Tác giả: Nguyễn Mai Kha, S.J. – Cao Gia An, S.J.
Các bạn trẻ thân mến,
Bữa Tiệc Ly là thời khắc cuối cùng các môn đệ quây quần quanh bàn ăn với Đức Giêsu. Sau đó, Đức Giêsu đi vào cuộc Vượt Qua một mình, các môn đệ dù muốn, cũng chưa thể theo Thầy ngay bây giờ được. Tiệc Ly là thời khắc cuối cùng họ ở bên nhau, để chia sẻ tâm trạng và nghĩa cử sau cùng. Tuy vậy, tiệc chia tay trở thành mối liên kết vĩnh cửu nhờ hành động yêu thương và dâng hiến trọn vẹn: Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ.
Rửa chân cho người khác theo văn hoá thời ấy là hành động thấp hèn, là công việc của người nô lệ, và thậm chí người nô lệ Do Thái cũng không phải làm việc này. Đức Giêsu đã không ngần ngại chọn hành động này để bày tỏ tình yêu thương đối với các môn đệ. Cúi xuống và rửa chân cho môn đệ là để họ luôn gắn kết với nhau và được ở cùng nhau trong gian nay hay hạnh phúc, trong đau khổ hay vinh quang. Hạ mình để rửa chân cho môn đệ là hành động mẫu cho lòng yêu thương đến tận cùng. Rửa là để được trở nên sạch. Hành động cúi xuống và rửa chân còn tượng trưng cho cuộc thương khó khi Đức Giêsu hạ mình xuống trong cái chết đau đớn và nhục nhã để rửa sạch tội lỗi nhân loại. Để yêu thương đến cùng, Đức Giêsu đã cúi xuống thấp nhất, đã yêu đến hiến cả mạng sống của mình để cho nhân loại được sống.
Khi Đức Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa: “Lạy Chúa! Chúa mà rửa chân cho con sao?” Ông Phêrô không thể hiểu được sự việc này, không thể chấp nhận cái nghịch lý to lớn như thế. “Thầy mà rửa chân cho con! Không đời nào!” Chấp nhận để cho Chúa rửa chân cũng là để được thông phần với Ngài, để được trở nên giống Ngài hầu được cùng Ngài trong vinh quang. Có thể ta cũng từng thốt lên tâm trạng như tông đồ Phêrô. Chúa mà chịu khổ vì con ư? Chúa mà lại chết cho con sao? Ta bị bất ngờ và thảng thốt hoặc không chấp nhận sự thật khi thấy Chúa hạ mình đến tận cùng.
Đức Giêsu mong muốn chúng ta yêu thương như Ngài đã yêu thương. Chúa đã rửa chân cho môn đệ và Ngài cũng nhắn nhủ chúng ta hãy rửa chân cho nhau, hãy cúi xuống để yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại. Và trên hết là học nơi Chúa Giêsu lòng khiêm nhường và tình yêu dâng hiến vô vị lợi.
Các bạn thân mến,
Nhìn vào cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta rùng mình khiếp sợ; nhưng cũng chính trong cái chết đau đớn ấy, chúng ta nhìn ra tình yêu cao cả của Đức Giêsu, một con người với con tim bao la của Thiên Chúa. Trên thập giá, khi con tim tuôn chảy những giọt máu cuối cùng, khi Đức Giêsu trao hiến cả mạng sống mình cho nhân loại, tình yêu ấy không thể đo lường, con tim ấy không còn giới hạn.
Các bạn trẻ không xa lạ với tình yêu. Chúng ta vẫn cầu chúc cho nhau yêu và được yêu. Nhưng nhiều khi ta quan niệm yêu là chiếm lấy cho mình, yêu là thuộc về riêng ta mà thôi. Tình yêu ấy đóng kín và thu vén trong những toan tính thiệt hơn. Tình yêu chiếm hữu thường dẫn đến mất tự do, nghi kỵ và thiếu tin tưởng. Ngược lại, tình yêu dâng hiến trọn vẹn luôn hướng đến người khác cách vô vị lợi, khởi xuất từ tự do nội tâm và lòng tin tưởng chân thành.
Nhìn lên thập giá Đức Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nhìn ra tình yêu dâng hiến trọn vẹn của Ngài để học biết yêu thương như Ngài. Đức Giêsu là Thiên Chúa đến với con người và hiến mạng sống mình vì nhân loại. Tình yêu tự hiến đến cùng thể hiện trong suốt cuộc đời Ngài và tột đỉnh là cái chết trên thập giá. Trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, Đức Giêsu không ngừng mở rộng con tim để yêu mến nhiều hơn, để trao tặng và cống hiến trọn vẹn. Tình yêu ấy không sợ bị chiếm hữu, hao mòn, không toan tính riêng tư và luôn hướng đến tha nhân. Và do đó, tình yêu ấy mỗi ngày một lớn lên và trường tồn.
Ước gì tình yêu của các bạn trẻ được gợi hứng và phản chiếu tình yêu nhưng không của Thầy Giêsu để cuộc đời người trẻ không thiếu tình yêu đích thực, cho Chúa và cho nhau. Khởi xuất và được nuôi dưỡng trong tình yêu Chúa, tình yêu của bạn trẻ triển nở mạnh mẽ và trổ sinh hoa trái tốt lành trong cuộc sống và hoa trái ấy tồn tại mãi.