Để sống sự độc thân được ý nghĩa

Trước những thách đố đe doạ đời sống khiết tịnh, làm sao để có thể chu toàn được lời khấn này luôn là một mối bận tâm sâu sắc. Người tu sĩ tự đặt câu hỏi này để hoàn thiện bản thân, nhưng cũng để tìm ra một phương thế đúng đắn nhằm áp dụng cho việc đào luyện các tu sĩ trẻ, vốn là những người phải đối diện với nhữn thách đố này cách mạnh mẽ hơn. Dựa trên những nghiên cứu về tâm lý và kinh nghiệm của những bậc tiền bối trong lãnh vực thiêng liêng, chúng ta có thể rút tỉa ra một vài trợ giúp như sau.

Để có thể sống đời độc thân vì Nước Trời thật ý nghĩa, trước hết người tu sĩ phải ý thức và có trách nhiệm trong chọn lựa này của mình. Không thể ép buộc ai sống đời độc thân khi họ không muốn. Một người không có hiểu biết gì về sự độc thân và độc thân vì Nước Trời thì cũng khó có thể đảm đương cuộc sống này trong một thời gian dài. Bởi vậy, đương sự cần có một sự trưởng thành tâm lý và tâm cảm, có những hiểu biết đúng đắn và chọn lựa nó với tất cả tự do. Sự trưởng thành tâm cảm cũng bao gồm một sự chấp nhận thân xác và phái tính của mình như một món quà quý giá của Thiên Chúa. Họ có thể sống tự lập, chứ không nương tựa vào người khác. Quả vậy, chỉ có những người có sự quân bình tâm linh tốt đẹp, thể hiện qua khả năng yêu mến và hoàn thành một công việc hữu ích, mới thích hợp để chọn lựa và sống độc thân cách tích cực. Ngoài ra, người đó cũng cần có một kinh nghiệm cá vị, đúng đắn và thích đáng về Thiên Chúa, cảm nghiệm được tình yêu và lời mời gọi của Ngài bằng trái tim mình, chứ không chỉ qua sách vở hay qua những chia sẻ mang tính áp đặt của người khác.

Đời độc thân sẽ được củng cố và nâng đỡ rất nhiều bằng đời sống cộng đoàn. Thông thường, nếu đời sống cộng đoàn diễn ra tốt đẹp. Anh chị em thương yêu nhau, hoà hợp với nhau thì ta sẽ ít có xu hướng bị chuyện tính dục cám dỗ. Tương quan với anh chị em trong cộng đoàn giúp mình mở ra, chứ không đóng kín trong chính mình. Chính yếu tố này giúp cho mình không thu hẹp mình lại nơi góc riêng hay đi đâu đó để tìm sự bù đắp cho nỗi trống vắng của mình. Rồi khi rơi vào cám dỗ, có một người nào đó để mình chia sẻ, lắng nghe mình, cho mình lời khuyên sẽ giúp mình không loay hoay giữa một mớ những tư tưởng chằng chịt. Ta sẽ được bảo vệ, được che chở và cảm thấy có thêm sức mạnh để vượt qua. Bởi thế, người nào càng có khả năng hội nhất đời sống mình với đời sống chung của cộng đoàn thì sẽ ít có nguy cơ rơi vào khủng hoảng khiết tịnh hơn.

Đời sống đức tin cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc sống khiết tịnh đời tu. Trước hết, đó là một kinh nghiệm sâu xa, cá vị và không ngừng giữa mình với Chúa. Để có được điều này, người tu sĩ nên chu toàn những bổn phận thiêng liêng, năng đọc sách thiêng liêng, suy niệm Lời Chúa, chu toàn các giờ kinh, giờ cầu nguyện, lần chuỗi, luôn nỗ lực tìm kiếm và nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi việc mình làm và trong mọi biến cố của cuộc sống. Dĩ nhiên, không nên xem việc cầu nguyện như một phương tiện đơn thuần để giữ độc thân và các bí tích như những phương dược đặc loại cho các vấn đề tính dục, như thể những điều này là các phép ma thuật. Cầu nguyện là xây dựng tương quan với Chúa. Chính tương quan này mới bảo vệ người tu sĩ, chứ không phải bất cứ điều gì khác. Khi đức tin bị mai một và không kết hợp với Chúa, người tu sĩ sẽ dẫn đến ích kỷ và huỷ hoại mình.

Người tu sĩ phải luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, như thể mình đã là các Thiên Thần, ngày đêm chiêm ngắm Chúa. Đây không phải là một kiểu tưởng tượng bâng quơ. Nhưng là một lối sống đưa Thiên Chúa tiếp tục nhập thể trong cuộc sống của mình, ngang qua chính bản thân mình. Để được như thế, người tu sĩ cần một sự thinh lặng nội tâm. Thinh lặng để nghe tiếng Chúa nói, để luôn thức tỉnh, cảnh giác, biết mình đang ở đâu, đang ở trong tình trạng nào, cần chỉnh sửa điều gì… Sự hiện diện của Chúa giúp người tu sĩ ý thức được lý do vì sao mình chọn đời sống này và vì ai mà mình dâng hiến tất cả. Đó là cách để tình yêu và ân sủng của Chúa thấm vào mình, làm cho nó thêm tươi mới, thêm mặn nồng và tràn trề sức sống. Ngay cả khi phải đối diện với những khó khăn, với ơn Chúa, người tu sĩ không cần phải gồng mình, dồn quá nhiều sức đến độ làm mình căng thẳng, lo sợ, mất phương hướng. Trước những thách đố, thay vì nghĩ đến sự chiến đấu (nghe có vẻ hơi căng thẳng, kịch tính và cam go), người tu sĩ sẽ đối diện với nó, nhìn thẳng vào nó và coi đó như một con đường dẫn mình đến với Chúa cách hữu hiệu hơn.

Về phương diện cá nhân, các tu sĩ cần phải tuân giữ những kỷ luật khổ chế. Dù không phải là quá nhiệm nhặt hay biến mình trở nên quá khắc khổ, nhưng xưa cũng như nay, một đời sống kỷ luật đúng mức luôn là một điều cần thiết. Không nên để mình có quá nhiều tự do, không nên buông thả mình quá đáng. Phải biết “giờ nào việc đó”, biết cách ăn nói sao cho chừng mực, biết nói điều cần nói và biết cách giữ im lặng. Đừng để những cuộc vui lôi kéo mình đi quá xa. Đừng cố thể hiện bản thân, chứng tỏ mình sành điệu, hợp thời, chịu chơi… Tất cả những điều này chẳng cần thiết lắm cho đời tu, dù ở bất cứ hình thức nào. Biết khi nào cần đi ra ngoài, khi nào nên ở nhà với cộng đoàn. Biết nói “không” đúng lúc. Biết cách sắp xếp ngày sống của mình sao cho thật quân bình, có giờ làm việc, giờ thiêng liêng, giờ giải trí, giờ thể thao, giờ theo đuổi những đam mê… Quan trọng hơn hết, họ phải biết chấp nhận những giới hạn của mình và kiên nhẫn với chính mình. Có thể sẽ có những sa ngã, nhưng không bao giờ nản chí, quá tự ti về bản thân để rồi vội vàng đánh mất đi lý tưởng đời dâng hiến.

Tu sĩ vẫn là con người. Lời khấn không làm cho họ mất đi bản năng của con người. Họ sống đời độc thân vì Nước Trời không phải như những con rô-bốt hay như gỗ đá trơ trơ ra đó, chẳng có chút động lòng. Sống đời độc thân vì Chúa chẳng phải là điều dễ dàng, nhưng khi Chúa đã khởi sự điều gì, Ngài cũng đồng thời ban ơn để đưa điều đó đến sự hoàn tất. Cần có một niềm tin vào Chúa và một nỗ lực cộng tác hết mình với Chúa. Khi hai yếu tố này kết hợp với nhau, kỳ tích sẽ xuất hiện.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Bài tiếp theo: Những lệch lạc trong đời sống khiết tịnh

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *