Con đường tự hiến của Chúa Ki-tô

images

Sáng Thứ Tư Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến chung hằng tuần, với sự tham dự của rất đông tín hữu và du khách hành hương về Roma để dự các nghi lễ Tam Nhật Thánh. Trong buổi tiếp Kiến, ĐTC khai triển chủ đề giáo lý: “Con đường tự hiến của Chúa Ki-tô” và ngài mời gọi các tín hữu hãy tận dụng thời gian này để hôn lấy thập giá, để cảm tạ Thiên Chúa và thưa lên với Người rằng: Lạy Chúa, cảm ơn Chúa, Ngài đã hiến mình vì con, vì con! Sau đây là toàn bộ nội dung bài chia sẻ của ĐTC.

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay ở giữa Tuần Thánh, phụng vụ trình bày cho chúng ta đoạn Tin Mừng rất buồn, câu chuyện về sự phản bội của Giu-đa. Ông đã đi đến với Thủ lãnh của Hội Đồng Do thái để mặc cả và nộp thầy mình cho họ. Các ông cho tôi bao nhiêu nếu tôi nộp Người cho các ông? Và từ giây phút ấy, Đức Giê-su có một cái giá. Hành động thảm kịch này ghi dấu cho sự khởi đầu cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, một hành trình đau khổ mà Ngài đã chọn với sự tự do hoàn toàn. Và Ngài đã tuyên bố rõ ràng về mình như sau: “Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10,17-18). Và con đường khiêm hạ và bỏ mình bắt đầu như thế, từ một sự phản bội. Đức Giê-su như một món hàng với “giá 30 đồng bạc…”. Và Đức Giê-su đã theo con đường khiêm hạ và hiến mình cho đến cùng.

Đức Giê-su đạt đến sự khiêm nhường trọn vẹn với “cái chết trên thập giá”. Một cái chết tệ hại nhất, một cái chết dành cho những tên nô lệ và kẻ tử tù. Đức Giê-su đã từng được xem là một vị ngôn sứ, nhưng lại chết như một kẻ tử tù. Nhìn Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn, chúng ta thấy một sự phản chiếu đau khổ của toàn thể nhân loại và tìm thấy một câu trả lời của Thiên Chúa đối với mầu nhiệm sự dữ, sự đau khổ và cái chết. Nhiều lần khi đối diện với nỗi kinh hoàng của sự dữ và đau khổ xảy ra xung quanh, chúng ta tự hỏi: “Tại sao Thiên Chúa cho phép điều đó xảy ra?”. Chúng ta cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy đau khổ và cái chết, đặc biệt là đối với những người vô tội! Chúng ta thấy đau đớn dường bao khi các trẻ em phải chịu đau khổ. Đây là mầu nhiệm của sự dữ. Và Đức Giê-su đã gánh lấy tất cả sự dữ này, tất cả đau khổ nơi thân mình Ngài. Tuần này, điều giúp ích cho chúng ta là chúng ta biết nhìn lên Đấng bị Đóng Đinh, hôn lên những thương tích của Đức Giê-su. Ngài đã gánh lấy tất cả đau khổ của nhân loại, Ngài đã mặc lấy sự khổ đau ấy.

Chúng ta kỳ vọng một vị Thiên Chúa chiến thắng sự bất công, sự dữ, tội lỗi và đau khổ bằng sự vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta biết về một vinh quang trong khiêm hạ, mà dường như là một sự thất bại theo cái nhìn của con người. Và chúng ta có thể nói: Thiên Chúa đã chiến thắng trong sự thất bại. Thực vậy, Vị Thiên Chúa xuất hiện trên thập giá như một kẻ thất bại: đau khổ, bị bội phản, bị xúc phạm và cuối cùng là cái chết. Ngài đã cho phép cơn thịnh nộ của sự dữ trút xuống trên Ngài và Ngài đón nhận nó nơi mình để rồi chiến thắng nó. Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su không phải là một tai nạn; cái chết của Ngài chẳng phải đã được “viết ra”. Thực ra chúng ta không thể giải thích nhiều về nó, đó là một mầu nhiệm khó hiểu, một mầu nhiệm về sự khiêm hạ lớn lao của Thiên Chúa, nhưng chúng ta biết mầu nhiệm này, mầu nhiệm khiêm hạ lạ thường: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã hiến Con một của Ngài cho chúng ta” (Ga 3,16). Trong tuần Thánh này, chúng ta hãy nghĩ nhiều về những đau khổ của Đức Giê-su và hãy tự nói với mình rằng: Ngài làm điều ấy vì tôi, giả như tôi là người duy nhất trên thế gian này, thì Ngài cũng làm điều đó. Và chúng ta hãy hôn Đấng bị treo trên thập giá và nói: “Vì con, cảm ơn Giê-su, vì con”.

Cuộc khổ nạn, cái chết của Đức Giê-su và những nỗi thất vọng của biết bao nhiêu niềm hy vọng của con người là con đường mà thông qua đó Thiên Chúa hoạt động vì ơn cứu độ của chúng ta. Một con đường không tương ứng với những tiêu chuẩn của nhân loại, và dường như trái ngược với tiêu chuẩn của con người. Nhưng từ thương tích của Người, chúng ta sẽ được chữa lành (cfr 1 Pt 2,24).

Khi tất cả dường như sụp đổ, khi không còn có ai bởi vì chúng sẽ “đánh chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26,31), thì chính lúc đó Thiên Chúa sẽ can thiệp với quyền năng phục sinh. Sự phục sinh của Đức Giê-su không phải là một kết thúc có hậu của một câu chuyện cổ tích, không phải là một kết thúc có hậu của một cuốn phim, nhưng là một sự can thiệp của Thiên Chúa Cha, nơi mọi hy vọng của con người bị tan vỡ. Trong khoảnh khắc dường như mọi thứ bị đánh mất, trong khoảnh khắc đau khổ, trong lúc nhiều người cảm thấy cần phải bước xuống khỏi thập giá, thì đó lại là lúc gần với sự phục sinh nhất. Bóng đêm trở nên tăm tối nhất trước khi bắt đầu ánh ban mai, trước khi bắt đầu ánh sáng. Trong khoảnh khắc tăm tối nhất, Thiên Chúa đã can thiệp.

Đức Giê-su, đấng đã chọn bước qua con đường này, mời gọi chúng ta bước theo Ngài trên bước đường khiêm hạ của Ngài. Trong những khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống, khi chúng ta không tìm thấy con đường nào để thoát ra khỏi khó khăn, khi chúng ta bị chìm đắm trong bóng tối dày đặc, đó là khi chúng ta trở nên nhỏ bé và bị tước đoạt hoàn toàn, vào giờ phút ấy, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự mỏng dòn và tội lỗi của chúng ta. Vào giờ phút ấy, chúng ta không phải che giấu sự thất bại của mình, nhưng là mở ra để biết đặt tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa, như Đức Giê-su đã làm. Anh chị em thân mến, tuần Thánh chính là cơ hội tốt để chúng ta cầm lấy thập giá, hôn lên thập giá ấy nhiều lần và thân thưa với Chúa rằng: “Cảm ơn Giê-su, tạ ơn Chúa”.

 

Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *