Đàn ông …

Nếu phải đem vào thơ văn, người ta thường lấy hình ảnh người phụ nữ, bởi ai cũng phải công nhận rằng người phụ nữ khơi gợi lên sự nhẹ nhàng, dịu dàng vốn phù hợp với nét lãng mạn của văn chương hơn. Đàn ông, vừa nhắc đến đã thấy có cái gì đó thô kệch, cứng nhắc, khô khan. Đàn ông là biểu tượng của sức mạnh, của sự cường tráng, và quyết đoán. Do sở hữu những điều này, họ lâu nay vẫn được xem là vô tình, không cảm xúc. Chẳng có gì thú vị để nói về họ, chẳng có gì trong thế giới của họ hấp dẫn người ta. Bởi thế, chẳng ai hăm hở khám phá nó làm gì. Đàn ông vẫn cứ tồn tại trong mầu nhiệm của chính mình. Có những câu chuyện của riêng họ, có những tâm tư mà chỉ họ hiểu được, có những nỗi lòng mà ngoài họ ra, chẳng ai có thể thấu tỏ.

Có người nói rằng đàn ông không bao giờ có cảm xúc, họ chỉ hành xử theo lý trí, ít quan tâm đến chữ tình. Ừ, có thể có những đàn ông “có vẻ” như thế. Nhưng thử hỏi ai sống trên đời mà không có những rung động trong lòng. Người ta không thấy cảm xúc của đàn ông là vì đàn ông không thể hiện nó ra bên ngoài, chứ không phải do đàn ông không có. Phụ nữ cứ buồn là khóc, vui thì cười, có tâm tư thì tự nhiên giãi bày cho người khác. Đàn ông thì không như vậy. Dù buồn hay vui, họ vẫn phải giữ cho mình một phong thái đĩnh đạt, kiên cường. Nước mắt của họ là loại nước mắt chảy ngược vào trong. Cảm xúc của họ là loại cảm xúc giấu kín nơi cõi lòng. Chẳng phải là giả vờ, cũng không phải giả dối. Nhưng họ không muốn tỏ ra quá yếu đuối, vì họ không muốn ai bận tâm đến họ, lo lắng cho họ. Họ được dựng nên là đấng nam nhi, đầu đội trời, chân đạp đất, là trụ cột, điểm tựa vững chắc cho người khác. Nước mắt tuôn ra ngoài nơi một thân thể cường tráng sẽ làm mất đi hình ảnh và sứ mạng mà Trời phú cho đàn ông.

Bởi thế, đàn ông thường không khóc, nhưng nếu lúc nào đó họ rơi lệ, hẳn là phải có một nỗi niềm nào đó dâng trào trong tim, khiến họ không thể làm chủ được chính mình. Có người đã từng nói rằng phụ nữ sẽ nhớ người đàn ông làm họ cười, còn đàn ông sẽ chẳng bao giờ quên người phụ nữ làm cho họ khóc. Phải là cái gì đó rất xót, rất đau, rất đậm mới có thể làm cho đàn ông nhỏ lệ được. Từng giọt nước mắt tuôn ra từ khoé mi của họ mang một nỗi niềm mà họ sẽ chẳng thể nào nguôi ngoai. Họ khóc như để chữa lành lòng mình, để tuôn ra ngoài hết tất cả những nhức nhối chôn giấu bấy lâu nay. Khi đó, họ như trút bỏ hết mọi sự để trở về với chính bản chất yếu đuối của con người, với thân phận mỏng giòn và yếu đuối của loài thọ sinh. Phải, cũng như bao loài khác, đàn ông cũng có nước mắt, cũng yếu đuối và họ cũng cần được quan tâm, được yêu mến. Đừng thấy họ khô khan mà nghĩ họ không có cảm xúc; đừng thấy họ không nói ra mà nghĩ họ không cần.

Là đàn ông, họ mang trên mình một trách nhiệm. Trên đời này, chẳng có gánh nào nặng hơn gánh đó, bởi nó không chỉ cần lực của đôi vai mà là cả con người, trọn vẹn cả thể xác lẫn linh hồn, cả bên ngoài lẫn bên trong. Để hoàn thành trách nhiệm này, họ buộc phải hy sinh nhiều thứ: sở thích, sức khoẻ, tuổi thanh xuân, đam mê… Hãy nghĩ đến trách nhiệm của một người cha trong gia đình, người chồng đối với vợ. Trách nhiệm này đâu phải một ngày hai ngày là có thể bỏ xuống. Đến khi nào còn hơi thở, họ vẫn cứ canh cánh trong lòng về bổn phận và nghĩa vụ mình phải làm đối với những người mình yêu thương nhất, với xã hội, với đất nước. Họ phải nỗ lực hết mình để “xây nhà”, ngỏ hầu người phụ nữ có thể xây “tổ ấm”.

Bởi vậy, ngay khi vừa khôn lớn, người đàn ông đã phải nghĩ đến trách nhiệm mà mình sẽ gánh về sau. Không có gì trong tay thì đừng mơ đến một tình yêu đẹp, một gia đình vững chắc. Khi chưa thể tạo lập cho mình một sự nghiệp vững vàng, họ vẫn còn phải vắt tay lên trán suy nghĩ, thao thức thở dài để tìm cho ra một lối đi. Chẳng cần ai chê trách, người đàn ông cũng tự thấy hỗ thẹn cho bản thân, như thể mình đang mang một “nỗi nhục nhã” to lớn. Họ có chết cũng không thể để người bạn đời phải khổ một ngày, cho những đứa con phải đói một bữa. Đây là luật bất thành văn đã được Tạo Hoá thiết định mà chẳng ai chối cãi. Người nào không làm được, người đó sẽ có lỗi với lương tâm, với trời đất. Người đó không phải là “đàn ông”! Nỗi lòng này của họ, liệu có mấy người hiểu được, cảm thông được và chia sẻ được?

Cùng với phụ nữ, đàn ông nhận lãnh sứ mạng trông coi, xây dựng và phát triển vũ trụ này. Mỗi bên đều có những đặt nét riêng và bổ túc cho nhau, làm nên sự hoàn hảo của công trình tạo hoá. Điều cần thiết là cả hai phải hiểu nhau, biết điểm mạnh điểm yếu của nhau để hỗ trợ nhau. Nếu phụ nữ là biểu tượng của nét đẹp thì với đàn ông, đó là sức mạnh. Một ngày trôi qua có ánh dương hừng hực hùng dũng thì cũng có ánh trăng dịu ngọt thanh tao mềm mại. Vũ trụ có âm có dương, có trời có đất, có nam có nữ. Hoà hợp với nhau làm nên sự toàn bích. Nếu phụ nữ cần đàn ông thấu hiểu, thì đàn ông, tuy không nói ra, cũng có cùng một nhu cầu và khao khát như thế.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ  

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *