Giáo Hội Công Giáo với chữ Quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ lên ngôi!

Mở đầu giai đọan này là việc ra đời của tờ Gia Định báo số 1 ngày 1-4-1865 và sống được ít nhất đến ngày 25- 10-1909, lúc đầu mỗi tháng xuất bản 1 lần, rồi tháng 2 lần, sau cùng là hàng tuần. Một tờ báo đầu tiên ở nước ta bằng chữ Quốc ngữ ! Thực ra đó là một thứ công báo do Chính quyền Pháp thời đó ở Nam Kỳ trao quyền điều hành cho ông Emest Potteaux, đến năm 1869 trao cho ông Petrus Joannes Baptista Trương Vĩnh Ký quản lý[19]. Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đọc và nói được 15 sinh ngữ và cổ ngữ Tây phương, viết tới 121 cuốn sách (đã xuất bản dưới 100 cuốn) về nhiều lãnh vực, bằng các tiếng Việt, Pháp, Hoa, Campuchia, Indoustan, Tamoul, Myanmar, Thái Lan, Lào, Chăm, nhiều nhất là bằng chữ Quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký cổ động cho viêc hoc mới, khuvến khích dân chúng hoc Ouôc ngữ[20]. Ông cũng sọan ra sách vần tập đọc. Theo gương Trương Vĩnh Ký, các ông Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Hai, Cao Đình Nam cũng cho ra đời những cuốn vần tập đọc.

Đến Nghị định số 82 ngày 6-4-1878 của Thống đốc Nam Kỳ Lafont, đại lược như sau: “Kể từ mồng một tháng giêng năm 1882, tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị… sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc ngữ, sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng”[21].

Mấy sự việc trên đây diễn ra sau khi Pháp và Tây Ban Nha dùng võ lực chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, tức Biên Hoà, Gia Định, Định Tường và kết thúc bằng hoà ước bất công năm Nhâm Tuất, 5-6-1862 giữa một bên là Việt Nam, bên kia là Pháp và Tây Ban Nha, biến ba tỉnh này thành thuộc địa của Pháp. Cho nên có người nhận định rằng, ngay từ thời kỳ đó, Pháp muốn sử dụng chữ Quốc ngữ làm công cụ thực dân, huỷ hoại văn hoá dân tộc ta, buộc dân ta phải hoàn toàn lệ thuộc vào văn hoá Pháp; một số người khác thì cho rằng, chữ Quốc ngữ, dù bị ai đó bóp méo mục đích của nó, thì vẫn là công cụ rất tiện lợi, hữu ích cho cả dân tộc trên đường phát triển đất nước và là phương tiện hữu hiệu đánh đuổi thực dân Pháp sau gần 100 năm bị đô hộ.

Khi nói về mục tiêu của Gia Định báo, Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng trích dẫn trong bức thư của Phó Đô đốc Rose (Quyền Thống đốc Nam Kỳ từ 11-12-1864 đến tháng 11- 1865) viết ngày 9-5-1865 gửi Bộ trưởng Thuộc địa Pháp: “Tờ báo này (tức Gia Định báo) nhằm phổ biến trong giới dân bản xứ tất cả các tin tức đáng cho họ lưu ý và cho họ có một kiến thức về những vấn đề mới có liên quan đến văn hóa và những tiến bộ về ngành canh nông. Những viên thanh tra đặc trách về những công việc của người dân bản xứ đã cho tôi biết rằng tờ Gia Định báo đã được dân chúng ủng hộ một cách nồng nhiệt và ở nhiều địa phương những em bé biết đọc chữ Quốc ngữ đã đọc báo cho cha mẹ chúng nghe. Như vậy tờ báo này xuất bản mỗi tháng một lần sẽ là một sự hữu ích không thể chốỉ cãi được và nó sẽ góp phần vào việc thay thế chữ của chúng ta và chữ Hán, một thứ chữ mà chỉ có một thiểu số quan lại hiểu biết mà thôi ”[22].

Như mọi người đều rõ, chữ Quốc ngữ ra đời từ đầu thế kỷ 17 và trong hơn 200 năm nó được sử dụng trong nội bộ Giáo hội Công giáo nhiều hơn. Đằng khác, xin được nhắc lại: chữ Quốc ngữ bắt đầu do mấy giáo sĩ Bồ Đào Nha sáng tạo, rồi đến Đắc Lộ – một người có quốc tịch Toà thánh, sinh năm 1593 tại Avignon, là lãnh địa của Toà thánh từ 1348-1791, nhưng cũng là người sống trong văn hoá Pháp – đã có công cho xuất bản 3 sách Quốc ngữ đầu tiên. Trong hơn 200 năm đó, chữ Quốc ngữ chưa dính dáng gì với Chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam, vì Chính quyền này chỉ xuất hiện từ sau hoà ước Nhâm Tuất 1862.

Lúc này chúng ta không nói đến chữ Quốc ngữ trong nội bộ Giáo hội, mà nhắc đến việc chữ Quốc ngữ từ khi Gia Định báo ra mắt bà con cô bác, đã bắt đầu phát triển trước hết ở Nam Kỳ với các tờ báo Nhựt Trình Nam Kỳ xuất bản năm 1883 bằng hai tiếng Việt, Pháp, ra ngày thứ bảy; Thông Loại Khoá Trình (1888-1889) (Miscellanées ou lectures instructives pour les élèves des écoles primaires) của Trương Vĩnh Ký, số 1 ra đời tháng 1-1888, năm sau đình bản; Phan-Yên báo (1898-1899) chỉ ra được vài số thì chết; Nông-Cổ Mín-Đàm, ra ngày thứ năm, số 1 ngày 1-8- 1901, chuyên về vấn đề nông nghiệp và thương mại; Lục Tỉnh Tân Văn (1907-1943) số 1 ra ngày 15-11-1907, sống được 36 năm; Nam Kỳ Địa Phận – Semaine religieuse (1908-1945), tờ báo của Giáo phận Sài Gòn, xuất bản hàng tuần, số 1 ra ngày 20-11-1908, số 1848 ngày 15-2-1945 là số cuối cùng.

Việc ra báo ở Bắc Kỳ chậm hơn Nam Kỳ mấy chục năm. Không kể tờ Bảo Hộ Nam Dân, số 1 ngày 8-7-1888, bằng Hán tự, thì tờ Đăng Cổ Tùng Báo bằng Việt-Hán xuất hiện từ 1907, phần Quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Vĩnh chịu trách nhiệm. Tiếp theo là các báo Đông Dương Tạp Chí (1913-1916), Trung Bắc Tân Văn (1913-1942?), Nam Phong (1917-1934) do ông Phạm Quỳnh làm chủ bút kiêm quản lý, Học Báo (1919-1944), Thánh Giáo Tuần Báo Bắc Kỳ – Semaine religieuse du Tonkin (1920-1923) v.v..[23].

Cùng với Phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh khởi xướng năm 1907 khuyến khích học Quốc ngữ, báo chí đã đóng một vai trò quan trọng cho việc phổ biến Quốc ngữ, ngoài sách vở, việc giáo dục ở bậc Sơ học và một phần bậc Tiểu học thời đó[24]. Dĩ nhiên là còn phải nói tới các nhà in, nhà xuất bản. Riêng về phía Giáo hội Công giáo cũng có những nhà in rất sớm, như Nhà in Tân Định (Imprimerie de la Mission, Tân Định) lập năm 1864 (tự đóng cửa hoàn toàn năm 1975) và từ cuối thế kỷ 19 các nhà in Công giáo tiếp tục xuất hiện, như Kẻ sở, Kẻ Sặt, Phú

Nhai, Quy Nhơn in sách Quốc ngữ, Nôm, Pháp, La tinh, mà chúng tôi đã nhắc ở trên.

Nói chung thì khoảng từ sau thế chiến thứ nhất trở đi, Quốc ngữ đã có địa vị trong xã hội, nhất là từ khi Hôi truvền bá Quốc ngữ xuất hiện năm 1938 do một số nhà trí thức Việt Nam xúc tiến là các ông Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Hoàng Xuân Hãn, Quán Xuân Nam, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp V.V.. Một Ban trị sự ra đời do ông Nguyễn Văn Tô làm Hội trưởng và ông Phan Thanh làm Tổng thư ký. Ngày 29-7-1938 Thống sứ Bắc Kỳ buộc phải ký giấy công nhận hoạt động hợp pháp của Hội. Ngày 9-9-1938 Hội khai giảng khoá học đầu tiên tại trụ sỏ Hội Trí Tri ở 47 Hàng Quạt, Hà Nội, đồng thời là trụ sở của Hội Truyền bá Quốc ngữ[25].

Tính đến năm 1945, Hội đã hoạt động được 7 năm dạy Quốc ngữ cho 80.000 người.

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 8-9- 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân Học vụ, chống nạn mù chữ Quốc ngữ[26].

Bây giờ mới đúng là thời kỳ chữ Quốc ngữ lên ngôi thật sự ! Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người lãnh đạo cả nước, chính thức công bố sắc lệnh nói trên. Từ đó đến nay, mới qua gần 60 năm, nhưng phải nói là chữ Quốc ngữ đã trở thành công cụ phát triển toàn bộ xã hội ta, từ văn chương, triết học, giáo dục, tôn giáo đến kinh tế, xã hội, cùng mọi ngành mọi lãnh vực khác trong xã hội, kể cả việc dành lại độc lập cho Tổ quốc. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức cả nước, và chữ Quốc ngữ cũng là văn tự chính thức.

Nói chung thì chữ Quốc ngữ mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho nước ta nhiều hơn, nhanh hơn, phổ cập hơn Hán – Nôm. Vì vậy, tác giả Lê Nguyên Lượng, trong bài báo nhan đề Alexandre de Rhodes trong bóng tối lãng quên, sau khi nhắc tới tiểu sử Đắc Lộ, đã viết:

“Quốc ngữ là tiếng ghi âm, cho nên học hơn 6 tháng là người ta có thể đọc, đánh vần, còn như học chữ Nôm thì học chữ nào biết chữ nấy (cũng tương tự như học chữ Hán) mà lại mau quên nữa. Giá không có chữ quốc ngữ, ngành giáo dục của chúng ta sẽ vất vả biết chừng nào và người học sẽ khổ tâm biết chừng nào với chữ Nôm khó khăn trước đây. Mặt khác, người biết quốc ngữ có thể học tập các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức V.V.. dễ dàng hơn Việc Latinh hóa chữ Nôm để có tiếng quốc ngữ ngày nay chính là điều kỳ diệu nhất, nổi bật nhất trong nhóm các ngôn ngữ Á châu, là một thành công mà Nhật và Trung Quốc phải ghen tị Người Việt ta đã hoan nghênh tiếp nhận quốc ngữ, và hoàn thiện nó, mà không đánh mất bản sắc dân tộc, nghĩa là trong quá trình giao lưu văn hóa, ta biết tiếp thu một cách sáng tạo chứ không để bị đồng hóa. Dù giáo sĩ Đắc Lộ xuất phát từ động cơ nào, chúng ta cần phải có công tâm nhìn nhận rằng cái công trình Latinh hóa mà ông đóng góp nhiều tâm huyết ấy quả là một báu vật khiến ta phải trân trọng và biết ơn”[27].

Khi người ta hỏi Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ học, về việc dạy chữ Hán như một môn phụ tự cho việc học văn ở nhà trường có cần thiết không thì ông trả lời:

“Nhưng tôi luôn nghĩ người Việt mình lẽ ra nên dùng chữ Hán mới đúng, chúng ta dùng chữ quốc ngữ chỉ có lợi là học nhanh nhưng thực sự là rất có hại vì đã tự bứt lìa với nền văn hóa cổ của mình. Người nước ngoài đến du lịch ở Việt Nam nói đa số dân VN là mù chữ, vì hướng dẫn viên du lịch không ai đọc được câu chữ Hán nào trong các di tích văn hóa ở đình chùa mà chỉ đọc thuộc lòng. Do vậy, việc khôi phục chữ Hán trong trường phổ thông là tối cần thiết, nếu không muốn mình bị bứt ra khỏi gốc rễ văn hóa cha ông”[28].

Nhận định của Giáo sư Mai Quốc Liên về chữ Quốc ngữ cũng tương tự như Giáo sư Cao Xuân Hạo, khi ông viết bài báo nhan đề Gặp gỡ Giáo sư Nhật Furuta Motoo:

“Sinh viên Nhật cũng hỏi: “Việt Nam Latinh hóa, không học chữ Hán, và nói rằng chữ quốc ngữ là một thứ chữ tuyệt diệu để học tiếng Việt, liệu như thế có đúng không?”. Câu hỏi đó của sinh viên Nhật chạm vào đúng điều đang suy nghĩ của tôi bấy lâu nay. Tiếng Việt La-tinh hóa, ghi âm i không dùng Hán – Nôm là rất tốt, là xu thế lịch sử. Nhưng cho rằng nó là “tuyệt” thì phải coi lại, vì bên cạnh mặt lợi (lợi nhiều) cũng có mặt bất lợi. Bỏ không học chữ Hán, dù chỉ chừng không tới vài ngàn từ như Nhật, có cái bất lợi là cắt đứt với văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam truyền thống mấy ngàn năm. Mà đó là một nền văn minh lớn, một nền văn hóa mang chủ nghĩa nhân văn vĩ đại. Hèn chi ông Léon Valdermeerch trong cuốn “Những nước Hán hóa mới” [Le nouveau monde sinisé, 1986] đã nhận xét rằng người Pháp đã rất thành công khi tạo ra một lớp trí thức Tây học “bật gốc khỏi môi trường dân tộc”, cắt đứt với truyền thống. Và nếu như ở đầu thế kỷ, có người cho chữ Hán là “chữ thảm chữ hại, chắn ngang đường văn minh”, thì ngày nay, ở cuối thế kỷ với sự phát triển của Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, người ta đã thấy chữ Hán với sự trong sáng về ngữ nghĩa là rất thích hợp với thời đại hiện đại hóa, thời đại điện toán. Tóm lại, để duy trì sự nối kết với ồng bà tổ tiên, với văn minh phương Đông cũ và mới thì nhà trường Việt Nam nên tính lại chuyện dạy chữ Hán – như là môn học tiếng Việt – trong nhà trường. Và đó mới là nội dung chính của việc dạy và học Hán Nôm trong nhà trường hiện nay[29].

Kiểm tra tương tự

Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

  Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa …

Dòng Tên Việt Nam có thêm 4 Tu Sĩ Tuyên Khấn Trọng Thể

  Vào ngày 05 tháng 12 năm 2024, tại Nhà nguyện Học viện thánh Giuse, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *