Cảm nhận về Tết trên dòng nhạc xưa

Năm vừa qua có lẽ là một năm đầy những biến động, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của cả thế giới nói chung và của người Việt Nam chúng ta nói riêng. Chưa bao giờ cuộc sống của con người bị đảo lộn và trở nên bất ổn như vậy. Vừa mừng lễ mồng một Tết xin ơn bình an của Chúa, xin Chúa chúc lành cho một năm mới, thì cả nhân loại phải đối diện với cơn đại dịch kinh khủng. Những tưởng mọi thứ đã dần được vượt qua và cuộc sống sớm trở lại bình thường, thì cơn dịch lại tiếp tục bùng phát với sự lây lan kinh khủng hơn trước khiến bao nhiêu người phải mất Tết, hay phải đón Tết xa nhà. Cả chúng ta đây, dù vẫn còn có cơ hội đón Tết, cũng chẳng cảm thấy thoải mái tí nào. Năm qua đúng là “một năm ruột rối tơ tằm”.

Nhưng dù gì chăng nữa, chúng ta vẫn phải đón Tết vì Tết là dấu chỉ của niềm vui, của hy vọng. Mỗi khi nhắc đến Tết, trong tâm trí chúng ta xuất hiện một viễn cảnh thật rộn ràng, hân hoan. “Xuân đã về anh có hay, hoa bướm vui mùa xum vầy”. Một câu hỏi nhắc nhớ người yêu là xuân đã đến rồi, chính hoa bướm đã báo hiệu cho mùa xuân là mùa xum vầy của mọi người. “Xuân đã đến rồi” thì “vui trong bình minh muôn loài chim hót vang mọi nơi… bướm say duyên lành, thắm tô trời xanh.” Cảnh sắc thay đổi của đất trời như vẽ cho chúng ta một bức tranh rất đẹp về ngày xuân: chim hót từ sáng sớm (vui trong bình minh), bướm say duyên, trời xanh, bầy chim tung cánh hót… Xuân đến là “khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai. Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm.” Nắng vàng nhuộm tóc” là hình ảnh diễn tả giọt nắng nhẹ rải tên làn tóc của cô thiếu nữ, làm cho nó nhìn vàng vàng thanh thanh, đầy lôi cuốn. Rồi có một “cơn gió nhẹ lay hoa đào”, cơn gió đủ làm người ta mát cho thấy sự êm đềm, nhẹ nhàng, một cuộc sống bình yên, không sóng gió.

Tất cả những hình ảnh đó đều muốn khơi lên trong chúng ta một thái độ tích cực, bỏ qua một bên tất cả những lo lắng buồn phiền mà cuộc sống đã và đang đè nặng trên chúng ta. Chúng ta không biết tương lai thế nào. Nhưng chúng ta có quyền để mơ ước về sự tươi sáng của nó. Và chúng ta dành cho nhau những lời chúc thật hay và ngọt ngào, đậm tình cảm trong ngày Tết. Trong niềm hân hoan phấn khởi đó, ta cùng chúc gì cho nhau?

Ta cùng nhau “chúc trần gian năm nay được thuận hoà, với một năm xuân vui vẻ đậm đà, cùng xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua”. Ta mong cả thế giới được sống trong an bình, không chiến tranh, không dịch bệnh, không tai ương. Ta mong mọi người sẽ sống vui, sống khoẻ và quên hết những chuyện buồn của năm qua, những bất hoà, bệnh tật, hiềm khích… Trong phạm vi nhỏ hơn, khi “ta cùng nhau đón thêm mùa xuân”, thì “xin khấn nguyện kết chặt tình thân, bên cạnh lộc những bâng khuâng, xuân này chắc gặp tình quân”. Thời gian sẽ trôi qua, năm mới sẽ trở thành năm cũ, rồi một năm mới khác lại đến. Nhưng dù mọi cái có qua đi, vẫn xin “khấn nguyện kết chặt tình thân.” Tình thân, tình người là cái còn mãi và là cái làm cho không khí ngày Tết được trọn vẹn và hoàn hảo nhất.

Ngoài ra, sau một năm ruột rối tơ tằm thì “năm mới nhiều ước vọng chờ mong, may nhiều rủi ít ngóng trông”. Năm nay, mong là sẽ gặp nhiều may mắn, và ít gặp rủi ro, cuộc sống lúc nào cũng vui tươi rộn ràng. Tham vọng hơn, chúng ta “mong đầu năm cuối năm gặp may, gia đình luôn hạnh phúc vơi đầy. Trên bước đường danh lợi rồng mây, duyên vừa đẹp ý đắm say, ôm nàng xuân đẹp vào tay”. Chúng ta không chỉ mong “may nhiều rủi ít” nữa mà mong “lúc nào cũng may” (cả đầu năm lẫn cuối năm), gia đình thì hạnh phúc, đường danh lợi thì như rồng cưỡi mây, nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ, phát triển thuận lợi, thịnh đạt ngất trời. Với những ai đang trong tuổi yêu thì gặp được người lý tưởng, vừa ý, và hạnh phúc với nhau suốt đời.

Bên cạnh đó, “xuân đến ban cho muôn niềm tin, đất mẹ vui bình yên, ruộng cày thêm nhiều luống, hạnh phúc dâng triền miên, xe những mối lương duyên, mái tranh chung bóng nguyệt, gia đình lại đoàn viên.” Năm nay, cái đầu tiên chúng ta cần phải có chính là “niềm tin” (xuân đến ban cho muôn niềm tin): tin rằng mọi cái tốt đẹp rồi sẽ đến và những thứ xấu xa sẽ sớm qua; “đất mẹ vui bình yên” (đất nước Việt Nam của chúng ta được bình an); “ruộng cày thêm nhiều luống” (công việc làm ăn phát đạt, đất đai mở rộng, hứa hẹn một thành công rực rỡ);“hạnh phúc dâng triền miên” (người với người đối xử với nhau thật tốt, gặp ai cũng thấy hạnh phúc dâng cao không ngừng); những mối duyên tình sẽ được se chặt, ai yêu nhau sẽ được đến với nhau, đó chính là hình ảnh “mái [nhà tranh] chung bóng nguyệt”; và cuối cùng là “gia đình đoàn viên”, mọi người trong gia đình được sum vầy, không vắng bóng ai, không chia lìa ai, gia đình ấm êm hạnh phúc, yêu thương nhau.

Tết năm nay, bầu không khí có vẻ buồn hơn, ảm đạm hơn vì một năm vất vả, lại đang chịu sự tấn công của dịch bệnh đang hoành hành. Nhưng tự trong thâm tâm, ta không được bỏ mặc mình cho nỗi buồn thống trị. Ta phải vui như hoa như bướm, như chim hót, như ánh nắng vàng. Nhưng đâu là điểm bám để chúng ta dựa vào đó mà củng cố niềm tin cho mình?

Không nơi đâu khác, ta tìm thấy sức mạnh đó nơi Thiên Chúa. Có những lúc gặp khó khăn, ta tự hỏi liệu Thiên Chúa có thực sự yêu thương mình không? Tại sao Ngài không ra tay giúp con người sớm vượt qua cơn đại dịch này để con người được sống ấm êm hạnh phúc? Tại sao đầu năm chúng ta khấn nguyện được bình an, mà cả năm phải sống trong bất an? Chắc chắn là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài nói với chúng ta là “anh em còn quý hơn muôn vàn chim sẻ, ngay cả tóc anh em cũng được đếm cả rồi”. Sự quan tâm của Ngài dành cho chúng ta luôn luôn đậm đà, chỉ là nó không diễn ra theo cách mà ta nghĩ mà thôi.

Con chuột phá phách quá, nó gặm nhấm, làm chúng ta cả năm qua chao đảo và thiếu thốn đủ bề. Năm mới Tân Sửu này, một năm chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn và vất vả, chúng ta cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp đã nói ở trên. Nhưng hơn hết, xin cho mỗi người có thêm lòng tin vào Chúa, có thêm sức mạnh để tiếp tục sống tốt cuộc sống của mình. Những ngày sắp tới dù có khó khăn nhưng mong là với ơn Chúa, tất cả sẽ trở thành niềm vui bằng một niềm hy vọng và cậy trông. Năm tới dù thế nào, chỉ xin có Chúa cùng đồng hành là tốt rồi!

 

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *