Cuộc đối thoại không tên

Đây là cuộc đối thoại xảy ra trong giờ cầu nguyện của một người môn đệ. Khi ngẫm suy về con đường thập giá, trong lòng người ấy nổi lên cảm giác khó chịu và cả những thắc mắc, và rồi có tiếng đáp trả thì thầm…

– Chúa ơi, con phát mệt với thập giá và khổ đau rồi!

(Im lặng)

– Chúa thích đau khổ lắm sao?

(Im lặng)

– Tại sao ai theo Chúa và làm việc cho Chúa thường phải chịu những đau khổ và chống đối như thế?

Vì Chúa đã chịu như vậy, nên con cũng phải chung phần với Chúa như vậy.

– Vì sao Chúa lại chọn chịu khổ nạn rồi mới phục sinh?

Đó là chọn lựa khôn ngoan của Chúa, cho tới lúc này con chưa thể hiểu được. Con đường hẹp đưa đến sự sống, còn đường rộng đưa đến diệt vong.

– Chúa có đang chơi game không, có đang biến chúng con thành những con rối không khi vừa sai chúng con đi truyền giảng đạo Chúa, lại muốn chúng con phải chịu những chống đối bách hại?

Con phải nhớ rằng ma quỷ và thế lực thù địch sẽ tìm cách cản bước con trên đường sứ vụ. Satan không không muốn con người biết đến danh Chúa, không muốn họ được nghe Lời Chúa, vì như thế họ sẽ theo Chúa, thuộc về Chúa và được Chúa cứu độ. Satan sợ thất bại.

– Vậy mọi nguyên nhân đều đến từ ma quỷ cả sao?

Không hẳn vậy, hãy nhớ lại chuyện ông Gióp. Chúa muốn thử thách ông.

– Tại sao Chúa lại muốn thử thách chúng con?

Có một nghịch lý là Chúa thường cho những ai Người yêu thương được nên giống Người. Những thử thách và khổ đau là phương tiện để họ được giống Chúa hơn. Với những người này, họ xác tín rằng chẳng có gì là không do bởi ân sủng Thiên Chúa.

– Nhưng đâu phải ai cũng đạt tới tầm mức ấy?

Đúng vậy, với những người khác, Chúa thử thách để biết họ đang ở đâu, đang ở mức độ nào trong niềm tin cậy mến vào Thiên Chúa.

– Như vậy xem ra Chúa không tin tưởng chúng con rồi?

Nên nhớ rằng, thử thách là để con biết con hơn, chứ không phải để Chúa biết con hơn. Có người nhận nhiều thử thách, có người nhận ít, tùy mức độ thiêng liêng và tình trạng của họ. Vấn đề không phải là thử thách hay không thử thách, nhiều hay ít, quan trọng là con biết mình có tin tưởng và hết phòng phụng sự Chúa hay chưa.

– Vậy phải chăng Chúa bắt chúng con ca tụng và phụng sự Chúa?

Việc con ca tụng và phụng sự Chúa là điều đương nhiên, vì con là thu tạo của Người. Dầu vậy, Người không cần lời ca ngợi của con, vì Người là Đấng Tự Hữu, Người không thiếu thốn điều gì.

– Vậy con không cần ca tụng Chúa nữa sao?

Đó là chọn lựa tự do của con, nhưng hãy nhớ rằng, việc ca ngợi và phụng sự Chúa sẽ mang lại cho con sự sống đời đời.

– Như thế Chúa đâu còn toàn năng, vì phải nhờ việc ca ngợi và phụng sự Chúa con mới được cứu?

Dĩ nhiên, Chúa có thể cứu độ con cách vô điều kiện, nhưng Chúa tôn trọng tự do của con. Tùy thuộc việc con chọn đứng về Chúa hay chọn quay lưng với Người, để rồi con được ở với Người, được Người cứu độ.

– Vậy xem ra việc được cứu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con?

Phụ thuộc vào thái độ và chọn lựa của con, nhưng mặt khác, con không tự cứu mình được. Con không thể chỉ dựa vào mình. Con phải dựa vào Chúa. Con có tự do để chọn Chúa, nhưng việc được cứu là do Chúa chứ không phải do con. Thậm chí, tự con con không thể chọn Chúa, và việc sống chọn lựa ấy lại càng không. Cuộc hoán cải của con khởi đi từ Chúa, việc làm lành lánh dữ của con là nhờ ơn Chúa. Con cần dựa vào Chúa, cần tha thiết xin ơn.

– Khó quá, vậy con lại thành con rối mất rồi?

Chúa sẽ ban ơn, nhưng chính con là người thực hiện. Con làm nên đời mình nhờ ơn Chúa. Con sống nhờ ân sủng, nhờ Chúa Thánh Thần dẫn đưa.

– Rốt cuộc con phải làm sao?

Ăn chay và cầu nguyện. Hãy bước vào cõi thinh không để gặp Chúa, và Chúa sẽ nói cho con biết phải làm gì trong từng cảnh huống cuộc sống. Hãy nhớ lấy một điều: Đừng dựa vào sức mình, đừng tự tin vào mình nhưng tin tưởng và phó thác vào Chúa.

K’long, 21 tháng 05 năm 2017

Người môn đệ

 

Kiểm tra tương tự

Rồi mọi sự sẽ khác!

  Tôi đứng giữa cây cầu, nhìn xuống dòng sông đang lơ đãng trôi. Từng …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *