Ngày thứ nhất: Phanxicô Xaviê – Người Say Yêu Thiên Chúa

1-1

Nhắc tới Phanxicô Xaviê, hẳn ai ai cũng thán phục công cuộc tông đồ của “vị truyền giáo vĩ đại”. Nhờ Phanxicô, người người được biết Chúa, nhà nhà xích lại gần nhau. Nhưng, có lẽ ít ai tự hỏi bởi đâu “thánh Phao lô thứ hai” này trở nên như thế. Đó là bởi “tình yêu Đức Kitô thúc bách.”[1] Thật thế, làm sao có thể giải thích được việc một người dù không có đam mê du lịch và thám hiểm như Colombo lại có thể rảo bước khắp nơi rao giảng đạo lý Chúa Kitô nếu không phải là lòng mến? Lòng mến ấy đã khiến Phanxicô Xaviê từ bỏ mọi sự để chỉ sống cho Chúa Kitô trong sự tin tưởng và cậy trông của một người bạn đường.

Tình yêu Thiên Chúa nơi Phanxicô Xaviê trước hết là sự loại bỏ lòng yêu mình để chỉ yêu mến và làm hài lòng một mình Người. Thật vậy, Phanxicô đã từ bỏ tất cả những dự định riêng để đi theo ý định của Thiên Chúa. Ngài đã từng ước mơ trở thành một giáo sư, một giám mục hay chí ít là kinh sĩ giáo phận để khôi phục lại danh vọng, địa vị của gia đình kể từ khi cha ngài qua đời. Ngài đã từ bỏ chức vị giáo sư của trường đại học Paris danh giá bậc nhất Châu Âu thời ấy để hiến thân cho việc phục vụ Chúa Kitô trong việc loan báo Tin Mừng. Ngài đã bỏ mọi sự để có được mọi sự, bỏ chính mình để tìm thấy chính mình trong Chúa Kitô, bởi lẽ việc từ bỏ chỉ là hệ quả, một tiến trình để trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”[2] mà thôi.

Nhưng làm sao một người có thể yêu mến Thiên Chúa nếu chẳng phải chính Thiên Chúa đã tỏ cho biết Ngài yêu mến họ dường nào? Quả thế, qua thánh Inhã, người mà Phanxicô Xaviê coi là người cha rất mực yêu mến đã “sinh ra” ngài trong Chúa Kitô, Phanxicô Xaviê đã dần được dẫn vào kinh nghiệm về Thiên Chúa. Trong kinh nghiệm Linh Thao, Phanxicô Xaviê đã chân nhận tình yêu của Đấng đã tác tạo, nhập thể, cứu độ bằng cái chết và sự phục sinh, đồng thời là Đấng hằng ở lại và hiến mình trong Bí tích Thánh Thể. Chính Đấng ấy là khởi thủy và cùng đích của tình yêu.[3] Chính nhờ việc đăm đăm nhìn thập giá Chúa Kitô và cố gắng làm đẹp lòng Người, Phanxicô Xaviê tiến nhanh trên đường hoàn thiện. Và hẳn nhiên, người đã từng trồng cây thánh giá nơi các dân ngoại cũng là người trước ấy đã trồng cây thánh giá nơi trái tim mình.[4]

Yêu mến Chúa Kitô, Phanxicô Xaviê say mến đời cầu nguyện. Thật thế, khi yêu mến ai, người ta sẽ luôn tìm cách để gặp gỡ người mình yêu. Dù lăn lộn trên cánh đồng truyền giáo, có ngày đến mỏi rã tay vì rửa tội cho hàng ngàn người, Phanxicô Xaviê vẫn tìm mọi cơ hội có thể, cả ngày cũng như đêm, để cầu nguyện, hầu nhận được sức mạnh thần linh và ánh sáng từ thánh ý của Thiên Chúa. Trong tất cả những khó khăn mà ngài phải chịu trên hành trình truyền giáo, Phanxicô Xaviê đã nghiệm thấy sự chúc lành của Đấng Tạo Hóa và Chúa mình hết lần này tới lần khác và ngài được tràn ngập niềm vui không thể tả xiết.[5] Ngài đã có những kinh nghiệm xuất thần và cả những thị kiến. Đơn cử khi ngài dâng lễ tôn kính Thánh Giá, ngài đi vào trạng thái xuất thần tại Memeto và điều này kéo dài trong hơn một giờ. Những người tham dự đã cố gắng giật mạnh áo lễ của ngài nhưng không thể kéo ngài ra khỏi tình trạng ấy.[6]

