Giáo Hội Công Giáo với chữ Quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ được sử dụng trong nội bộ Giáo hội

Một số người Việt đầu tiên biết chữ Quốc ngữ, có lẽ thuộc Tu hội Thầy giảng (được thành lập tại kinh đô Thăng Long 27-4-1630 và tại Hội An 31-3-1643). Đến năm 1659 thầy giảng Bento Thiện và Igesico Văn Tín đã viết thư bằng chữ Quốc ngữ gửi về Áo Môn cho linh mục Filippo Marini (truyền giáo tại Đàng Ngoài từ 1647-1658); đặc biệt là Bento Thiện theo lời yêu cầu của Marini, còn viết một tập Lịch sử nước Annam (mà chúng tôi đã cho in lại nguyên bản gốc trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620- 1659, để Marini sử dụng cho cuốn sách của ông viết về Đàng Ngoài và sẽ được ấn hành tại Roma năm 1663[10]. Tập Lịch sử này viết bằng chữ Quốc ngữ với lời văn khá trôi chảy, hơn nữa còn được viết bằng phương pháp rất mới đối với xã hội ta thời quân chủ độc tài.

Thật ra, trong mấy chục năm đầu các Thầy giảng chưa phải học thứ chữ mới mẻ này. Trái lại, các thầy có luật buộc phải học chữ Hán, vì chữ Hán là văn tự chính thức của cả nước gồm hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ba thầy giảng đầu tiên ở Đàng Ngoài đều thạo chữ Hán, vì các thầy đã được thụ huấn trong nhà chùa, nhất là thầy Phanxicô Đức, còn ở Đàng Trong thì thầy I Nhã đã có bằng cấp chữ Hán, thuộc loại “sinh đồ, tú tài”. Trong tập luật ngắn gọn của các Thầy giảng Đàng Ngoài do Gaspar d’Amaral soạn lúc ông ở Thăng Long, rồi được ông viết trong bản tường trình gửi về Áo Môn năm 1637, đã ghi rõ là các thầy phải học giáo lý và chữ Hán, không thấy nói tới việc học chữ Quốc ngữ[11].

Nói chung thì cho đến cuối thế kỷ 19, chữ Quốc ngữ hầu như chỉ được sử dụng trong nội bộ Giáo hội và dùng vào lãnh vực tôn giáo. Việc linh mục Philiphê Bỉnh (1759- 1832) trong thời gian ở Lisbõa từ 1796 đến khi qua đời tại đây năm 1832, đã viết 21 cuốn sách bằng Quốc ngữ (hiện còn được lưu trữ trong Thư viện Toà thánh Vatican) là một sự kiện lớn của lịch sử văn học Quốc ngữ. Trường hợp Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của và rất ít người ở Nam kỳ thời đó đã viết sách Quốc ngữ quả là hiếm hoi, đằng khác hai vị trên đây đều xuất thân từ Đại chủng viện hoặc từ “nhà Đức Chúa Trời” mà ra, nghĩa là đã học chữ này trong thời gian tu trì.

Văn tự chính thức của nước ta vẫn là chữ Hán, ngoài ra còn có chữ Nôm. Cho nên tính đến khoảng giữa thế kỷ 19, trừ một số rất ít người Công giáo ra, không biết có mấy nhà trí thức, quan lại biết chữ Quốc ngữ? Tài liệu nào cho chúng ta hay đại văn hào Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và cả đến nhà bác học Lê Quý Đôn biết và sử dụng chữ Quốc ngữ?

Ngay trong nội bộ Giáo hội cũng chỉ sử dụng chữ Quốc ngữ phần nào. Xem ra cho tới cuối thế kỷ 19, các sách đjo đa phần bằng chữ Nôm, còn một số bằng Quốc ngữ và Hán tự?

Chúng ta có thể dựa vào một số chứng cớ sau đây đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18, cho biết thời đó “nhà đạo” còn chính thức dùng Hán-Nôm thay vì Quốc ngữ:

–    Tháng 5-1630, Bổn đạo ở kinh đô Thăng Long đệ lên Đức thánh Cha Urbanô VIII một tờ biểu gồm 205 chữ Hán và cùng dịp đó nhóm này gửi sang Bề trên Cả Dòng Tên Mutio Vitelleschi ở Roma một thư cũng bàng chữ Hán gồm 183 chữ[12];

–   Ngày 15-7-1640 ba vị đại diện bổn đạo Đàng Trong viết một tờ biểu tại Thành Chiêm (Thanh Chiêm, Kecham, Cacham) bằng chữ Hán đệ lên Đức thánh cha Urbanô VIII, được Đắc Lộ dịch sang La tinh[13];

–     Ngày 15-11-1673 thầy giảng Simong Tú ở Đàng Trong gửi một thư bằng chữ Nôm cho nhiều bổn đạo từ Huế tới Phú Yên để bênh vực giáo sĩ Dòng Tên Bartolomeu d’Acosta (sinh tại Áo Môn do cha mẹ gốc là người Nhật, truyền giáo ở Đàng Trong) đang bị một số người cũng là bổn đạo Đàng Trong, tố cáo về việc ông không vâng phục Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Giám mục Đại diện tông toà Đàng Trong[14];

–     Ngày 25-12-1676 ba linh mục cùng với 100 kẻ giảng, trùm trưởng, biện, câu đương, tất cả là người Đàng

Trong, đệ lên Đức thánh Cha Clemens X tờ biểu bằng chữ Nôm, tố cáo “các thầy Dòng ông thánh Inaxu chẳng vâng phép Đức Thầy Cả Vêtôrô [Pedro: Pierre Lambert de la Motte] cùng cãi nhiều lẽ trái”[15];

–    Năm 1670 Lữ-y Đoan, linh mục Giáo phận Đàng Trong đã viết bộ sấm-truyền ca (Kinh thánh phần Cựu ước) bằng chữ Nôm[16];

–     Ngày 16-8-1750 linh mục Phanchicô Than (?) ở Giáo phận Tây Đàng Ngoài, đặt tay trên sách Phúc âm và trước mặt Giám mục Bản quyền Giáo phận là Đức cha Louis Néez (1680-1764, được tấn phong Giám mục 1739) thề theo bản đã viết bằng chữ Nôm, theo Hiến chế Ex quo singulari 11-7-1742 về “lễ phép nước Ngô.

Thực tế chữ Nôm trong mấy thế kỷ đó là văn tự được dùng nhiều nhất cho các sách “nhà đạo”. Chính vì vậy mà trong từ điển Dictionarium anamitico-latinum do Giám mục Đàng Trong là Đức cha Bá Đa Lộc viết năm 1772-1773 vừa có Quốc ngữ, vừa có Nôm; sau này vào năm 1838, Đức cha Jean-Louis Taberd (Từ) cho xuất bản chính thức cuốn từ điển của Bá Đa Lộc tại Serampore (Ân Độ) có thêm phần ngữ pháp, thi văn, thực vật ở Đàng Trong, các bộ Hán tự…. , đó là cuốn Dictionarium anamitico-latinum, Nam Việt Dương hiệp tự vị cũng có chữ Nôm.

Như chúng ta biết, một số nhà truyền giáo Dòng Tên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhưng cũng chính mấy nhà truyền giáo Dòng Tên là những người đầu tiên đã nghiên cứu, học hỏi và viết sách đạo bằng chữ Nôm, như Girolamo Majorica người Ý (1591-1656), Filippo Marini người Ý (1608-1682), Onofre Borgès người Thụy Sĩ (1608-1664)… Trong số này, phải kể Majorica là người sáng tác và phiên dịch nhiều nhất, tới 48 cuốn sách Nôm, như người đồng thời với ông ở Đàng Ngoài là Marini đã ghi nhận[17]. Majorica, với sự cộng tác của một vị Tiến sĩ là Thầy Phanchicô thành Phao (nguyên là quan triều đình, từ quan đi tu chùa trở thành vị Hoà thượng Thành Phao, rồi theo đạo Công giáo)[18] đã viết những sách trên trong thời gian ông ở Đàng Ngoài từ 1632 đến khi qua đời ngày 27-1-1656. Có lẽ đây là bộ sách Nôm cổ đồ sộ nhất hiện nay còn giữ được (lưu trữ trong thư viện quốc gia Paris và Hội thừa sai Paris).

Đến mấv chuc năm đầu thế kỷ 20. trong các Giáo phận ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ dùng sách đạo môt phần bằng chữ Nôm phần kia bằng Quốc ngữ; đó là nói về những linh mục, tu sĩ, chủng sinh; còn phía giáo dân có lẽ dùng sách đạo bằng chữ Nôm nhiều hơn Quốc ngữ. Trong những năm 1903, 1920, 1922, 1926, 1927, các nhà in Công giáo (Nazareth Hongkong, Kẻ Sặt, Kẻ Sở, Trung Hoà thiện bản Hà Nội, Phú Nhai, Qui Nhơn, Tân Định) chẳng những in sách đạo mà còn in cả sách khoa học, văn chương, như Toán học, Thực vật, Động vật, Địa lý, Sử học,Triết học, Thiên văn, Văn chương, Ngôn ngữ … bằng chữ Quốc ngữ, Nôm, Hán, La tinh, Pháp.

Kiểm tra tương tự

Stanislao Kostka – Mừng sinh nhật anh!

Tôi mạo muội viết những dòng này vào dịp lễ mừng kính thánh Stanislao Kostka, …

Thông báo: Thánh lễ Tạ ơn mừng 50 năm Hồng Ân

  Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, TỈNH DÒNG TÊN VIỆT NAM HÂN HOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *