Lắng tai nghe

langtaiTí tách mưa rơi nhẹ. Vi vu gió thổi qua. Lọc cọc bà thức giấc. Trời còn tối lắm, chưa sáng mà! Tôi vẫn trùm chăn trong cái lạnh đầu mùa. Sau đó là chuỗi tiếng động dồn dập kéo tới. Vui với người này, ít mong đợi với người kia. Chuông nhà thờ đổ dồn, bà thích thú chuẩn bị đi lễ. Mẹ nhanh nhẹn thức dậy nấu cơm. Bố nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề cho công việc cả ngày. Em bé vẫn ngon giấc với nhịp thở nhẹ đều đều như không có gì xảy ra. Tôi ngồi lim dim trên giường, nằm xuống thì không được phép, mà đứng lên thì chưa sẵn sàng. Cái giây phút ngắn ngủi khởi đầu một ngày được nghe bằng tai chứ không nhìn bằng mắt. Tôi muốn kéo dài thời gian cũng không được, vì mẹ thì gọi nhẹ, bố thì nói lớn, bà thì nhắc đi nhắc lại hoài.

Sau những khoảnh khắc khởi đầu ấy, trong suốt cả ngày, hầu như tôi chỉ nghe mà chẳng còn cảm thấy gì. Mọi việc cứ nối đuôi nhau. Các tiếng động cứ đến rồi đi. Lúc thì nhẹ khi thì mạnh, lúc thì nhạt nhẽo đến ngại ngùng, khi thì vang lên loạn xạ. Có khi êm tai, có lúc chát chúa. Lúc ồn ào quá, tôi cảm thấy như mình lạc lõng. Có khi tĩnh lặng đến lạnh lẽo làm tôi thấy mình cô đơn. Nhưng rồi, cái gì đến, lại cũng đi, chẳng đọng lại tí nào. Ngừng lại một chút, tôi nhận thấy, hình như đôi tai mình hôm nay bị sao sao ấy, hình như có điều gì đó chưa vui trong lòng. Tôi nhận thấy, mình vừa bị cuốn theo những tiếng động bên ngoài, vừa bị đóng kín trong cách nghe của riêng mình. Có lẽ mình có chút gì đó thụ động và ích kỷ. Nói nghe êm tai hơn, là mình nên năng động và cởi mở hơn.

Ừ! Thì mình sẽ năng động và niềm nở! Tiếng ồn giờ không còn là tác nhân làm bực mình nữa, mà trở thành nhạc nền cho những nốt nhạc có chủ ý của chính mình. Cái tĩnh lặng không còn lạnh lẽo mà chính là giây phút mở ra khoảng trời bình yên. Muốn thì nhanh, nói thì dễ, mà làm được một tí là đã thấy mệt.

Nghe đất trời và vạn vật đã khó, nghe con người khó hơn gấp bội. Khi mặt nghiêm, giọng chào chuẩn, thì người ta sẽ nói: bạn này nghiêm túc quá, chẳng thân thiện gì cả. Khi mặt vui tươi, chào nồng nhiệt, thì người ta sẽ nói: bạn này vui mà thiếu lịch sự. Khi tùy cơ ứng biến, thì cũng hên xui, có lúc đúng có lúc bị hớ. Nếu giỏi ăn nói quá thì sẽ gây cảm giác thiếu chân thành. Nếu giản dị quá thì sẽ gây cảm giác thiếu trân trọng. Nếu chỉ nghe mà ít nói thì sẽ gây cảm giác là đang nghe để lấy thông tin. Nếu chỉ nói mà ít nghe thì sẽ gây cảm giác khó chịu. Vừa nói vừa nghe mà không hợp chủ đề thì bị chê là nhạt nhếch. Vừa nghe vừa nói mà thích thú thì bị chê là bạn ấy chỉ nói chuyện với những người “hợp gu” mà thôi.

Nãy giờ nói tới việc chê nhiều quá mà ít nói tới khen. Khi nghe ai đó nói về chính bản thân mình, hầu như ngay lập tức cái tai và cái tâm của mình sẽ nhận xét rằng, đó là khen hoặc chê. Cảm giác ập tới sẽ là thích hoặc không thích. Nhưng lời ấy, âm thanh ấy có nghĩa gì, thì tùy người tùy lúc tùy nơi. Khen có thể là động viên khích lệ, cũng có thể là nịnh bợ, hoặc đơn giản là giao tiếp xã giao. Chê có thể là chân thành xây dựng, cũng có thể là chủ tâm ác ý. Những âm thanh giữa con người cứ thế qua lại, những cảm nhận phức tạp của con tim cứ thế biến chuyển, những xử lý tín hiệu của cái đầu cũng thay đổi liên tục. Thế nhưng, có điều gì đó bền vững hơn ở cái tâm. Trong nội tâm, tôi biết tôi đang nghe âm thanh tiếng nói của bạn tôi hoặc là của người lạ. Có thứ âm thanh không chỉ đụng tới lỗ tai, hay trí khôn, hay cảm xúc, mà đụng tới cái tâm, tôi gọi đó là âm thanh của lắng nghe.

Nghe thì nghe, thế thôi. Còn lắng nghe, lắng nghe có thể làm cho tôi bình an vui vẻ hoặc sốt ruột lo lắng, có khi sợ hãi. Có người đợi chờ cả đời để chỉ nghe được một lời xin lỗi hoặc một lời cảm ơn, hoặc một lời thăm hỏi tử tế, mà không được. Thánh Gioan tông đồ kể câu chuyện về người đau ốm nằm đợi bên hồ nước suốt 38 năm. Suốt 38 năm anh nghe thấy tiếng nước khuấy lên, mà không ai nghe được niềm mong đợi của anh. Vì người nhanh hơn thì xuống trước anh, còn những người lành mạnh xung quanh thì chẳng ai nghe thấy tiếng lòng của anh. Thế mà, khi nhìn anh, Thầy Giêsu lắng nghe được khát vọng của anh. Thầy hỏi thăm anh và nói lời chữa lành anh.

Người ta thường nói: lắng nghe là rất quan trọng. Thầy Giêsu nói mạnh mẽ và rõ ràng hơn nhiều: lắng nghe cần thiết đến mức như thức ăn. Lần kia, Thầy Giêsu chơi đố vui với các môn đệ, Thầy nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Tôi rất thích sự chân thành của các môn đệ. Các ông nói với nhau: Chắc là có ai đó mang thức ăn cho Thầy rồi. Nhưng Thầy có giải đáp khác: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy.” Tôi nghĩ, có lẽ các tông đồ bị treo máy khúc này. Có lần tôi cũng tự hỏi, Chúa nói vậy nghĩa là sao? Chẳng lẽ lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa lại quan trọng đến mức ấy! Khi lớn hơn, tôi dần nhận thấy lời ấy ngày càng thấm và đẫm mồ hôi để thi hành.   

Tứ Quyết SJ
Đến mà xem (2): Lắng tai nghe

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *