SÁM HỐI CỘNG ĐỒNG MÙA CHAY 2015
Chủ đề: Xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn cầu nguyện, hiệp thông và truyền giáo
Mùa Chay là mùa đặc biệt và quan trọng, nhằm chuẩn bị cử hành lễ Vượt Qua. Phụng vụ Mùa Chay giúp các tín hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua qua việc tưởng niệm Bí tích Thánh Tẩy và việc sám hối.
Mùa Chay 2015 đã bước vào những tuần cuối, sau những tuần đầu chú trọng đến việc suy niệm về thân phận con người mỏng dòn – yếu đuối, mà thống hối, ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, và ăn năn sửa lỗi. Để mọi tín hữu trong giáo xứ được sống tâm tình mùa Chay cách sốt sắng, cũng như chuẩn bị thiêng liêng để mừng Chúa Phục Sinh, Cha xứ Giuse – mặc dù bận rộn với việc giảng linh thao cho các thầy Đại Chủng Viện – vẫn quan tâm, lo lắng, chăm sóc và sắp xếp cho cộng đoàn giáo xứ 2 buổi sám hối – 1 buổi dành cho cộng đoàn giáo xứ, và một buổi dành riêng cho thiếu nhi. Chiều 18/03, được sự ủy thác của Cha xứ Giuse – Cha Phêrô Trần Văn Hội – Phó Giám Đốc Đại Chủng Viện hướng dẫn cộng đoàn Giáo xứ Tạo Tác cử hành sám hối cộng đồng để chuẩn bị tâm hồn cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Đáp lại lời mời gọi của Cha xứ, khá đông bà con giáo dân đã tích cực thu xếp công việc để đến sớm – nhờ đó, buổi sám hối có được bầu khí trang nghiêm, sốt sắng.
Sám hối cộng đồng không đơn giản là dịp thuận lợi để đi xưng tội cho tâm hồn được nhẹ nhàng. Hòa mình vào nhịp sống chung của toàn thể Hội thánh trong năm Tân phúc âm hóa đời sống cộng đoàn và giáo xứ, buổi thống hối cộng đồng mùa Chay 2015 là cơ hội tốt để mỗi người nhìn lại con người và đời sống đức tin của mình, đặc biệt dưới chiều kích cộng đoàn, nghĩa là với tư cách là thành viên của Giáo Hội, của cộng đoàn Giáo xứ, một cộng đoàn được Chúa Giê su trao trách nhiệm làm lan tỏa Niềm vui của Tin mừng trong môi trường sống của chúng ta. Cha Phêrô chọn sách Công vụ đoạn 2,42-47 để hướng dẫn cộng đoàn hồi tâm theo định hướng: xây dựng Giáo xứ thành cộng đoàn cầu nguyện, hiệp thông và truyền giáo.
Trong tâm tình của Mùa Chay, với lòng yêu mến và sự gần gũi với giáo xứ Tạo Tác nhiều năm –bằng một loạt những câu hỏi ngắn, Cha Phêrô đã gợi ý cho cộng đoàn suy nghĩ về những vấn đề rất cụ thể, gần gũi, trong tầm tay – tưởng như rất đơn giản, dễ thấy, dễ cảm nhận, dễ thực hiện mà rồi vì lý do nào đó – những chuyện đơn giản ấy vẫn là những thiếu sót của mỗi người trong tương quan với Chúa, với gia đình, và với giáo xứ.
1. Trong tương quan cá nhân với Chúa.
Mùa Chay mời gọi chúng ta thống hối trở về với Chúa. Về với Chúa thực tế cũng là trở về với chính mình, với con người và cuộc sống của mỗi người như lòng Chúa mong muốn. Trong bối cảnh gần gũi trong một Giáo xứ, nếu như cha xứ phải thường xuyên tự vấn xem mình có là mục tử như lòng Chúa mong ước chưa, thì mỗi người giáo dân cũng phải thường xuyên tự hỏi : tôi đã là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con hay người cháu như lòng Chúa mong ước chưa.
Một cách cụ thể:
1. Khi nhìn vào con người và đời sống của tôi, Chúa Giêsu có thể mỉm cười hài lòng chưa? Cuộc sống và sự hiện diện của tôi trong gia đình cũng như giáo xứ mang lại bình an và nụ cười, hay đem lại âu lo và tiếng thở dài ? Có điều gì đáng hối tiếc mà tôi đã gây ra cho người thân và cho Giáo xứ của tôi? Đâu là điều lẽ ra tôi phải làm cho bản thân, gia đình và giáo xứ mà tôi đã không làm?
2.Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi chúng ta chống lại nạn dửng dưng đã trở thành căn bệnh có tính toàn cầu. Tôi dửng dưng với nỗi âu lo, buồn phiều, hay đau khổ của người thân trong gia đình tôi không? Và để cho người thân của mình phải cô đơn trong chính gia đình là một lỗi nặng hơn là chúng ta nghĩ.
3.Trong tư cách là cha là mẹ, tôi đã làm gì để vun trồng bầu khí cầu nguyện trong gia đình và thông truyền đức tin cho con cái?
2. Với tư cách là giáo dân của giáo xứ
Lời Chúa trong sách Tông Đồ Công vụ trình bày một khuôn mẫu, một tiêu chuẩn để chúng ta dựa vào mà lượng định đời sống đức tin của chúng ta trong tư cách là một cộng đoàn đức tin: ‘chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. Đó cũng là cộng đoàn luôn hiệp nhất với nhau và biết chia sẻ, một cộng đoàn được toàn dân thương mến và biết làm mỗi ngày có thêm những người được cứu độ, nghĩa là có thêm nhiều người tin vào Chúa. Đó chính Nhờ ơn Chúa, Tạo tác là một trong những giáo xứ mà việc học hỏi giáo lý và học hỏi Lời Chúa được các mục tử đặc biệt chú trọng trong mấy chục năm qua. Đó là một ơn mà không phải giáo xứ nào cũng được lãnh nhận. Vậy tôi, gia đình tôi đón nhận điều đó thế nào? Có bao giờ tôi cảm tạ Chúa về điều đó hay tỏ ra thờ ơ, miễn cưỡng, phàn nàn như phải mang thêm gánh nặng phụ trội?
- Cộng đoàn đầu tiên rất siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện. Vậy, tôi đã góp phần thế nào vào việc xây dựng bầu khí cầu nguyện trong giáo xứ? Tôi đến nhà thờ với thái độ nào: nhiệt tình và cố gắng tham gia vào việc đọc kinh, hát lễ hay uể oải tìm một góc xa xa nào đó và mong cho chóng qua? Tôi có lưu tâm đến việc lắng nghe Lời Chúa và lời giảng giải hay chỉ biết kêu các cha giảng dài, dai và dở nhưng lại không biết tra vấn thái độ lắng nghe của chính mình.
- Tôi đã làm gì để góp phần vào việc xây dựng sự hiệp nhất trong giáo xứ? Lời tôi nói đem đến sự bình an và hòa thuận hay gây ra bất hòa và nghi kỵ? Tôi quảng đại góp công góp sức hay làm ít nói nhiều, có khi còn tệ hơn : không làm mà chỉ nói khiến cho những người đang làm chán nản và nhụt chí?
- Tôi và gia đình tôi đóng góp và chia sẻ thế nào cho sứ vụ loan báo Chúa Giê su: về sự hiện diện, về thời gian, lời cầu nguyện và nếu được, cả của cải vật chất nữa?
- Tôi có biết thăm hỏi, nâng đỡ hay thờ ơ dửng dưng trước những vui buồn của anh chị em trong cùng giáo xứ?
- Trong Tông Huấn niềm vui của Tin mừng, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi tất cả chúng ta phải có tinh thần truyền giáo, phải đến với mọi người, phải chịu trách nhiệm về phần rỗi của những người chưa biết Chúa đang sống trong phạm vi giáo xứ chúng ta. Tôi và gia đình tôi có bao giờ thăm hỏi những người chưa biết Chúa sống xung quanh? Có bao giờ cầu nguyện cho họ? Thực tế thì có được bao nhiêu người chưa biết Chúa có thể coi tôi là bạn? Liệu những người chưa biết Chúa có cảm thấy may mắn vì có gia đình tôi là hàng xóm hay bạn bè của họ không? Gia đình tôi có đấm ấm và hạnh phúc và làm cho những người chưa biết Chúa thấy rằng : gia đình có đạo có hơn không?
Sau đó, những phút giây thinh lặng suy nghĩ và xét mình đã giúp từng người trong cộng đoàn giáo xứ nhận ra lời mời gọi rất cụ thể, gần gũi mà Chúa gởi đến. Canh tân ắt hẳn không phải là việc làm một sớm một chiều, và cũng không phải là một phong trào “theo xu hướng đám đông”, nhưng đó là một bước “lên đường” cụ thể mà lòng tôi thôi thúc: tôi phải lên đường trở về nhà Cha, chứ không thể khác được.
Tiếp nối buổi sám hối cộng đồng của người lớn, chiều 19/03/2015 – Thầy xứ Giuse Nguyễn Ngọc Khang hướng dẫn thiếu nhi sám hối và xét mình trên câu chuyện Cain và Aben, đặc biệt hướng các em chú ý tới lòng thương xót của Chúa dành cho Cain. Sau đó, Cha Tôma Aquinô Tạ Trung Hải và Cha Cường (Dòng Đồng Công) giúp các em lãnh nhận bí tích hòa giải, chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Chúa Phục Sinh.
Tạ ơn Chúa vì “cơ hội thuận tiện” Chúa ban. Chúa đã dùng Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh mà soi sáng và khơi lên trong lòng mỗi người chúng con ước muốn đổi mới tâm hồn và đời sống. Trong thinh lặng và cầu nguyện, dưới ơn Chúa Thánh Thần soi sáng vào tận ngóc ngách tâm hồn, mỗi người chúng con nhận ra những lỗi lầm thiếu sót, đôi khi không phải là lớn, mà đơn giản chỉ vì sự thụ động, thiếu tích cực, mỗi thứ một ít, nên mỗi ngày chúng con lại xa Chúa hơn.
Xin cho mỗi người chúng con – khi nhận ra thiếu sót của mình, biết thành tâm nhận lỗi. Xin Chúa tha thứ lỗi lầm và thương ban ơn Thánh thần giúp chúng con hoán cải ngay từ hôm nay,và kiên trì bền bỉ canh tân đời sống để mỗi ngày một nên hoàn thiện hơn như lòng Chúa Cha mong ước.
BTT GX Tạo Tác
Mùa Chay 2015