Sáng nay trên đường đến lớp, tôi bắt gặp một nụ cười. Tôi cất vội nụ cười vào sau túi áo trái rồi bước vào lớp. Tôi trao nụ cười của tôi cho bạn cạnh bên, và bạn trao lại tôi nụ cười. Thế rồi, cả lớp đầy ắp tiếng cười. Nụ cười trao nhau trên bàn cơm buổi trưa; tiếng cười vang lên trên sân bóng buổi chiều; nét cười lắng về trong khoảnh khắc hồi tâm buổi đêm. Cứ thế một ngày qua đi, tôi cười một mình, tôi cười với bạn, tôi cười với Chúa tôi.
Bạn có hay cười một mình? Hãy thử cười với mình trong gương. Xin đừng nhầm lẫn với lòng ái kỷ của chàng Narcissus trong thần thoại Hy Lạp; chàng yêu mình, ngắm mình trong mặt hồ, chết đi và hóa thành hoa thủy tiên. Nhìn và cười với chính mình không phải là ảo tưởng về bản thân, nhưng là đón nhận chính mình với những nét đẹp và khiếm khuyết, những điểm sáng và cả những giới hạn. Bao lâu chưa đón nhận chính mình, tôi vẫn sẽ sống vật vờ như cánh bèo dập dìu sóng nước vì mãi chạy theo chuẩn mực của kẻ khác. Cười không phải để mãn nguyện, nhưng vì biết mình và để đổi mới mình mỗi ngày. Can đảm hơn, hãy cười vào mình mỗi khi sa ngã vụng dại. Cười để biết lỗi và nhận lỗi. Cười để mỉa mai chính mình, nhờ đó cải hóa từ tâm.
Có khi cười với mình cũng là cười với đời trước những bất trắc và khổ đau. Cười với cuộc đời ở đây không mang nghĩa thách thức số phận. Đơn giản, cái cười cho thấy thái độ lạc quan và tích cực đón nhận mọi sự. Nếu đời không cho ta quyền chọn lựa, thì đừng đợi hạnh phúc ở một kết quả mỹ mãn chưa chắc sẽ đến. Biết đâu hạnh phúc đã hiện diện ngay trong khoảnh khắc tôi và bạn tiếp nhận thực tại với thái độ lạc quan?
Xin cũng hãy cười với người. Bạn biết đấy, cứ sự thường, nụ cười là khởi đầu của những tương quan. Đó là dấu chỉ của sự thân thiện. Thật dễ bắt chuyện với người hay cười. Nụ cười của ai đó sẽ như cánh cửa mở, mời người bước vào căn nhà nội tâm. Nụ cười cũng cho thấy chủ nhân là một người an toàn. Khuôn mặt cau có dễ khiến người ta e ngại. Việc tương giao với họ như thể ta phải bước vào vùng trời đen mây và nổi gió. Cười sẽ đánh tan sợ hãi nghi kỵ. Nụ cười cho thấy ta sẵn sàng để người khác tiến gần và đi vào cuộc đời mình. Cười với người cũng giúp họ nhận ra chỗ đứng của họ trong lòng ta. Khủng khiếp hơn cả là sự thờ ơ lãnh đạm, khi đó, người chẳng còn hiện hữu như là người trong tôi. Nhưng, xin đừng cười vào mặt người khác, vì hậu quả của nó chỉ là thương tổn và khổ đau!
Và hãy thử cười với vị Chúa của lòng mình. Lạ quá đúng không? Nếu “Thiên Chúa là Đấng làm hoan lạc tuổi xuân con” (TV 43,4) thì cuộc hò hẹn với Ngài lại không khiến ta bắt đầu bằng một nụ cười nội tâm với Ngài được sao? Để rồi khi bước sâu vào cuộc tình nghĩa thiết, bạn và tôi sẽ có cơ may bắt gặp nụ cười trong cung lòng Thiên Chúa, “nụ cười muôn thủa diễn tả niềm hạnh phúc vô biên của Ngài dành sẵn cho ta.”[1]
Có thể bạn sẽ nói: Người lạc quan vui vẻ dễ cười, còn tôi, khó quá, tôi dễ mủi lòng, tôi sầu bi, tôi hay khóc, làm sao để cười? Vâng, khóc không hề xấu, nhưng hãy thử cười một lần xem sao? Có thói quen nào mà bạn và tôi đã không phải cố gắng và luyện tập? Nhìn lại một năm đã qua, xin hãy nở một nụ cười, cười với Chúa, với người và với mình. Biết đâu đời ta sẽ sang trang trong năm mới với nụ cười như thế?
Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.
[1] Nụ cười trong cung lòng Thiên Chúa, 100 Câu Chuyện Vui Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu Radio Veritas Asia.