ cảm nghiệm được tình yêu lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình hay là cảm thông cho nỗi đau hay số phận của những con người đau khổ nhưng được lòng thương xót của Chúa Giê-su chữa lành..chẳng hạn như anh mù Ba-ti-mê thành Giê-ri-khô (x Mc 10,46-52), người phụ nữ bị bắt gặp quả tang đang ngoại tình (x Ga 8,2-11), người phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật mười tám năm (x Lc 13,10-17)…hầu hết mỗi người chúng tôi đều nhận được ơn Chúa thúc đẩy nên ai nấy đều sốt sắng cầu nguyện và muốn được yêu Chúa nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng có những người chưa thể cầu nguyện sau hai ngày, nhưng bên cạnh chúng tôi, Chúa gửi đến cho chúng tôi các thầy, các sơ có một đời sống thiêng liêng sâu sắc, một kinh nghiệm thiêng liêng có chiều sâu, các thầy các sơ đã hướng dẫn, linh hướng giúp cho mỗi người chúng tôi tìm lại chính mình, gặp gỡ Thiên Chúa dễ dàng hơn nhờ đó nhiều người cũng tìm cho mình được những lời giải đáp hay một hướng đi trên hành trình trần thế. Sau hai ngày cầu nguyện, ngày thứ ba, chúng tôi được lãnh nhận Bí tích Giao Hòa. Có thể nói đây là buổi mà làm cho mỗi thao viên nhớ nhất. Có các Cha từ giáo phận nhà và một số cha từ giáo phận Hà Nội đến ban Bí tích Giải tội cho chúng tôi, ai lấy trong chúng tôi đã được gợi ý xét mình và làm nghi thức giao hòa từ tối hôm trước, hôm nay, mọi người trong khóa linh thao được mời gọi đến để làm hòa với Chúa, làm hòa với chính mình sau nhiều ngày đi hoang, nay mọi người được trở về. Xưng tội xong, chúng tôi được mời gọi dâng lên Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá một bông hồng tượng trưng cho tình yêu mà mỗi người chúng tôi dành Chúa, người mình yêu và hứa với Ngài sẽ chung tình với Ngài mãi mãi. Ai lấy đều khóc nức nở khi cần bông hoa đó dâng lên cho Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Chúng tôi khóc vì vui mừng, được trở về với Chúa, được làm hòa với Chúa Cha, được đón nhận tình yêu vô biên của Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Còn gì hơn những cảm nghiệm ấy, một sự gặp gỡ thân mật và gần gũi với Chúa Giê-su. Trong những ngày còn lại, chúng tôi được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su. Được cùng Mẹ bước đi trong đêm tối của hành trình sinh hạ Đấng Cứu Thế, được cùng vào vườn Dầu với Chúa Giê-su, được cùng Chúa Giê-su vác thánh giá lên đồi Gôngôtha, được cùng bà Maria Mác-đa-la ra mộ và chứng kiến Chúa phục sinh, mỗi giờ cầu nguyện là mỗi giờ gặp gỡ.
Trải qua sáu ngày linh thao, chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì được gặp gỡ Chúa Giê-su và tìm lại chính mình. Ước gì nhiều bạn trẻ cũng được may mắn như chúng tôi, có thời gian để dừng lại và nhìn lại chính mình, nhìn lại các tương quan với Chúa và tha nhân qua suốt một năm học hành vất vả và làm việc bận rộn.
Lời cầu nguyện
Lạy Chúa,
Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
Không có giờ đi vào sa mạc
Để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
Là con có thẻ tạo ra sa mạc
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
Mà con đã bỏ mất;
Khi chờ một người bạn,
Chờ đèn xanh ở ngã tư,
Chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
Khi đến nơi làm việc,
Khi kẹt xe,
Khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
Con lại thấy mình sống an bình
Trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
Những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
Giúp con tỉnh thức
Để nhạy cảm với Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
Để tìm ra những sa mạc mới
Và vui vẻ bước vào.
(Gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)
Tu Sinh: Vinh Sơn Vũ Minh Nhuận. Bùi Chu