Suy niệm tranh Chúa Giảng Trên Núi
của hoạ sĩ Carl Heinrich Bloch
Agnes Phạm Kim-Liên
Bức tranh Chúa giảng trên núi ở trên là một tác phẩm nổi tiếng của nhà họa sĩ tài ba Carl Heinrich Bloch.
Ông sinh năm 1834 tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch. Từ lúc trẻ, ông đã thích vẽ và có ước mơ trở nên một họa sĩ. Lớn lên ông học trường nghệ thuật và nhận được nhiều giải thưởng về hội họa. Từ năm 1859 – 1866 ông sống ở Roma, nước Ý để học hỏi nghệ thuật hội họa tại đây và rất mau chóng tên tuổi ông được nhiều người biết đến.
Năm 1859, Carl Heinrich Bloch được mời vẽ 23 bức tranh về cuộc đời của Chúa Giêsu cho nhà thờ King’s Praying Chamber của lâu đài Frederiksborg ở Đan Mạch. Dự án này đã đánh dấu một thay đổi lớn trong sự nghiệp và tên tuổi của ông, ông đã hoàn thành các bức tranh này trong vòng 14 năm, từ năm 1865 – 1879. Trong đó có bức tranh Chúa Giêsu giảng trên núi mà chúng ta chiêm ngắm trong bài này. Hôm nay ông vẫn được coi là một trong những nhà họa sĩ nổi tiếng nhất về nghệ thuật thánh của Đan Mạch và là người minh họa thật sống động cuộc đời của Chúa Giêsu.
100 năm sau ngày ông qua đời, những hoạ sĩ trẻ trên khắp thế giới vẫn còn tìm đến lâu đài Frederiksborg để học kỹ thuật hội hoạ của ông.
Bức tranh Chúa giảng trên núi mà chúng ta ngắm nhìn hôm nay mô tả khung cảnh Chúa Giêsu đang rao giảng cho các môn đệ và đám đông như trong Tin Mừng Mát-thêu nhắc đến (Mt 5-7).
Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên (Mt 5,1).
Ngắm nhìn bức tranh, chúng ta cảm nhận được một bầu khí trang trọng trong một không gian rộng mở của một vùng núi cao, với những đỉnh núi trải dài sau lưng đám đông và các môn đệ đang vây quanh Chúa Giêsu. Ngồi trên một tảng đá lớn và cao, Chúa Giêsu thật oai nghiêm trong một chiếc áo màu đỏ, màu của lửa và của thần khí, và chiếc áo choàng màu xanh lam, màu của niềm hy vọng, màu xanh của trời cao, của thiên đàng và quê hương vĩnh cửu, đã làm cho khung cảnh thêm phần thánh thiêng.
Chúa Giêsu ngồi xuống. Đó là thái độ của Thầy Dạy. Người ngồi thẳng, với gương mặt trang nghiêm và bình tâm, cánh tay phải với hai ngón tay hướng lên Trời và hai chân đặt trên tảng đá như đang nói với mọi người rằng “Ta là Thầy Dạy, là Đấng rao giảng Tin Mừng, là trung gian giữa quê hương của Chúa Cha trên trời cao và thế gian dưới vùng đất thấp”.
Người mở miệng dạy họ rằng:
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
(Mt 5,2-7)
Trong thinh lặng, tất cả mọi người đều chú tâm lắng nghe Chúa Giêsu.
Hai chữ ‘Phúc thay’ mở đầu câu, và những lời hứa, những ân thưởng cho những ai sầu khổ, hiền lành, có tâm hồn nghèo khó, khát khao nên người công chính… đã đem lại cho người nghe không những một niềm vui, một lời ủi an mà cả một niềm hy vọng, một chân trời mới.
Hạnh phúc mà họ mong đợi, cái nghèo vật chất, sự đau khổ, nỗi tủi nhục mà họ đang đối điện hằng ngày chỉ là tạm bợ và không còn là gì nữa so với các mối phúc mà Chúa Giêsu loan báo, những con đường đưa họ đến một hạnh phúc vững bền nơi quê hương của Thiên Chúa, một thiên quốc vĩnh cửu, bất diệt mà mỗi người sinh ra đều mang tận sâu trong lòng mình một niềm khát khao.
Bức tranh rất sống động cho người xem cảm nhận được bầu khí thiêng liêng, đầy cảm xúc của những người đã bỏ dở công việc của mình và không ngần ngại lên núi để được nghe Chúa Giêsu rao giảng. Mỗi người đến với Chúa với một nỗi lòng khác nhau. Chắc hẳn họ đã nghe nói đến những gì Chúa đã rao truyền, đã làm để chữa lành những bệnh nhân, nên họ tìm theo Ngài với một niềm tin và hy vọng.
Những Lời giảng dạy của Ngài như đang đi sâu vào tâm hồn của từng người. Với những tư thế khác nhau, họ như đang nghe với cả trí óc lẫn con tim của mình. Một người ngồi cạnh bên chân trái của Chúa Giêsu với chiếc khăn màu đỏ trên đầu, nhìn xuống đất như đang khắc ghi lời của Người dạy vào trong tâm khảm của mình.
Còn người ngồi trước mặt Chúa Giêsu với đầu quấn khăn vàng thì đang chắp đôi tay, ngước mắt nhìn Chúa Giêsu một cách trìu mến và thành kính. Bên phía trái của anh, một người phụ nữ với khăn trắng trên đầu đang để tay trên trán của mình, chị cúi mặt nhìn xuống đất như đang gẫm suy từng Lời mà Chúa vừa phán ra và Lời Chúa đang giúp chị suy xét chính đời sống và tâm hồn mình. Bên phải của chị là một giỏ mây với những đồ vật và những bầu nước như diễn tả rằng, chị đã bỏ công việc của mình đang làm và cùng với người con nhỏ cùng đám đông để chọn điều quan trọng là theo Chúa lên núi và nghe Ngài giảng.
Bên trái của người phụ nữ này có những người đàn ông với những lứa tuổi khác nhau, người thì chắp tay cung kính, người thì khoanh tay, mỗi người một nét mặt, một ánh mắt biểu lộ tâm tư của mình trước thầy Giêsu thông biết mọi sự và có thẩm quyền trên tất cả mọi lề luật:
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (Mt 5,27-28).
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5,44).
Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã đảo lộn cách suy nghĩ và những thói quen của dân chúng, nhưng vén mở cho họ khung cảnh sống của một xã hội khoan dung, yêu thương, tha thứ với những nhân đức mà Thiên Chúa hằng mong ước.
Và rồi trong bầu khí thánh thiêng này, Người đã cất tiếng dạy họ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” (Mt 6, 9-10).
Người dạy họ sống tha thứ như Cha trên trời tha thứ cho họ, dạy họ để ưu tiên trong đời sống hằng ngày: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”. (Mt 6, 33).
Lời Chúa là nguồn mạch của sự sống đã đưa mỗi người về với chính mình. Nhìn lại bức tranh, chúng ta thấy người đứng bên chân phải của Chúa Giêsu, trong chiếc áo màu vàng nhạt, mắt nhìn xuống đất đang bâng khuâng suy nghĩ, trong khi bên cạnh anh, một người lớn tuổi hơn, đang nhìn Chúa Giêsu một cách bình tâm như đã tìm được chân lý sống cho đời mình. Sau lưng của ông, đám đông đứng phía xa cũng để Lời Chúa đi vào lòng họ.
Trong một không gian êm đềm của núi đồi, những Lời Chúa dạy thật sâu xa, giúp cho mỗi người có một cái nhìn xa hơn là những vui buồn trần gian chóng qua, và những gì họ cần thay đổi trong đời sống hiện tại để đạt được sự sống đời sau.
Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy. (Mt 7, 13-14).
Và điều quan trọng là thực hành Lời Ngài dạy bảo. Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh để minh hoạ cho việc sống thực hành những lời Người rao giảng:
“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá”. (Mt 7, 24).
“Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát”. (Mt 7, 26).
Mỗi người đến với Chúa với những lo âu riêng tư và mong được tháo gỡ những vấn đề của mình. Chúa Giêsu đã hướng cái nhìn của họ về quê hương vĩnh cửu. Ngài đã cho họ một chân lý sống, một chương trình hoàn thiện để thương yêu và nâng đỡ nhau, ngõ hầu đạt được hạnh phúc đời này và đời sau.
Trong bầu khí trang nghiêm đầy ánh sáng từ trời cao, người hoạ sĩ tài ba đã làm nổi bật hình ảnh vĩ đại và uy nghiêm của thầy Giêsu trước các môn đệ và đám đông đang mở lòng ra đón nhận những lời Ngài rao giảng. Sự tương phản giữa màu áo của đám đông là màu đất với màu áo đỏ của Chúa Giêsu và sự tương phản giữa gương mặt bình tâm nhưng đầy thẩm quyền của Chúa Giêsu với những ánh nhìn đầy cảm xúc của đám đông đã làm cho người xem tranh cảm thấu được những khoảnh khắc thiêng liêng khi Lời Chúa đang đi sâu vào lòng của con người.
Suy niệm với bức tranh và bài giảng trên núi, con cảm nhận mình cũng như đám đông đang chú tâm nghe Lời Chúa dạy và hạnh phúc vì được Chúa bồi bổ hành trình tâm linh của mình. Con được nhắc nhở và thấu hiểu thêm về những nhân đức hiền lành, khiêm nhường, công chính theo Thánh ý Chúa chứ không theo suy nghĩ của mình.
Với bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã cho con nhận ra được chương trình tổng quát và dài hạn mà Người đã “thiết kế” cho hạnh phúc của muôn loài. Chương trình này đã có từ ngàn xưa khi Ngài tạo dựng nên vũ trụ và loài người, và vẫn luôn tồn tại đến hôm nay và ngày sau. Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa thật bao la. Ngài không ngừng đến với loài người để yêu thương, để mạc khải chương trình cứu độ và Thánh ý của Ngài. Cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài luôn nhắc cho con rằng cái chết ở đời này không phải là dấu chấm hết nhưng là để đi vào một đời sống mới.
Suy niệm với bức tranh và bài giảng trên núi giúp con nhìn lại hành trình đức tinh của mình. Con thấy rõ hơn con đường dẫn đến sự sống đời đời của mình còn những thiếu sót cần được lấp đầy, những mâu thuẫn cần được xóa đi, những điều thiện hảo đạt được nhờ ơn Chúa giúp cần được củng cố.
Con đường vào cửa hẹp thật không dễ dàng vì phải thay đổi và buông bỏ, nhưng con ý thức mình phải tiếp tục bước đi trên con đường này. Bước đi để không bị thối lui, bước đi trong tình yêu của Chúa để biết khóc với những nỗi đau của người khác và sầu khổ khi con yếu đuối làm mất lòng Chúa. Bước đi đến với Chúa để nhận ra mình còn nghèo về đời sống tâm linh và luôn khao khát Lời Chúa, để cảm nếm hồng phúc học trường Giêsu và vun trồng những nhân đức làm đẹp lòng Chúa.
Sau hơn 2000 năm, Lời Chúa giảng trên núi vẫn là chân lý và sống động.
Nhưng trong thế giới hiện đại ngày nay vẫn còn biết bao nhiêu người nghèo Lời Chúa, còn bao người đang bị cuốn xoáy vào sự hào nhoáng bên ngoài và hụt hẫng khi đối diện với thử thách, với bệnh tật và mất mát, vì họ thiếu Chúa trong đời sống. Hơn bao giờ hết, con thấm thía cảnh “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con cơ hội được học Lời Chúa và cố gắng sống thực hành Lời Người. Xin giúp con luôn kiên trì, bước đi tìm kiếm và gặp gỡ Chúa trong niềm vui được sống trọn vẹn đời này, cùng với tâm tình tạ ơn vì những ơn lành mà Chúa trao ban cho con mỗi ngày. Xin Lời Chúa là sức mạnh giúp con can đảm vượt qua mọi thử thách thế trần để mỗi ngày bước đi theo Chúa xa hơn, trưởng thành hơn, để trở nên muối mặn và ánh sáng cho đời, hầu làm vinh danh Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.