Linh mục GASPAR D’AMARAL viết chữ Quốc Ngữ mới

Sau khi nhìn vào cách ghi chữ quốc ngữ mới của linh mục Gaspar d’Amaral năm 1632 và 1637, chúng ta thấy được năm 1637 ông đã ghi giỏi hơn năm 1632. Trong số 16 danh từ Việt Nam ở tài liệu 1637, thì tới một nửa đã viết khá hơn trước đó 5 năm.

Nếu chúng ta so sánh cách ghi chữ quốc ngữ mới của Gaspar d’Amaral và Đắc Lộ, ta thấy ngay từ năm 1632, d’Amaral đã ghi rành hơn Đắc Lộ năm 1636 (chúng tôi đã trình bày tài liệu viết tay của Đắc Lộ năm 1636).

Nếu so sánh thời gian có mặt ở Việt Nam tính đến năm 1632, thì Gaspar d’Amaral mới ở được 28 tháng rưỡi (ở Đàng Ngoài từ tháng 10-1629 đến tháng 5-1630 và từ trung tuần tháng 3-1631 đến hết tháng 12-1632), còn Đắc Lộ đã ở được 57 tháng (ở Đàng Trong từ tháng 12-1624 đến 7-1626, và ở Đàng Ngoài từ tháng 3-1627 đến 5-1630).

Quả thật, Gaspar d’Amaral tuy mới ở Đàng Ngoài 28 tháng rưỡi mà đã viết khá hơn Đắc Lộ nhiều. Hơn nữa, trong bản tường trình 1632, d’Amaral đã chen vào nhiều chữ quốc ngữ mới, mặc dầu vấn đề bị giới hạn, còn bản văn Đắc Lộ viết năm 1636 (Tunchinensis Historiae libri duo) viết dài hơn và chứa đựng nhiều vấn đề xã hội Đàng Ngoài hơn, thế mà lại ít chữ quốc ngữ mới hơn. Do điểm này, có lẽ chúng ta dám đưa ra nhận xét khác là, vào năm 1636, Đắc Lộ chưa ý thức đủ tầm quan trọng chữ quốc ngữ mới bằng Gaspar d’Amaral vào năm 1632. Chúng ta cũng còn dám chắc d’Amaral giỏi hơn Đắc Lộ, nhờ bằng chứng rõ rệt là, Gaspar d’Amaral đã soạn thảo cuốn tự điển Việt-Bồ-La: Diccionário anamita-português-latim [13] trước khi Đắc Lộ soạn tự điển của ông. Trong Lời tựa cuốn tự điển của Đắc Lộ xuất bản năm 1651 tại La Mã, chính tác giả đã viết, rõ là ông dùng những công khó nhọc của linh mục dòng Tên khác, nhất là dùng hai cuốn tự điển của linh mục Gaspar d’Amaral và A.Barbosa để soạn sách đó [14]. Tự điển Bồ-Việt: Diccionário português- anamita của A.Barbosa và tự điển trên đây của d’Amaral có lẽ đã được viết vào khoảng 1635-1640. Cũng nên biết rằng linh mục Antonio Barbosa sinh năm 1594 tại Bồ Đào Nha, gia nhập dòng Tên ngày 13-3-1624. Cuối tháng 4-1636, ông đến truyền giáo ở Đàng Ngoài, nhưng vì thiếu sức khoẻ, nên phải trở về Áo Môn vào tháng 5-1642, rồi qua đời năm 1647 trên đường từ Áo Môn về Goa để dưỡng bệnh. [15]

Có lẽ hai cuốn tự điển của d’Amaral và Barbosa bị mất trong dịp Văn khố dòng Tên tỉnh Nhật được chuyển từ Áo Môn về Manila khoảng năm 1759-1760, vì từ ngày 15-5-1758 chính phủ Bồ Đào Nha đàn áp dòng Tên, nên các linh mục dòng Tên tưởng rằng chuyển Văn khố trên đi Manila sẽ chắc chắn hơn. Nhưng rồi, chính phủ Tây Ban Nha cũng đàn áp dòng Tên kể từ ngày 2-4-1767, nên Văn khố đó ở Manila đã bị chính quyền Tây Ban Nha tịch thu và đem về Madrid vào khoảng năm 1770 [16]. Như vậy có thể là hai cuốn tự điển quý giá này đã bị thất lạc do các cuộc di chuyển trên; cũng có thể là chúng còn năm ở một nơi nào mà người ta chưa thấy. Chúng tôi đã tìm ở Áo Môn, Madrid, Lisbõa, La Mã, Ba Lê nhưng chưa thấy.

Những tài liệu của Đắc Lộ và Gaspar d’Amaral từ năm 1625-1644 mà chúng tôi đã trình bày với bạn đọc, chỉ có những chữ quốc ngữ mới rời rạc, chứ chưa có một bản văn chữ quốc ngữ mới (không kể cuốn Phép giảng tám ngày của Đắc Lộ được xuất bản tại La Mã năm 1651). Trên đây là tài liệu của những người Tây phương. Riêng về tài liệu có chữ quốc ngữ mới do người Việt Nam viết, thì hiện nay chúng tôi có ba bản văn hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ mới được viết tay vào năm 1659 do hai thầy giảng Bento Thiện và Igesico Văn Tín soạn thảo. Đó là hai bức thư các ông gửi cho linh mục dòng Tên G.F.de Marini người Ý, và một bản viết về Lịch sử nước Annam. Có lẽ đây là tập lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ mới, hiện lưu trữ tại Văn khố dòng Tên ở La Mã.[17]

Chú thích

[1] Chính linh mục Gaspar d’Amaral khi ký tên, có lúc ông ký là Gaspar d’Amaral, có lúc lại ký là Gaspar do Amaral.

[2] A.F.Cardim et F.Barreto, Relation de ce qui c’est passé depuis quelques années, jusques à l’An 1644 au Japon, à la Cochinchine, au Malabar, en Isle de Ceilan…, Paris 1646, tr.91-92.

[3] Linh mục Sommervoguel lại ghi là G.d’Amaral chết đắm tàu ngày 24-2-1646 (C.Sommervoguel, Bibliothèque de la Compagnie de Jésus, Nouvelle édition, Louvain 1960 coi chữ Gaspar d’Amaral – Có thể đọc thêm tiểu sử G.d’Amaral trong Franco, Imagem da virtude em o noviciado de Coimbra, quyển II, tr.522-523.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *