Chủ đề: Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm

 

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

  

Tin Mừng: Mt 3,13-17

 

13Bấy giờ Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Gio-đan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. 14Nhưng ông một mực can Người mà nói: “Chính tôi mới được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” 15Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. 16Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”

 

Kinh dọn lòng:

 

Xin cho tất cá ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ qui hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn theo cách sống của Chúa Giêsu.

 

Lịch sử:

 

Sau ba mươi năm sống ẩn dật, Đức Giêsu bước vào đời sống công khai. Ngài khởi sự bằng việc đến với Gioan để xin ông này làm phép rửa cho mình.

 

Khung cảnh:

 

Chiêm ngắm ông Gioan đang ở dưới sông Gio-đan và dìm Đức Giêsu vào trong dòng nước.

 

Ơn xin:

 

Xin cho tôi được lòng hiểu biết thâm sâu về Chúa, được thấu hiểu ý nghĩa cứu độ của Chúa nơi phép rửa ở sông Gio-đan, để yêu mến Ngài hơn và bước theo Ngài hơn.

 

Điểm chiêm niệm: Xin gợi ý cho anh chị em hai điểm chiêm niệm.

 

1/ Chúng ta làm như vậy để giữ trọn đức công chính

 

Đây là lời tuyên bố của Đức Giêsu khiến cho lần đầu tiên Gioan phải hoán cải, nghĩa là thay đổi cái nhìn về ơn cứu độ. Đối với Gioan, ông là tội nhân và ông kêu mời mọi người cùng với ông sám hối, vốn được diễn tả qua phép rửa dưới nước để chuẩn bị nhận lãnh ơn tha thứ của Đức Giêsu, khi Ngài ban phép rửa bằng Thánh Thần và lửa (Mt 3,12). Dưới nhãn quan như thế, việc Chúa đến xin ông làm phép rửa là một điều nghịch thường không thể chấp nhận. Vì thế ông lên tiếng: “Chính tôi mới được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”

 

Khi tuyên bố: “Chúng ta làm như vậy để giữ trọn đức công chính”, Đức Giêsu muốn giới thiệu cho ông về cách cứu độ của Thiên Chúa mà Chúa sẽ bước vào. Đích thực Chúa sẽ làm phép rửa cho loài người tội lỗi bằng Thánh Thần và bằng lửa như lời ông rao giảng. Thế nhưng, để hiện thực điều đó, Chúa phải trả giá bằng cuộc hiến tế của Ngài trên thập giá. Vì thế, hành vi Chúa xin ông làm phép rửa không có nghĩa là Ngài cũng là tội nhân như ông, nhưng là để mang lấy tội lỗi loài người vào trong mình trong đó có cả ông nữa. Như vậy, hành vi đó báo trước cuộc hiến tế cứu độ trên đồi Calvê, và là bước khởi đầu mặc khải sự công chính hủy mình của Thiên Chúa cho loài người.

 

2/ “Đây là Con Ta Yêu Dấu, Ta hài lòng về Người”

 

Đây là lời tuyên bố của Chúa Cha nhằm chuẩn nhận về sự công chính mà Đức Giêsu sẽ thực hiện. Trước hết, sự chuẩn nhận được minh xác qua hiện tượng “Các tầng trời mở ra” (3,16) vốn đối nghịch với hiện tượng “cửa trời đóng lại” khi loài người phạm tội (St 3, 34). Nếu xưa kia con người phạm tội chống lại Thiên Chúa thì cửa trời đóng lại, nay nhờ sự vâng phục của Đức Giêsu trong sự công chính của Thiên Chúa mà cửa trời mở ra. Một cuộc sáng tạo mới được khởi đầu.

 

Thứ đến, cụm từ: “Con Ta Yêu dấu” mặc khải cho thấy Thiên Chúa yêu thương loài người thế nào. Bởi lẽ cụm từ đó được đối chiếu với cụm từ Thiên Chúa đã nói với Abraham về Isaac khi đòi ông đem con đi hiến tế cho Ngài (St 22,2 ). Thế nhưng, khi cử hành nghi lễ, Chúa đã cho ông thay thế bằng con cừu mắc sừng (St 22,13). Còn cụm từ Thiên Chúa nói về Đức Giêsu cho thấy chính Ngài là của lễ chứ không thay thế bằng bất cứ điều gì khác. Và rồi, Đức Giêsu được tấn phong bằng Thánh Thần cho sứ mạng (Mt 3,16b).

 

Gợi ý tâm sự:

 

Với Chúa Giêsu về sự công chính của Ngài dành cho chúng ta.

 

Với Chúa Cha về tình yêu hiến tế Con Một của Ngài vì chúng ta.

 

 Với Chúa Thánh Thần về sứ mạng của chúng ta trong thế giới đang bị hoang mang vì tội lỗi.

 

Cho vinh danh Chúa hơn.

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *