Dâng hiến sáng tạo (35)

VI. HƯỚNG DẪN TÂM LINH

Can thiệp rõ ràng và đặc biệt

Khuyên bảo kẻ khác, nói với họ về công việc và sở thích của họ, thì xem ra không có gì tầm thường hơn. Dầu vậy, vấn đề không đơn giản như thế! Ít nhất chúng tôi muốn nói đến trường hợp một tu sĩ muốn khởi công trợ giúp một người đồng bạn nào đó bằng một sự can thiệp rõ ràng, khác với việc trò chuyện đơn giản hay cuộc thảo luận thông thường. Về phương diện này, người ta thường dễ dàng gán cho mình những khả năng mà mình không có. Thành quả tùy thuộc phẩm chất của các cảm tưởng hỗ tương, khi hai người đối diện nhau. Có một thứ năng động tiềm ẩn dưới sự thông hiệp, vốn được cảm thấy hơn là được minh nhiên công nhận.

“Người hướng dẫn” nên dành trọn chú ý cho tâm hồn muốn phó thác cho mình! Một bề trên hay bất cứ tu sĩ nào, phải bận tâm làm một công việc khác cùng một lúc như lo ghi sổ chẳng hạn, thì không thể đạt đến kết quả thật sự. Có thể họ sẽ có cảm tưởng là đã làm xong bổn phận. Nghĩ cho cùng, điều này cũng đúng nếu họ không muốn làm tốt hơn; nhưng khi người ta thực sự chú tâm làm ích cho ai đó thì điều cốt yếu là trước tiên phải hiểu quan điểm của người ấy và kiểm soát coi mình tiếp đón kẻ ấy trong trạng thái tâm hồn nào. Nếu không hoàn toàn tận hiến cho tư tưởng và tâm tình của người được hướng dẫn, thì người ta chỉ tổ làm mất thời giờ của mình.

Không nên vụ hình thức

Người ta có thể thành thật muốn làm ích cho kẻ khác nhưng lại quên đi một vài điều kiện cần thiết để thành công. Điều thứ nhất là cả hai phía đều vào việc một cách chân thành. Người hướng dẫn ngay từ đầu, phải làm cho người đối diện được thoải mái, dầu vấn đề của họ thuộc bất cứ địa hạt nào. Một vài chi tiết nhỏ cũng đóng góp nhiều vào sự thành công. Bầu khí, nơi chốn, có thể làm giảm sút hay gia tăng sự căng thẳng. Hãy tưởng tượng một tu sĩ đang ngồi sau bàn làm việc trong một văn phòng chính thức, tay cầm viết. Kẻ ấy có thể giúp người đến thăm bằng một vài chỉ dẫn cụ thể, tài liệu lịch sử, giờ làm việc, các tựa sách… nhưng không thể giúp nhiều hơn! Tất cả những thứ đó có vẻ quá trịnh trọng, qui ước, để có thể khuyến khích sự thổ lộ tâm tình.

Nếu không có phòng khách hay một nơi thích hợp cho việc gặp gỡ này, thì văn phòng có thể được tổ chức cách nào đó cho dễ nói chuyện. Khi một bề trên hay giám đốc mời một tu sĩ đến gặp mình để khuyến cáo, thì nên cho người kia thấy dễ chịu tức khắc bằng cách đi vào đề cách nhã nhặn, và trực tiếp: “Tôi mời bạn đến đây vì sự vắng mặt của bạn vào các giờ chung. Tôi thiết tưởng chúng ta có thể cứu xét vấn đề cùng với nhau để xem bạn có quá nhiều công việc chăng và có phương thế nào để giải quyết điều đó không?” Đi thẳng vào vấn đề cách đơn giản như vậy tức khắc loại bỏ một số chấm hỏi trong đầu óc của người được mời. Ngay từ đầu, kẻ ấy cảm thấy nhẹ hơn! Mối thiện cảm và lưu tâm mà người ta biểu lộ cho kẻ ấy sẽ kêu gọi sự cộng tác và thiện chí của họ; nhất là nếu người ta khởi sự bằng cách nhắc đến một vài điều làm kẻ ấy hãnh diện.

Sự ưng thuận của người được hướng dẫn

Một cách bắt đầu khác cũng tốt đẹp là kêu gọi đến sự ưng thuận của người được hướng dẫn trước khi đi vào vấn đề. “Bạn có thấy trở ngại gì khi trình bày với tôi những vấn đề này và cho tôi biết từ đâu có những khó khăn này không?” Không nên quên rằng khi nói chuyện với một tu sĩ khác, chúng ta tiếp xúc với một người trưởng thành và không thể buộc người ấy phải nói. (Cả đối với trẻ con cũng thế, và cũng cần phải xử sự như vậy). Tình cảm thuộc về một địa hạt khó đụng chạm hơn tư tưởng và các khó khăn hay xung đột cá nhân đều luôn ứ đọng tình cảm. Trong đời sống tu trì, người ta thường quên sự kiện cốt yếu này; bởi thế người ta mất nhiều thời giờ và cố gắng để đối thoại mà không đưa đến đâu.

Người hướng dẫn phải lượng định xem điều gì là tốt đẹp nhất cho kẻ khác. Lúc đầu trong một lần gặp gỡ mà thời gian được giới hạn hay khi vì một lý do nào khác, xét thấy không cần phải làm xáo trộn đương sự, thì phải kiêng tránh mọi thứ tranh luận mang nhiều màu sắc cảm tính. Ví dụ, vì thiếu thời giờ và câu chuyện lại đang đụng chạm đến những tâm tình áy náy hay buồn phiền sâu xa nơi một tu sĩ mà ta muốn nâng đỡ, người này có thể ra về trước khi tìm lại sự quân bình của mình. Cuộc nói chuyện đưa đến xáo trộn, thay vì làm ích có thể làm hại, hoặc đưa đến suy sụp và căng thẳng trầm trọng.

Khôn ngoan và thiện cảm luôn là những quy luật, cả khi câu chuyện xoay quanh các chủ đề nghiêm trọng. Người hướng dẫn phải cố gắng giúp người đối thoại tránh khỏi những xúc cảm vô ích. Tốt hơn là khởi đầu câu chuyện với những chủ đề vô thưởng vô phạt, những công việc được ưa thích, các biến cố trong ngày, tin tức trong nhà và sau đó, khi đã thiết lập được tương quan, thì bàn đến các chủ đề bao hàm những xung đột cảm xúc. Một vị hướng dẫn nhạy cảm và tế nhị thì đem hết sức mình ra giúp người được hướng dẫn một cách hồn nhiên và đơn sơ. Tốt nhất là có một bầu khí tự do và tự nhiên, chớ không phải là thái độ kẻ cả và trịnh trọng. Sự cưỡng bách sẽ hoàn toàn cắt đứt mối hiệp thông; nài ép là vô ích.

Một phần “thiện cảm” theo đúng nghĩa (feeling with = hiệp thông tâm tình) nào đó rất cần thiết để hướng dẫn kẻ khác, để họ có thể gửi gắm tâm tư cách tự do hơn, nhận ra chính mình và biết rằng mình được chấp nhận như con người thật của mình. Đó là khung cảnh duy nhất để có sự thay đổi bên trong. Nếu việc gặp gỡ không thấm nhuần đức ái Kitô giáo với hiến dâng và chia sẻ, hiện hữu và trao đổi, thì nó không thúc giục ý chí và sẽ không có gì thay đổi từ việc gặp gỡ ấy.

Tương quan

Một tu sĩ quyết tâm thảo luận các vấn đề của mình cách tự do và hữu ích, phải có khả năng tiếp xúc với người hướng dẫn mình trong tin tưởng, tức là phải biết tin tưởng vào người ấy. Tương quan là một sự trao đổi hỗ tương tích cực đầy tín nhiệm làm cho người ta cảm thấy nhẹ nhàng và có thể thảo luận về các khía cạnh chính yếu của vấn đề một cách sâu xa. Tương quan cũng đem cho việc hướng dẫn một ý nghĩa xây dựng và năng động. Luôn có một tương quan năng động giữa người tu sĩ trợ giúp và kẻ được giúp đỡ và hiệu năng cũng như các hậu quả tích cực của tương quan tâm cảm này là những yếu tố quan trọng cho sự thành công của trao đổi liên vị.

Để được sáng sủa hơn, chúng ta cẩn thận xét đến giá trị của chữ “tâm cảm” (emotional) trong mạch văn này. Nhiều tu sĩ hiểu sai ý nghĩa của nó. Từ ngữ “tâm cảm” quy về sự diễn tả chính mình bất cứ dưới hình thức nào và không nhất thiết chỉ một sự trao đổi khả giác hay một sự biểu thị của các phản ứng không được kiểm soát. Nếu không có một sự trao đổi năng động của tâm cảm, thì việc hướng dẫn sẽ không giúp ích gì. Nếu một vị hướng dẫn mà không có khả năng thực hiện tương quan hay ít nhất có thái độ trung lập, thì khó có thể giúp giảm bớt các căng thẳng hay đạt đến một kết quả tích cực. Một bề trên hay linh hướng nào không thể vượt thắng các tình cảm tiêu cực đối với một tu sĩ khác, thì cũng không có khả năng làm ích lợi cho kẻ ấy.

Sự kiện một tu sĩ có thể cảm thấy những tình cảm tiêu cực đối với một vài loại người nào đó mà không thể làm gì để thay đổi, là một điều có thể xảy ra, nhưng người ấy cần phải ý thức và hiểu rằng sự can thiệp của mình trong những trường hợp đó thì vô hiệu quả. Họ nên ý thức về sự gia tăng căng thẳng mà thái độ tiêu cực của mình có thể gợi lên nơi kẻ khác. Họ phải ghi nhận rằng sự thiếu “tương quan” của họ giải thích sự thất bại của họ trong cương vị linh hướng.

Không ai là người hướng dẫn tốt đẹp cho tất cả mọi người; mỗi người chỉ có thể thành công nơi người này nhiều hơn nơi khác. Không ai được quyền quên các giới hạn này. Tuy nhiên, một tu sĩ tốt không nên dựa vào đó để tránh khỏi mất thì giờ và lao nhọc để “hướng dẫn” kẻ khác. Các tu sĩ nào gặp được những bề trên biết thông cảm hay các đồng bạn đầy khôn ngoan để họ có thể bộc lộ tâm tình cách tin tưởng, thì ít khi phát triển những vấn đề nội tâm quan trọng, trừ trường hợp họ đã mắc các chứng bệnh ấy cách sâu đậm hay là đã có những triệu chứng ít nhiều rõ rệt trước khi vào tu.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *