Đàng Ngoài – Đàng Trong, vài nét về văn hóa tôn giáo (7)

Vào thời cha Đắc Lộ đặt chân đến đất Việt, đất Việt bị phân chia thành hai vương quốc: Đàng Ngoài và Đàng Trong. Việc phân chia này ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực trên công cuộc truyền giáo. Lợi thế là thế này: nếu các nhà truyền giáo bị phía này đuổi, thì các vị ấy vẫn có thể ở phía kia, vì cả hai phía đều muốn buôn bán với Bồ Đào Nha, và phần nào bên này luôn muốn đánh bại bên kia. Nhưng bất lợi cũng không nhỏ, vì các nhà truyền giáo của hai bên không thể liên lạc trực tiếp với nhau. Nếu nhà truyền giáo muốn từ vương quốc này sang vương quốc kia, thì phải qua Macao. Và trong bối cảnh đất nước phân đôi như thế, cả hai phía đều nghi ngờ các tu sĩ làm gián điệp cho đối phương.

Về việc tuyển chọn quan lại trong triều đình, trên nguyên tắc, các quan được tuyển chọn qua các kỳ thi theo lối Trung Quốc, trong đó họ phải thông thạo chữ Hán, kinh sách và thơ phú. Người đậu các cấp thấp được miễn quân dịch và miễn đóng thuế trong một thời gian. Người đậu hạng cao nhất là tiến sĩ, thì được tiến cử vào hàng quan lớn. Các bài thi được xóa tên tác giả, để người chấm không biết bài thi đó của thí sinh nào.

Trật tự xã hội ở Việt Nam có nhiều khác biệt với Trung Quốc. Ví như, ngay trong Khổng giáo cũng không có sự vâng lệnh tuyệt đối từ trên xuống như bên Trung Quốc. Một đặc điểm khác nữa là làng xã tự trị với câu nói quen thuộc “phép vua thua lệ làng”. Chính điểm này tác động tích cực cho việc truyền giáo. Nếu những người lãnh đạo trong làng theo đạo, thì cả làng sẽ gia nhập đạo. Trong xã hội Việt Nam, địa vị của người phụ nữ cũng độc lập hơn trong xã hội Trung Hoa. Ví dụ, họ không bị cấm xuất hiện ngoài công chúng như các phụ nữ Trung Quốc. Các phụ nữ Việt Nam cũng có ảnh hưởng lớn, đặc biệt trong hàng lãnh đạo. Cả điều này cũng tác động tốt cho việc truyền giáo, vì các phụ nữ lãnh đạo thường có những đóng góp quyết định trong việc quảng bá đức tin và xây dựng cộng đoàn.

Về mặt tín ngưỡng, người Việt chịu ảnh hưởng bởi đạo Khổng, Lão và Phật. Khổng giáo và Lão giáo hoàn toàn đến từ Trung Quốc. Còn Phật giáo, phần nhiều đến từ Trung Quốc, phần khác đến từ phía nam qua Champa. Do ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc, nên Phật giáo Đại thừa thắng thế tại Việt Nam. Một đặc điểm của Lão giáo nơi người dân Việt, là vai trò trung gian đặc biệt của con người đối với các thần thánh, ví dụ có sự tồn tại của các ông bà đồng cốt, phù thủy. Thế kỷ XVII, XVIII là thời gian thoái trào của Khổng giáo, là thời gian thâm nhập của Phật giáo, và nhất là thời gian mà ba tôn giáo Khổng, Lão, Phật tổng hợp lại thành một tín ngưỡng dân gian chung với các nghi lễ và giáo lý được rút ra, tùy nhu cầu từ ba hệ thống tôn giáo đó. Không tôn giáo nào trong ba tôn giáo đó được coi là quan điểm duy đúng nhất. Mỗi tôn giáo đào tạo một lối sống, cung cấp một con đường cho các lãnh vực đời sống tinh thần tâm linh khác nhau.

Tín ngưỡng chính của người Việt là tục thờ thần linh, bao gồm từ trên có Ông Trời, rồi xuống dưới có các thần bảo vệ khác nhau để chống lại ngạ quỷ tà ma. Nhất là người Việt đặc biệt gìn giữ quý trọng việc thờ kính tổ tiên cắm rễ sâu trong đời sống gia đình. Trên thực tế, ba tôn giáo ngoại lai Khổng, Lão, Phật có thể cắm rễ được vào Việt Nam, là tùy mức độ chúng đồng hóa được với tục thờ thần linh và truyền thống của người Việt.

Về địa thế, dù có một bờ biển dài, nhưng Việt Nam rất ít giao tiếp với bên ngoài. Hiếm khi có tàu ngoại quốc cập bến. Hồi đó có hai cảng chính. Đó là Phố Hiến nơi sông Hồng dành cho miền bắc. Và quan trọng hơn là Hải Phố dành cho phía nam, người Tây phương gọi Hải Phố là Faifo, tức là Hội An ngày nay. Chỉ khi người Nhật cấm người Bồ Đào Nha vào nước Nhật buôn bán năm 1614, thì người Bồ mới quay sang Việt Nam.

Trước Dòng Tên, thì các tu sĩ Phan Sinh, Đa Minh và Âu Tinh đã tới truyền giáo trên đất Việt trong thế kỷ XVI, nhưng họ không ở lại lâu. Đầu tiên có lẽ là năm 1533, có một linh mục tên là Inikhu đã đến bằng đường thủy, bí mật rao giảng đạo Giatô trong làng Ninh Cường, Quần Anh, và Trà Lũ, thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định ngày nay. Vị tu sĩ này có lẽ là tu sĩ Phan Sinh hoặc Đa Minh người Bồ Đào Nha. Đến năm 1550, một tu sĩ Đa Minh người Bồ tìm cách giảng đạo cho người Campuchia suốt 5 năm nhưng không thành. Năm 1583, một nhóm 8 tu sĩ Phan Sinh người Tây Ban Nha từ Philippin đến Đàng Ngoài, nhưng họ phải rời đất Việt sau hai tuần, vì không ai hiểu ai, cho dù họ được người dân Việt đón tiếp rất niềm nở.

Khi các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến, thì họ đã gặp một số Kitô hữu. Cha Buzomi năm 1615 đã gặp ở Thanh Chiêm một bà chị của viên quan. Bà lấy tên thánh là Phanxica và con gái bà tên thánh là Gioana, cả hai được một tu sĩ Đa Minh hay Âu Tinh gì đó, rửa tội cách đó khoảng 30 năm. Trên đây là những dấu vết bước đầu của côn cuộc truyền giáo trên đất Việt. Công cuộc truyền giáo trên đất Việt trở nên một cách quy củ và lớn mạnh, chỉ bắt đầu từ năm 1615 với các nhà truyền giáo Dòng Tên.

Các phần trước:
Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)
Cha Đắc Lộ vào Dòng, được đào tạo tại Roma, lên đường đi Ấn Độ (4)

Cha Đắc Lộ bước đầu tại Ấn Độ, và hướng về Nhật Bản (5)
Đất Việt như thế nào thời Cha Đắc Lộ đặt chân đến (6)
Phần tiếp theo:
Tại sao các nhà truyền giáo Dòng Tên đến với Đất Việt (8)

Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *