Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng

 

1.   Lược Sử

Ngày 27/3/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng-The Pope’s Worldwide Prayer Network, một Công trình Tông đồ trực thuộc Toà Thánh, với Văn phòng trung ương đặt tại Vatican”.[1]

Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng (The Pope’s Worldwide Prayer Network-PWPN) là một Công cuộc Tông đồ trực thuộc Tòa Thánh, nhằm hiệp nhất các Kitô hữu trong lời cầu nguyện, tình liên đới và hiệp thông. Mạng lưới hiện diện ở hơn 100 quốc gia, cung cấp một nền linh đạo cho các Kitô hữu, cá nhân hay cộng đoàn, gia đình hay giáo xứ, trong việc đào luyện để mở lòng ra với thế giới và phục vụ sứ mạng của Giáo Hội.

Tiền thân của PWPN là Hội Tông Đồ Cầu Nguyện (Apostolate Prayer-AP), khai sinh tại Valsprès-le Puy, nước Pháp, ngày 3/12/1844, từ một nhóm tu sĩ trẻ Dòng Tên, do cha linh hướng Px. Gautrelet, SJ. hướng dẫn.[2] Hội Tông Đồ Cầu Nguyện nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới, liên kết hàng triệu giáo dân. Toà Thánh chuẩn nhận Hội Tông Đồ Cầu Nguyện lần đầu tiên, cấp Giáo hội phổ quát, tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Và Giáo Sĩ, qua Sắc lệnh ngày 27/7/1866.

  • Năm 1866, Đức thánh cha Pi-ô IX chuẩn nhận Qui chế Hội Tông Đồ Cầu Nguyện.
  • Qua Nghị quyết ngày 28/5/1879, Đức thánh cha Lê-ô XIII trao phó ý cầu nguyện hàng tháng của ngài cho Hội Tông Đồ Cầu Nguyện.
  • Đức Thánh Cha Lê-ô XIII chuẩn nhận Qui Chế mới, ngày 11/7/1896; Đức Thánh Cha Pi-ô XII chuẩn nhận ngày 28/10/1951; và Đức Thánh Cha Phao-lô VI chuẩn nhận ngày 27/3/1968.

Hội Tông Đồ Cầu Nguyện được Toà thánh chuẩn nhận và uỷ thác cho Dòng Tên. Cha Bề trên cả Dòng Tên đặt cha Henri Ramière, SJ. làm Giám đốc đầu tiên của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện. Ngài đã giúp ổn định và phát triển Hội Tông Đồ Cầu Nguyện vượt qua biên cương nước Pháp. Từ năm 1865, nhiều trẻ em gia nhập Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, nên nhánh dành cho trẻ em hình thành và phát triển, có đến hàng trăm ngàn thành viên, trong số đó có thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giêsu, tham gia năm 12 tuổi.[3]

Ngày 13/11/1915, cha Albert Bessière, SJ và Sr. Genevière Boselli thành lập “Nghĩa Binh Bordeaux” (Pháp). Từ đây nhánh dành cho trẻ em của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện được gọi là “Phong Trào Nghĩa Binh Thánh Thể”. Năm 1933, khi gặp gỡ gần một triệu thiếu nhi, trong độ tuổi 7-12, Đức Thánh Cha Pi-ô XI đã coi “Phong Trào Nghĩa Binh Thánh Thể” là “trường đầu tiên cho Phong Trào Công Giáo Tiến Hành”. Sau cùng, theo sáng kiến của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, khởi sự từ Pháp, “Phong Trào Nghĩa Binh Thánh Thể” được gọi là “Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể” (Eucharistic Youth Movement-EYM) như ngày nay.

