Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam

LÒNG NHIỆT THÀNH CỦA BỔN ĐẠO VIỆT NAM

Tác giả: Đỗ Quang Chính SJ.

Nói đến lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam suốt từ khi truyền giảng Tin Mừng “chính thức” kể từ 1615 đến nay, là công việc lớn lao. Vì vậy, trong bài này chúng tôi chỉ xin nói một số sự việc giới hạn trong mấy chục năm đầu cuộc truyền giáo, tức vào khoảng 1615-1660; tuy thế cũng sẽ giúp ta thấy được, dù đạo Chúa còn mới mẻ đối với người Việt, nhưng ai đã tin rồi, thì sống đạo rất nhiệt thành, hy sinh, can đảm. Phải nói rằng đây là thời gian đặt nền móng vững chắc cho Giáo hội Việt Nam.

Ngày xưa Giáo hội Việt Nam quen dùng danh xưng bổn đạo hơn các danh xưng khác, như: con chiên, con chiên bổn đạo, giáo đồ, tín hữu, giáo hữu, đạo hữu, Kirisităng, Kirisităng bổn đạo, giáo dân, Kitô hữu… Thực ra muốn chỉ rõ lớp người không phải là linh mục, giáo sĩ, tu sĩ, có lẽ nên dùng từ giáo dân như ngày nay. Nhưng chúng tôi xin dùng danh từ bổn đạo là cách dùng phổ biến trong Giáo hội Việt Nam xưa, phổ biến hơn cả danh từ giáo hữu. Còn danh từ giáo dân, Kitô hữu xem ra mới được dùng tư trên nửa thế kỷ nay. Ở đây chúng tôi chỉ nói tới bổn đạo (nay gọi là giáo dân), không nói tới linh mục, thầy giảng, nữ tu Việt Nam xưa.

Không ít người theo đạo Đức Chúa Blời đất

Nói được chăng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tín ngưỡng, thậm chí là một dân tộc đậm tính tôn giáo. Nhờ đó, các hình thức, nghi lễ thuộc loại tín ngưỡng, tôn giáo, như Thành Hoàng, Bàn thờ Thiên, tế đàn Nam giao, Trang thờ và Tam giáo, đã từ bao nhiêu thế kỷ cắm rễ sâu vào xã hội Việt. Đến thế kỷ XVI và nhất là từ đầu thế kỷ XVII, khi một tôn giáo, thực tế là từ phương Tây, vào xã hội Con Rồng Cháu Tiên, cũng được một số người tận tình, nhiệt tâm, thành tín tiếp nhận. Tôn giáo này, gọi chung là đạo Thiên Chúa, hay nói đúng ra là đạo Công giáo, dù về giáo lý, hình thức tế tự, hàng giáo sĩ, khác hẳn với các tín ngưỡng, tôn giáo thời đó trên đất Việt, nhưng số người mộ đạo mới này cũng chẳng phải là hiếm hoi. Lạ đấy!

Đạo Công giáo “chính thức” có mặt ở Đàng Trong kể từ ngày 18-1-1615, đến năm 1640 có khoảng 15.000 bổn đạo, theo tờ biểu của ba vị đại diện giáo đoàn Đàng Trong đệ lên Đức thánh cha Urbanô VIII (1); đến năm 1665 con số bổn đạo được gần 50.000 sau một nửa thế kỷ truyền đạo. Còn ở Đàng Ngoài, đạo Công giáo “chính thức” có mặt kể từ ngày 19-3-1627, khi hai nhà truyền giáo Pedro Marques (2), người Bồ Đào Nha và Alexandre de Rhodes (ngày nay quen gọi là Đắc Lộ từ năm 1941) người Avignon, đặt chân lên cửa Bạng, Thinh Hoa (Thanh Hóa). Tạm dừng chân ở cửa Bạng hai tuần lễ, nhưng hai giáo sĩ đã rửa tội được 32 người. Tháng 5-1630 hai giáo sĩ rời bỏ Đàng Ngoài, thì đã có 6.700 người tòng giáo (chỗ khác Đắc Lộ tổng cộng được 5.602 người) thuộc nhiều tầng lớp xã hội (3). Trong thập niên 1631-1640, trung bình mỗi năm có trên 8.000 người được rửa tội theo sổ sách của Cardim (4) và Amaral (5) là những người truyền giáo thời đó tại kinh đô Thăng Long đã ghi nhận(6); ví dụ: năm 1631: 5.727 người, năm 1633: 9.797, năm 1635: 8.176, năm 1637: 9.707, năm 1640: 10.507.

Năm 1659 Đàng Ngoài có 340 nhà thờ, nhiều nhất là ở Sơn Nam xứ. Về tân giáo đoàn Đàng Ngoài năm 1663, cha Tissanier ghi  nhận n hư sau:

“Thường thường mỗi năm từ 7.000 đến 8.000 người được rửa tội, và người ta thấy qua sổ rửa tội của các nhà thờ, thì từ năm 1627, năm khai sinh cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài, cho đến năm 1663, đã có trên 350.000 lương dân được tái sinh trong nước thanh tẩy; các Giêsu hữu có sáu cư sở (résidences), chẳng có Xứ nào trong vương quốc lại không dựng đền thờ Thiên Chúa chân thật. Số đền thờ này lên tới 386” (7).

Qua những sự kiện trên đây, người ta thấy được người Đàng Ngoài tin theo đạo Chúa nhiều hơn người Đàng Trong. Số bổn đạo Đàng Ngoài gia tăng mau chóng, vì xem ra đạo “mới” này thích hợp với người Việt Đàng Ngoài hơn. Nếu so sánh với các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Indonesia cùng trong thế kỷ XVII, cũng thấy đựơc người Đàng Ngoài thời ấy theo đạo Công giáo nhiều hơn. Trong bản báo cáo với Bề trên Cả Dòng mình ngày 2-11-1647, cha João Cabral (8)viết: “Con nhận xét trong cõi phương Đông, chẳng có dân tộc nào có điều kiện thích hợp với Kitô giáo hơn dân tộc Đàng Ngoài. Đó là một dân tộc đơn sơ, ngoan hiền, không vương mắc những thói tật xấu xa, thường làm cho người ta khó thực hành các nhân đức Kitô giáo”(9).

Không kể các lý do siêu nhiên, thì nguyên nhân tự nhiên do văn hóa, như khung cảnh, nếp sống, tín ngưỡng phong tục xã hội… xem ra thuận lợi cho đạo Công giáo, một Công giáo thế kỷ XVII với những “cơ cấu đạo” dễ được Đàng Ngoài chấp nhận hơn Đàng Trong và các dân tộc láng giềng.

Chính cha João Cabral sau khi đi kinh lý giáo đoàn Đàng Ngoài, ngày 12-10-1647 đã báo cáo về Roma như sau (10):

– Người dân Đàng Ngoài tòng giáo chỉ vì phần rỗi linh hồn; họ từ bỏ nếp sống cũ, đến nỗi như trước đây họ chưa theo tôn giáo nào;

– Đàng Ngoài không có giai cấp (castes) và không phải kiêng khem một số đồ ăn như tại Ấn Độ; họ không có những thói xấu như nhiều dân khác;

– Bổn đạo Đàng Ngoài kính trọng các cha khác thường; chẳng gì làm cho họ buồn tủi bằng khi các cha từ chối đồ lỡi (lễ) của họ;

– Bổn đạo Đàng Ngoài yêu thương nhau như anh em.

Trong bản báo cáo của cha Cardim được ấn hành năm 1646 tại Paris, còn ghi nhận thêm mấy lý do khác, làm cho dân Đàng Ngoài dễ theo đạo Công giáo (11):

– Một người vừa “chịu đạo”, liền tỏ ra rất nhiệt thành, đi khắp các làng mạc, truyền bá đạo mới cho đồng bào, nhất là cho bà con thân thích;

– Các quan thường đối xử với dân cách kiêu căng, hống hách; nhưng sau khi theo đạo mới, lại tỏ ra nhân từ, đại lượng với dân;

– Khi dân tới cửa quan, phải phục lạy quan sát đất; còn đối với các cha, bổn đạo muốn lạy các cha cũng không cho;

– Đồng bào lương thấy anh chị em bổn đạo tổ chức an táng, giỗ chạp long trọng, thì cho là đạo mới này dạy con người phải rất hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Sống đạo hết mình

Khoảng trung tuần tháng 4-1627, vì đang phải chỉ huy đại quân gồm 120.000 người đi đánh chúa Nguyễn Phước Nguyên (12) ở Đàng Trong, nên sau khi tiếp đoàn thương gia Bồ Đào Nha cùng hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ (có lẽ trên một khúc sông Đáy), chúa Trịnh Tráng (13) cho hai giáo sĩ tạm trú ở trong một nhà tại An Vực, Thanh Hóa. Nhờ biết tiếng Việt và có nhiều sáng kiến, nên cha Đắc Lộ tiếp xúc thoải mái với dân chúng ở An Vực cùng các làng chung quanh, đặc biệt Vân No, hữu ngạn sông Mã, đối diện với An Vực. Đắc Lộ chỉ tạm ở đây trong hai tháng, vậy mà đã có 200 người được lãnh nhận bí tích rửa tội (14).

Đặc biệt một ông cụ 85 tuổi, Đắc Lộ gọi là Sãi, thông thạo chữ Hán, được dân chúng trong vùng rất kính trọng, xin gia nhập đạo Chúa, mang tên thánh là Gioakim. Nhiều người nam cũng như nữ thấy thế cũng theo gương cụ xin theo đạo. Tuy đã cao tuổi, Cụ rất thích học giáo lý; hằng ngày Cụ có mặt trong nhà hai giáo sĩ ở An Vực để trau giồi kiến thức về đạo. Vào một buổi trưa nọ, Đắc Lộ nghĩ rằng cần phải để Cụ nghỉ ngơi, nên cha đã nhờ một thiếu niên chép lại một số kinh trong đạo dành cho người tân tòng đọc, mà không nhờ Cụ. Cụ liền tỏ ra phiền trách Đắc Lộ đã không nhờ mình là người thông thạo chữ Hán và viết đẹp hơn những người khác. Từ đó Đắc Lộ thường xuyên nhờ Cụ trong thời gian cha còn ở An Vực và Vân No (15). Cụ Gioakim thấy Đắc Lộ phải giảng giải, dâng Thánh lễ, làm bí tích thánh tẩy trong một ngôi nhà quá chật hẹp, nên Cụ dâng cúng ngay một miếng đất gần đó để làm một nhà thờ bằng gỗ theo kiểu địa phương. Dân chúng đóng góp vật liệu như tre, gỗ, còn các thương gia Bồ Đào Nha góp công sức trang trí nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành ngày 3-5-1627 mang tước hiệu “Tìm thấy Thánh giá”(16).

Cũng tại An Vực vào khoảng cuối tháng 5-1627, gần ngôi nhà thờ nói trên đây, có một nhóm người phong cùi tụ hợp sống chung với nhau, được Đắc Lộ đến thăm dạy giáo lý làm cho nhiều bệnh nhân tin đạo dễ dàng. Trong số bệnh nhân này, một người tên thánh là Simon, khá thành thạo chữ Hán, nên ông tình nguyện chăm chỉ chép lại các kinh, kể cả Mừơi điều răn, do Đắc Lộ trực tiếp đọc cho Simon chép để học, rồi ông dạy lại cho các bệnh nhân trong nhóm. Chính nhóm người không được may mắn này bị cách ly với đồng bào, chẳng mấy ai dám đến gần, cũng chẳng dám vào Nhà thờ mới dựng gần đó, nên họ tự động dựng một nhà nguyện ngay trong rào trại của họ, cứ ngày Chúa nhật họ đều họp nhau trong nhà nguyện đọc kinh chung trước bức ảnh đạo do Đắc Lộ tặng cho họ (17).

Khoảng 1650, cha João Barbosa ca tụng lòng nhiệt thành đạo đức của bổn đạo Đàng Ngoài, giống như các tập sinh trong một Dòng tu. João Barbosa nhận định cũng tương tự như João Cabral, được Đắc Lộ tóm lược như sau (18):

“Bổn đạo siêng năng đọc kinh chung sáng tối trong gia đình; không bao giờ bỏ việc đọc kinh như thế, trừ khi quá bận rộn và vì những công việc đã hứa hẹn. Vì thế, gia đình nào cũng có bàn độc (bàn thờ) được trang trí bằng những thứ quý nhất tuỳ theo khả năng của họ. Bổn đạo sẵn sàng bớt một vài món cần thiết cho cái ăn, cái mặc, hơn là chịu thiếu bàn thờ. Trên bàn thờ ngoài Thánh giá và các ảnh tượng được làm bằng những chất liệu quý hóa, nghệ thuật, chạm khắc trên ngà, mu rùa, họ còn treo một chiếc bình đẹp đẽ có nước thánh, cùng với tràng hạt Mân Côi, roi đánh tội và một vài thứ khác họ dùng thường xuyên vào việc hãm mình. Một việc đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là bổn đạo có những “bàn thờ nhỏ di động” (oratoires portatifs) mang theo mình khi phải xa nhà; tới nơi nào là họ mở “bàn thờ” ra đọc kinh cầu nguyện sốt sắng.

Nhiều bổn đạo Đàng Ngoài tỏ ra rất tin vào Chúa, nên họ đeo hai Thánh giá, một trên ngực, một trên cánh tay; Thánh giá trên ngực đối với họ như là thuẫn đỡ, còn trên cánh tay như là gươm giáo để chống lại ma quỷ. Ở Đàng Trong, cụ thể tại Thành Chiêm, Hội An, bổn đạo rất thích đeo tràng hạt Mân côi trên cổ, mà đeo ngoài cổ áo, chẳng những vì sùng mộ, mà xem ra như muốn chứng tỏ cho những người khác biết là mình đã theo đạo Đức Chúa Blời đất. Vào năm 1625, các quan chức Quảng Nam dinh tỏ ra không ưa đạo Hoa Lang, vì cho rằng đó là đạo mọi rợ, ngoại lai, làm cho con người mất lòng yêu kính, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trước tình trạng này, các thừa sai phải yêu cầu bổn đạo đừng đeo ảnh Thánh giá và tràng hạt ngoài cổ áo. Nhưng bổn đạo cho rằng làm như thế là hèn nhát, không xứng đáng với “con nhà có đạo”. Các cha phải giải thích là đạo không ngăn cản người ta can đảm, mà chỉ ngăn cản kẻ càn dở. Bổn đạo nghe ra, chịu theo lời các cha”.

Cha Đắc Lộ phải thốt lên khi thấy tâm hồn trong trắng và đạo đức của bổn đạo Đàng Ngoài trong việc xưng tội rứơc lễ: “Tôi phải thành thực nói là chẳng gì làm tôi cảm động khi thấy trong vương quốc này có bao nhiêu bổn đạo là dường như có bấy nhiêu thiên thần. Trước ngày rước lễ, họ ăn chay đánh tội; nếu tôi không ngăn cản thì họ rước lễ hơn một lần trong tuần (19). Mỗi khi dọn mình xưng tội họ khóc lóc như là mình đã phạm nhiều tội lớn lao; tuy nhiên tôi có thể nói rằng, khi giải tội cho họ, tôi thường thấy không có đủ chất liệu (matière) để giải tội, chẳng những là đối với một số ít người mà có khi đối với cả một xóm đạo”(20).

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *