Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp các thành viên Cơ Quan Cứu Trợ Người Tị Nạn của Dòng Tên

2VATICAN. Sáng hôm nay, 14.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên thuộc Cơ Quan Cứu Trợ Người Tị Nạn của Dòng Tên nhân kỷ niệm 35 năm thành lập.

Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với các thành viên như sau:

“Tôi rất hạnh phúc được gặp gỡ anh chị em nơi đây nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Cơ Quan Cứu Trợ Người Tị Nạn do cha Pedro Arrupe, sau này là Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, khởi xướng. Ấn tượng sâu sắc in hằn trong tâm trí cha Arrupe là hoàn cảnh khốn khổ của những đoàn thuyền người thuộc miền Nam Việt Nam phải phơi mình ra hứng chịu những cuộc tấn công của hải tặc và bão tố ở vùng biển phía Nam Trung Hoa. Chính hình ảnh đó đã thúc đẩy cha có sáng kiến thành lập tổ chức này.

Cha Arrupe, người đã chứng kiến cảnh bom nguyên tử nổ tại Hiroshima và ý thức được hoàn cảnh bi thương khi những người tị nạn phải rời bỏ nhà cửa ra đi. Ngài thấy đó như một thách đố mà Giêsu hữu không thể làm ngơ nếu anh vẫn còn trung tín với ơn gọi của mình. Ngài mong muốn Cơ Quan Cứu Trợ Người Tị Nạn của Dòng Tên có thể đáp ứng được không chỉ nhu cầu mặt vật chất mà còn cả tâm linh cho người tị nạn. Điều ấy có nghĩa là không chỉ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết về cơm ăn, áo mặc, nơi ở; nhưng còn nhu cầu được người khác tôn trọng phẩm giá, được lắng nghe và an ủi.

Hiện tượng những người buộc phải di cư đã tăng lên cách mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đông đảo những đoàn người đang rời bỏ nhà cửa của mình ở Trung Đông, Châu Phi và Châu Á để tìm đường sang tị nạn ở Châu Âu. Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính rằng trên toàn thế giới có khoảng 60 triệu người tị nạn, đây là con số cao nhất kể từ sau Thế Chiến thứ 2. Đằng sau con số thống kê ấy là những con người có tên tuổi, gương mặt, một lịch sử đời mình và một phẩm giá bất khả xâm phạm, đó chính là phẩm giá làm con Thiên Chúa.

Hiện nay, Cơ Quan Cứu Trợ Người Tị Nạn của Dòng Tên đang hiện diện và hoạt động trên 10 vùng khác nhau, với những dự án trong 45 quốc gia để phục vụ người tị nạn trên thế giới và những di dân trong nước. Anh chị em hãy trung thành với lý tưởng của cha Arrupe và với ba mục đích căn bản trong sứ vụ của mình: đồng hành, phục vụ và bảo vệ quyền của người tị nạn.

Quyết định hiện diện trong những vùng đang có nhu cầu cấp thiết nhất, trong những khu vực xung đột và và hậu xung đột, đã mang đến cho anh chị em một sự nhìn nhận từ quốc tế, vì sự gần gũi của anh chị em đối với con người và khả năng luôn biết học tập để phục vụ tốt hơn. Đặc biệt, ở Syria, Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi và khu vực phía Đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, anh chị em đã đón nhận và cộng tác với những người thuộc các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau để cùng sẻ chia sứ mạng với anh chị em.

Cơ quan Cứu Trợ Người Tị Nạn của Dòng Tên luôn làm việc với mong muốn trao niềm hy vọng và một viễn tượng tương lai tươi đẹp cho người tị nạn, chính yếu ngang qua những phục vụ về mặt giáo dục. Chính nhờ giáo dục mà anh chị em đã tiếp chạm được một số đông người, và quả thực, giáo dục là một trong những điều đặc biệt quan trọng. Trao cho người khác học vấn thì có ích hơn nhiều so với những quan niệm phân phát vật chất. Nền giáo dục sẽ đem đến cho người tị nạn một sức bật để có thể tiến xa hơn chứ không dừng lại ở việc tồn tại qua ngày, và cũng giữ cho ngọn lửa hy vọng tiếp tục cháy sáng để tin tưởng vào tương lai, đồng thời dám can đảm để vạch ra những kế hoạch. Trao cho đứa trẻ một chỗ ngồi trong lớp học là một món quà thích hợp nhất mà anh em chị có thể làm. Bởi vậy, tất cả những dự án của anh chị em phải có mục đích căn bản này: giúp người tị nạn triển nở trong sự tự tin, để nhận ra những tiềm năng cao nhất vốn có của họ và để có thể bảo vệ quyền của họ như là nhưng cá nhân và cộng đoàn.

Đối với những trẻ em buộc phải di tản, trường học là nơi tự do. Trong lớp học, chúng được giáo viên chăm sóc và che chở. Nhưng buồn thay, ngay cả trường học cũng không thoát khỏi những cuộc tấn công do những kẻ chủ mưu thích gieo vãi bạo lực và hận thù gây ra. Dầu vậy, trường học vẫn là nơi sẻ chia giữa những trẻ em thuộc các bối cảnh văn hóa, sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Trường học là nơi mở ra một không gian ổn định và những nguyên tắc kỷ cương. Chính nơi đó, một lần nữa, trẻ em lại có thể cảm nhận được ‘sự bình thường’ và cha mẹ cũng có thể hạnh phúc để gởi gắm con cái mình.

Giáo dục mang lại cho những người trẻ tị nạn một phương thế để khám phá ra lời mời gọi đích thực và phát triển tiềm năng của mình. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ em và những người trẻ tị nạn không được nhận một nền giáo dục chất lượng. Họ chỉ được tiếp cận với giáo dục cách hạn chế, đặc biệt là các trẻ nữ. Bởi thế, Năm Thánh Lòng Thương Xót đang gần kề, anh chị em hãy đặt ra mục tiêu là giúp đỡ hàng trăm ngàn người trẻ tị nạn được đến trường. Sáng kiến của anh chị em về một ‘Nền giáo dục toàn cầu’, với khẩu hiệu ‘Hãy huy động lòng xót thương’, sẽ giúp anh chị em tiếp cận được nhiều học sinh khác nhau đang rất cần một nền giáo dục có thể mang đến cho họ sự ổn định và an toàn. Tôi hết lòng biết ơn những nhà hảo tâm đã ủng hộ và tài trợ. Chính nhờ lòng nhiệt huyết và sự hỗ trợ của anh chị em, lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa sẽ có thể đến với từng trẻ em và gia đình của họ trong tương lai.

Anh chị em hãy suy nghĩ về Gia Đình Thánh Gia để thêm lòng kiên trì trong việc mang lại một nền giáo dục chất lượng cho người tị nạn. Đức Mẹ, thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu đã phải chạy sang Ai cập để tránh bị giết hại và tìm chỗ trú thân giữa những người xa lạ. Anh chị em cũng nhớ lời Đức Giêsu nói: ‘Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Hãy để những lời này theo anh chị em luôn mãi, ngõ hầu anh chị em có được sự khích lệ và ủi an. Phần tôi, tôi bảo đảm rằng anh chị em luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của tôi. Tôi cũng yêu cầu anh chị em như vậy là xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.”

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Vũ Đức Anh Phương, SJ

Kiểm tra tương tự

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại

Vai trò độc nhất  Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nền …

Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu tự do với mọi sự

Trưa Chúa Nhật ngày 9/6, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *