Chuyện kể rằng:
“Những người Eskimo lấy các miếng xương thật sắc đem nhúng vào máu động vật, sau đó họ mang ra ngoài trời cho đóng băng lại.
Họ làm như vậy nhiều lần để lớp băng-máu càng lúc càng dày thêm, đến một thời điểm mà lớp băng bằng máu bên ngoài ấy hoàn toàn che đậy được miếng xương sắc bén bên trong.
Tối đến, họ cắm cán dao bằng xương ấy xuống tuyết. Những con chó sói đánh hơi được mùi của thú rừng từ miếng xương và mon men đến.
Chúng bắt đầu liếm những lớp băng bằng máu đó, càng lúc càng hăng say hơn, với tất cả sự mãn nguyện. Cho đến một lúc, những lớp băng bên ngoài mẩu xương bị tan chảy hết và lưỡi của con chó sói chạm đến phần sắc nhọn nhất của miếng xương. Khi ấy, lưỡi của chúng bị đứt và máu chảy ra, nhưng chúng lại tưởng đó là máu của thú rừng nên càng liếm hăng say hơn.
Càng chảy máu thì nó càng khoái và càng khát, do đó nó lại càng liếm mạnh hơn… Sáng hôm sau, những người Eskimo chỉ việc đi thu lượm xác của những con chó sói nằm chết bên cạnh những lưỡi dao bằng xương đó, vì hết máu.”
Câu chuyện ấy phần nào cũng liên hệ đến xã hội ngày nay. Nhất là trong lúc dịch bệnh đang hoành hành: sinh viên không đến trường; công nhân quanh quẩn trong xóm trọ; nhân viên cũng chẳng có việc làm… Trong khi bao người đang vật lộn trên các bệnh trường; nhiều người khác phải oằn mình để duy trì sự sống, thì cũng có không ít những người – vốn được trời phú bẩm cho bản tính lương thiện trong mình, nhưng không phải lúc nào cũng sống và làm theo sự thiện ấy, chỉ vì một nỗi thường tình: “nhàn cư vi bất thiện”! Quả vậy, không ít những nhân tài, do hoàn cảnh xô đẩy hay vì một lý do nào khác, đã buông mình theo quyến rũ của dục vọng, cờ bạc, rượu chè, ma tuý… Khổ nỗi, khi ở trong tấm chăn tưởng chừng thơm tho ấy, ai cũng nghĩ rằng nó sẽ làm cho mình được ấm áp và hạnh phúc, nhưng mấy ai ngờ rằng chấy rận đã đầy đầu! Giống như kiểu một người tự đi tiểu vào chân vậy: bản thân người ấy thì cảm thấy thật ấm áp và sung sướng, nhưng người khác khi nhìn vào thì chỉ thấy ghê tởm và đáng thương.
Đặc biệt hơn cả là ‘cái chết từ từ’ của những người trên chiếu bạc. Khi họ bị thua đã đành, thậm chí ngay cả khi họ thắng, dù họ cảm thấy vô cùng sung sướng và mãn nguyện, nhưng họ đâu có biết rằng, số tiền họ thắng được, xét cho cùng, cũng chỉ là tiền của chính mình mà thôi. Thế rồi họ phung phí số tiền ấy như thể là chiến lợi phẩm của người thắng cuộc. Cứ như thế, họ hút máu chính mình…rồi chết!
Nhưng tại sao có nhiều người dù rõ biết điều đó mà vẫn không rút chân ra được. Một phần có thể là do họ lười biếng, thích đi đường tắt: không muốn làm việc nhưng vẫn ôm ấp giấc mộng đổi đời; phần khác thiết nghĩ là do chứng nghiện cảm xúc thái cực. Đó là sự đan quyện giữa những thái cực của hy vọng và thất vọng; giữa hồi hộp và căng thẳng; giữa vui mừng và buồn bã…Có thể nói, chính những thái cực cảm xúc ấy làm cho người ta quên đi thực tại và những gian truân của đời thường – là những điều lẽ ra họ phải đối mặt và làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp nhất tuỳ theo hoàn cảnh của mình.
Cuộc sống luôn có những khó khăn của nó. Nhưng những khó khăn ấy nhằm giúp thanh luyện các tâm hồn và ý chí của mỗi người. Ai vượt qua được sẽ tiến gần hơn tới sự trưởng thành và hoàn thiện; ai bị nó nhấn chìm sẽ mãi là những đứa trẻ. Khu rừng nào cũng có lối đi và mọi nút thắt đều có cách gỡ giải. Trong thời buổi khó khăn này, đừng giải quyết theo kiểu: tự hút máu chính mình rồi chết, nhưng hãy tìm cách. Vấn đề là ta có muốn hay không mà thôi. Vì “khi không muốn ta thường tìm lý do, còn khi muốn ta sẽ tìm cách.” Không làm việc không đáng nghỉ ngơi, không chiến đấu không thể chiến thắng. Tất cả chúng ta cùng cố gắng! Khó khăn trong trận mạc càng nhiều thì niềm vui chiến thắng càng oanh liệt!
Hv. Văn Tài, S.J.