HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM C
Lc 4,21-30
- Đức Giêsu nói hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh Ngài vừa đọc ở hội đường Na-da-rét. Khi nào những lời Kinh Thánh trên mới được ứng nghiệm trọn vẹn? Đọc Lc 7,21-22.
- Đâu là phản ứng đầu tiên của dân làng sau khi nghe bài giảng của Đức Giêsu?
- Lời ân sủng là lời gì? Đọc Cv 14,3; 20,32.
- Theo ý bạn, khi dân làng Na-da-rét nói : “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”, họ có ý gì? Họ khinh chê gốc gác của Đức Giêsu, hay họ hãnh diện vì làng mình có một người giỏi giang như thế?
- Đọc Lc 4,23. Câu nói này của Đức Giêsu cho thấy Ngài biết rõ ý muốn của dân làng Na-da-rét? Theo bạn, ý muốn của họ là gì? Đọc Lc 4,15. Đức Giêsu có chấp nhận ý muốn đó không?
- Đọc Lc 4,24. Bạn hiểu câu này như thế nào?
- Đọc Lc 4,25-27. Chuyện ngôn sứ Êlia và bà goá ở Xa-rép-ta, và chuyện ngôn sứ Êlisa và ông Naaman có gì giống nhau? Đọc 1 Vua 17,7-24 và 2 Vua 5,8-14.
- Khi kể hai câu chuyện trên, Đức Giêsu có ý nói gì với dân làng Na-da-rét? Tại sao lúc đầu họ thán phục Đức Giêsu, sau họ lại nổi giận và muốn giết Ngài?
- Đọc Lc 4,28-30. Luca có ý gì khi ngay từ đầu sứ vụ của Đức Giêsu, đã nói đến việc Ngài bị đe dọa tính mạng và thoát được?
CÂU HỎI SUY NIỆM
Việc Đức Giêsu về lại làng Na-da-rét được coi như một thất bại. Theo bạn, đâu là những lý do khiến người dân làng đã không đón nhận Ngài?
PHẦN TRẢ LỜI
- Trước khi về giảng ở hội đường nơi quê nhà Na-da-rét, Đức Giêsu đã đi giảng ở các hội đường khác thuộc vùng Ga-li-lê và đã làm nhiều phép lạ (Lc 4,14-15). Sau này, Ngài vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng cho người nghèo, trừ các tà thần, chữa lành người mù và các bệnh nhân (Lc 7,21-22), và ban ơn tha tội (Lc 5,17-25). Qua các việc làm của mình trong suốt những năm sứ vụ, Đức Giêsu làm ứng nghiệm lời Ngài đọc ở hội đường Na-da-rét, đó là “công bố sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm” và “trả lại tự do cho người bị áp bức”.
- Phản ứng đầu tiên của dân làng Na-da-rét là một phản ứng tích cực. Họ ngỡ ngàng thán phục khi nghe những lời ân sủng từ miệng Ngài nói ra (Lc 4,22).
- “Lời ân sủng” là lời đem lại ân sủng cho người nghe, nếu họ chịu lắng nghe với sự vâng phục khiêm hạ. Thánh Luca còn dùng cụm từ “lời ân sủng” trong Công vụ 14,3; 20,32. Trong Lc 20,32 “lời ân sủng là lời có sức xây dựng và cho được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.” Như thế “lời ân sủng” là lời đem lại ơn cứu độ.
- Khi dân làng Na-da-rét bảo: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” họ không hề có ý coi thường gốc gác của Đức Giêsu. Trái lại họ nhìn nhận Đức Giêsu là người làng của họ, là con của ông Giuse một người trong làng. Họ hãnh diện về Ngài và hy vọng sẽ nhận được đặc ân nào đó từ tương quan gần gũi này.
- Đức Giêsu đoán biết được ý muốn của dân làng Na-da-rét. Chắc họ đã nghe biết những phép lạ Đức Giêsu làm ở hội đường Ca-phác-na-um, nên họ nghĩ làng Na-da-rét còn xứng đáng hơn để được Ngài làm phép lạ, vì đây là quê của Ngài, nơi Ngài sinh trưởng. “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-um, ông cũng hãy làm tại đây…” (Lc 4,23). Câu “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình” cũng phải hiểu theo chiều hướng đó, nghĩa là “Ông Giêsu ơi, ông nên làm những phép lạ chữa bệnh ở quê của ông, trước khi làm cho chỗ khác.” Đức Giêsu đã không chấp nhận dành đặc ân nào cho quê của mình, vì thế Ngài cũng sẽ không được làng Na-da-rét đón nhận (Lc 4,24).
- Luca 4,24 thường được dịch là “không một ngôn sứ nào được đón nhận (dektos) tại quê mình.” Lối dịch này phù hợp với Mc 6,4; Mt 13,57; Ga 4,44. Tuy nhiên cũng có một lối dịch khác: “không một ngôn sứ nào lại dành đặc ân (dektos) cho quê mình.” Trong Lc 4,19 dektos được dùng theo nghĩa sau này. Trong tiếng Hy-lạp, tính từ dektos có thể hiểu theo cả hai nghĩa trên đây.
- Chuyện ngôn sứ Êlia và bà goá ở Xa-rép-ta thuộc vùng Si-đôn (1 Vua 17,7-24), và chuyện ngôn sứ Êlisa và ông tướng Na-a-man của nước Xyria (2 Vua 5,1-14) có những nét giống nhau: Êlia và Êlisa là những ngôn sứ của Ítraen, còn bà góa ở Xa-rép-ta và ông Naaman là dân ngoại. Bà góa được có lương thực đủ dùng trong nạn đói và có con trai được hoàn sinh. Na-a-man được sạch khỏi bệnh phong. Cả hai đều phải vượt qua một thách đố của lòng tin biết vâng phục (1 Vua 17,11-13; 2 Vua 5,9-14).
- Khi kể về những việc hai vị ngôn sứ của Ítraen làm cho dân ngoại, Đức Giêsu muốn cho người làng Na-da-rét thấy hướng đi của sứ vụ tông đồ của Ngài. Ngài không dành ưu tiên cho người cùng quê, cũng không loại trừ dân ngoại. Chính vì thế người làng Na-da-rét vì ghen tương, đã nổi giận và muốn giết Ngài.
- Luca muốn báo trước con đường Đức Giêsu sẽ phải đi sau này. Ngài sẽ bị giết, nhưng Ngài sẽ thắng được cái chết bằng sự phục sinh.