Năm 1929, hai cha thuộc tu hội Xuân Bích (Sulpice), từ Pháp đến Việt Nam, đã lập “Nghĩa Binh Thánh Thể” tại Hà Nội; và Phong Trào Nghĩa Binh Thánh Thể đã nhanh chóng lan rộng ra trong Giáo hội Việt Nam. Năm 1965, danh xưng “Phong Trào Nghĩa Binh Thánh Thể” được đổi thành “Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam”, với bản Nội Qui mới, được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận năm 1971. Từ năm 1975 trở đi, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, qua cộng đồng di dân Việt Nam.

Ngay từ khi khai sinh và được chuẩn nhận, Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, bao gồm nhánh dành cho thiếu nhi-giới trẻ, “Phong Trào Nghĩa Binh Thánh Thể”, đã được Toà Thánh uỷ thác cho Dòng Tên.[4] Theo đề nghị và hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha Bề Trên Cả Dòng Tên, Adolfo Nicolas, SJ, đã thực hiện tiến trình tái tạo Hội Tông Đồ Cầu Nguyện. Ngày 3/10/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn nhận văn kiện “A Pathway With Jesus In Apostolic Readiness-Một Cách Đồng Hành Cùng Chúa Giêsu Trong Sự Ứng Trực Tông Đồ”, định hướng công cuộc tái tạo này.

Qua thư gửi các Giám Mục ngày 7/7/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cha Frederic Fornos, SJ, làm Tuyên uý Quốc tế Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, bao gồm Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể. Tháng 7/2017, cha Bề Trên Cả Dòng Tên, Arturo Sosa, SJ và cha Tuyên uý Quốc tế Frederic Fornos, SJ, trình bày bản Qui Chế Phác Thảo Đầu Tiên: canh tân Hội Tông Đồ Cầu Nguyện thành Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng, bao gồm Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể. Từ đó, Qui Chế mới ra đời và được gửi đến Văn phòng Thư ký Toà thánh ngày 14/3/2018, được Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn nhận ngày 10/4/2018.

Logo chính thứ

 

2.   Linh Đạo và Sư Phạm

Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng được thiết lập trên nền tảng linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu như được viết ra trong tài liệu: “Nẻo Đường Với Chúa Giêsu Trong Sự Ứng Trực Tông Đồ,” tạo ra một hành trình cho người môn đệ Chúa Giêsu hòa hợp cảm nhận và hành động của họ với Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Trong tư cách và hình thức tổ chức mới, đường hướng thiêng liêng theo tinh thần mà Cha F.X. Gautrelet, S.J., đã được gợi hứng năm 1844, vẫn còn nguyên giá trị và tính hữu hiệu. Nguyên tắc của đường hướng thiêng liêng này là: ứng trực mang tính tông đồ và cộng tác vào sứ mạng của Chúa Giêsu. Đây là nguyên tắc sống tương quan cá vị và thiết với Chúa Giêsu, được biểu trưng bằng Thánh Tâm Người, để phục vụ Hội thánh theo mạng lưới cầu nguyện toàn cầu, và phục vụ cho công bình.

a.   Lòng Trắc Ẩn Dành Cho Thế Giới Và Con Người

Những ý chỉ cầu nguyện được Đức thánh cha gợi ý mỗi tháng cung cấp cho người Công giáo một lộ trình thiêng liêng đi vào trong sự hiệp thông và thương cảm với những thách đố mà nhân loại và sứ mạng của Giáo hội đang đối diện. Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng chịu trách nhiệm truyền bá những ý chỉ này khắp thế giới và dấn thân thúc đẩy những ý chỉ này, để mỗi tháng, những giờ cầu nguyện và hoạt động của các thành viên sẽ được hướng dẫn bởi và cho những ý chỉ này. Khi đón nhận và cầu nguyện cho những ý chỉ này, mỗi người mở rộng cái nhìn và trái tim mình cho những nhu cầu của thế giới, nhận lấy vào mình “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” của nhân loại, và của Giáo hội. Hành trình thiêng liêng của Mạng lưới Cầu nguyện này giúp mỗi người đào luyện bản thân vượt qua “chủ nghĩa vô cảm toàn cầu,” và mở rộng lòng xót thương cho thế giới.

