VI. HƯỚNG DẪN TÂM LINH
Thái độ thụ động của hướng dẫn viên
Cả khi cần duy trì một bầu khí thân tình và đơn sơ trong việc đối thoại, những câu chuyện vui có tính cách cá nhân của chínhngười hướng dẫn cũng không đúng chỗ; phải tránh kể lể về chính mình. Các điển hình từ kinh nghiệm bản thân làm tập trung chú ý quá nhiều vào hướng dẫn viên, mà thái độ đúng hơn phải là thụ động chớ không chủ động. Người ấy phải quên mình và mọi chú ý phải hoàn toàn hướng về người được tư vấn. Khi nghe hướng dẫn viên nói về những vấn đề riêng, những hoàn cảnh tương tự mà họ đi qua, người thụ hướng có nguy cơ nhìn thấy nơi đó sự biện minh cho những khó khăn riêng của mình và kết luận rằng họ không cần phải cố gắng lướt thắng những phản ứng tâm cảm của mình. Một loại thí dụ nào đó của vị hướng dẫn chỉ có thể gây ra sự xáo trộn bằng cách gợi lên những tâm tình lệ thuộc. Tốt hơn hết là làm sao cho các lần gặp gỡ linh hướng được khách quan chừng nào có thể, bằng cách giới hạn chủ đề vào việc cứu xét, hiểu biết nhân cách và nhu cầu của người thụ hướng. Người hướng dẫn càng ít lộ diện chừng nào có thể thì việc hướng dẫn càng thêm hữu hiệu.
Những câu hỏi trực tiếp thường làm xáo trộn tương quan tốt đẹp. Một hướng dẫn viên dùng câu hỏi trực tiếp thì điều khiển cuộc đàm thoại và theo sự thường, người kia sẽ phó mặc. Điểm cốt yếu là cho người thụ hướng có dịp định hướng câu chuyện, tự giải thích chính mình và có can đảm nắm lấy vận mạng mình. Các câu hỏi trực tiếp có xu hướng làm giảm bớt sức mạnh của các nguyên động và làm cho sự tự quyết phải yếu đi; chúng cũng có thể tạo nên một bầu khí rất căng thẳng. Người ta có thể đưa ra những suy luận tổng quát về một vài khía cạnh của vấn đề, về tình trạng căng thẳng của người thụ hướng, nhưng không phải để tra khảo và hạch sách kẻ ấy. Các chi tiết do kẻ ấy trình bày phải được sử dụng vì lợi ích của kẻ ấy, để giúp đỡ chớ không bao giờ để lên án họ. Đó là một trong những nguyên tắc thiết yếu nhất. Nhiều khi người hướng dẫn cần phải biết một vài điều có liên can đến bề trên thượng cấp. Tuy nhiên, nếu người ấy lợi dụng cuộc trò chuyện linh hướng để điều tra thì có nguy cơ sẽ mất hết mọi sự tín nhiệm của kẻ khác và không còn tư cách hướng dẫn viên. Điều tra viên và hướng dẫn viên là hai phận sự hoàn toàn khác biệt và phải được dành để cho những lúc khác nhau.
Hướng dẫn lương tâm và bảo vệ kỷ luật
Các nhiệm vụ của một tu sĩ thì có nhiều và khác biệt nhau. Thường một người lại kiêm nhiệm hai chức vụ, giám luật và linh hướng; hai vai trò hoàn toàn khác xa nhau và có đối tượng phân biệt rõ ràng. Ví dụ bổn phận của bề trên cộng đoàn là làm cho kẻ khác phải tôn trọng tập tục, duy trì sự điều hòa và kỷ luật của cộng đoàn ấy. Một tu sĩ với nhiệm vụ giáo sư cũng phải bảo đảm trật tự và kỷ luật trong trường và trong lớp học của mình. Bất cứ tu sĩ nào cũng có nhiệm vụ nhắc nhở một đồng bạn hay một giám thị sửa đổi một vài điều trong phương pháp của mình để đạt những kết quả khả quan hơn. Trong những trường hợp tương tự, người có trách nhiệm can thiệp cũng có thể bị bắt buộc phải quở trách rầy la, từ chối một vài điều xin xỏ hay phép tắc, hoặc cắt giảm một số đặc ân vì những vi phạm kỷ luật; nhưng cả trong những hoàn cảnh này, tốt hơn là nên cư xử ôn hòa.
Tuy nhiên, quở trách, hình phạt hay rút lại các đặc ân tự chúng không giúp phát huy sự tăng trưởng thiêng liêng và trưởng thành tâm lý, nếu không có sự hướng dẫn cá nhân đi theo sau. Những sự sửa dạy và hình phạt có thể làm sửa đổi tác phong bên ngoài nhưng ít ảnh hưởng đến sự thay đổi các thái độ bên trong. Trong một vài trường hợp giao động về xúc cảm, kỷ luật có thể đem đến sự tuân thủ ngoại tại nhưng đồng thời nó lại củng cố sự chống cự bên trong. Nếu những việc sửa trị và hình phạt có mục đích cải thiện một hoàn cảnh và giúp người khác sửa mình, thì chúng phải đi kèm theo sự tăng trưởng nội tâm vốn là hoa quả của việc linh hướng.
Việc hướng dẫn tâm linh không có mục đích thuyết phục kẻ khác nhìn nhận sai lầm và khiếm khuyết của họ; đó là một dịp để người thụ hướng cảm nghiệm một sự giảm bớt căng thẳng, xao xuyến hay mệt nhọc để họ có thể khám phá ra nguồn gốc của các khó khăn riêng một cách sáng sủa hơn. Trong cốt yếu, đó là dịp để họ tự do phát triển và nói lên mọi điều làm họ nặng lòng.
Ở điểm này, việc hướng dẫn và các nhiệm vụ hành chánh hay kỷ luật có những con đường khác nhau. Một người có thể thi hành những nhiệm vụ này, nhưng không cùng một lúc và cũng không dưới một danh nghĩa.
Để giúp một tu sĩ hiểu các vấn đề và những khiếm khuyết của họ, vị hướng dẫn phải biết cách chính xác quan niệm của họ về cách sống tu trì. Khi người ta cho họ cơ hội nhìn thấy rõ các tâm tình của mình, đào sâu các ý tưởng và khám phá những quan điểm mới, người thụ hướng sẽ điều chỉnh các thái độ của mình; nhưng trước khi họ nhận biết chính mình cách chính xác trong tương quan với kẻ khác và trong các hoàn cảnh của đời sống, họ không thể tiến tới trong đời sống nội tâm. Sự nghiêm khắc và trách mắng, những hình phạt và biện pháp chế tài mà không có việc linh hướng thì làm hại cho việc tăng trưởng cá vị và sự viên thành. Những sự chế nhạo và trách móc xúc phạm đến cảm tính, tạo nên tình trạng tự quy và khơi dậy những cơ chế tự vệ. Giảng luân lý thì không dạy điều gì mới cho đương sự.
Những phương cách tiêu cực như trên, dựng lên những hàng rào tự vệ và tăng cường những sự lo âu, căng thẳng. Mục đích của việc linh hướng là giảm bớt các kinh nghiệm xúc cảm vốn có xu hướng làm cho một đương sự phải mù quáng về nguồn gốc của những khó khăn của chính họ. Linh hướng và trợ giúp không giống như kỷ luật. Nếu vì nhu cầu, người ta ôm đồm cả hai phận sự thì phải phân biệt rõ ràng mục đích và phương pháp của mỗi bên. Hai nhiệm vụ này đều có lý do tồn tại và mục đích của chúng trong tương quan với sự tăng trưởng cá vị. Kỷ luật trực tiếp quy về tác phong bên ngoài và việc tuân hành một nếp sống được đồng ý và chấp thuận; đó là một công việc tương đối nhanh chóng. Việc linh hướng trái lại cần nhiều thì giờ bởi vì nó bao hàm một sự tiến triển, nhưng nó đưa đến những sự thay đổi nội tại lâu bền hơn và hoàn tất bên trong điều mà kỷ luật cố gắng thâu đạt bên ngoài.
Một trong những căn nguyên thông thường nhất của âu lo và căng thẳng trong đời sống tu trì, là sự lầm lẫn giữa kỷ luật bên ngoài và hướng dẫn tâm linh. Một vài phương thế kỷ luật không có khả năng đạt đến những tiến bộ nội tại có tính cách quyết định nếu không có hướng dẫn, tuy nhiên có nhiều lúc người ta mong chờ đều đó. Trái lại chúng có thể, như chúng ta đã thấy, ngấm ngầm thúc đẩy sự kháng cự bên trong và tăng cường sự áy náy và căng thẳng. Một lần nữa cần phải hiểu rõ là có một sự khác biệt giữa việc thông đạt tư tưởng và hiệp thông ý muốn, cảm xúc, tâm tình. Kỷ luật chỉ có hiệu quả từ lúc mà các ý tưởng được thông đạt biến thành các giá trị cá biệt và được củng cố bằng những tâm tình và cảm xúc. Chỉ bằng cách này mà các hệ quả của kỷ luật mới có thể thành những nguyên động cá nhân.
Các ý tưởng được đề ra trong kỷ luật thì được đơn giản hóa và không đòi hỏi một cố gắng hấp thụ đáng kể, bởi thế người ta dễ tiêu hóa chúng cách nhanh chóng. Nhưng nếu các ý tưởng có liên can đến những khúc mắc của tình cảm hay bị lẫn lộn trong những tương quan liên vị hoặc các tình trạng nội tâm sâu đậm, thì việc linh hướng được coi như cần thiết. Trong những trường hợp đó, kỷ luật có thể đem đến một sự tuân thủ bên ngoài, nhưng một cách tạm thời và chắc chắn cùng với các năng động tự vệ. Một số tu sĩ có thể tùng phục kỷ luật cách chặt chẽ nhưng các thái độ lắm lời, lễ độ gượng ép, chỉ trích, nhạo báng, kiêu sa, hờ hững, nghi ngờ của họ là bấy nhiêu dấu chứng rõ ràng về sự cưỡng chống bên trong cách sâu đậm và là những loại căng thẳng và xao xuyến có tính cách tự vệ.
Việc kiểm thảo của người hướng dẫn hay tư vấn
Người hướng dẫn phải luôn sáng suốt về các tâm tình thực sự của mình. Các thành kiến, khắc khoải, các tình trạng xúc cảm của họ có thể làm giảm sút những đức tính để quan sát và sự minh mẫn trong phán đoán của họ. Một linh hướng* lý tưởng luôn thức tỉnh trước các yếu tố chủ quan này nhất là vào những lúc phải quyết định nhanh chóng. Nếu người ấy cảm thấy một ác cảm nào đó đối với người thụ hướng, thì phải tiến bước cách thận trọng, vì biết rằng mọi định kiến tự nhiên nơi mình đều làm cho thực tại méo lệch phần nào. Nhiều khi những thành kiến vô thức cũng đủ làm cho chúng ta mù quáng trước những nhận xét quan trọng hay làm méo lệch những lối giải thích của chúng ta. Người linh hướng nên lưu ý kẻo họ cho phép các tình cảm riêng tư quá tự do hoạt động. Sự cứng cỏi, tính lắm lời, giọng điệu cộc cằn, thái độ kẻ cả, nổi cơn lôi đình, là dấu chứng tố cáo những phản ứng sâu xa của họ, và bởi đó, hành động ngược lại những đức tính của họ và làm tê liệt ảnh hưởng của họ như người linh hướng.
Chúng ta sẽ không bao giờ nhắc lại điều này cho đủ: việc hướng dẫn lương tâm chỉ có một mục đích duy nhất là tìm hiểu thái độ tâm linh của kẻ khác, dầu chúng như thế nào, tốt đẹp hay xấu xa: tìm biết quan điểm của họ để giúp họ tự bộc lộ, lắng nghe ý kiến của họ để giúp họ thấy rõ chính mình, để họ thay đổi đường lối và để tự hướng dẫn mình một cách tốt đẹp hơn. Để tiến đến một giải pháp thuận lợi cho vấn đề tâm cảm, để được giảm bớt căng thẳng và xao xuyến, điều cốt yếu là người hướng dẫn cố gắng tìm hiểu, chớ không phải phán đoán các tình cảm của kẻ thụ hướng là tốt hay xấu, rồi từ đó lại lên án họ. Chính người được hướng dẫn phải nhận ra các sai lầm và các tự vệ cảm xúc khó chấp nhận của mình để có thể tự giải thoát khỏi những thứ ấy.