Trong những ngày cuối tháng 12, khi bão đã lặng, cha Đắc Lộ lên đường và rửa tội cho 421 người. Lúc đó, bà vợ của quan tỉnh tên là Madalena liền tới và mời cha Đắc Lộ về ở trong dinh quan. Bà ấy tự bỏ tiền xây dựng một nhà thương trong dinh, để chăm sóc cho khoảng 30 kẻ tật nguyền và những người tứ cố vô thân.
Ý nghĩa 3 ngày Tết đối với người Công Giáo
Mùa chay năm ấy cũng trùng vào dịp Tết âm lịch. Trong lúc những người ngoài Công giáo ăn tết theo cách của họ, thì cha Đắc Lộ tìm cho các Kitô hữu ăn tết theo một ý nghĩa mới. Đó là ăn tết để tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Thiên Chúa Cha vì Ngài dựng lên vũ trụ. Tạ ơn Thiên Chúa Con vì Ngài cứu chuộc thiên hạ. Tạ ơn Chúa Thánh Thần vì Ngài đã ban cho ta đức tin và dẫn đưa ta vào Hội Thánh. Cha Đắc Lộ cùng với các tín hữu ăn tết với ý nghĩa này, lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1628. Tại đó, Cha Đắc Lộ ở lại ba tháng. Trong suốt thời gian ấy, cha sống trong dinh quan. Vị quan tỉnh tiếp đón cha Đắc Lộ rất niềm nở, và tặng quà khi cha ấy từ giã. Dù bà vợ của quan tỉnh là tín hữu rất đạo đức, nhưng cha Đắc Lộ không làm sao để có thể mời ông quan vào đạo được.
Rời nơi ấy, cha Đắc Lộ ghé thăm tỉnh Quảng Nghĩa. Cha ở lại đây gần chục ngày, và rửa tội cho 108 người, trong đó có vị trưởng làng và một số vị lãnh đạo khác. Suốt Tuần Thánh, cha ở lại trong ngôi nhà thờ, và tiếp đón tín hữu khắ nơi lũ lượt kéo về. Đặc biệt nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh là điều mới mẻ. Nghi thức được cử hành với những tưởng niệm sâu đậm. Lòng nhiệt thành thống hối của tín hữu lên đến mức cha Đắc Lộ phải hãm bớt, để không đi tới chỗ thái quá. Nghi thức tôn kính Thánh Giá càng làm cho các tín hữu thống hối mạnh mẽ hơn nữa. Sau dịp lễ Phục Sinh, cha loanh quanh trong tỉnh, tới thăm những nơi trước đây cha đã đến và rửa tội thêm cho một số người.
Ba lời khấn trọn đời của các thầy giảng
Giữa năm 1643, cha Đắc Lộ tính rằng, sẽ tạm thời theo các thuyền Bồ Đào Nha để rời Đàng Trong, và ba tháng sau sẽ quay lại. Làm như thế, sẽ không gây nghi ngờ, và nếu có thêm quà cáp mới, thì chúa Nguyễn sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Giờ đây, cha Đắc Lộ bắt đầu yên tâm, vì đã có các thầy giảng tiếp tục công việc loan báo Tin Mừng. Hôm đó là ngày lễ thánh Inhaxio, tổ phụ Dòng Tên, năm 1643, cha Đắc Lộ long trọng tổ chức tại Cửa Hàn lễ tuyên khấn cho các thầy giảng. Lễ ấy được cử hành trước mặt toàn thể cộng đoàn, với nến sáng trong tay như các đầy tớ đang đợi chủ nhà về, giống như nội dung bài Tin Mừng của ngày lễ hôm đó. Lời khấn của các thầy giảng giống như lời khấn đã diễn ra một lần ở Đàng Ngoài. Đó là: dâng hiến cuộc đời cho việc truyền giáo, sống độc thân, và vâng lời các giáo sĩ Dòng Tên. Nhưng lần này là khấn trọn đời, chứ không chỉ khấn tạm thời như trước đây. Trong số các thầy giảng khi ấy, có cả thầy Anre Phú Yên. Trưởng nhóm của các thầy giảng lúc đó, là thầy Inhaxio, 33 tuổi, góa vợ và giỏi nghề thuốc bắc, trước đây từng làm việc trong phủ chúa Nguyễn. Thầy Inhaxio được ơn tử đạo sau thầy Anre Phú Yên 1 năm.
Các thầy giảng được chia thành hai nhóm. Một nhóm lo cho các tín hữu vùng phía bắc, bao gồm cả các tín hữu trong phủ chúa ở Huế. Nhóm kia lo các tín hữu vùng phía nam. Nhóm phía bắc do thầy Inhaxio làm trưởng. Nhóm phía nam do thầy Damaso hướng dẫn.
Tháng tám năm 1643, cha Đắc Lộ trở về Macao. Sau một trận bão làm đổ hết nước uống, cả đoàn người trên thuyền tự hứa rằng, nếu sống sót trở về được, thì họ sẽ mang cánh buồm lớn của thuyền lên dâng cúng cho nhà thờ Penha tọa lạc trên ngọn đồi cao. Và họ đã thực hiện lời hứa ấy. Nhưng vì quá gắng sức, nên cha Đắc Lộ bị ngất xỉu trước bàn thờ nhà nguyện. Lúc ấy, có hai anh em cùng Dòng nâng đỡ cha Đắc Lộ và đưa cha ấy về học viện của Dòng. Đó là hai tu sĩ trong Dòng mà cha Đắc Lộ gặp được sau hai năm đi xa.
Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.
Các bạn có thể nghe toàn bộ câu chuyện về Cái Duyên của Cha Đắc Lộ với Đất Việt trên Youtube: Cha Đắc Lộ có duyên với Đất Việt