b.   Hiệp Thông Với Sứ Mạng Của Chúa Con: Con Đường Của Trái Tim (the Way of the Heart)

Thông qua việc tham gia vào Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng, ơn gọi tông đồ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội của các thành viên được thức tỉnh, cho phép họ cộng tác trong đời sống thường ngày vào sứ mạng mà Chúa Cha giao phó cho Chúa Con. Theo cách này, trong chính mình, họ trở nên sẵn sàng và mở lòng cho lời mời gọi của Thiên Chúa, qua Chúa Thánh Thần, nhằm lôi kéo con tim và hướng dẫn lương tâm. Hành trình này, được gọi là “Con Đường Của Trái Tim-The Way Of The Heart,” biến đổi đời sống những người tham gia vào Mạng lưới và giúp họ sẵn sàng phục vụ sứ mạng của Giáo hội.

Hành trình thiêng liêng này tích hợp những yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô hữu, kiến tạo nên một trường học của con tim, vì nó thấm đượm mọi cảm nhận của Thánh Tâm Chúa Giêsu trong câu chuyện đời thực của từng môn đệ của Người. Trong các giai đoạn được cấu trúc một cách sư phạm, hành trình thiêng liêng này được dùng để giúp tham dự viên đồng cảm với những suy nghĩ, ước muốn và dự phóng của Chúa Giêsu; theo cách này, người Kitô Hữu đặt mình trên con đường đón nhận và phục vụ Nước Thiên Chúa, được thiêu đốt bởi lòng thương xót, theo cách của Con Thiên Chúa.

c.   Hình Thái Tổ Chức: Mạng Lưới Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng

Phong trào Tông Đồ Cầu Nguyện, trong tư cách và hình thức tổ chức mới mẻ, như một Mạng lưới Cầu nguyện trực thuộc Tòa Thánh, là một nẻo đường thiêng liêng được gợi hứng nơi hình tượng trái tim. Chính sự đồng điệu của trái tim nhân loại với Thánh Tâm Chúa Giêsu làm phát sinh một ước muốn đáp lại những nhu cầu của con người ngày hôm nay.

Hình thái tổ chức mới mẻ này có đặc nét của giới trẻ, hội nhập hơn nữa định hướng huấn luyện Thiếu nhi và người trẻ trong Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể. Đồng thời, mạng lưới cầu nguyện sẽ có chức năng truyền giáo, khi những chương trình của mạng lưới này sẵn sàng đào tạo và canh tân đời sống thiêng liêng của anh chị em tín hữu, cho dù họ thuộc đoàn thể, tổ chức hay giáo hội địa phương nào.

Trên hết, hình thức mạng lưới của Tông Đồ Cầu Nguyện nhắm mục tiêu đào luyện mỗi người nên giống Chúa Giêsu. Hình thái tổ chức như một Mạng lưới Cầu nguyện có thể giúp mỗi người đặt Chúa Giêsu làm trung tâm của đời sống và sống với Người bằng một tình bạn thân thiết. Trong Mạng lưới Cầu nguyện này, các tín hữu sống tình bạn với Chúa Giêsu và với nhau; và mỗi người được mời gọi để cộng tác với Chúa Giêsu, sẵn sàng cho sứ mạng yêu thương và phục vụ.

 

3.   Vận Hành Sứ Vụ

a.   Định Hướng Tổng Quát

Danh tính

Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng là một Công cuộc Tông đồ trực thuộc Tòa Thánh.

Sứ mạng

Hiệp thông với Đức Kitô, mở ra sự cộng tác và bác ái, với các cá nhân hay tập thể trong các tổ chức hay thể chế xã hội, trong sự hiệp nhất với các tín hữu hay với những người thành tâm thiện chí khác.

  • Cầu nguyện cho nhu cầu của nhân loại và Giáo hội, như được Đức Thánh Cha và các Giáo hội địa phương gợi ý;
  • Kết hiệp mật thiết người tín hữu với Chúa Giêsu;
  • Dấn thân phục vụ và thực thi bác ái.

Viễn tượng

Bằng cách trở thành một Mạng lưới Cầu nguyện ngang dọc thế giới, Tông Đồ Cầu Nguyện diễn tả một cảm thức mới mẻ về sự hiệp thông thiêng liêng giữa người với người, giữa các nhóm và đoàn thể, mà lời cầu nguyện của họ hướng đến sứ mạng của Giáo Hội, trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha.

b.   Tổ Chức Sứ Vụ

·     Giám đốc Văn phòng PWPN. Việt Nam

  • Là người đại diện chính thức và chịu trách nhiệm cao nhất về PWPN tại Việt Nam; và là Giám đốc Văn phòng PWPN. Việt Nam.
  • Sứ vụ:
    • Chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý và hướng dẫn toàn bộ hoạt động, bao gồm việc lập kế hoạch chi tiết, phân chia nhiệm vụ và đôn đốc thực hiện.
    • Phối hợp chặt chẽ với Ban phục vụ, nghe ý kiến và gợi ý từ ban này để định hướng và tinh chỉnh đường hướng hoạt động thực tế.
    • Thực hiện việc tổng hợp thông tin, dữ liệu và lượng giá định kỳ về tiến trình thi hành sứ vụ.

·     Ban phục vụ-nhóm nòng cốt

  • Gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân có uy tín.
  • Sứ vụ:
    • Hỗ trợ Giám đốc về kế hoạch, đường hướng & chương trình hoạt động.
    • Tham gia nhận định và đưa ra đề xuất, ý kiến và góp ý cho đường hướng hoạt động, đảm bảo rằng mọi quyết định đều phản ánh kết quả nhận định thiêng liêng chung.
    • dõi và đôn đốc thực hiện kế hoạch; có trách nhiệm đánh giá hiệu suất hoạt động, chỉ ra những điểm mạnh, yếu và đề xuất những phương án cải thiện.

·     Văn phòng PWPN

  • Thành viên Ban phục vụ, phụ trách Vp. PWPN.VN.
  • Sứ vụ:
    • Quản lý Vp. PWPN: cơ sở vật chất, dữ liệu, chương trình,…
    • Tham gia các cuộc họp và giữ liên lạc trong mạng lưới; sắp xếp lịch họp, thông báo lịch trình, chuẩn bị tài liệu,… các cuộc họp theo triệu tập của Giám đốc Vp. PWPN.VN.
    • Kết nối, xây dựng và gìn giữ Mạng lưới.
    • Giữ liên lạc với thành viên đội ngũ trực thuộc Vp. PWPN.VN.

·     Tài chính

  • Thành viên Ban phục vụ, phụ trách tài chính và chương trình gây quỹ.
  • Sứ vụ:
    • Xây dựng mạng lưới ân nhân và chương trình gây quỹ.
    • Giữ liên lạc với ân nhân và đề xuất chương trình mục vụ cho ân nhân.

·     Truyền thông

  • Thành viên Ban phục vụ, phụ trách hoạt động truyền thông.
  • Sứ vụ:
    • Tạo lập và Quản lý phương tiện truyền thông và nội dung truyền thông: Chịu trách nhiệm cho việc sản xuất, biên soạn và cập nhật nội dung trên tất cả các kênh truyền thông, từ website, mạng xã hội, bản tin điện tử cho đến các ấn phẩm in ấn.
    • Đảm bảo rằng mọi thông tin liên quan đến ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha và Giáo hội được cập nhật một cách nhanh chóng và chính xác.
    • Phối hợp chặt chẽ với Vp. PWPN.VN và các nhóm, giúp quảng bá, thông báo và gây ý thức cho cộng đoàn dân Chúa qua các sự kiện, chương trình hay dự án tông đồ.

·     Mục vụ và Mục vụ Thiêng liêng

  • Thành viên Ban phục vụ, phụ trách các hoạt động Mục vụ & Mục vụ Thiêng liêng.
  • Sứ vụ:
    • Chăm sóc mục vụ cho thành viên trong các nhóm trực thuộc.
    • Vận hành các hoạt động Mục vụ và Mục vụ Thiêng liêng như Thánh lễ hàng tháng, Linh thao trong cuộc sống-online, Tĩnh tâm cuối tuần theo “Con đường của Trái tim”.

·     Nghiên huấn

  • Thành viên Ban phục vụ, phụ trách các hoạt động Tĩnh huấn, Linh thao và đào tạo.
  • Sứ vụ:
    • Điều nghiên tài liệu & xây dựng chương trình Tĩnh huấn và đào tạo Tác viên và Điều hợp viên Tông đồ Cầu nguyện; vận hành các chương trình Tĩnh huấn Tác viên Tin mừng, Phút hồi tâm, Cầu nguyện với lời Chúa,…
    • Điều nghiên tài liệu, xây dựng chương trình và đội ngũ vận hành chương trình Linh thao theo “Con đường của Trái tim”.

·     Click to Pray

  • Thành viên Ban phục vụ, phụ trách chương trình Click to Pray.
  • Sứ vụ:
    • Chuyển ngữ và biên tập nội dung, thiết kế hình ảnh bản cầu nguyện “Cùng Chúa Giêsu” hàng ngày.
    • Vận hành App Click to Pray-tiếng Việt.

·     Mạng lưới Cầu nguyện Việt Nam

  • Thành viên Ban phục vụ, phụ trách mạng lưới các cá nhân, gia đình hoặc nhóm thành viên Mạng Lưới Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng tại Việt Nam.
  • Sứ vụ:
    • Xây dựng mạng lưới và chăm sóc thành viên.
    • Vận hành chương trình Mục vụ và Mục vụ Thiêng liêng cho các nhóm thành viên.

 

[1] Đức ông Angelo Becciu, Phụ tá Thường vụ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, bộ phận I-Ngoại vụ, thư số 400.627, ngày 10/10/2018.

[2] Tài liệu “Tông Đồ Cầu Nguyện”, do Px. Gautrelet, SJ. soạn thảo năm 1846, được Đức giám mục H.E. chuẩn nhận ngày 24/6/1846.

[3] Aloys Van Doren SJ, Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể, Cầu nguyện và Phục vụ, 1-3/2000, Số 1, tr. 44.

Khi Thánh Têrêsa thành Lisieux bị các chị em mắng vì đã rời khỏi phòng bệnh khi còn rất yếu, ngài trả lời: “Nhưng em đang hành quân cho một nhà truyền giáo”. Ngài đã tham gia Tông Đồ Cầu Nguyện từ tấm bé, chính cách cầu nguyện được tiếp thu thuở nhỏ này khiến ngài sau này trở thành vị thánh bảo trợ cho các công cuộc truyền giáo, cùng với Thánh Phanxicô Xaviê (Thánh Têrêsa thành Lisieux, Những cuộc chuyện trò sau hết, Cerf, 1992, tr. 650).

[4] Một số phong trào-đoàn thể khai sinh từ Dòng Tên, được Toà thánh chuẩn nhận và uỷ thác cho Dòng Tên: Hiệp Hội Thánh Mẫu-CLC ngày nay, phong trào-đoàn thể sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu (từ thánh Claude La Colombiere, SJ-cha linh hướng của thánh Marguerite-Marie Alacoque); ngày 5/10/1986, qua thư gửi cha Bề trên cả Dòng Tên, thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II tín thác sứ mệnh quảng bá linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu cho Dòng Tên, đặc biệt qua Tông Đồ Cầu Nguyện.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 21-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Tràn đầy Thần …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …