Bạn An mến,
thật là một niềm vui khi bạn cùng tôi đi dự lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời ngoài nghĩa địa ngày 01.11. vừa qua. Ở đó bạn đã cùng gia đình tôi tới viếng mộ và cùng cầu nguyện cho ba tôi. Bạn thấy việc tưởng nhớ tới những người thân đã qua đời với cả một cộng đoàn là một phong tục rất hay của người Công giáo.
Bạn biết không, chúng tôi cầu nguyện cho những người đã qua đời vì đó là cách thức chúng tôi tỏ bày mối giây liên kết với những người đã mất. Chúng tôi hy vọng và mong chờ họ được hưởng sự sống lại với Đức Giêsu Kitô, vì người Công giáo tin vào sự sống lại sau khi chết. Niềm tin này dựa vào sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, Đấng mà người Công giáo tôn thờ.
Vậy Đức Giêsu Kitô là ai?
Tôi sinh ra trong một gia đình Công giáo và lớn lên trong một xứ đạo của những người bắc di cư vào Nam. Cứ đến lễ Giáng Sinh là giáo xứ chúng tôi có một hang đá thật đẹp, lung linh với đủ màu sắc. Những đứa con nít như tôi lúc đó rất thích đi nhà thờ vì được mặc đồ đẹp đến viếng và chụp hình nơi hang đá. Trong hang đá có tượng hình gia đình Giuse, Maria và một bé hài nhi tên Giêsu. Một lễ lớn khác của Giáo xứ chúng tôi mừng vào mùa lễ Phục Sinh. Theo tục lệ sẽ có tượng Đức Giêsu đóng đinh trên thánh giá được để cho mọi người quỳ gối đến viếng và hôn chân. Chúng tôi thi đua nhau xếp hàng quỳ gối đến hôn chân Chúa, để sau đó được bốc một nắm gạo nổ mang về ăn.
Đó là hai lễ lớn với những ấn tượng tuổi thơ của tôi với người mang tên Giêsu.
Với sự lớn lên và trưởng thành thì những thắc mắc về con người tên Giêsu trong tôi cũng lớn lên: Ngài là ai?
Qua giáo lý của Hội Thánh Công Giáo và những giải thích về Kinh Thánh thì tôi được dạy bảo rằng: Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa. Vì thương yêu con người tội lỗi, Thiên Chúa đã ban chính Con Một của mình. Biến cố đó là lễ Giáng Sinh mừng hài nhi Giêsu sinh ra đời. Đức Giêsu đã sống thân phận con người và đã chịu chết để chuộc tội cho tôi, cho bạn và cho mọi người. Ngài đã sống lại và hứa ban sự sống đời của mình cho tất cả những ai tin vào Ngài. Biến cố này đặc biệt được nhắc lại trong lễ Phục Sinh. Tên Giêsu có nghĩa là „Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ“. Từ Kitô là danh hiệu của Giêsu và có nghĩa là „Người được xức dầu“. Cho tới lúc này thì Đức Giêsu đối với tôi vẫn rất trừu tượng và xa lạ. Tôi tham dự Thánh lễ hằng tuần theo thói quen, đọc kinh với gia đình, tham gia ca đoàn, nhưng Đức Giêsu có đời sống của Ngài, còn tôi theo con đường sống của mình, cả hai chẳng có một mối tương quan mật thiết nào.
Đời sống tôi cứ êm ả trôi, cho tới khi tôi tham gia chuyến hành hương „Theo vết chân I Nhã“ tại Tây Ban Nha với cha Elizalde Thành năm 2013. Trong chuyến hành hương cha Thành kể về cuộc đời của thánh I-nhã, một hiệp sĩ sau khi bị một viên đạn bắn trọng thương đã có một cuộc hoán cải ngoạn mục. Ngài từ bỏ cuộc sống theo đuổi danh vọng thế tục, trở nên một „bạn hữu của Đức Giêsu“, và dành trọn cuộc đời cho việc phục vụ và làm vinh danh Thiên Chúa. Có một câu hỏi của cha Thành trong một bài giảng cứ theo đuổi tôi trong suốt chuyến hành hương: „Mũi tên hay viên đạn nào trong cuộc đời đã bắn trúng và làm cho con gục ngã?“ Suy gẫm hoài tôi thấy cuộc đời tôi rất may mắn, không bị một sự kiện lớn gì làm cho mình bị ngã gục: học hành và công việc mọi thứ tiến triển tốt đẹp, tôi đang có cuộc sống ổn định, tự do thoải mái không phải lo lắng bận tâm gì. Vậy mũi tên hay viên đạn bắn trúng tôi là gì? Ngay hôm chuẩn bị xét mình để lãnh bí tích Hòa Giải, đó là một nghi thức trong đạo Công giáo để nhận lỗi, làm hòa và được ban ơn tha thứ, tôi được Ngài chạm đến. Tôi gục ngã trước tình thương của Đức Giêsu dành cho tôi. Ngài đã từ bỏ thân phận của một Thiên Chúa để trở nên nghèo và sinh ra nơi máng cỏ trong biến cố Giáng Sinh để tôi có thể trở nên giàu có: giàu tình thương, giàu những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban khi tạo dựng nên tôi. Đức Giêsu mặc lấy thân phận con người, chịu đau khổ và hy sinh chính mình như một tội nhân để chuộc mọi lỗi lầm cho tôi, để giải thoát tôi khỏi những lệ thuộc của thế gian. Ngài đã chiến thắng sự chết và đã sống lại, qua đó Ngài cho tôi có cơ hội phục hồi lại nhân phẩm mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người: đó là ơn được làm con Thiên Chúa.
Cảm nhận được tình thương quá tuyệt vời của Ngài, tôi hối hận sao mà mình đã sống qua thờ ơ như vậy. Sau chuyến hành hương tôi rất thích đi lễ để nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh, cảm nhận sự yêu thương và đón nhận Đức Kitô vào lòng qua Mình Thánh Chúa, đó là miếng bánh mà Đức Kitô đã trở nên, để có thể tiếp tục trao ban chính mình cho mọi người tin vào Ngài. Giờ đây Đức Giêsu trở nên thật gần gũi với tôi.
Có lần bạn nói với tôi, làm người sống tốt ở đời này là đủ rồi. Bạn không theo tôn giáo nào, và chết đối với bạn là hết.
Nhưng bạn biết không, một khi đã cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa trao ban cho bạn, bạn không thể còn hài lòng với suy nghĩ, chỉ sống tốt ở đời này là đủ. Bạn được tạo dựng nên và sống cho những gì cao cả hơn. Cuộc đời của bạn không kết thúc trong hư vô, nhưng có ý nghĩa và có mục đích của nó. Ý nghĩa và mục đích cuộc đời của bạn và của tôi nằm trong mầu nhiệm của Đức Giêsu đó bạn: Đấng đã làm người, đã chết và sống lại.
Đức Giêsu là một Thiên Chúa, nhưng cùng lúc Ngài đã trở nên một con người. Ngài trở nên đồng hình dạng với bạn và với tôi để tỏ cho chúng ta nhận biết tình yêu vô điều kiện và nhưng không của Thiên Chúa đối với con người là gì. Một tình yêu tự hiến, một tình yêu muốn nên một với người mình yêu. Ngài gợi lên trong tôi niềm khao khát muốn trở về lại cội nguồn cũng như hướng đến cùng đích của cuộc đời mình: đó là Thiên Chúa, Đấng đã ban cho tôi sự sống, Đấng hằng mong tôi được sống mãi trong ân sủng của Người.
Vài điểm nổi bật mà tôi muốn cho bạn biết về Đức Giêsu, Đấng mà giờ đây là trung tâm điểm đời sống của tôi, Người mà tôi mỗi ngày muốn nhận biết nhiều hơn và yêu mến hơn. Những điểm này tôi được đào sâu qua làm quen với Kinh Thánh và sau đó say mê Kinh Thánh. Nếu có dịp bạn dò lại trong Kinh Thánh thì sẽ khám phá:
Ngài là một vị Thầy thuốc tuyệt hảo chữa lành cả hồn lẫn xác. Đức Giêsu luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy các bệnh nhân. Nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh kể về những việc chữa lành của Ngài: „Người mù được sáng mắt, người què đi được, người phong được sạch, người điếc nghe được, người chết được sống lại, và người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng.“ (Mt 11,5). Đặc biệt Đức Giêsu luôn đứng về phía những người yếu hèn, những người tội lỗi, những người bị xã hội ruồng bỏ và lên án. Thế giới chúng ta hôm nay chỉ muốn làm bạn với những người quyền lực và có địa vị. Đức Giêsu lại khác, Ngài sống khiêm nhường và luôn muốn là một người phục vụ cho người khác vì tình yêu. Chính Ngài đi rửa chân cho các môn đệ của mình và nhắc nhở họ: „Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.“ (Mc 9,35). Ngài không dùng quyền lực để thu phục con người, nhưng qua lòng thương xót và qua tình yêu tự hiến chính mình. Ngài hướng con người về những gì là Chân, Thiện, Mỹ. Ngài nhắc nhớ con người đừng vùi mình ngủ quên trong những gì thấp hèn và chóng qua ở thế gian, nhưng hãy biết đầu tư và vun đắp cho một cuộc sống hướng đến sự sống vĩnh cửu, đó là sống noi gương Ngài.
Như vậy bạn được biết vài nét về Đức Giêsu mà tôi thần tượng và tôn thờ. Đó chỉ là một chấm nhỏ về Đức Giêsu với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi. Vì thế tôi vẫn đang theo học hỏi để được biết nhiều hơn về Đấng tôi yêu mến.
Khi nào bạn có dịp đi nghĩa trang Công giáo và gặp những người đứng cầu nguyện nơi mộ cho người thân, thì bạn có thể nhớ đến Đức Giêsu Kitô và hiểu việc cầu nguyện này.
Hẹn gặp lại bạn một ngày gần đây, mời bạn cùng tôi đi dự lễ Giáng Sinh. Lúc đó tôi có thể kể thêm cho bạn biết về ý nghĩa của lễ này. Nếu bạn có thắc mắc gì khi thử đọc Kinh Thánh, bạn có thể chia sẻ với tôi, chúng ta cùng thảo luận bên một ly trà nóng và tôi sẽ cố gắng nói với bạn bằng tất cả những gì tôi biết.
Mến chúc bạn một mùa thu thật đẹp.
Maria Nguyễn Thị Thanh Trang