GX. Thiên Thần: Sống Tinh Thần Lòng Thương Xót Của Chúa

Để chuẩn bị tinh thần sống năm thánh Lòng Thương Xót, đặc biệt, là để giúp mỗi người trong giáo xứ Thiên Thần cảm nghiệm rõ nét hơn về tình thương mà thiên Chúa trao ban cho mỗi người qua biến cố Thiên Chúa nhập thể. Giáo xứ đã có những ngày tĩnh tâm do cha Giuse Hoàng Văn Quảng, dòng Tên, giảng phòng. Sau đây là một vài điểm ghi chép chính yếu xin gửi đến người đọc hầu giúp người đọc có thể cảm nghiệm phần nào về tình thương của Thiên Chúa luôn giành sẵn cho tất cả những người con cái của Chúa. Tài liệu được cha giảng phòng chủ yếu sử dụng là Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót; Tin Mừng Lc 15,1-32.

 

Chủ đề: Sống Tinh Thần Lòng Thương Xót Của Chúa

 

Phần thứ I: ý niệm Lòng Thương xót

Lòng thương xót là xà nhà của Giáo Hội. Đức thánh cha (ĐTC) viết: lòng thương xót là “Con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta”. Hơn nữa, lòng thương xót của Thiên Chúa là “vĩnh cửu”, vì “đời đời con người sẽ luôn ở dưới cái nhìn thương xót của Chúa Cha”. Do đó, nơi “Con người Chúa Giêsu không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban nhưng không”.

Chúng ta là con cái Chúa, nên “Tất cả chúng ta đều được kêu gọi sống lòng thương xót vì lòng thương xót đã được áp dụng cho chúng ta trước tiên”. Vì thế, “tha thứ những xúc phạm người ta làm cho chúng ta chính là một mệnh lệnh mà các tín hữu Kitô không thể tránh né hoặc bỏ qua”. Tha thứ dường như là điều khó khăn, nhưng “tha thứ chính là phương tiện đặt trong những bàn tay mong manh của con người để đạt tới sự thanh thản trong tâm hồn”, “để sống hạnh phúc”. ĐTC nhấn mạnh: “Sự cấp thiết phải loan báo và làm chứng về lòng thương xót trong thế giới ngày nay” với một “lòng hăng say mới mẻ và bằng một hoạt động mục vụ được đổi mới”. Vì, đó là “điều có tính chất quyết định đối với Giáo Hội và đối với uy tín việc loan báo của Giáo Hội”. “Nơi nào Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải trở thành điều hiển nhiên tỏ tường và nơi nào có các tín hữu Kitô, thì bất kỳ ai cũng có thể tìm được một ốc đảo từ bi thương xót”.

Phần thứ II: Sống năm thánh lòng thương xót

Làm thế nào để sống Năm Thánh một cách tốt đẹp nhất. Ngài đưa ra một số chỉ dẫn thực hành cụ thể như: Đi hành hương, vì hành hương là “dấu chỉ nói lên sự kiện cả lòng thương xót cũng là một mục tiêu cần đạt tới, nó đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh”; hay cách khác là đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy tha thứ và cho đi, xa tránh tật xấu, không nói hành nói xấu người khác, tránh những lời nói vì ghen tương, phân bì, và hãy đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người, trở thành khí cụ tha thứ; ngoài ra có thể là cởi mở tâm hồn đối với những môi trường bên lề cuộc sống, mang lại an ủi, cảm thương, liên đới và quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ trong thế giới ngày nay”, “quan tâm đến những anh chị em bị tước đoạt phẩm giá”; v.v…

Phần thứ III: Một yếu tố đặc biệt của Năm Thánh là ân xá

Ân xá chứng tỏ rằng “sự tha thứ của Thiên Chúa đối với các tội lỗi của chúng ta không có giới hạn”. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, và Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ trong những cách thế liên tục mới mẻ và đáng ngạc nhiên. Thực vậy, trong bí tích Hòa Giải, tội lỗi bị xóa bỏ nhờ ơn tha thứ của Thiên Chúa, với ân xá, tội nhân được giải thoát khỏi “dấu vết tiêu cực”, khỏi mọi tàn tích do hậu quả của tội, tàn tích còn lại nơi đường lối cư xử và tư tưởng của chúng ta. Theo nghĩa đó, người được ân xá, thì có khả năng hành động trong tình bác ái, tăng trưởng trong tình thương, thay vì tái sa ngã phạm tội. Do đó, trong suốt Năm Toàn Xá, mọi tín hữu chuẩn bị xứng đáng đều có thể hưởng tràn trề ân xá.

Tóm lại, trong Năm Thánh này, chúng ta hãy để Thiên Chúa làm ngạc nhiên chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta và muốn chia sẻ tình yêu của Ngài với chúng ta. Giáo Hội được mời gọi trên tất cả mọi sự để trở thành một chứng nhân khả tín cho lòng thương xót, tuyên xưng và sống lòng thương xót ấy như là cốt lõi của mặc khải từ Chúa Giêsu Kitô. Từ trái tim của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ những chiều sâu thẳm của mầu nhiệm Thiên Chúa, con sông của lòng thương xót dâng cao và tràn ra không ngừng. Đó là một con suối sẽ không bao giờ khô cạn, bất kể có bao nhiêu người đến kín múc. Mỗi khi có người nào cần đến, thì người ấy có thể đến với con suối ấy, vì lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ không bao giờ ngừng. Sự sâu xa của mầu nhiệm chung quanh lòng thương xót ấy cũng bất tận như sự phong phú nảy sinh ra từ lòng thương xót này.

Phần thứ IV: Lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong tương quan giữa người cha nhân hậu với người con cả

Lòng thương xót của người cha nhân hậu được thể hiện nơi sự hạ mình xuống để năm nỉ người con cả vào trong nhà của ông và cũng là nhà của người con cả. Ông rất cảm thông với cách hành xử và nỗi bất bình của người con cả. nhưng điều làm ông buồn và đau khổ người con cả sống gần ông nhưng lòng thì lại xa ông. Ông trở thành người cha cô đơn, cô độc. Tuy nhiên, ông là người cha đầy tình thương, cho nên đã sẵn sang hạ mình xuống để năm nỉ người con cả vào trong nhà. Hình ảnh người cha ấy chính là Thiên Chúa của chúng ta. Người không chỉ yêu thương chúng ta, nhưng còn xót xa và đau khổ vì chúng ta nữa. Thiên Chúa rất gần chúng ta, Người tác tạo nên chúng ta, do vậy, Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta. Vì là Cha chúng ta, nên tất cả mọi sự Thiên Chúa đều ban cho chúng ta. Ban cho tôi thân xác này, ban cho tôi tài năng với những khả năng về tinh thần, với những điều kiện về vật chất.

Còn về phần mỗi người chúng ta, có bao giờ chúng ta ngồi cầu nguyện để xem tất cả những gì chúng ta có là bởi đâu? Chúng ta sử dụng như thế nào? Có khi nào chúng ta sử dụng mà quên đi Người Ban Cho như người con cả trong bài Tin Mừng Người Cha Nhân hậu không? Biết đâu, cũng có khi chúng ta cũng giống hình ảnh của người con cả, Thiên Chúa cũng phải hạ mình, năm nỉ chúng ta thuộc trọn về Ngài. Hoặc, đôi khi chúng ta cũng đi nhà thờ, cầu nguện, làm việc bác ái, nhưng lòng chúng ta có gần Chúa không? Biết bao nhiêu lần chúng ta rước Chúa vào mình nhưng lòng chúng ta vẫn cảm thấy Chúa không gần mình. Hoặc nữa, chúng ta giữ lề luật của Chúa vì sợ. Tôi giống như người thợ làm công chứ không phải người con của Chúa. Tôi coi anh em là đầy tớ chứ không phải là bạn hữu của mình? Chính lúc ấy, Thiên Chúa lại phải hạ mình xuống năn nỉ chúng ta.

Một điểm nữa mỗi người có thể nhận ra nơi người con cả trong câu chuyện người cha nhân hậu là: anh ta coi thường, khinh bỉ và mỉa mai em mình. Song, có một mẫu người anh cả khác đó là người anh cả Giê-su của chúng ta. Người là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc, Người yêu đến từng người em cho nên Người nhập thể làm người để giống chúng ta mọi đàng người trừ tội lỗi. Người đã cất bước lên đường để đi tìm và đưa về những người em đi hoang. Người anh cả Giê-su nói với những người em đi hoang rằng: hãy về đi, về với Cha của em đi, Cha của em đang đau khổ chờ em. Anh sẽ thay em để làm công việc chăn heo thay cho em. Anh sẽ làm giá chuộc để cứu em. Còn mỗi người chúng ta, chúng ta có cảm được điều đó không? Chúng ta có cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu tôi không? Thiên Chúa đã đến ở với chúng ta để mong chúng ta có thể quay về, chạm được vào tình thương của Thiên Chúa.

Hơn nữa, ngày nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy lên đường để đưa về cho Chúa những người anh em đang “đi hoang”. Nhưng để có thể lên đường, trước tiên, cần phải có hành trang là phải cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa; sau là, làm chứng bằng cuộc sống của mình về tình thương của Thiên Chúa cho người khác. Một cách cụ thể để sống tinh thần lên đường là thể hiện tình yêu của Thiên Chúa nơi môi trường gia đình. Nếu chúng ta làm được điều đó là chúng ta đã sống sứ mạng lên đường. Chúng ta cảm nhận được Chúa yêu tôi, yêu từng người trong gia đình tôi, Chúa đang làm việc và dìu dắt tôi trong cuộc sống, Chúa luôn nhìn tôi trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, Chúa đang chăm sóc gia đình tôi, … là chúng ta đang thực hiện sứ mạng. Sứ mạng của gia đình là sống yêu thương, gia đình được mời gọi nên thánh.

Bản tin Giáo xứ Thiên Thần.

Kiểm tra tương tự

Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thiên Thần Mừng Bổn Mạng

Hòa chung với Giáo Hội toàn cầu, đặc biệt với Giáo Hội Việt Nam,  Hội …

Các tân linh mục Dòng Tên Việt Nam về dâng lễ tạ ơn tại giáo xứ Thiên Thần

Sau một ngày được phong chức linh mục, các tân linh mục của Dòng Tên …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *