Dâng hiến Sáng tạo (3)

LỜI GIỚI THIỆU

III. TÂM LÝ NĂNG ĐỘNG

 Vào những năm 1930, lý thuyết và khái niệm của những tác giả Jung, Adickes, Kretschmer, Spranger… và Hippocrates dần dà rơi vào quên lãng. Thay vào đó là các ngành tâm lý năng động (dynamic psychology) và tâm lý tác hành (behavioral psychology). Theo xu hướng mới, người ta giải thích nguồn gốc của mọi hành động hoặc đến từ một nguyên nhân vô thức, hoặc do kinh nghiệm, hoặc do cả hai.

 Quan niệm tổng hợp

 Tâm lý năng động không phải là một lý thuyết đồng nhất cho bằng một xu hướng hay một lối “tiếp cận” mới trong lãnh vực nghiên cứu tâm lý. Cũng không phải là một trường phái rõ rệt với người chủ xướng và phương pháp được hoạch định cách chính xác, nhưng là một quan niệm tổng hợp từ nhiều trường phái và chủ trương khác nhau, khả dĩ cống hiến một cái nhìn đầy đủ về con người và tính cách năng động của những tương giao mà người ấy thiết lập với kẻ khác (tương quan nhân loại).

Nhưng trước tiên cần giải thích: Thế nào là “năng động”?

Thoạt tiên, chính thuật ngữ “năng động” theo nghĩa phổ thông, cho chúng ta thấy xu hướng mới trong tâm lý là nhấn mạnh đến tính cách lưu động, và chuyển đổi hơn là tĩnh tại và cố định trong việc cứu xét nhân cách.

Khi được áp dụng vào địa hạt tâm lý, “năng động” mang một ý nghĩa đặc biệt liên quan đến những hệ thống tập trung chú ý trên một vài yếu tố nổi bật, như:

1) -“nguyên động” (motivation) hay “động lực”. V.d.: R.S. Woodworth (1869-1962), mặc dầu theo trường phái “chức năng” nhưng luôn bảo vệ lập trường “năng động” cho tâm lý của mình, vì chủ trương phải tìm hiểu các nguyên động (sinh lý, nội tiết và tâm lý);

2) -các tiến trình vô thức (về phương diện này, Freud và Jung được coi như những người đề xướng cách tiếp cận năng động trong tâm lý) và

3) -những lãnh vực phức tạp của các trường lực tâm lý (fields of psychological forces), như trong lý thuyết của Lewin.

Tâm lý năng động còn là một hệ thống trong đó nhiều yếu tố được đan xen với nhau đến độ những thay đổi trong một điạ hạt tức khắc có ảnh hưởng trên phần còn lại của hệ thống.

Một cách chi tiết hơn, ta có thể giải thích ý niệm “năng động” theo tác giả Arthur S. Reber, Dictionary of Psychology, Penguin Books, 1985 như:

1/ một “nhãn hiệu” mà người ta sử dụng rộng rãi cho:

a/ mọi hệ thống và lý thuyết tâm lý vốn nhấn mạnh đến tiến trình thay đổi và phát triển.

b/ những hệ thống và lý thuyết coi nguyên động và động lực như những khái niệm trung tâm. Vắn tắt, đó là những lý thuyết tâm lý liên quan đến bất cứ điều gì là năng động.

2/ trong một vài trường hợp, từ này cũng đồng nghĩa với phân tâm học.

Tóm lại ta có thể hiểu tâm lý năng động về nhân cách như những lý thuyết có xu hướng cứu xét nhân cách như một tiến trình, tập trung cái nhìn trên các tác động hỗ tương giữa một cá thể và môi trường sống, những tiền sử trong tác phong và ý nghĩa chức năng của những đặc tính trong một nhân cách riêng biệt.

Trong viễn tượng Kitô giáo

Tâm lý năng động cứu xét con người như được thúc đẩy, bên trong và bên ngoài bởi một “hệ thống các sức lực” hay “động lực” (motivations) vốn ảnh hưởng trên tác phong và quyết định các thái độ của họ trước những con người và sự vật. Nhưng chữ “động lực” ở đây không chỉ được hiểu theo nghĩa các xung năng tất định bất biến, như Freud và một số nhà “phong cách thuyết” chủ trương, mà còn phải hiểu như khát vọng, và giá trị được chọn lựa cách ý thức, vốn cho phép con người được tự do giữa các tất định sinh lý và xã hội.

Ta có thể định nghĩa tâm lý năng động với Cha G. Cruchon như: một cách quan niệm về diễn trình của những động lực đang hoạt động trong một nhân cách, những động lực đến từ bên trong nhân cách và từ môi trường sự vật và con người bao quanh nhân cách. Phân tích các động lực này để có thể điều khiển chúng cách tốt đẹp hơn. Đó là một thách đố lớn lao, một công việc quan trọng có tầm cỡ, cho những ai muốn nghiên cứu các môn khoa học nhân văn để áp dụng vào đời sống.

Cha Cruchon, vị giáo sư môn Tâm lý giáo dục của chúng tôi vào những năm 60-70 tại Đại học Gregoriana (Roma), thực sự là một con người có cái nhìn rất thức thời. Cha đã muốn trình bày môn tâm lý mới mẻ này trong một viễn tượng Kitô. Cha được coi như người đi tiên phong trong lãnh vực tâm lý năng động, theo nghĩa không chỉ giới thiệu môn tâm lý tương đối mới mẻ này cho các độc giả, mà còn đề nghị một hướng đi mới, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, cho môn tâm lý nhân cách. Nguyên sự kiện hai quyển sách của Cha[1], được tái bản nhiều lần, chứng tỏ Cha đã đáp ứng được một sự chờ đợi lớn lao trong môi trường giáo dục công giáo.

Tâm lý năng động giúp hiểu biết con người

Những phân tích về các loại năng động trong con người giúp mỗi người hiểu biết chính mình và kẻ khác nhiều hơn, để sống tốt hơn trong thế giới loài người, nhất là trong viễn tượng Kitô.

Nếu một thứ tâm lý năng động nào đó đã muốn giải phóng con người khỏi mặc cảm tội lỗi và tôn giáo, thì một hình thức tâm lý được hoà giải với luân lý và tôn giáo có thể thích hợp hơn, trong lãnh vực giáo dục và tương quan nhân loại, để phát huy một thế giới tốt đẹp hơn, nơi đó các bản năng, cảm tính và khát vọng được cứu xét cách lành mạnh dưới quan điểm của tinh thần. Theo Cha Cruchon, một sự giải thích các sức lực, nguyên động và khát vọng của Nhân cách, vốn không chỉ giới hạn vào mức độ các xung động sinh vật hay bản năng, cũng không ở mức độ áp lực và thúc bách của gia đình, xã hội hay văn hoá, nhưng còn được nới rộng đến mức độ tinh thần và cả ở cấp độ đời sống thiêng liêng, khả dĩ dẫn đưa con người đến việc thiết lập những tương quan mới với Thiên Chúa và với tha nhân, thì đó mới là môn tâm lý lành mạnh và hữu ích cho đời sống con người.

Tóm lại, “tâm lý năng động là một nhánh của tâm lý hiện đại nhằm kết hợp những quan điểm cổ truyền với khám phá của “vô thức”. Nó nghiên cứu việc thành hình, cùng với những cấu trúc và động năng của nhân cách. Tâm lý năng động khẳng định sự duy nhất bất khả phân chia của con người, mọi hành động và cách diễn tả của chủ thể đều là hậu quả và cách phô diễn của nhân cách”.[2]

Để thấy rõ những nét độc đáo của xu hướng mới này, chúng ta sẽ đối chiếu mục đích và đối tượng nghiên cứu của nó với viễn tượng và nội dung nghiên cứu của khoa tâm lý cổ điển. Sau đó, chúng ta sẽ trình bày những nét chính yếu và riêng biệt của tâm lý năng động.

 Đối chiếu giữa Tâm lý cổ điển và Tâm lý năng động

Tâm lý học cổ điển, một bộ môn của triết học, có tính cách thuần lý, nhằm nghiên cứu các “cơ năng linh hồn”, để rút ra những kết luận về bản chất và mục đích của linh hồn. Tâm lý học cổ điển, thuộc loại thực nghiệm hay mô tả, nghiên cứu các “chức năng” hay những sinh hoạt tổng thể hoặc “cao đẳng” của con người hay con thú. Và những hoạt động hay tác phong xuất phát từ những chức năng này. Chung quy, tâm lý cổ điển tập trung chú ý của mình trên chủ thể cách biệt lập, ở trong trạng thái tĩnh và hoàn toàn tách rời khỏi môi trường.

Tâm lý năng động là tâm lý về “con người“. Nó cứu xét con người như một toàn thể (xác-hồn), vốn được bao hàm trong khái niệm “nhân cách“. Các chức năng khác nhau của toàn thể này được liên kết chặt chẽ với nhau và phản ứng cách toàn diện trước các hoàn cảnh cụ thể, bằng một tác phong thích ứng hoặc không thích ứng, bất túc hay hoàn chỉnh, dựa trên các “nguyên động” nội tại và các động lực ngoại tại mà tác phong chịu ảnh hưởng. Đặc tính của tâm lý năng động, theo như tên gọi của nó là nó luôn chú ý đến khía cạnh động trong việc cứu xét chủ thể nhân linh và nhất là mối tương quan giữa chủ thể và môi trường.

B. Tâm lý cổ điển nhấn mạnh đến vai trò của trí tuệ, và ý chí trên các cơ năng thấp hơn như: tình cảm, bản năng, v.v…

Tâm lý năng động hướng về việc nghiên cứu cách thức mà các cảm xúc tạo ảnh hưởng hay gây ngăn trở và nhiều khi còn làm tê liệt các hoạt động của các cơ năng cao hơn của con người, như: trí tuệ và ý chí, khiến các cơ năng này không còn có thể hoạt động cách hữu hiệu.

C. Tâm lý cổ điển lưu ý đến ảnh hưởng của ấu thời trên tính tình, cũng như trên các ưu điểm và khuyết điểm của người trưởng thành. Nhưng không cho thấy ảnh hưởng như thế nào và tại sao.

Tâm lý năng động nhấn mạnh đến vai trò của vô thức trong việc thành hình nhân cách. Đây là lãnh vực mênh mông, to lớn chứa đầy những chức năng bị dồn nén cuả cái “đó” (Id), các xung động và khát vọng nguyên thuỷ, các ký ức, hình ảnh, ước muốn và năng lực bị vùi lấp nhưng vẫn tích cực hoạt động, mặc dầu cách mặc nhiên, nghĩa là: không được nhận biết. Chúng được lưu trử tích chứa trong nhiều năm trước khi đứa trẻ biết sử dụng lý trí, nghĩa là khi nó chỉ hoàn toàn sống với các cảm xúc của mình. Tâm lý năng động tìm cách xác định cấp độ ảnh hưởng của vô thức trên các nguyên động và tác phong nhân loại.

Những lý thuyết có ảnh hưởng trên Tâm lý năng động.

Khi đối chiếu với Tâm lý cổ điển, chúng ta nhận thấy rằng: Tâm lý năng động không loại bỏ nhưng tìm cách bổ sung những lý thuyết đã có trước. Trong viễn tượng muốn tiến đến một cái nhìn toàn diện, thay vì là phiến diện, cứu xét thực tại con người dưới khía cạnh động thay vì tĩnh, và nhất là muốn nghiên cứu nhân cách, một cách có hệ thống và mạch lạc, dưới ba khía cạnh chính yếu: 1/ việc thành hình của nhân cách; 2/ cấu trúc nhân cách; 3/ các động lực ảnh hưởng trên nhân cách, nên Tâm lý năng động không loại trừ bất cứ lý thuyết nào khả dĩ giúp nó đạt mục đích nêu trên. Chính vì thế, mà người ta có thể nói đến những nguồn gốc khác nhau trong Tâm lý năng động.

Phái “Tổng thể” và “Toàn diện”.

Stern (1871-1938), sáng lập viên của trường phái: Tâm lý về cái “Toàn thể” (Ganzheit), cũng là người đầu tiên, đưa ra lý thuyết “toàn thể” về nhân cách. Nếu cần phải phân biệt các cơ năng và khả năng khác nhau, thì cũng phải luôn cứu xét chúng trong tương quan với toàn thể nhân cách. Từ năm 1923, Stern tóm lược lý thuyết của ông về nhân cách trong một định nghĩa vắn gọn: một đơn vị năng động và đa dạng. Cũng trong chiều hướng này, chủ trương: “Hình thể toàn diện” của nhóm Gestalt (M. Wertheimer, W. Kohler), theo đó một hiện tượng “toàn thể” (molar phenomenon) không thể hiểu được nếu bị xé lẻ thành những mảnh vụn (molecular), hay bị tách rời khỏi cái toàn thể, có ảnh hưởng lớn trong việc cứu xét nhân cách như một toàn thể duy nhất, được phối hợp và có tổ chức. Kurt Goldstein (1878-1965), chuyên gia tâm lý về não bộ, sau khi nghiên cứu về hoạt động của não bộ cách riêng và của cơ thể cách chung, đã áp dụng các nguyên tắc “Toàn thể” vào việc tìm hiểu nhân cách. Ông đưa ra hai kết luận quan trọng: 1/ một trong những nguyên động cơ bản nhất của con người là hướng về sự duy nhất và toàn vẹn của hữu thể; 2/ xu hướng tìm kiếm sự hoàn thiện được thực hiện qua tương quan hài hòa với môi trường chung quanh.

Các nhà tâm lý theo chủ trương nhân bản và phân tích hiện tượng luận, như: G. Allport, C. Rogers, với lý thuyết nhân cách toàn diện và năng động, đã giải thích động lực hướng về duy nhất tính và sự hoàn thiện trong nhân cách, bằng khái niệm chuyên biệt: “thể hiện chính mình”(self-actualization), rất phổ biến trong tâm lý hiện đại. Với xu hướng thể hiện chính mình, nhân cách không chỉ luôn hướng về duy nhất tính mà còn tìm cách bảo vệ sự cân bằng với môi trường chung quanh. Và điều này được thêm sáng tỏ nhờ công việc nghiên cứu của K. Lewin, (Dynamic Theory of Personality, 1935).

Trong lãnh vực tâm lý, Lewin đã làm một cuộc cách mạng theo kiểu Galilêô, khi khẳng định: chủ thể không còn là trung tâm của tất cả mọi sự, nhưng được định vị trong một trường lực với nhiều áp lực khác nhau luôn ảnh hưởng trên nó. Từ đó, Tâm lý năng động luôn chú ý đến tầm quan trọng của tác động hỗ tương giữa nhân cách và môi trường, giữa chủ thể và khách thể. Khái niệm “điều ứng” (Adjustment) rất quan trọng cho việc quân bình trong đời sống tâm lý, xã hội, chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh này.

Riêng Abraham Maslow (Motivation and Personality (1954), chủ trương một nền tâm lý năng động, nhân bản và toàn diện (holistic); đồng thời trình bày một cơ cấu có đẳng cấp về nguyên động.

Tâm lý chiều sâu.

Mặc dầu Tâm lý năng động không phải là Phân tâm học, nhưng Phân tâm học của Freud có ảnh hưởng rất lớn đối với chiều hướng nghiên cứu của nó. Nói đúng hơn Tâm lý năng động là tâm lý chiều sâu và tâm lý năng động chia sẻ lập trường của Freud về sự hiện hữu của vô thức hay tiềm thức. Cái vô thức này không ở trong tình trạng tĩnh mà luôn biến động. Nó chi phối toàn bộ đời sống con người và nhiều hơn điều người ta tưởng. Bởi thế cần phải biết nó hoạt động như thế nào. Tâm lý năng động giả thiết cách trình bày về cấu trúc nhân cách của Freud là có nền tảng, mặc dầu không thừa nhận tất cả mọi chủ trương của Freud, (như về cái libido chẳng hạn). Theo Freud, mô hình nhân cách được cấu thành bởi ba yếu tố luôn ảnh hưởng trên nhau: 1/ cái Đó (Id); 2/ cái Ngã (Ego); và 3/ cái Siêu Ngã (Super Ego). Riêng sinh hoạt tâm linh của con người thì cũng có ba mức độ: 1/ Vô thức (unconscious); 2/ Tiền ý thức (preconscious); và 3/ Ý thức hay hữu thức (conscious).

Tâm lý năng động cũng chịu ảnh hưởng của những nhà Tâm lý xã hội, như: A. Adler, E. From, H.S. Sullivan và K. Horney. Hoặc tâm lý phát triển nhân cách (qua tám giai đoạn) của E.H. Erikson. Tuy nhiên, người ta không thể quên vai trò của R.S. Woodworth (1869-1962), thuộc đại học Columbia (Hoa kỳ). Mặc dầu thuộc trường phái “chức năng thuyết”, ông đã vượt trên cái nhìn ‘cơ khí’ về sự vật và thấy cần phải nhờ đến khái niệm “nguyên động” để giải thích những phản ứng thích nghi của chủ thể ở các mức độ: sinh lý (đói khát); tác phong (tiến trình học tập); hay tâm lý, xã hội (cách ứng xử). Nguyên động là xung lực thúc đẩy hành động. Những điều này được giải thích trong quyển sách, mang tựa đề: Dynamic Psychology (1918). Ông cũng quan niệm mối tương quan giữa chủ thể và khách thể như một giao dịch năng động. Ý tưởng này được ông trình bày trong tác phẩm: Dynamics of Behavior (1958). Từ đó, khái niệm “nguyên động” trở thành một yếu tố quan trọng trong Tâm lý năng động.

Triết lý hiện sinh

Sau cùng, thiết tưởng không nên bỏ qua ảnh hưởng của Triết lý về các giá trị và một vài khái niệm của Triết lý hiện sinh, như: con người trong hoàn cảnh, sự tự do của tinh thần và các vũ trụ ý nghĩa, mà con người nhận thức trong tương quan với thế giới loài người (Mittwelt) và các sự vật (Umwelt). Tuy nhiên cũng cần phải thêm rằng: điều mà thuyết hiện sinh và hiện tượng luận, mô tả từ kinh nghiệm nội tại sống động, thì tâm lý năng động ưu tiên nghiên cứu, từ việc quan sát ngoại tại. Viktor Frankl, nhà tâm lý trị liệu (trường phái Vienna thứ ba), chủ xướng việc trị liệu bằng ý nghĩa, nhấn mạnh nhiều đến hoàn cảnh hiện sinh, chiều hướng tinh thần và tính cách ưu việt của tự do và trách nhiệm.

Từ những năm 1962, cùng với việc thiết lập Viện Esalen Institue tại California (Hoa Kỳ), nhằm nghiên cứu việc khai triển tiềm năng nhân linh (human potential), phong trào “Tâm lý nhân bản” có xu hướng tìm kiếm những khía cạnh mới trong lãnh vực nghiên cứu tâm lý, như: tình yêu, tự do, sáng tạo tính, kinh nghiệm siêu tâm linh, v.v… Điều này cũng ảnh hưởng trên viễn tượng siêu việt của Tâm lý năng động, tức là: không đóng kín, không giản lược hoặc giới hạn tầm nhìn, nhưng luôn mở rộng cho mọi chiều kích: vật chất, tâm linh cũng như tinh thần.

Những đặc tính của tâm lý năng động.

Sau khi đối chiếu với Tâm lý cổ điển và nhìn qua những “cội nguồn” xa gần của Tâm lý năng động, chúng ta đã có một ý niệm tổng quát về việc hình thành của nó. Trong phần cuối, như một tổng hợp, chúng ta thử tóm lược những nét chính của Tâm lý năng động.

1/ Đặc tính của Tâm lý năng động là một cái nhìn toàn diện, toàn thể (holistic) và thống nhất về con người. Đối tượng của Tâm lý năng động là: nhân cách. Nhân cách là một thực tại vô cùng phức tạp. Nó là kết quả của một sự tương tác liên tục giữa những yếu tố khác nhau, vật chất cũng như tinh thần, nội tại cũng như ngoại tại. Để cứu xét nhân cách như một thực thể sống động và luôn biến chuyển, Tâm lý năng động đặt trọng tâm phân tích trên hai khái niệm: cơ cấu và tiến trình.. Cơ cấu xét đến những yếu tố cấu tạo, hình thành nhân cách. Và để làm điều này, nhà nghiên cứu phân chia nhân cách thành những mảnh nhỏ nhất có thể. Nhưng, các thành tố nhỏ nhất này không bất động, không biệt lập mà được nối kết với nhau. Khi nói đến cơ cấu, người ta ngụ ý rằng: các yếu tố này được sắp xếp thành một hệ thống tương đối cố định. Trong hệ thống có tổ chức và tương đối cố định này, mỗi thành tố đều có một chức năng đặc biệt phải chu toàn. Các hoạt động riêng lẻ của mỗi thành phần hoặc tương tác với các chức năng khác, trong tình trạng luôn thay đổi và biến dịch được gọi chung là: tiến trình. Sự phân chia và biệt loại hóa có nguy cơ làm phá vỡ tính cách duy nhất và đồng bộ của nhân cách, nếu không có một chức năng cao hơn nhằm điều khiển và phối hợp những chuyển động đủ loại này. Đó là vai trò quan trọng của tiến trình hội nhập. Hội nhập được coi như trung tâm điều phối và thống nhất mà nếu không có nó thì cơ cấu của nhân cách sẽ bị tan rã. Tinh thần, tâm linh, thể xác, làm thành một toàn thể duy nhất và sự phối hợp liên tục giữa các tác động và phản ứng đủ loại ở ba mức độ này tạo nên một giai điệu vô cùng phong phú và luôn biến chuyển nơi con người.

Tâm lý năng động cứu xét cơ cấu nhưng ở khía cạnh động, tức là tìm hiểu vai trò và cách họat động của các động năng nội cũng như ngoại tại vốn luôn thúc đẩy nhân cách. Có những động lực đẩy về phía trước nhưng cũng có những động lực kéo về phía sau. Tình trạng này tạo nên căng thẳng và xung đột. Có khi là xung đột giữa các động lực nội tại trong chính nhân cách. Thường khi, lại là xung đột giữa nhân cách với môi trường. Để tạo nên tình trạng tăng trưởng hài hòa, hội nhập, trong chính nhân cách cũng như trong tương quan với môi trường, nhân cách được hướng dẫn bởi tiến trình điều chỉnh, thích nghi (adjustment).

2/ Trong các động năng chi phối nhân cách, cần phải chú ý nhiều hơn đến những tiến trình hay động năng vô thức (unconscious processes). Vô thức là một khám phá quan trọng của Freud vốn ảnh hưởng nhiều trên lý thuyết về nhân cách của Tâm lý năng động. Tâm lý cổ điển đã đưa ra ánh sáng những hoạt động của ý thức, như: nhận thức, hồi tưởng, suy tư, v.v… Tâm lý năng động chú trọng nhiều đến các động năng vô thức, xuất phát từ các thúc bách sinh vật (Biological Drives), các cảm xúc (Emotions), các áp lực xã hội (Social Motives), v.v… Theo định nghĩa, các động năng vô thức không được khám phá và nhận diện. Bởi thế chúng có thể gây tác hại cho sự quân bình và triển nở nhân cách. Vì lẽ đó, Tâm lý năng động luôn truy tầm những nguyên động (Motivations) để tìm hiểu và giải thích tác phong hay cách ứng xử của con người. Nguyên động là những nguyên do nội tại hay ngoại tại thúc đẩy con người có một “thái độ” trước người khác hay sự vật gì. Nguyên động bao hàm một định hướng (mục đích và hướng đi) và một cường độ (mạnh/ yếu, nhiều/ ít). Chính vì để tìm hiểu các nguyên động sâu xa này, mà Tâm lý năng động cứu xét hoạt động của vô thức và tiềm thức. Nó không nhắm định nghĩa nhân cách là gì nhưng muốn tìm hiểu: tại sao và bằng cách nào nhân cách có những tác phong và phản ứng trước những hoàn cảnh cụ thể. Khi cứu xét nhân cách mà không có việc thẩm định các nguyên động tiềm ẩn thì chưa được coi là một cái nhìn đầy đủ.

3/ Cuối cùng, Tâm lý năng động trong viễn tượng Kitô, nhắm đến khía cạnh tích cực trong việc phát huy nhân cách. Những khái niệm, như: tăng trưởng, thành tựu, thể hiện chính mình, được nhấn mạnh hơn là những tình trạng tiêu cực, như: ám ảnh, bối rối, mặc cảm, v.v… Để góp phần vào việc đào luyện một nhân cách trưởng thành, khoa tâm lý năng động giả thiết rằng: nhân cách luôn ở trên con đường thể hiện chính mình qua các giai đọan phát triển. Nếu Tâm lý năng động cứu xét nhân cách như một thực thể luôn ở trong tình trạng động, thì hiện nay, môn Tâm lý phát triển đặc biệt nghiên cứu chính tiến trình biến đổi này của một đời người: từ lúc nằm nôi cho đến khi xuống mồ, vốn trải qua rất nhiều giai đoạn. Biến đổi về phẩm cũng như lượng, trong cơ cấu cũng như trong chức năng. Mặc dầu trong thực tế, tâm lý phát triển hầu như được đồng hóa với tâm lý của ấu thời, nhưng giai đoạn ấu thơ này cũng có thể được xem như mô hình của mọi sự biến đổi chuyển tiếp. Nghĩa là: tiến trình biến đổi có nguồn gốc sinh vật, nhưng cũng có thể là kết quả của việc tập luyện. Khi nhấn mạnh đến các yếu tố phát triển (developmental factors), Tâm lý năng động giả định: trên con đường tiến tới trưởng thành, nhân cách biến chuyển cách tiệm tiến cùng với thời gian. Và điều này còn tùy thuộc vào cách thức mà những yếu tố phát triển có được hội nhập cách hài hòa và tích cực vào toàn bộ nhân cách hay không.

[1] Xem: G. Cruchon, Initiation à la psychologie dynamique, t.1. La personne et son entourage, Mame, 1963 (1965, 6è édition revue), 400 p.; t.2. Conflits, angoisses et certitudes, Mame, 1969, 434 p.

[2] Luigi Silvano Filippi, Maturità umana e celibato: Problemi di psicologia dinamica e clinica, Editrice La Scuola, 1973

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *