Chủ đề: Hướng Dẫn Sống Thao Luyện Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19 (7/4/2020)

Hướng dẫn sống Linh Thao số 10

 

Cách đào luyện của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Gioan

 

Anh chị em thân mến,

Tất cả các tác giả Tin Mừng đều diễn đạt kinh nghiêm thiêng liêng của mình về ơn cứu độ. Kinh nghiệm đào luyện cũng thế. Chẳng hạn Chúa Giêsu đào luyện môn đệ theo Máccô ở phần thứ hai của TM (Mc 8,31-16,8) – theo Matthêu ở 5 diễn từ (Mt 5-7; 10; 13; 18; 24-25) – theo Luca trong hành trình lên Giêrusalem (Lc 9,51-19,27). Thường việc đào luyện này tương đương với việc thao luyện ở Tuần II. Vì hoàn cảnh cách ly do dịch bịnh bất ngờ nên cuộc LT tôi đề ra đã cho bắt đầu cuộc thao luyện bằng Tuần Một rồi sau đó bước vào Tuần ba để thích nghi với lịch Phụng vụ. Tuy nhiên, tôi đã dẫn anh chị em vào Tuần ba với Tin Mừng Gioan, bởi lẽ việc đào luyện các môn đệ trong Tin Mừng Gioan tập trung vào hai diễn từ ly biệt được đặt trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu: khai triển về đời sống mới (Ga 13-14) – và về số phận mới của người môn đệ (Ga 15-16). Xin anh chị em chịu khó tìm giờ đọc kỹ hai diễn từ này để hiểu cách Chúa đào luyện chúng ta. Vì  hai ngày hôm nay chúng ta cầu nguyện với hai diễn từ đó. Mỗi diễn từ khởi đầu bằng một sự kiện rồi sau đó khai triển nội dung như sau:

1/ Diễn từ ly biệt thứ nhất về đời sống mới của môn đệ: sống tình yêu của Đức Giêsu khi Ngài ra đi

     – Khởi đầu bằng việc rửa chân cho môn đệ và phản ứng Phêrô: Việc rửa chân cho môn đệ ở giữa bữa tiệc ly là tấn phong các ông sống kiếp đầy tớ với Đức Giêsu khi nhận lãnh Thánh Thể – Phêrô không hiểu được ý nghĩa này nên Chúa đứng ra giải thích: từ ngữ “dự phần” là dự phần làm tôi tớ (Ga 13,1-11).

     – Chúa dạy các môn đệ hiện thực cách sống thân phận đầy tớ của Thánh Thể cho nhau bao gồm lời loan báo về kẻ phản bội (13,12-19), để các ông nên “bí tích” về Đức Giêsu và về Thiên Chúa (13,20).

     – Loan loan báo kẻ nộp Ngài: Giuđa (13,21-30).

     – Loan báo cái chết cứu độ của Chúa dưới từ ngữ “ra đi” để mời gọi môn đệ sống yêu thương nhau – Phêrô không hiểu đòi đi theo nhưng Chúa loan báo ông chối Chúa để ông nhận thức rằng ông là đối tượng được cứu độ trước khi được đi theo Ngài (13,31-38).

     – Chúa giải thích ý nghĩa việc ra đi: Chuẩn bị chỗ cho môn đệ – Tôma phản ứng và Chúa giải thích cho biết chỗ ở là nhà Cha mà Chúa Giêsu chính là Đường (Ga 14,1-7).

     – Thắc mắc của Philipphê muốn nhìn thấy Cha: Chúa Giêsu xác định Chúa Cha ở trong  Ngài để mời môn đệ tin, nhờ đó họ làm được những điều cao trọng hơn Ngài đã làm – họ xin thì được nhận lời – và khi giữ lời Ngài, họ sẽ được lãnh nhận Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, nhờ đó họ nhận biết Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong họ (14,8-21).

     – Thắc mắc của Giuđa về việc Chúa tỏ mình cho các môn đệ mà không cho thế gian: Chúa trả lời bằng cách mời gọi môn đệ giữ lời Ngài, vì sẽ được Thánh Thần dạy bảo cho nhớ lại để họ có được sự bình an đích thực. Vì khi đi hiến tế mình, Ngài sẽ ở trong môn đệ dưới dạng thức mới nhờ Thánh Thần (14,22-31).

2/ Diễn từ ly biệt thứ hai về số phân mới của môn đệ: số phận bị bách hại như Thầy

     – Diễn từ cũng khởi đầu bằng dụ ngôn về cây nho: mời gọi môn để ở lại trong Đức Giêsu để được cắt tỉa và sinh hoa trái – để được ở trong tình yêu tự hiến của Ngài mà sống chính tình yêu đó cho nhau để nên bạn hữu của Ngài (15,1-17).

     – Sống tình yêu đó, môn đệ sẽ bị thế gian ghét bỏ, bởi lẽ nó đã ghét Ngài trước và các môn đệ đã được chọn và tách khỏi thế gian – Lý do thế gian ghét môn đệ vì nó không nhận biết Cha, cho dù nó đã được chính Ngài mặc khải – Tuy nhiên, các môn đệ vì Ngài sẽ sai Thánh Thần đến làm chứng về Ngài cùng với các môn đệ (15,18-27).

     – Môn đệ Đức Giêsu chắc chắn bị thế gian bách hại: vì nó không biết Cha và không biết Đức Giêsu – nhưng Ngài ra đi để sai Đấng Bảo Trợ đến chứng minh thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử. Chính lúc đó môn đệ được dẫn vào sự thật toàn vẹn. Vì Thánh Thần lấy những điều Đức Giêsu dạy mà loan báo cho môn đệ (16,1-15).

     – Đức Giêsu ra đi hiến tế nhưng sẽ mau trở lại với môn đệ: Lời loan báo này được mô tả bằng từ ngữ “một ít nữa… rồi lại một ít nữa”. Một ít nữa các ông không thấy vì Ngài đi hiến tế, nhưng rồi một ít nữa các ông lại thấy vì Ngài phục sinh và hiện diện với các ông bằng hình thức mới. Như vậy các ông sẽ sống kinh nghiệm từ đau buồn đến niềm vui và là niềm vui đó không ai lấy đi được. Lúc đó các môn đệ xin bất cứ điều gì đều sẽ được (nên nhớ bất cứ điều gì ở đây không có nghĩa là bất cứ điều gì, mà chỉ có một điều có giá trị hơn bất cứ điều gì ở trần gian: ơn đi theo Đức Giêsu). Bởi lẽ lúc đó môn đệ được Cha yêu mến vì đã tin vào Đức Giêsu (16,16-30).

Lời kết: Chúa một mình bước vào cuộc khổ nạn, nhưng không mồ côi vì có Cha ở cùng; đến lượt môn đệ cũng thế, sẽ gặp gian nan khốn khó, nhưng không sợ vì Chúa đã thắng thế gian (16,31-33).

Xin ơn Thánh Thần đào luyện để chúng ta sống tình yêu (agapê) của Chúa Giêsu và để chúng ta nên môn đệ của Ngài và được tham dự vào cuộc bách hại với Ngài.

 

Ad Majorem Dei Gloriam

 

Người soạn: Lm Giuse Lê Quang Chủng,S.J

Kiểm tra tương tự

Bảy kỹ năng sống tuyệt vời có được khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em

Có nhiều anh chị em là một ơn xét theo nhiều phương diện. Đây chỉ …

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giới thiệu về Trung tâm Linh đạo I Nhã

Trong phiên họp sáng 16/04/2024 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), Đức Cha Giuse Đỗ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *