Cuộc chiến đấu thiêng liêng

Lúc ta dâng trào niềm vui là lúc ta phải chiến đấu với cái mong manh của hạnh phúc chóng qua và dễ dàng vụt mất. Niềm vui đến xua tan trong ta tất cả những gánh nặng có thể hằn sâu trong tâm trí, cũng như những lo toan làm cho tâm hồn ta dường như tăm tối. Mỗi khi nó đến, ta chẳng bao giờ muốn nó ra đi, lại càng không muốn nó tồn tại một cách âm thầm. Nó phải được san sẻ, được nhân lên, và được chấp nhận như một thành quả tuyệt vời của ta. Đó chính là lúc ta phải chiến đấu với tư tưởng của chính mình: Đâu là niềm vui đích thực mang lại cho ta hạnh phúc trường tồn? Đâu là niềm vui xuất phát từ tâm hồn ta do chính Đấng Tác Thành nên ta ban tặng? Có thể ta chẳng cần phải chiến đấu với tư tưởng này, vì niềm vui tự nó là cái mang lại cho ta hạnh phúc. Tuy nhiên, nó tồn tại bao lâu sẽ là câu trả lời về tính đích thực của nó và nhất là nguồn cội của nó. Có những niềm vui mà dường như ta ít khi tỏ lộ ra bên ngoài, hay nhiều khi thật khó chia sẻ với người khác, vì nó đến từ trong sâu thẳm tâm hồn ta mà chỉ khi nào ta trò chuyện với Đấng trao ban nó cho ta, ta mới dâng trào cảm xúc và cảm nhận hạnh phúc tuyệt vời. Vậy, tại sao ta phải chiến đấu? Tại sao ta phải chọn lựa niềm vui? Cuộc chiến đấu nào cũng mang đầy những thương tích, mất mát; sự chọn lựa nào cũng không thiếu những thiệt thòi, hy sinh. Cuộc chiến đấu để dành được niềm vui trong Chúa lại càng đòi hỏi ta phải chấp nhận những cắt tỉa đau thương, những từ bỏ quyết liệt để niềm vui của ta không chỉ là những giây phút thoáng qua, nhưng là cả cuộc đời vì có Chúa vui cùng ta. Cuộc chiến đấu này luôn là một sự giằng co của cái được và cái mất, bởi vì giá trị của nó luôn cao quý đến nỗi ta sẵn sàng chấp nhận thua thiệt, mất mát, và những gì thuộc về ta để đổi lấy niềm vui thuộc về Ngài.

Lúc ta dày vò với những nỗi đau là lúc ta phải chiến đấu giành lại phẩm giá làm người mà Thiên Chúa ban tặng cho ta. Nỗi đau có khi làm ta mất hết can đảm để chịu đựng, để tin tưởng, và để hy vọng. Nỗi đau còn gây cho ta sự thù hận và ghen ghét, khiến ta dễ dàng buông xuôi cuộc đời mình theo sự dẫn dắt của ma quỷ. Nỗi đau mang lại cho ta những vết thương mà dường như chẳng thể xóa được, trái lại càng ngày càng in đậm hơn, rồi dần dần biến ta thành một con người khác, một con người mất hết tất cả hình ảnh xinh đẹp của thuở ban đầu Thiên Chúa dựng nên. Chiến đấu với những nỗi đau là cuộc chiến chưa bao giờ dễ dàng, và dường như ta nắm chắc phần thua cuộc trong tay. Ta đòi hỏi người khác phải hiểu và thông cảm với nỗi đau của ta, để ta tự do thể hiện những đòi hỏi của bản thân, nhiều khi thật vô lý. Ta cho rằng nỗi đau của ta do lỗi của người khác, nên ta tự do đáp trả, ngay cả khi chẳng còn chút gì của lòng thương xót. Ta muốn nỗi đau của ta phải được xem là quan trọng, để ta được đón nhận sự quan tâm, chăm sóc cách đặc biệt, hay thậm chí đòi hỏi sự phục vụ như một điều kiện cần có. Dù là đau đớn về tinh thần hay thể xác, nỗi đau luôn đòi ta phải thỏa mãn những gì mà ta bị mất đi vì nó, và cả những cái ta chưa bao giờ có trong cuộc đời mình. Vì thế, chiến đấu để giành lại phẩm giá của người con Chúa phải được thực hiện mỗi ngày. Những giờ phút đón nhận nỗi đau với lòng tin tưởng tuyệt đối là những chuỗi ngọc tô điểm cuộc đời ta. Những giai đoạn sống với nỗi đau trong tâm tình yêu mến là những nấc thang đưa ta đến gần Ngài. Những khoảnh khắc kết hiệp nỗi đau của ta với Chúa là những chiến công làm nên cuộc đời ta trong Ngài.

Lúc ta hạnh phúc vì ở bên Chúa là lúc ta phải chiến đấu với những vướng bận xung quanh để chúng không làm cản trở sự liên kết của ta với Ngài. Ngài ở đó với ta mà tâm trí ta chẳng hướng về Ngài; Ngài hiện diện trong tâm hồn ta mà trái tim ta chẳng dành cho Ngài; Ngài trao ban tất cả cho ta mà ta chẳng có chút gì thuộc về Ngài. Tâm trí ta bận rộn với những tính toán hơn thua và chỉ muốn Ngài xuôi theo những hơn thua đó; tâm hồn ta xáo động vì mãi chạy theo những hấp dẫn bên ngoài và gạt Ngài ra khỏi trái tim của ta; cuộc đời ta chẳng còn thiết tha với hạnh phúc bên Ngài vì biết bao cái hào nhoáng bên ngoài lôi cuốn ta. Chiến đấu để giành lại những phút giây bên Chúa đòi hỏi nơi ta sự kiên trì, nhẫn nại, và bền đỗ. Cuộc chiến đấu này chẳng phải là một sự hy sinh, nhưng là một ước muốn. Nghĩa là, ta có thực sự ước muốn được ở bên Chúa không? Ta có sẵn sàng để thực hiện ước muốn này không? Khi ta “muốn” thì ta đã can đảm xung trận, và khi ta “sẵn sàng thực hiện” thì ta đã chiến thắng vẻ vang.

Lúc ta tăm tối vì không thấy sự hiện diện của Ngài là lúc ta phải chiến đấu với những giằng co của thiện và ác. Cái thiện thật nhỏ bé, dường như mất hút trong cái ác khổng lồ nơi con người ta. Đôi khi, cái thiện ngủ vùi trong ta và để cho cái ác tự do hoành hành; và cũng có khi cái thiện cố gắng ngoi lên nhưng bị cái ác vùi dập xuống. Làm sao ta trách được chính mình vì cái ác dường như được mặc nhiên xảy ra, hay được cho là trào lưu xã hội, hoặc vì nó là cái không làm cho ta khác biệt với người khác. Thế nhưng, dù cái thiện nhỏ nhoi nhưng lại là cái mạnh mẽ, cái chân thật, và là cái luôn luôn chiến thắng cái ác. Cái thiện chỉ có thể là chính nó khi ta sẵn sàng để nó trỗi dậy trong ta và ta sẵn sàng đi cùng với nó. Cuộc chiến này là cuộc chiến không cân sức, nhưng lại là một cuộc chiến đầy ý nghĩa của cuộc đời ta. Chính cuộc chiến này sẽ nâng ta lên tầm cao của phẩm giá con người và chiến thắng của nó bao giờ cũng đem lại cho ta hạnh phúc vĩnh cửu, chính là được diện kiến dung nhan Ngài.

Therese Tran

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *