Cuộc sống của một giám mục ở miền Bắc Việt Nam

Cuộc phỏng vấn này do Marie-Pauline Meyer thực hiện cho chương trình “Nơi Thiên Chúa Khóc” (Where God Weeps), một chương trình phát thanh và truyền hình hằng tuần do Mạng lưới Phát thanh và Truyền Hình Công giáo, kết hợp với Tổ chức Bác ái Công giáo Quốc tế Trợ giúp cho Giáo hội có Nhu cầu, sản xuất.

Rôma, 16-12-2011, Zenit.org – Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt của GP. Bắc Ninh, nói rằng ngài sẽ không mô tả Giáo Hội quê hương như một “Giáo Hội bị bách hại”. Tuy nhiên, ngài tuyên bố một cách đơn giản rằng chắc chắn chính phủ theo dõi mỗi bước đi của ngài.

Việc đánh giá sự việc của vị giám mục 64 tuổi được ghi dấu một cách rõ ràng bằng sự giản dị và đức tin sâu sắc của ngài. Ngài lưu ý rằng cuộc sống giám mục của ngài chỉ đơn giản là một sứ vụ vì Chúa Kitô.

Marie-Pauline Meyer đã có cuộc trò chuyện với Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt về sứ vụ của ngài và đức tin tốt đẹp trong giáo phận của ngài.

Hỏi: Có khó khăn để làm một giám mục Công giáo trong một nhà nước Cộng sản?

Đáp: Không khó khăn bởi vì tôi nghĩ rằng một giám mục là người kế vị các tông đồ mà Chúa Kitô đã sai đi khắp mọi miền của thế giới và các nước cộng sản là một phần của thế giới và thật cần thiết khi có một số môn đệ của Người trong một phần này của thế giới. Việt Nam là một quốc gia cộng sản và đôi khi có khó khăn, nhưng thật cần thiết khi có giám mục hiện diện.

Hỏi: Đức cha có cảm thấy chính phủ luôn theo dõi mình không?

Đáp: Tôi chắc chắn rằng chính phủ theo dõi tất cả mọi việc tôi làm.

Hỏi: Đức cha có cho rằng Giáo hội Công giáo tại Việt Nam là một Giáo hội bị bách hại không?

Đáp: Nhiều năm trước đây thì có nhưng bây giờ thì không. Trước đây, Giáo Hội phải đối mặt với những thời điểm khó khăn. Hầu hết các linh mục và chủng sinh bị bỏ tù, cha đại diện của tôi đã trải qua 9 năm trong tù khi ngài còn là một chủng sinh. Bây giờ chúng tôi được tự do hơn.

Hỏi: Đức cha là một tu sĩ Dòng Tên. Những gì lôi cuốn ngài đến với Dòng Tên?

Đáp: Tôi gia nhập Dòng Tên năm 1967 lúc tôi 19 tuổi. Việc đó diễn ra trong thời chiến tranh Việt Nam. Tôi nghĩ vào thời điểm đó chiến tranh và vũ khí không phải là một giải pháp tốt cho đất nước. Hai hình ảnh nổi bật trong quyết định của tôi để gia nhập dòng Tên đó là Thánh Phanxicô Xaviê và Cha Đắc Lộ, một trong những nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam, cả hai đều là linh mục Dòng Tên. Vì vậy, tôi xin gia nhập Dòng Tên để trở thành một nhà truyền giáo, và vào thời điểm đó, tôi tưởng tượng cuộc sống của tôi sau này là một nhà truyền giáo ở châu Phi, nhưng đến thời điểm này tôi chưa từng đến châu Phi.

Hỏi: Ông bà cố đã nói gì khi ngài nói với họ rằng ngài muốn trở thành một linh mục?

Đáp: Cha tôi mất khi tôi mới 6 tuổi và tôi sống với mẹ tôi, bà cụ rất sùng đạo. Bà luôn nghĩ về tôi như một thiếu niên chỉ ham chơi. Khi tôi quyết định gia nhập Dòng Tên, bà nói với tôi rằng bà không thể từ chối bất cứ điều gì với Thiên Chúa nhưng bà nghĩ tôi không bao giờ có thể trở thành một linh mục.

Hỏi: Việt Nam đang phát triển rất nhanh về kinh tế. Liệu tiến trình vật chất này có ảnh hưởng đến đức tin Công giáo hay bất kỳ tôn giáo khác của giới thanh thiếu niên hay không?

Đáp: Tình hình kinh tế có tiến bộ tại Việt Nam và điều này ảnh hưởng nhiều đến mọi người trong đó có người Công giáo. Ví dụ, tôi sống một cuộc sống giản dị. Tôi thích trồng hoa. Tôi không cần những thứ hiện đại để làm cho cuộc sống thoải mái. Tôi không biết những vùng khác như thế nào, nhưng trong giáo phận của tôi có một truyền thống rất tốt và người Việt Nam thường gắn bó với truyền thống của tổ tiên họ. Nếu cha mẹ và ông bà đạo đức thì không có nguy cơ chúng tôi trở thành người vô thần. Ví dụ, trong Chúa Nhật Lễ Lá, tôi mời các bạn trẻ đến Toà Giám mục. Tôi chỉ mong có khoảng 2.000 bạn trẻ nhưng có tới 5.000 người. Thật không thể tin được!

Hỏi: Làm thế nào mà tất cả họ ở trong nhà của ngài được?

Đáp: Họ đã làm được và chúng tôi cho họ bánh mì và một ít sữa, họ vui vẻ nhận, tất cả chỉ có vậy. Chúng tôi nghèo và họ chấp nhận mọi thứ.

Hỏi: Nhưng là một giám mục, ngài phải có nhu cầu vật chất chứ?

Đáp: Là một giám mục, tôi đã có những thứ này – máy tính, xe hơi – nhưng khi tôi là một linh mục, tôi di chuyển bằng xe đạp. Hơn nữa, trước khi tôi được đề cử làm giám mục, tại Hà Nội, tôi đã đạp xe trên chặng đường dài 15km để đến cử hành Thánh lễ. Tôi hài lòng với một chiếc xe đạp như thế. Bây giờ tôi không thể đi xe đạp được nữa.

Hỏi: Giáo phận Bắc Ninh của ngài ở miền bắc Việt Nam. Đức cha có thể mô tả cho chúng tôi về Giáo phận của ngài?

Đáp: Giáo phận chúng tôi có 125.000 người Công giáo trên hơn 8 triệu dân. Hầu hết họ là nông dân. Chúng tôi nghèo, nghèo hơn tại Hà Nội. Bạn không thể so sánh nó với châu Âu. Chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chúng tôi đã mất hầu hết tài sản và 50% các nhà thờ của chúng tôi đã bị phá huỷ trong chiến tranh.

Hỏi: Đức tin tại đây như thế nào, dù số người Công giáo ít?

Đáp: Người Công giáo trong giáo phận của tôi có một đức tin rất mạnh nhưng họ không được đào tạo tốt về tâm linh và tri thức. Rất khó khăn nhưng tôi nghĩ đức tin của họ rất mạnh mẽ. Họ đi nhà thờ mỗi tuần, đôi khi 2 hoặc 3 lần mỗi tuần tại nhiều vùng, và tôi nghĩ với đức tin như vậy, chúng tôi có một tương lai.

Hỏi: Đức cha đã làm việc với những người phong cùi trong một thời gian dài. Phản ứng ban đầu của ngài như thế nào?

Đáp: Ban đầu tôi sợ họ, nhưng càng hiểu biết về họ, trái tim tôi đã vượt qua nỗi sợ và tôi đã học được cách chăm sóc và yêu thương họ. Ban đầu thật khó khăn để ăn cùng với họ, nhưng sau một thời gian, tôi đã có thể ăn với họ mà không thấy có bất cứ vấn đề gì.

Hỏi: Họ sống bên ngoài thành phố?

Đáp: Họ được tự do và được phép sống ở bất cứ nơi đâu nhưng họ đã quyết định sống với nhau để hỗ trợ lẫn nhau. Thường không có ai thăm viếng họ khi họ sống với gia đình hoặc không được tiếp đón khi họ muốn ra bên ngoài gia đình. Tôi có nhiều bạn bè người bị bệnh phong.

Hỏi: Chúng tôi có thể làm được những gì cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam?

Đáp: Trước hết, chúng tôi cần lời cầu nguyện của quý vị và cần trợ giúp vật chất. Chúng tôi cần kinh phí cho việc đào tạo linh mục, tu sĩ và giáo lý viên. Chúng tôi cũng cần nhà thờ cho các nông dân Công giáo bởi vì nhà thờ rất quan trọng với cuộc sống của nông dân Công giáo, những người đến nhà thờ vài ba lần trong ngày để cầu nguyện. Chúng tôi cần một nhà thờ nhỏ bé và đơn sơ cho những người này. Đó là một dấu hiệu đức tin của họ và cũng rất cần thiết cho việc củng cố đức tin và giáo dục đức tin cho trẻ em.

Hùng Nguyễn

Nguồn:  emty.org

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *