Hãy thắp lên trong tim một ngọn lửa

Đã mấy mùa thu trôi qua, nhưng những hình ảnh về ngày đầu tiên sắp xếp hành lý xa nhà vẫn luôn in đậm mãi trong tâm trí tôi. Mỗi lần nhớ giây phút xe bắt đầu chạy, cả bố cả mẹ đều ngóng theo mà bỗng thấy khóe mắt cay cay. Ngày ấy, tôi là cô bé nhút nhát được bố mẹ bao bọc, che chở, yêu thương rất nhiều. Xa nhà, xa bố mẹ, xa tất cả những thứ mà trước đây nhiều lúc cứ ngỡ là tự dưng chúng có, tự dưng chúng được trao cho tôi như vậy. Bắt đầu bước vào cuộc sống mới với nhiều thứ phải lo phải nghĩ, cụm từ “Sinh Viên Công Giáo” cũng bắt đầu hình thành từ đó.

Tôi  bén duyên với nhóm Sinh Viên Công Giáo Hải Hà từ những ngày đầu chập chững lên Hà Nội, ngay từ lần đầu tiên được quây quần bên những người tôi không quen, những gương mặt tôi không biết. Nhưng dần tôi nhận ra ở nơi đây, tất cả anh chị em đều thương yêu nhau, cùng nhau giữ gìn và phát triển đức tin. Cảm nhận ban đầu này giúp tôi xua tan sự ngăn cách, sự ngỡ ngàng, sự nhút nhát của cô tân sinh viên.

Cuộc sống xa nhà với tôi không chỉ đơn thuần là cuộc sống sinh viên mà đó còn là cuộc sống của một người “sinh viên Công Giáo”. Vâng, tôi là sinh viên Công Giáo, mang trong mình bổn phận của một người sinh viên, nhưng cũng đồng thời là một người Công Giáo. Với tôi mỗi ngày trôi qua không phải là đường thẳng nối liền hai điểm trường học và nhà trọ, mà bên cạnh tôi luôn có Chúa, có anh chị em đồng hành. Niềm tin có Chúa và có anh chị em trong cuộc đời giúp tôi ý thức được những điều cần tránh và những điều phải làm.

Chúa mang tôi đến với Hải Hà, đặt tôi giữa tình thương của Ngài, trao cho tôi ngọn lửa của lòng yêu mến và cho tôi biết cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của những người xung quanh qua các chuyến đi. Chúa thúc bách tôi đi và đến nhiều nơi, thăm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết “Có những vùng đất ta không ở nhưng chỉ ghé qua thôi, đi qua thôi nhưng đã đi vào hồn người khiến họ không bao giờ quên được. Cũng thế có những người tuy chỉ gặp họ một lần nhưng khiến ta nhớ mãi”.  Đó là những vùng đất mà tôi  đã đến, những người tôi đã gặp trong những chuyến đi khác nhau.  Tôi đến thăm các bệnh nhân tại Trại Phong Chí Linh- Hải Dương trong chuyến đi Tĩnh tâm mùa chay 2013 cùng anh chị em Nhóm SVCG Hải Hà, đến thăm những cô bé, cậu bé ở cô nhi viện thánh An Bùi Chu – Nam Định…

Đặt chân đến trại phong Chí Linh , lần đầu tiên tôi nhìn thấy những bàn tay, bàn chân bị bệnh tật ăn cụt, có người phải dùng chân giả hay phải lết đi hàng ngày trên những tấm gỗ …  Những số phận đã chịu nhiều đau đớn, tủi khổ vì bị cách ly ra khỏi gia đình, xã hội trong suốt cả đời người. Đến với cô nhi viện thánh An, tôi được thấy những mảnh đời éo le: những em nhỏ bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng do lầm lỡ của cha mẹ, hay những người, vì nhiễm chất độc màu da cam mà bị mọi người xa lánh, và cả những cụ già neo đơn không nơi nương tựa.  Ngắm nhìn các em bé, tôi thấy những đôi mắt to tròn, đen láy hồn nhiên tinh nghịch như bao đứa trẻ khác, thế mà ẩn sâu nơi ánh nhìn của từng em là sự thiếu thốn thương gia đình. Lạ lùng  quá, trong tình thương của Chúa, họ vẫn sống vẫn tồn tại, yêu thương nhau cùng nhau chia sẻ từng nụ cười.

Tôi đã từng ích kỉ, sống buồn bã và cô đơn, mọi thứ xung quanh coi là điều hiển nhiên tự có: Một gia đình hạnh phúc, một thân thể khỏe mạnh, một cuộc sống đầy đủ. Nhưng Chúa là ánh sáng, là ngọn đèn lớn chiếu soi cho tôi biết xung quanh tôi còn biết bao nhiêu người đang gắng sức từng giây, từng phút đấu tranh với bệnh tật, chiến tranh, thiên tai, nghèo đói …

Qua mỗi chuyến đi, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi tôi có một cơ thể lành lặn, vẫn sống khỏe mạnh và học tập, có một gia đình trọn vẹn, sống trong tình thương của bố của mẹ. Còn các bệnh nhân ở trại Phong, họ đang phải gánh chịu nỗi đau về thể xác hàng ngày. Căn bệnh quái ác ăn mòn từng chi trên cơ thể của họ. Những đứa trẻ ở Cô Nhi Viện phải sống trong cảnh thiếu thốn tình thương.  Nhưng có lẽ nỗi đau lớn nhất mà họ phải gánh chịu chính là nỗi đau về tâm hồn. Sự cô đơn, sự mặc cảm , ăn mòn nét vui tươi và niềm hi vọng vào cuộc sống của họ. Những ánh mắt xa xăm, những giọt lệ lặng lẽ chảy trên gò má như muốn nói nên một niềm khao khát của các cụ, các em là được sống yêu thương, được sống với gia đình, được chính những người thân yêu chăm sóc như bao người bình thường khác.

Chúa thúc bách tôi lên đường đến với những số phận khó khăn nhưng luôn nghị lực vươn lên trong mọi  hoàn cảnh. Những chuyến đi ấy biến đổi tôi từ cô bé nhút nhát, ích kỉ thành người biết đồng cảm, quan tâm và yêu thương những người xung quanh mình. Và tôi biết Chúa không phải chỉ giành ân huệ này cho riêng mình tôi, mà còn cho mọi người, nhất là những người chưa biết Chúa. Chúa muốn tôi, muốn những bạn sinh viên, những bạn trẻ như tôi mang Chúa đến với họ, hiện diện bên họ.

“Truyền giáo” nghe có vẻ lớn lao, những tưởng đây chỉ là việc của Linh Mục, của các soeur, các thầy. Nhưng tôi nghĩ truyền giáo là công việc của tất cả mọi người. Đặc biệt, với sinh viên chúng ta là những người được Chúa ban cho một trái tim biết đồng cảm biết yêu thương, một bộ óc có có kiến thức và một đức tin, bạn và tôi sẽ lên đường thực thi sứ mạng truyền giáo Chúa trao qua những hành động thường ngày: học thật tốt, vui vẻ chan hòa yêu thương với  những người xung quanh một cách chân thành, hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện bản thân. Đặc biệt hơn, trong lòng mỗi chúng ta luôn có Chúa hiện diện, có Chúa là đích đến trong cuộc đời, bạn và tôi được mời gọi làm cho sự hiện diện của Chúa tỏa sáng, chiếu soi vào những vùng tối của cuộc sống. Chúng ta trở thành ngọn lửa làm bùng lên những ngọn lửa khác, vốn đã tắt ngấm hay chỉ còn cháy  âm ỉ vì lực xô đẩy quá mạnh của phong ba cuộc đời. Làm được như thế, mỗi chúng ta đang làm men tốt, có thể làm dậy men Tin Mừng trong môi trường mình đang sống, cho những bạn bè cùng khu xóm, cùng trường lớp, những người chúng ta gặp gỡ. Như thế, truyền giáo đơn giản chỉ là làm cho một Thiên Chúa hoạt động trong âm thầm, nay được nhận biết qua đời sống gương mẫu và đức tin hành động của từng người chúng ta.

Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp, thế nhưng băng giá lại nằm ngay giữa lòng con người. Xin Chúa ban cho con ngọn lửa yêu mến của Ngài, giúp con bừng sáng lên những sức mạnh tiềm ẩn, để con có thể lên đường mang ngọn lửa tình thương của Chúa chiếu sáng mọi nơi, nhất là những nơi tối tăm, nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, đói khổ.

Cùng với thánh Phao-lô, nhóm Sinh Viên Công Giáo Hải Hà đã thao thức lên đường loan tin vui vì được chính tình yêu Thiên Chúa thúc bách, ngay trong Lễ Truyền Thống của nhóm được tổ chức vào giữa tháng 10.  Lễ truyền thống lần thứ XVII của hội Sinh Viên Công Giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội lại chọn câu “Này con đây, xin hãy sai con” (Is. 6,8) làm hướng sống cho từng sinh viên Công Giáo trong năm học tới. Quả chẳng phải là chuyện tình cờ! Hơn lúc nào hết, Chúa khát khao làm ấm lại những cõi lòng giá băng bằng chính tình yêu nóng bỏng của Người; và Chúa muốn bạn và tôi trở thành những sứ giả của ngọn lửa tình yêu ấy.

Lại một lần nữa con tim tôi được đánh động. Tôi được thúc bách ra đi nhiều hơn nữa, đến với những người chưa biết và đang khao khát Chúa, những mảnh đời bất hạnh, đến những nơi đức tin khô cằn, để nói với họ rằng khát khao thánh thiện của họ sẽ được Thiên Chúa lấp đầy, và ngay cả những bất hạnh của họ cũng được ủ ấp trong tình nồng ấm của Thiên Chúa, Đấng yêu thương họ.

Còn bạn thì sao?

 

Maria Vũ Thị Hậu, SVCG Hải Hà

Bài dự thi “Sinh Viên Truyền Giáo”

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *