Em gái quê

“Chú ơi, cho con hỏi gần đây có nhà thờ mô khôn chú?” – Làn da đen nhẻm, mái tóc dính bết vào trán vì mồ hôi và đôi mắt to tròn ngước nhìn chú xe ôm chờ đợi.

Chất giọng Huế đặc sệt làm cho người đàn ông ngẫm nghĩ hồi lâu vẫn không thể hiểu cô bé muốn nói gì.

Nhìn vẻ mặt ngẩn ngơ của chú xe ôm, cô bé lúng túng tiếp lời:

“Dạ con muốn đi nhà thờ mà khôn biết đường đi.”

Sau một hồi lâu nói lui hỏi tới thì em cũng biết được những gì mình cần, và hớn hở dắt xe đạp hòa vào dòng người tấp nập.

Vậy là cũng đã tròn một tuần kể từ ngày em rời miền quê giáo xứ để vào Đà Nẵng phụ bàn theo mong muốn của ba mẹ. Đôi mắt sưng húp kia là dấu chứng của những đêm khóc ướt gối vì nhớ nhà, nhớ mấy đứa em, nhớ trường nhớ lớp… Em vừa bước qua tuổi 16 được nửa tháng, và trong ngày sinh nhật hạnh phúc ấy, em nào có ngờ món quà ba mẹ dành tặng lại là quyết định cho em nghỉ học để phụ giúp gia đình. Em muốn phản kháng, muốn hét lên tiếng “không!” để vẫn được là cô bé học trò hồn nhiên, vẫn được làm một giáo lý sinh ngoan hiền, để mãi được hát được chơi. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh ba mẹ quần quật suốt ngày vẫn không thể vừa nuôi đủ 9 miệng ăn vừa lo cho 7 chị em đi học. Nhìn những đứa em lem luốc nheo nhóc, em chẳng thể cầm lòng, đành hi sinh tương lai của mình để mở cho chúng cánh cửa tương lai. Khi tuổi xuân đang phơi phới với những ước mơ hoài bão, em phải dừng lại để bước qua một ngả rẽ mà em không biết rồi đây nó sẽ dẫn em về đâu.

Một tuần qua em đã dần quen với công việc chạy bàn dọn rửa nhờ sự nhanh nhẹn và hoạt bát, nhưng nhịp sống ồn ào phố chợ kia em vẫn chưa thể thích ứng được. Hàng đêm thui thủi ở phòng trọ một mình, em khắc khoải khung cảnh bình yên của làng quê, và nhớ da diết những buổi lễ giờ kinh trong ngôi thánh đường giáo xứ. Mấy chị cùng phòng đêm nào cũng tăng ca, cả tuần chẳng thấy họ đả động gì đến nhà thờ, kinh lễ. Đắn đo mãi đến tối qua em mới dám ngỏ lời với mấy chị về ao ước được đi lễ của mình.

“Mi khôn đi lễ tối được mô, ở đây khôn như ở quê, mi đi coi khôn có đường mà về.”

“Vô đây rồi thì lo kiếm tiền gửi về nhà chứ lễ lạc làm chi. Chúa Mẹ cũng thông cảm cho chị em mình.” – Chị khác tiếp lời.

Lặng thinh. Em buồn lắm. Hi vọng vừa nhen nhóm dường như bị những câu trả lời kia dập tắt. Thật ra ai đã từng làm công nhân thì mới biết, công việc có nhàn hạ bao giờ. Cả ngày ở xưởng dán mắt vào sản phẩm, năm kỳ mười họa mới có được buổi tối tự do vì cứ tăng ca, khuya về chưa kịp ngả lưng đã ngủ, lấy đâu giờ giấc và sức lực mà nghĩ tới chuyện kinh lễ Chúa Mẹ. Em biết điều đó, bất giác em thấy lo, một nỗi lo đơn sơ nhưng sâu sắc của cô bé mới lớn, rồi mình cũng sẽ giống mấy chị, chấp nhận cảnh sống xa Chúa, bỏ nhà thờ?

Sáng nay Chúa nhật, em dắt xe đi khi mấy chị còn đang say giấc. Em không muốn buông mình theo những gì đã thành lệ. Nền tảng đạo đức mà gia đình và giáo xứ vun trồng nơi em, niềm tin và tình yêu đơn sơ em dành cho Chúa thôi thúc em lên đường. Em nhớ Thánh Thể, em thèm được hát những bài thánh ca, em ước ao được quỳ nơi góc nhà thờ để kể hết cho Chúa nghe những gì em đang cảm thấy, và để cầu nguyện cho ba mẹ, những đứa em, và cho những người chị mà em đang sống cùng. Không biết ngày mai rồi đây sẽ thế nào, nhưng em vẫn sẽ là em với một lòng tin cậy mến dành cho Chúa, và sẽ mãi như thế. Em sẽ đi lễ mỗi ngày bất chấp những hiểm nguy chốn thị thành phía trước. Em sẽ cứ trung tín với những bổn phận đạo đức từ thủa bé mặc kệ những nếp sống dễ dãi bông xuôi quanh mình. Em vẫn sẽ giữ một tâm hồn đơn sơ và khát khao yêu Chúa dù cho biết bao những quyến rũ thế gian sẽ lôi kéo bủa vây. Tự nhủ thầm như thế, em thấy lòng hân hoan.

“Vừa làm vừa học,” ý tưởng ấy nhen nhóm trong em những hi vọng mới. Ôm ấp những ước mơ ngày còn cắp sách và lấy đó làm động lực để em cố gắng. Mọi thứ không còn mù tối như em nghĩ. Tương lai lại mở ra trước mắt, chỉ là với một cánh cửa khác mà thôi. Gia đình vẫn luôn bên em, bạn bè vẫn quý mến em, làng quê giáo xứ vẫn ôm ấp bao bọc em. Và hơn hết, em tin Chúa sẽ luôn dõi mắt theo từng bước chân ngập ngừng em đi. Lòng rạo rực hân hoan, đời bỗng vui và môi em nở nhẹ nụ cười.

Chiếc xe đạp lăn bánh mang cô bé hồn nhiên đi đến chỗ làm, đến trường học, và đến gặp Chúa mỗi ngày. Bóng dáng ấy xa dần nhưng vẫn không khuất dạng trên con phố đông người qua. 

Jos. Nguyễn Minh Vương, SJ.

 

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *