(mp3) nghe bài Đón Chúa vào nhà
Bạn trẻ thân mến,
Chúa không chê bất kỳ ngôi nhà nào của chúng ta. Dù nhà của ta thế nào, nhà tranh hay nhà ngói, cao hay thấp; và cả căn nhà tâm hồn chúng ta cũng thế, dù ngổn ngang hay được dọn dẹp ngăn nắp, nếu chân thành mời Chúa ghé vào, thì Chúa cũng vui lòng. Thời của Chúa, nhà của Da-kêu được xem là nhà của quân tội lỗi, cần phải xa tránh, nhưng Chúa lại ghé vào đó và ơn cứu độ theo Chúa đến với nhà của ông.
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và Da-kêu diễn ra sau phép lạ Chúa chữa lành cho người mù tại Giê-ri-khô. Chúa Giê-su đang đến cuối hành trình tiến về Giê-ru-sa-lem, Ngài đi ngang qua nơi ấy, thì có ông Da-kêu, thủ lãnh nhóm thu thuế, tìm cách gặp Người.
Đứng đầu nhóm người thu thuế, những người được cho là quân tội lỗi, Da-kêu chẳng mấy có được cảm tình của dân chúng. Thậm chí dân chúng còn tẩy chay ông vì ông làm tay sai cho quân Roma, đang cai trị đất nước Do-thái. Ông thu góp tiền của của dân mình để cống nạp cho ngoại bang. Ông đang sống trong sự giàu sang với một gia tài kết sù, nhưng lại thiếu vắng tình thương yêu của người đồng hương. Có thể Da-kêu đã từng nghe biết về danh tiếng Chúa Giê-su. Ông nghe biết người là Đấng Tốt Lành, thương yêu người tội lỗi, mang lại niềm vui cho những kẻ bất hạnh. Là người đang khát khao tình thương đồng loại, khi nghe danh tiếng Giê-su như thế, ắt hẵn ông cũng ao ước được thấy Giê-su một lần trong đời. Hôm nay, được biết Chúa Giê-su đi ngang qua vùng đất mình đang sống, ông đã không bỏ qua cơ hội hiếm có này.
Trở ngại đầu tiên đến với ông chính là đám đông. Họ chắn tầm nhìn của ông bởi vì ông quá lùn. Họ làm cho ông không thể nhìn thấy Chúa Giê-su; và dĩ nhiên, Chúa Giê-su cũng không thể nhìn thấy ông được. Ông nảy ra một sáng kiến tuyệt vời, mặc dầu có vẻ giống một đứa con nít. Ông tìm thấy một cây xung và leo lên đó, hy vọng có thể vượt qua rào chắn tầm nhìn của đám đông. Hành vi này thật không hợp với địa vị xã hội ông đang có chút nào; nhưng, điều đó không quan trọng vì ông đặt nhu cầu gặp Chúa lên trên sĩ diện. Vượt quá sự mong đợi, Chúa ngước mắt nhìn ông. Việc Chúa “ngước mắt nhìn ông” như là một khởi đầu mang lại niềm hân hoan. Chẳng đợi mời, tự nhiên như một người bạn, Chúa nói với Da-kêu: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Còn điều gì hạnh phúc dành cho ông trong cuộc đời hơn là điều đang diễn ra!
Da-kêu làm độc giả ngạc nhiên với lòng quảng đại và sự chân thành. Ông tuyên bố chia một nửa gia tài cho người nghèo; và nếu ông có làm tổn hại đến ai điều gì, dựa trên phân nửa còn lại, ông sẽ đền bù gấp bốn. Quả là một dấu hiệu của sự hoán cải hoàn toàn! Đến với ông, Chúa không làm những phép lạ, nhưng chính sự hiện diện của Ngài là một phép lạ lớn đối với ông. Từ nay, con người ông sẽ thay đổi, ông sẽ sống cho tình yêu của Thiên Chúa và cho những thân phận bất hạnh, nghèo khổ quanh ông. Chúa Giê-su đã khẳng định với ông trước những người dự cuộc một phần thưởng quý giá : Hôm nay, ơn cứu độ được trao ban cho nhà này vì đó cũng là một người con của Áp-ra-ham. Bởi vì Con Người đến để tìm kiếm và cứu độ những gì đã hư mất.
Hình ảnh của Da-kêu để lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ. Ông đã kể như bị loại đằng sau rào cản của đám đông, một mình lẻ loi trên cây. Thế mà, ông đã làm một điều thật tuyệt vời với những người đã từng chê bai ông này kia. Ông cũng đã không để quá khứ tội lỗi ảnh hưởng lên mình, và cũng không để những ấm ức mà những người khác gây ra cho ông chi phối tấm lòng của ông với Chúa. Ông chỉ biết rằng, ông nhận được hồng phúc lớn lao khi được Chúa ở nhà của mình, và điều ông cần phải làm là mở cửa nhà mình đón nhận những thân phận nghèo khổ khác, để họ cũng được chung hưởng niềm hạnh phúc của ông.
Hành xử của Chúa cũng cho chúng ta một bài học quý: khi Ngài vào trọ nhà người được xem là tội lỗi, đám đông xầm xì với nhau và phản đối cách hành xử thường lui tới với quân tội lỗi của Ngài. Chúa đã không để áp lực của đám ông ảnh hưởng lên sứ vụ của Ngài, sứ vụ mang tình thương đến cho con người. Vào thời cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, các ki-tô hữu ở Giê-ru-sa-em cũng trách cứ ông Phê-rô vào nhà những người không chịu cắt bì và còn ăn uống với họ nữa (cf. Cv 11,2-3). Ngay cả bây giờ, môn đệ của Chúa cũng bị người đời dèm pha nếu như họ tui tới những nơi, hoặc những người được xem là không thích hợp với họ. Môn đệ của Chúa không phải là những người đóng khung chính mình vào những khuôn khổ riêng biệt nào đó, nhưng phải là những người nhập thế, đi vào thế giới với thông điệp tình yêu của Thiên Chúa.
AMDG
RADIO VATICANA
CHUYÊN MỤC: Lửa
NGƯỜI VIẾT: Nguyễn Hiền Nhu