1-2Yêu mến Chúa Kitô, Phanxicô Xaviê đã hăng say đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân không biết mỏi mệt. Khi yêu ai, người ta sẽ cố gắng làm những điều làm hài lòng người mình yêu. Thật thế, không chỉ “ở lại”[7] với Chúa Kitô trong cầu nguyện, Phanxicô Xaviê đã mang lấy những thao thức của Người đi vào thế giới và kết hiệp với Người cả trong hoạt động. Chính đức mến nối kết ngài với Thiên Chúa để có được sức mạnh thực hiện Thánh Ý. Bởi lẽ, khi yêu, người ta không còn thấy gì là cực nhọc, mà giả như có cực nhọc, người ta cũng yêu mến luôn những cực nhọc ấy. Nhưng Phanxicô Xaviê không phải là người chỉ hướng tới hiệu quả, hay tìm đến cầu nguyện để tìm hiệu quả trong việc tông đồ, nhưng chính bởi đòi hỏi mang tính nội tại từ tình thân với Chúa Kitô. Một lần kia, Phanxicô Xaviê đã ở lại với Chúa cả ngày trong tình trạng xuất thần dù đã hẹn với người đưa ngài vào làng truyền giáo chỉ vì “Chúa muốn cha dành ngày hôm nay cho ngài” [8]. Với ngài, việc ở lại và làm tông đồ đều là sự kết hiệp với Chúa Kitô, và hiệu quả tông đồ là hệ quả chứ không phải nguyên nhân.[9]

Yêu mến Chúa Kitô, Phanxicô Xaviê đặt hết niềm tin tưởng và cậy trông nơi Người. Thật vậy, trong suốt hành trình truyền giáo, người bạn đường của Chúa Kitô đã có lúc tưởng chừng như ngã gục trong sợ hãi khi đối mặt với những khó khăn, gian khổ và có lúc muốn buông xuôi bỏ cuộc. Khi trải qua cơn bão suốt ba ngày ba đêm, khi buồn chán vì những khó khăn do ma quỷ đưa đến, khi lại là sự cứng lòng của bổn đạo, ngài vẫn khẩn nài sự chuyển cầu của các thánh, của Đức Mẹ[10] và cuối cùng là “đặt hết hy vọng nơi Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa chúng ta”. Đối với ngài, “tôi không sợ ai ngoại trừ Thiên Chúa, những đau khổ hay nỗi sợ khác tôi kể là không.”[11] Và hẳn nhiên, phương thuốc tốt nhất trong những hoàn cảnh như vậy là “đừng tin tưởng chút nào nơi mình, những đặt hết tin tưởng nơi Thiên Chúa.”[12] Như thế, chính đức tin làm nền tảng cho đức mến và đức mến lại làm cho đức tin nên hoàn hảo.

Với lòng mến, Phanxicô Xaviê đặt mình hoàn toàn trong tay Thiên Chúa và được nên một với Người trong cuộc vượt qua. Khi được Thiên Chúa chỉ cho thấy việc đi vào Trung Hoa là rõ ràng đến mức không thể nghi ngờ được, Phanxicô Xaviê đã lên đường dù người khác có cố gắng cản ngăn. Ngài đã sống kinh nghiệm bị lừa dối và bị bỏ rơi trên đảo hoang gần cảng Thượng Xuyên. Dù thế, ngài luôn tin tưởng, cậy trông và không ngã lòng: “Có Chúa bênh đỡ tôi, ai còn chống lại được tôi?”[13] Đôi môi luôn nhắc tên Giêsu trong những giây phút cuối cuộc đời, “vị khách hành hương”[14] đã sống chặng đường kết hiệp hoàn toàn với Chúa Kitô trên thập giá bởi tình yêu làm cho người ta nên giống người mình yêu.

Như thế, Phanxicô Xaviê đã sống một đời yêu mến mạnh mẽ trong từ bỏ, cháy bỏng trong cầu nguyện, quảng đại trong việc thi hành Ý Chúa, nghèo nàn trong tin tưởng và cậy trông. Ngài đặt Thiên Chúa trong trái tim và cũng đã đặt Người trên đôi tay. Trong trái tim để chỉ yêu mến một mình Người, trên đôi tay để chỉ còn biết thi hành những điều Người muốn. Cả cuộc đời Phanxicô Xaviê là một khúc ca tình yêu dành cho Thiên Chúa. Vậy hoa trái của tình yêu ấy sẽ ra sao?

Mời quý vị và các bạn đón đọc: Thánh Phanxicô Xaviê – Tình Yêu Mang Tên Tình Huynh Đệ.

 


[1] 2 Cr 5,14.

[2] Rm 8,26.

[3] Thật ra, Phanxicô Xaviê là kẻ cứng cỏi nhất trong những người bạn đường đầu tiên được Inhã thu phục về cho Thiên Chúa. Phải mất tới bảy năm trời để một linh hồn đầy tham vọng và lý trí như Phanxicô Xaviê dọn mình sẵn sàng để làm linh thao và quyết định khấn khó nghèo và khiết tịnh để thuộc về Thiên Chúa. Cũng từ ấy, ngài tiến lên trên đường phụng sự Thiên Chúa trong thái độ tích cực dọn mình để Chúa tác động và phân định hầu nhận ra và thi hành ý Người.

[4] Bút tích Phanxicô Xavier, Hoàng Sóc Sơn, S.J. chuyển dịch và giới thiệu, (trích từ Xavier Léon-Dufour, SJ, Saint Francois Xavier, Itinéraire mystique de l’ apôtre, Desclé de Brouwer,  1997), (Frisco: An Tôn & Đuốc Sáng, 2007), 50.

[5] Albert Jou, S.J., The Saint on a Mission: the Story of Saint Francis Xavier (India: Anand Presss, 1984), 199.

[6] Albert Jou, S.J., The Saint on a Mission: the Story of Saint Francis Xavier, 45.

[7] Ga 15, 9-17.

[8] Albert Jou, S.J., The Saint on a Mission: the Story of Saint Francis Xavier, 180.

[9] Bút tích Phanxicô Xavier, 50.

[10] Ngài cũng thường xin Đức Mẹ chuyển cầu và giúp đỡ mình trong hành trình truyền giáo. Cha sở Coelho ở Mallacca đã thuật lại việc ngài được chứng kiến thánh Phanxicô Xaviê một đêm khi đang thầm thĩ cầu nguyện, ngài kêu lên nhiều lần: Thưa Mẹ, Mẹ không giúp con sao? X. James Brodrick, SJ, Saint Francis Xavier, (New York: The Wicklow Press, 1952), 221-22.

[11] Bút Tích Phanxicô Xavier, 450.

[12] Bút Tích Phanxicô Xavier, 539.

[13] Bút Tích Phanxicô Xavier, 787.

[14] Nguyên văn câu nói này: Muốn sống tốt ở đời này, mỗi người chúng ta cần phải là một vị khách hành hương để đi bất cứ nơi đâu, đến nơi chúng ta có thể phục vụ Chúa. Xem Bút Tích Phanxicô Xavier, 264.

Kiểm tra tương tự

Lễ thánh Stêphanô: Cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại

  Hôm nay, sau hai ngàn năm, thật không may, cuộc bách hại vẫn đang …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *