Cầu nguyện trong cơn bão tố cuộc đời

Khi cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện gần gũi, bao bọc yêu thương, chúng ta nhận thấy những lời cầu nguyện, những gì chúng ta khao khát đều được Ngài nhận lời. Nhưng có những lúc Thiên Chúa dường như đang ở rất xa. Chúng ta cầu nguyện, làm việc, nhưng công việc chẳng những không hoàn thành mà kết quả còn ngược lại với những gì chúng ta cầu xin trong giờ cầu nguyện. Những lúc như vậy, có thể chúng ta sẽ tự hỏi “Thiên Chúa đang ở đâu?”

Một đoạn du dương thân thương trong Thánh Vịnh 27 chứa đựng một số lời giải đáp cho câu hỏi này:

Hãy nhớ tình yêu và sự trung tín của Ngài, Lạy Chúa. Hãy nhớ đến dân Ngài và thương xót chúng tôi, Chúa ơi. Chúa là ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là cuộc sống, là nơi tôi nương nhờ, khi tôi kêu cầu, Ngài đã đáp lời tôi.”

 Vua Đa-vít, một thánh vịnh gia, trong nỗi sợ hãi đã khẩn khoản nài xin Chúa. “Xin hãy nhớ chúng con, nhớ đến tình yêu và sự trung tín của Ngài.” Trong lời cầu nguyện của Đa-vít, ngài nhớ đến sự trung tín của Thiên Chúa. Càng nhớ đến những ân huệ của Thiên Chúa, vua Đa-vít càng xác tín ngài có Thiên Chúa ở kề bên, và đức tin của ngài càng thêm vững mạnh. Bằng lời cầu nguyện ấy, ngài đã thoát khỏi sợ hãi và xác tín vào sự tốt lành của Thiên Chúa, cũng như biết ơn những ơn lành Chúa đã ban.

Nhớ đến lòng tín trung của Thiên Chúa là một chủ đề mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập:

“Nhớ đến cuộc sống và cuộc lữ hành của chúng ta thật là quan trọng. Mỗi người sẽ gặt hái được nhiều ích lợi khi nhớ và thường xuyên lặp lại: “Vào lúc đó, Thiên Chúa đã ban ơn cho tôi ơn này… và tôi đã đáp trả lại bằng cách này…”, để nhắc nhớ bản thân rằng: “Tôi đã làm điều này, điều nọ”, và để nhận ra Thiên Chúa luôn đồng hành với tôi. Đức Giáo Hoàng nói, bằng cách này, chúng ta đi vào một cuộc gặp gỡ mới, một cuộc gặp gỡ của lòng biết ơn” (Thứ năm, 21 tháng 4 năm 2016).

Trong cùng cách thức này, thánh I-nhã nhắc nhớ chúng ta rằng khi chúng ta cảm thấy Thiên Chúa gần gũi – tức là, khi chúng ta ở trong ơn an ủi – chúng ta phải nhớ rằng cơn sầu khổ sẽ đến. “Người đang được an ủi, phải nghĩ tới cách xử sự trong cơn sầu khổ sẽ đến, bằng cách dành lấy sức mạnh mới cho lúc đó” (Linh Thao, 323). Và Khi sầu khổ đến, thánh I-nhã khuyên rằng người đang gặp sầu khổ hãy cố gắng giữ sự nhẫn nại, hãy làm điều trái ngược với những xáo trộn xảy đến trong tâm hồn, và hãy nghĩ đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong những lúc an ủi. Trong tác phẩm Nhận Định Thần Loại, cha Timothy Gallagher đã tóm kết những lời khuyên của thánh I-nhã đối với những người đang gặp sầu khổ như sau: “trong lúc sầu khổ thiêng liêng, kẻ thù dẫn ta đến sự quên lãng; nhiệm vụ của ta là phải ghi nhớ.”

Việc nhớ lại cách thức Thiên Chúa gia ơn, giáng phúc qua năm tháng sẽ giúp chúng ta giữ bản thân khỏi xao xuyến khi Thiên Chúa dường như đang ở xa. Khi chúng ta bị bão tố cuộc đời vùi dập, chẳng biết Thiên Chúa ở đâu trong cơn bão tố, theo tinh thần của thánh vịnh gia, chúng ta có thể tự soạn những lời thánh vịnh cho mình như sau:

Lạy Chúa, xin Ngài hãy nhớ đến con trong lúc này.

Những cơn gió mạnh và những dòng nước đang dâng cao.

Chẳng có ánh sáng nên con chẳng tìm thấy phương hướng.

Con tin rằng Ngài đang ở bên con dù con rất sợ, và thực sự, con không cảm thấy sự hiện diện của Ngài.

Con tự hỏi Ngài đang ở đâu trong cơn bão tố.

Con nhớ lại những lần Ngài đã thi ân giáng phúc cho con.

Con nhớ lại mọi kỳ công lớn, nhỏ Ngài thực hiện – Ngài đã làm tất cả vì con.

Ngài đã ban cho con rất nhiều ơn huệ.

Xin giúp con nhận ra sự hiện diện của Ngài, trong những ân huệ và những kỳ công nhỏ bé mà mỗi ngày Ngài thực hiện cho con.

Xin ban cho con lòng kiên nhẫn khi con chờ đợt ánh sáng của Ngài.

Chuyển ngữ: Nguyễn Đương, S.J.

https://www.ignatianspirituality.com/26388/praying-through-the-storms-of-life

Kiểm tra tương tự

Lời cầu nguyện đầu năm học mới

Bạn muốn bắt đầu năm học mới đúng nghĩa? Lời cầu nguyện sau đây có …

10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng

Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *